Nguồn: Báo Cao Bằng
|
Giống như hình ảnh thu nhỏ về đời sống cộng đồng của đồng bào các dân tộc nơi đây, chợ phiên ở thị trấn Bảo Lạc (Cao Bằng) là nét văn hóa đặc sắc, bình dị mà rất đỗi đằm thắm, làm say lòng du khách mỗi khi có dịp ghé qua.
Cứ năm ngày một phiên, chợ Bảo Lạc (Cao Bằng) diễn vào ngày Năm và ngày Mười âm lịch. Chợ không chỉ nằm trong tiềm thức của những người một lần ghé qua mà còn nằm trong nỗi nhớ của các cụ già, những bà lão móm mém nhai chầu bên hè phố. Chợ nằm trên một con phố nhỏ giữa trung tâm Thị trấn với một bên là bờ sông Gâm, một bên là dãy nhà nhỏ dựa vào vách núi. Những ngày thường, lâu lâu Thị trấn được “đánh thức” bởi một chuyến xe khách nhọc nhằn từ Thị xã vào. Những hành khách với bụi đường quyện cùng sương chiều làm ồn ào một góc phố, rồi chợ Bảo Lạc lại chìm trong mênh mang tĩnh lặng.
Bình yên là thế, nhưng đến ngày áp phiên, không khí nhộn nhịp đã thổi vào từng ngôi nhà, ngõ phố. Khi nắng chiều dần buông, từ những con đường mòn trên vách núi, từng tốp đồng bào Mông trong trang phục rực rỡ như những chấm hoa nhỏ hòa trong bức tranh màu tím được nhuộm bởi ánh hoàng hôn hối hả bước xuống chợ. Chiều chạng vạng, từng tốp người, đi đầu là những người đàn ông tay xách lồng chim, con thú nhỏ mới săn được, theo sau là những phụ nữ lưng đeo gùi ngô, quả, hay măng khô... Phiên chợ nào họ cũng đến mang theo đặc sản từ rừng để bán. Sau khi tắm rửa bên khúc sông, đoàn người quây những tấm vải thổ thành từng ô rồi trải chiếu ra nền đình chợ để nghỉ. Đêm tối trời hay mùa trăng sáng, đình chợ đều nhộn nhịp. Những khúc hát giao duyên giữa những đôi trai gái, những điệu khèn dìu dặt trong đêm gợi bao thương nhớ... Trong tiếng thở của buổi đêm, tiếng rì rầm tâm sự xen trong tiếng chảy nước sông Gâm đến tận lúc gà gáy.
Bây giờ, chợ phiên Bảo Lạc đã khác hơn. Ít cảnh người ngủ qua đêm chờ trời sáng và không có người trên núi cưỡi ngựa xuống chợ. Thay vào đó, đồng bào đến chợ bằng xe máy, hàng hóa cũng đa dạng và phong phú hơn. Nhưng không vì thế, chợ Bảo Lạc mất đi nét đặc sắc của một phiên chợ vùng cao. Phiên chợ nào cũng vậy, nhất là những phiên giáp Tết, cả khu phố bỗng chốc chở nên chật trội bởi những dãy hàng thẳng tắp chỉ chừa lối đi. Hàng hóa là những mớ rau rừng còn đậm hương vị của núi rừng quyện chân người qua lại; những con gà kêu quang quác trong lồng cũng được bày bán; hay những con cá tươi còn tanh mùi bùn mà đồng bào vừa cất vội dưới sông, những củ măng, củ ấu, gùi ngô, bí, những chai mật ong vàng óng được đựng trong giỏ đầy hấp dẫn. Ở một góc chợ, những gánh củi còn ướt đẫm sương đêm chờ người mua.
Chợ mỗi lúc một náo nhiệt. Kẻ mua, người bán chen nhau mua lá dong, gạo làm bánh. Hàng Tết bày đủ loại, từ hoa quả như quýt, cam đến quần áo, tranh màu... Rực rỡ trong bộ váy xòe hoa, những thiếu nữ người Mông xúng xính cầm ô đợi bạn. Hòa cùng dòng người xuống chợ, những thiếu nữ dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ trong trang phục đỏ, đen, vàng tạo nên một sắc màu văn hóa chợ phiên. Ăn mặc giản dị, những cô gái người Nùng, người Tày đầu quấn khăn mỏ quạ đon đả mời khách mua hàng tạp hóa, quần áo, vải, chỉ màu. Khác với thanh niên hẹn hò, mua sắm để làm đẹp, những phụ nữ vùng cao vào dịp này tranh thủ mua hàng nhu yếu phẩm như dầu hỏa, muối, mì chính, đường..., đủ dùng trong những ngày Tết. Còn người đàn ông lại lựa chọn nông cụ hay mang những chiếc thuổng cùn, lưỡi cày mẻ ra các lò rèn để sửa lại. Sương mai tan dần tạo sắc trắng bàng bạc, nơi cuối chợ, những chú bò buộc dây bên bờ đá hơi thở phì phò phả hơi ẩm trong ánh nắng. Trước đây, bò được những người đi chợ dắt theo để chơi, bạn bè ngắm nghía, tán thưởng và làm thú vui uống rượu. Còn bây giờ, những chú bò săn chắc, nung núc thịt trở thành hàng hóa có giá trị. Người qua lại ngắm nghía, ngả giá làm vang cả góc chợ.
Là chợ đầu mối khu vực miền Tây của tỉnh, chợ phiên vùng cao Bảo Lạc có sức hấp dẫn riêng. Đến chợ, người ta không chỉ giao lưu, trò chuyện, hẹn hò hay gửi lời nhắn nhủ việc cưới, việc làng mà còn để thưởng thức những đặc sản ở vùng cao. Tập trung đông đúc nhất là những hàng phở, hàng bún. Phở ở đây được người dân Thị trấn tráng bánh, cắt thành sợi phơi khô để đến phiên chợ mang ra dùng. Nước canh chan phở ngọt bởi được ninh từ xương ống của lợn. Bưng bát phở thật đầy với những miếng thịt lợn quay vàng rộm, nghi ngút hương hành, chưa ăn đã ứa nước miếng. Đến chợ phiên Bảo Lạc, ngoài món thịt lợn hun khói hay thịt bò khô, thực khách còn được thưởng thức món thịt lợn chua. Thịt được pha ra ướp gia vị, ủ trong chum và được làm chín bằng cách lên men. Cắn ngập răng miếng thịt chua, nhấp một ngụm rượu ngô nấu bằng men lá, như thấy được tấm lòng và tình người vùng cao nơi đây. Giữa bộn bề cuộc sống.
Bên cạnh những món ngon, chợ Bảo Lạc còn có những món ăn bình dân, như: lạc, bánh tẻ, ngô luộc. Nhìn những đứa trẻ trên lưng mẹ tay cầm một chiếc bánh rán đường phèn, hay những tốp đồng bào mua chung một bát phở và lấy nước dùng chan vào những nắm má khúa (bột ngô đồ) để làm thức ăn chung mới thấy đầy đủ hương vị cuộc sống... Chợ dần trưa. Lúc này từng tốp đàn ông ngồi bên vỉa hè tay cầm chai rượu mời khắp lượt những người xung quanh. Bên cạnh là những bà vợ lặng lẽ ngắm nhìn chồng giao lưu với bạn. Đối với họ, càng có nhiều bạn để giao lưu càng chứng tỏ chồng mình được nhiều người tôn trọng. Khi đã chếnh choáng hơi men, người chồng lại ngất ngưởng cùng vợ về nhà. Với những ông chồng do vui mà quá chén ngồi gục dưới gốc cây, thì những người vợ lại nhẫn nại ngồi bên cạnh chuốt từng sợi đay đợi chồng tỉnh để cùng về.
Xế chiều, gió xao xác thổi từ đầu chợ đến cuối chợ. Tấp nập là thế, giờ chỉ còn cảnh bình yên của phố núi. Ai ghé thăm chợ phiên vùng cao Bảo Lạc đều mong gặp lại ở phiên chợ sau./.
|
Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014
Nét đằm thắm chợ phiên Bảo Lạc (Cao Bằng)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét