Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Cẩm nang du lịch An Giang mùa nước nổi

Nằm ở miền Tây Nam Bộ, vừa có vùng sông nước mênh mang, vừa có núi non kỳ vĩ lại giáp biên giới Campuchia, An Giang là một điểm đến thú vị mùa nước nổi.

Di chuyển
Nếu bạn đi xe khách, từ TP HCM chọn các hãng xe uy tín như Phương Trang, Hùng Cường, Nghĩa Huệ... khởi hành từ bến xe miền Tây.
Nếu chạy xe máy, tùy vào lịch trình và thời gian, bạn chọn các cung đường phù hợp. Một số cung đường tham khảo:
TP HCM - QL1A - Tân An - Cầu Mỹ Thuận - Sa Đéc - Lai Vung - Phà Vàm Cống - Long Xuyên - Tri Tôn.
TP HCM - QL1A - QL62 - Thạnh Hóa - Phà Cao Lãnh - Phà An Hòa - Châu Đốc - Tịnh Biên.
Lưu trú
Các khách sạn, nhà nghỉ tập trung nhiều ở hai thành phố Châu Đốc và Long Xuyên, rải rác ở các thị trấn của mỗi huyện. Lịch trình của chuyến đi càng cụ thể thì càng dễ chọn nơi lưu trú, nếu đi đoàn đông thì cần liên hệ trước.
Các điểm tham quan
An Giang là tỉnh có rất nhiều điểm tham quan rải rác ở các huyện, về An Giang mùa nước nổi, bạn không nên bỏ lỡ những điểm đến sau:
Thành phố Long Xuyên có ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chợ nổi Long Xuyên - nơi tập trung hàng trăm xuồng, ghe từ khắp nơi đến để mua bán hàng hóa, nông sản.
Từ thành phố Long Xuyên theo tỉnh lộ 943 đến thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn ngắm cảnh sơn thủy hữu tình.
Thành phố Châu Đốc có Núi Sam (Vĩnh Tế Sơn), từ đỉnh núi có thể nhìn toàn cảnh Châu Đốc và Kênh Vĩnh Tế. Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa và miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền...
1-JPG-8884-1411631350.jpg
Trải nghiệm ở rừng tràm Trà Sư.
Chợ Châu Đốc được xem như “vương quốc mắm” với rất nhiều sạp bán mắm và khô đủ loại. Nếu là lần đầu tiên về miền Tây, đừng bỏ qua chợ Châu Đốc với những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của người dân vùng nước nổi.
Bùng Bình Thiên (cách Châu Đốc 25 km) một hồ nước ngọt mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu) thuộc huyện An Phú. Búng rất đẹp vào mùa nước nổi với sắc vàng bông điên điển xen giữa sắc xanh lục bình. Xung quanh búng là ngôi làng Chăm còn vẹn nguyên những giá trị văn hóa xưa.
Rừng tràm Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên, có diện tích khoảng 850 ha với hệ sinh thái phong phú, là biểu trưng cho vẻ đẹp mùa nước nổi An Giang. Trải nghiệm đi thuyền giữa thảm bèo xanh ngút ngàn, len lỏi trong các ngóc ngách của rừng tràm, nghe tiếng chim chóc đùa giỡn trên tán tràm sẽ rất khó quên. Vé tham quan là 45.000 đồng/ người.
Chợ Tịnh Biên có bán nhiều đặc sản miền Tây mùa nước nổi, một số mặt hàng của Thái Lan, Cam-pu-chia cũng được bày bán. Chợ Tịnh Biên còn mang nét giao lưu văn hóa của người Việt, người Khmer.
Thất Sơn hay còn gọi là Vùng Bảy Núi là 7 ngọn núi tiêu biểu trong 37 ngọn núi ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Núi Cấm có độ cao 705 m, chiếm chu vi 28.600 m, là ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn,  có phong cảnh đẹp. Trên núi có: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, Cao Đài Tự…
Cánh đồng Tà Pạ (huyện Tri Tôn) như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Hồ Tà Pạ - dấu vết còn sót lại của khu vực khai thác đá trên đỉnh đồi mang vẻ đẹp thơ mộng, phẳng lặng như tranh thủy mặc.
2-JPG-3050-1411631350.jpg
Hồ Tà Pạ trong xanh thơ mộng.
Núi Cô Tô, tên Khmer là Phnom Ktô (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn) nhìn xa giống như con chim phượng hoàng khổng lồ đang sải cánh giữa đồng bằng mênh mông.
Đặc sản mùa nước nổi
Thiên nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long mang đến những đặc sản độc đáo: Lẩu cá linh bông điên điển, bánh xèo bông điên điển, chuột đồng nướng lu, bún cá Châu Đốc, lẩu mắm, bánh bò thốt nốt, cháo bò Tri Tôn, gỏi sầu đâu... Người Chăm có tung lò mò, cơm nị- cà púa...
3-JPG-1388-1411631351.jpg
Bánh xèo bông điên điển - đặc sản mùa nước nổi.
Lưu ý
Nên mặc trang phục gọn nhẹ, dễ vận động; mang theo áo mưa, kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, các loại thuốc cần cho khi bị dị ứng thời tiết hoặc đồ ăn lạ.
Thanh Tuyết

Những địa điểm nên đến tại An Giang 

Long Xuyên, Châu Đốc, rừng tràm Trà Sư là những nơi du khách không nên bỏ lỡ khi đến An Giang.

1. Thành phố Long Xuyên
Thành phố này là nơi hội tụ nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của miệt vườn sông nước miền Tây. Nơi đây có rất nhiều món ăn vặt, món vỉa hè, quán ăn với giá bình dân, hương vị đặc trưng.
Nếu tranh thủ đi trong đêm, bạn sẽ có mặt tại Long Xuyên vào sáng sớm và dành nửa ngày để thưởng thức một số món ăn đặc trưng nơi đây như cơm tấm nhuyễn trên đường Bùi Thị Xuân, đối diện với báo An Giang, mỗi đĩa cơm tấm có giá khoảng 17.000 đồng; bún cá tập trung nhất là dọc theo đường Lê Lợi (phường Mỹ Bình), một tô bún cá giá chỉ khoảng 18.000-20.000 đồng.
Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức lẩu mắm Cây Dừa - 95 Trần Hưng Đạo (đối diện Metro Long Xuyên), mỗi lẩu có giá 150.000-200.000 đồng; lẩu cháo cua đồng ngay khu cư xá Sao Mai, phường Mỹ Long có giá chỉ 60.000-70.000 đồng; bánh xèo gần trường Lý Thường Kiệt, trên đường Lý Thường Kiệt (ngay góc chợ Mỹ Bình), mỗi cái bánh có giá chỉ 12.000 đồng.
2. Thành phố Châu Đốc
Sau khi thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng của Long Xuyên, du khách có thể đi thêm 40 km theo quốc lộ 91 để về thành phố Châu Đốc tham quan một vài cảnh đẹp và thưởng thức thêm vào món đặc trưng.
Tại thành phố này, bạn có thể thỏa sức mua sắm nhiều đặc sản mắm trong chợ Châu Đốc như mắm cá sặc, mắm cá lóc, ba khía...; thưởng thức những món đặc trưng trên những nhà hàng bè ven sông như gỏi cá sặc sầu đâu, lẩu cá linh hoa điên điển...; thăm núi Sam, núi Cấm, núi Két, các làng bè cá trên sông; thăm lăng Thoại Ngọc Hầu...
Đặc biệt, bạn có thể đến miếu bà Chúa Xứ nằm ở chân núi Sam thuộc phường Núi Sam để cúng vái. Nơi đây là di tích lịch sử tâm linh, vào tháng 4 âm lịch hàng năm, người dân thường tổ chức lễ hội vía bà Chúa Xứ, được xem là lễ hội lớn nhất của An Giang.
Hoặc bạn có thể qua Tri Tôn xem lễ hội đua bò Bảy Núi, tham quan các ngôi chùa Khơ-me, núi Cô Tô, đồi Tà Pạ hay qua cửa khẩu Tịnh Biên ghé qua Campuchia mua sắm một vài vật dụng với giá khá rẻ.
3. Rừng tràm Trà Sư
An Giang là khu rừng ngập tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, đây cũng là nơi sinh sống của những loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Vì vậy, điểm tham quan đẹp nhất của An Giang có lẽ là rừng tràm Trà Sư thuộc vùng núi Thất Sơn của núi Cấm, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên. Khu rừng này nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km, được xem là khu bảo tồn hệ sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo nhất của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ven sông Cửu Long.
Với diện tích gần 850 ha, rừng tràm Trà Sư phủ một màu xanh của tràm, phía dưới là đám bèo tây mơn mởn giăng kín mặt nước. Du khách sẽ được tắc ráng rẽ nước để đưa vào sâu trong rừng tràm để tham quan.
4. Làng dệt thổ cẩm Châu Giang
Nằm ở Phũm Xoài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu, Làng dệt thổ cẩm Châu Giang còn được gọi là làng Thổ cẩm Phũm Soài hay Làng dệt thổ cẩm Châu Phong.
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống mà mọi người phụ nữ Chăm đều thạo, họ được học dệt từ khi còn nhỏ và đến khi trưởng thành đều là những người thợ dệt khá nhuần nhuyễn. Tại Châu Phong, phần lớn người dân sống bằng nghề dệt, các sản phẩm dệt ở đây có sà rông, áo, khăn choàng, nón, túi xách…
5. Làng người Chăm ở Châu Giang
Cộng đồng người Chăm sống ở An Giang khá nhiều, hình thành những xóm làng xen kẽ với người Kinh, tụ hợp đông đảo nhất có lẽ là ở huyện An Phú ngay đầu nguồn châu thổ, giáp Châu Đốc và Tân Châu.
Nhà sàn gỗ của người Chăm ở đây thường nhỏ nhắn, kiến trúc đẹp được dựng với nguyên liệu là các loại gỗ có độ bền cao để chịu được độ ngập nước mỗi mùa nước nổi và tùy loại gỗ quý hay không thể hiện sự giàu có của chủ nhân.
Mặt tiền nhà sàn có thang gỗ, cửa cái ra vào thấp hơn đầu người hàm ý khách vào nhà phải cúi chào nhà và chào chủ nhà. Làng Chăm Châu Giang hiện có khoảng 10 căn nhà sàn nhiều tuổi, vẫn còn giữ nguyên lối kiến trúc nhà sàn của người Chăm An Giang xưa, được giữ gìn cho đến tận bây giờ.
6. Chùa Linh Sơn Ba Thê
Còn có tên gọi khác là Chùa Phật Bốn Tay Núi Ba Thê, Chùa Linh Sơn nằm ngay xã Vọng Thê của tỉnh An Giang, dưới chân núi Ba Thê, được xây dựng vào năm 1913, khi cư dân địa phương phát hiện pho tượng Phật bốn tay cao gần 2 mét nằm sâu trong lòng đất.
Không chỉ phát hiện được tượng Phật, trước đó người dân còn phát hiện ở Ba Thê hai bia đá cũng cao gần 2 mét, dày 0,22 mét, trên bia có khắc chữ cổ. Vì thế dân đã lập chùa để vừa thờ cúng Phật vừa lưu giữ hai bia đá này.
Chùa được xây dựng trên nền móng của một công trình cổ, có kiến trúc đơn giản. Từ ngoài đi vào, du khách sẽ qua cổng chùa với hơn 20 bậc thềm, dẫn vào Chùa là con đường nhỏ tráng xi măng hai bên là cây xanh cổ thụ rợp bóng. Trong Chùa, bàn thờ chính thờ Phật bốn tay bày trí đơn sơ nhưng trông khá trang nghiêm.
Phương Thảo (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét