Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Lạnh gáy "chuyện cọp" rừng Sác

Nhiều năm nay, trong những lần hội họp ở Hà Nội, tôi có cái thú đi máy bay giá rẻ qua ngõ Sài Gòn rồi mới bay ra Quy Nhơn, để những ngày cuối tuần hít thở không khí đất và người phương Nam.
Bởi vậy, đêm hôm trước được ngồi Vọng Ba Lâu ngắm mặt trời lặn trên Hồ Tây với bạn bè xứ Bắc cho tới tận đêm khuya, sáng hôm sau lại lên tháp Tang Bồng ngắm rừng ngập mặn Cần Giờ.


Trên tháp Tang Bồng

Vùng Rừng Sác thời mở cõi là giang sơn của những “chúa rừng” là cọp, “chúa nước” là cá sấu, cái thời có 42 ngàn ha rừng nguyên sinh trong đó thiên nhiên giành hơn một phần tư cho diện tích sông rạch. Nó còn lưu dấu trong những câu ca dao tục ngữ rợn tóc gáy như “Cọp Biên Hòa, Ma Rừng Sác”, “Sâu rạch lá, hạm (cọp) ăn thịt”, “Xuống sông sấu bắt lên rừng cọp tha”... 

Hoặc những địa danh “Xóm Ăn Thịt” ở xã Tam Thôn Hiệp, nghe nói vì cọp có lần nhảy xuống ghe tát chết ông chồng rồi lôi bà vợ lên bờ xé xác ăn thịt, bỏ lại bộ xương, đùm ruột và chiếc đầu bê bết máu! Người dân Rừng Sác còn kể thời đó có loài beo thường rình trong những lùm cây eo rạch, nhào tới móc họng người khi thấy có ghe xuồng đi qua. 

Cuộc tỉ thí giữa hai loài thú hoang trên cạn và dưới nước là con nưa chin mũi (trăn nước) và heo rừng. Chiến trường bùng nổ lúc về đêm, để sáng ra dân chúng bắt gặp xác của một trong hai loài tơi tả như mớ giẻ rách trên những gò nổng cao. Ở Lý Nhơn, ngay cả cái đình cũng có tích rùng rợn thờ Thần Không Đầu, dân gian kể là thờ ông Sáu Hạnh,​ một môn đệ của nguyên soái Trương Định bị giặc Pháp chém đầu vứt xuống sông! 

Những cái chết bất đắc kỳ tử trong cuộc đấu tranh thiên nhiên và xã hội nơi này đã khoác cho cơ thể đất đai một mầu sương khói bí ẩn, huyền hoặc. Đọc trong Lịch Vật hậu chia ra hăm bốn tiết trong năm, có tiết Vũ thủy, sơ hậu rái cá dâng mồi tế tổ, thì ở Cần Giờ đúng có cái ngày loài rái cá tập trung trên các gò nổi, bà con gọi là “ngày giỗ rái”.


Trong hương và khói đốt rơm đồng Cần Giờ

Từ nơi ba con sông gặp nhau, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp, tôi qua phà và đi miên man hơn ba chục cây số từ Bình Khánh về Vàm Sát, càng đi vào chốn hoang sơ, càng thấm thía ngày tiền nhân mở cõi. Giở bản đồ nhìn lên, ở đây như giữa Bà Rịa, Đồng Nai, Long An, còn một mặt giáp biển. 

Bỗng nhớ chuyện ái nữ của chúa Sãi là công nữ tài sắc Ngọc Vạn, được vua Chey Chettha II yêu quý lập làm hoàng hậu Chân Lạp với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac. Nhờ bà, ông con rể này của chúa Nguyễn đã đồng ý cho lập thương điếm ở Prei Kor (tức vùng Sài Gòn) và lập một dinh điền ở Mô Xoài (Bà Rịa ngày nay). 

Đám cưới Ngọc Vạn đã bốn trăm năm rồi, nhưng dường như hương phấn của cuộc tình vượt biên giới còn bảng lảng đâu đó, trên mây trời hào hoa Nam Bộ. Có thể ví, Ngọc Vạn là Huyền Trân công chúa của thế kỷ XVII.


Khu du lịch sinh thái Vàm Sát

Vùng rừng ngập mặn mênh mông với chà là, ô rô, vẹt, sú, đước… được định cư như những người dân tiên phong lập đất. Khi dưới chân là bùn lỏng mặn mòi được vun bồi ở cuối sông đầu bể, mắm và đước là những chiến binh tiền tiêu, nhờ bộ chân rễ chắc khỏe đương đầu với sóng to gió lớn, để chờ loài dừa nước làm hậu quân, định hình trong quy trình lấn biển. Bên cạnh đó, những khỉ đen, khỉ đột, kỳ đà, sóc bông, nai, tê tê, chồn hương, chồn đất, beo, mèo rừng, rái nước, trăn, sấu, cọp... 

Bây giờ, trải qua nhiều năm tháng, đã mai một nhiều loài, nhưng lang thang vào sâu trong Vàm Sát, nghe người ta nói nơi đây thống kê những bồ nông, cò quắm, sếu diệc, chàng bè, bìm bịp, cú quạ, le le, hồng hộc, ó, hải âu, vẹt... là có 51 loài chim nước và 79 loài chim trời; trên 700 loài động vật thủy sinh không xương sống; 130 loài cá; 9 loài lưỡng thê hệ động vật có xương sống; 31 loài bò sát; 4 loài có vú. 

Tắc kè (gekko gekko), kỳ đà nước (varanus salvator), trăn đất (python molurus), rắn cạp nong (bungarus fasciatus), rắn hổ mang (naja naja), rắn hổ chúa (ophiophagus hannah), vích (chelonia mydas), cá sấu hoa cà (crocodylus porosus)… là những cái tên mà người ta nắn nót ghi vào sách đỏ Việt Nam, đã có mặt ở đây.


Thuyền thúng Cần Giờ


Cầu treo ở Cần Giờ


Nai rừng Sác

Dường như sự hoang vu khốc liệt từ thời mở cõi đã tạo cho người bản địa sự can trường, hào hiệp, nghĩa khí tràn đầy làm nên một tính cách Nam Bộ truyền thống mà giờ đây người ta ngắm lại trong sách vở hoặc những bảo tàng. 

Càng đi thực địa vào thế giới hoang sơ như vùng rừng ngập mặn Cần Giờ chẳng hạn, càng dễ tiệm cận với những tính cách ấy, nơi người dân sau khi trằn lưng dưới ruộng muối nắng như đổ lửa hoặc lặn bắt bên những gộp đá nhiều hiểm họa, trở về trò chuyện cùng ta bằng những lời thật thà nhất, hồn hậu nhất. 

Bên cạnh những món ăn vật chất của thời khẩn hoang, đó chính là món ăn tinh thần cần thiết trong những khoảnh khắc cuộc đời, sau khi nếm mình trải rất nhiều hương vị tưng bừng chốn phồn hoa đô hội. 
Thực hiện NGUYỄN THANH MỪNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét