Nguồn: Báo Lào Cai
|
Nghi lễ gọi vía hay “Hèo văn” đã tồn tại từ rất lâu đời trong đời sống của cộng đồng người Giáy ở Lào Cai. Đây là một nghi lễ không thể thiếu thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của nhà chồng cùng với anh em họ hàng hai bên dành cho người phụ nữ mang thai đồng thời còn là yếu tố góp phần làm nên bản sắc riêng của dân tộc Giáy nơi đây.
Theo lời những người già kể lại, việc mang thai và sinh con của người phụ nữ gắn liền với câu chuyện về sự tồn tại của đất trời. Trên trời có một vườn hoa rất lớn với nhiều loại hoa, mỗi cây hoa lại có một hình dáng, màu sắc khác nhau, là đại diện cho vía của một đứa trẻ. Quá trình mang thai là quá trình vía của người phụ nữ lên vườn hoa trời, tìm lấy một cây hoa ưng ý, cây hoa đó sẽ thụ vào người phụ nữ trở thành đứa con trong bụng và vía người phụ nữ sẽ canh giữ cây hoa đó đến thời kỳ sinh nở với mục đích không để vía người khác đến lấy mất cây hoa mà mình đã chọn (việc lấy mất đồng nghĩa với việc sảy thai). Cũng như nhiều dân tộc khác, họ quan niệm người phụ nữ sau khi mang thai 9 tháng sẽ đến kỳ sinh nở, trong quá trình này có 2 nghi lễ mà nhà chồng phải đứng ra làm cho con dâu:
Gọi vía mang thai, gọi vía nhỏ - "Hèo văn rảu" hay "Heo văn ỉ": Là lễ gọi vía khi người phụ nữ mang thai được 3 tháng với mục đích chính là thông báo về việc người phụ nữ đã có thai - "mình rảu" và cầu cho người phụ nữ mạnh khoẻ, không bị sảy thai. Lễ vật trong nghi lễ này tương đối đơn giản, chỉ cần ba lễ - "tham thiêng" gồm 1 đôi gà, vịt, 1 miếng thịt lợn ngoài ra có thêm xôi tím, hoa quả, bánh kẹo, nước ngọt,... do những người được mời dự mang đến để đón vía hai mẹ con.
Người chủ lễ là bà then - "già chỉm" với nội dung bài cúng là lời kể thông qua giọng hát miêu tả về các cửa ải; cuộc hành trình của mình cưỡi ngựa cùng với các đồ đệ trải qua các cửa ải đó lên đến vườn hoa trời, tìm vía của người phụ nữ và vía của đứa trẻ đem về nhà, không cho người khác lấy mất vía của đứa trẻ. Lễ cúng diễn ra trong khoảng thời gian từ 9 - 10 giờ sáng đến 3 - 4 giờ chiều.
Trước khi kết thúc nghi lễ, bà then sẽ xem bói để biết vía có về vui vẻ hay không bằng cách: dùng một quả trứng gà ta, vừa gọi vía vừa dùng hai tay dựng đứng quả trứng lên, nếu hồn vui vẻ về nhà thì khi thả tay ra quả trứng sẽ dựng thẳng đứng mà không bị đổ, còn nếu vía không vui vẻ về nhà thì phải dựng lâu, nhiều lần quả trứng mới đứng được. Sau đó bà then bốc 1 nắm gạo ở bát cắm hương rắc lên trên quả trứng, nếu có nhiều hạt gạo bám lại trên quả trứng có nghĩa là vía đã vui vẻ trở về, bà then dùng tay gạt những hạt gạo bám lại trên quả trứng vào chiếc túi vải đã được chuẩn bị từ trước đặt trên bàn cúng, bên trong có một chiếc áo của người phụ nữ mang thai và 1 gói xôi "Pán văn" với ý nghĩa cất vía vào đó để mang về nhà.
Kết thúc nghi lễ, người phụ nữ mang thai sẽ được bà then buộc chỉ đỏ vào tay để giữ vía ở lại và được mạnh khoẻ, may mắn. Những người đến dự lễ cũng sẽ được buộc chỉ đỏ vừa để may mắn, mạnh khoẻ vừa để giúp gia chủ giữ vía. Sau đó bà then sẽ xem chân gà và xương đùi gà để biết đứa trẻ là trai hay gái và vía có mạnh khoẻ hay không.
Gọi vía ao, gọi vía lớn - "Hèo văn tăm" hay "Heo văn láo": Về thời gian, người chủ lễ cũng như diễn trình của nghi lễ tương tự như "hèo văn ỉ" chỉ có một vài điểm khác biệt. Đây là lễ gọi vía khi người phụ nữ mang thai được 8 tháng với mục đích cầu cho việc sinh nở đúng ngày và quá trình sinh nở của sản phụ diễn ra dễ dàng. Lễ vật trong nghi lễ này phải có bảy lễ "sặt thiêng" gồm 1 con lợn từ 40 - 60kg hoặc 1 thủ lợn và 3 đôi gà, vịt, các lễ vật khác tương tự như lễ cúng 3 tháng.
Nội dung bài cúng là lời kể của bà then về cuộc hành trình của mình cùng với các đồ đệ mang lễ vật vượt qua các cửa ải để lên đến ao trời, lội qua 11 chiếc ao để đến với chiếc ao cuối cùng, nơi mà vía của đứa trẻ đang nô đùa và vía của người mẹ đang trông con ở đó tìm, mò vía của cả 2 mẹ con bỏ vào chiếc túi vải đã chuẩn bị sẵn mang về nhà nhằm nhắc nhở vía không được mải chơi mà quên mất ngày sinh của mình. Kết thúc nghi lễ, bà then cũng dùng trứng gà bói xem vía có về vui vẻ hay không và xem xương chân gà để khẳng định lại lần nữa giới tính đứa trẻ cũng như đoán định ngày sinh nở, vía về có vui vẻ hay không.
Lễ cúng gọi vía trước khi sinh là lễ cúng rất tiêu biểu trong đời sống tâm linh của dân tộc Giáy Lào Cai. Lễ cúng không chỉ cầu chúc cho quá trình mang thai và sinh nở của sản phụ được may mắn mà còn thể hiện nét văn hoá truyền thống tốt đẹp trong gia đình, dòng họ người Giáy đó là sự quan tâm và chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên./.
|
Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014
Lễ gọi vía - nét độc đáo trong phong tục của người Giáy ở Lào Cai
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét