Nguồn: dantocviet.vn
|
Không biết từ bao giờ, đánh yến đã trở thành một trò chơi được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Mông ở Quản Bạ (Hà Giang). Quanh năm bận việc nương, rẫy vào mỗi dịp lễ hội bà con khắp các thôn bản lại chuẩn bị cho mình bàn đánh và con yến.
Người Mông ở Quảng Bạ (Hà Giang) có nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có trò chơi đánh yến trong ngày xuân và những dịp hội hè. Tương truyền rằng, đánh yến có nguồn gốc từ câu chuyện về một chàng trai ở “Mường Trời”. Trong một chuyến du xuân dưới hạ giới, chàng đã phải lòng một cô gái và mỗi khi uống rượu say, chàng lại rủ người yêu của mình đánh yến để giã rượu. Yến ban đầu được đánh bằng tay, sau này được đánh bằng vợt gỗ cũng không biết tự bao giờ.
Đánh yến vùng cao hình thức không khác với môn thể thao đánh cầu lông ở vùng xuôi là mấy. Cũng là thao tác tung con yến (hay còn gọi là quả yến) lên không trung (giống như quả cầu lông), dùng bàn yến đánh qua lại giữa 2 người chơi với sự vận động của con người, mục đích đỡ được con yến vào đúng bàn đánh, không để yến rơi xuống đất. Song trò chơi mang hình thức thể thao này lại không chỉ đơn thuần là thể thao vì cũng rèn luyện sức khỏe, nhưng không tổ chức giải thi đấu, không có luật chơi, không phân thắng-thua.
Một bãi đất trống được chọn trước cho ngày hội Đánh yến. Bàn đánh yến được làm bằng gỗ xoan, sa mộc, thông... phải đảm bảo vừa nhẹ, vừa chắc và khó vỡ, nhìn tổng thể gần giống với cái la-két bóng bàn.
Con yến được làm từ một đốt của cây trúc và lông gà. Để cho con yến đẹp, lông gà phải được chọn từ con gà trống hoặc gà lôi rừng có hoa , làm sao tạo cho con yến khi đánh lên không trung có thể bay xa hay bay gần, phù hợp với người chơi là người già hay thanh niên.
Đánh yến chỉ cần có hai người và một bãi đất bằng không rộng lắm, nếu có nhiều người chơi thì cần rộng hơn. Người chơi tự tìm lấy bạn của mình, con yến được tung lên là cánh bay phấp phới. Trên những khoảng đất trống, từng đôi một chuyền những cánh yến yêu thương cho cho nhau, ánh mắt nhìn nhau vấn vương, nụ cười e lệ, má cũng ửng hồng duyên dáng. Theo bà con còn cho biết, ngày xưa đánh yến duy trì một “luật” ở bà con cộng đồng người Mông, nữ mà thua là có cớ để người nam ngỏ lời xin “đằng ấy” về làm dâu, làm con ma nhà mình thôi!...
Đối với người Mông, trò chơi Đánh yến không chỉ là một trò chơi dân gian mà nó còn có là một hình thức giao duyên tìm hiểu của trai gái. Bởi khi đánh yến phải đánh theo hình vòng cung, yến được bay cao nhìn giống những con yến đang bay. Quan niệm rất lâu từ trò chơi này là nếu đánh yến 10 phút yến không rơi, chứng tỏ đôi trai gái ấy đã có duyên với nhau. Từ đó, họ tìm hiểu nhau, nếu thấy hợp họ sẽ xây dựng cuộc sống vợ chồng. Nhưng tuyệt đối trong ngày Xuân, khi chơi yến các đôi trai gái phải gìn giữ bản thân, nếu không sẽ bị phạt bằng luật lệ riêng của bản làng.
Cổng trời Quản Bạ - nơi mà được biết như vùng đất khó khăn bậc nhất đất nước, nơi người dân vất vả với mưu sinh trên đá ấy tưởng chừng làm họ khô cằn, song lại chính là nơi đã và đang vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống sâu đậm. Giữ gìn bản sắc văn hóa đâu đó còn là những khẩu hiệu mang tính phong trào, còn với người dân nơi đây, đó là chuyện hàng ngày, bởi với họ, đó cũng chính là nhu cầu. Từng tập tục, truyền thống được lưu giữ, phát huy cùng với định hướng phát triển du lịch của tỉnh nhà, chắc chắn sẽ còn góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đầy màu sắc của các dân tộc nơi đây, làm đắm say, níu chân du khách đến với Hà Giang./.
|
Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014
Độc đáo trò chơi “Đánh yến” của người Mông, Hà Giang
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét