Người xưa từng nói nghe con trai tán tỉnh như mật ngọt rót tai. Thế nhưng đồng bào dân tộc Ma Cong nằm tản mạn phía Tây của dãy Trường Sơn lại có tập tục “tán gái” kỳ lạ. Người nào muốn chinh phục nhanh con gái nhà người ta phải mua thêm chai rượu, con gà... nhằm biếu bố mẹ để họ tạo điều kiện.
Thêm vào đó là lễ buộc nhà trai phục tùng nhà gái để được đồng ý cho đôi lứa kết thành, khiến nhiều người vùng xuôi chứng kiến đều thấy ngạc nhiên.
Dùng nước lã "rót" yêu thương vào tai bạn gái
Từ ngàn đời nay, chuyện trai gái hẹn hò tán tỉnh dù mang nhiều màu sắc khác nhau nhưng điểm chung chính là dùng những lời lẽ ngọt ngào, những cử chỉ yêu thương mong muốn tìm được một ý trung nhân suốt đời trọn kiếp bên nhau.
Nhân dịp công tác ở vùng cao thuộc địa bàn của đồng bào dân tộc Ma Cong, xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), được nghe kể về những tập tục và lễ nghi tán gái hết sức lỳ lạ và khiến chúng tôi nhớ mãi.
Đó là một chuyến hành trình trong những ngày nắng, cái nắng khiến chúng tôi mệt lử sau chuyến xe dài. Được sự hướng dẫn của anh cán bộ biên phòng, chúng tôi được đưa vào bản Cà Roòng, nơi có những ngôi nhà đơn sơ nằm trên dãy núi hoang vu.
Đến đêm, chúng tôi được gặp già làng Đinh Xòn, nghe kể về nhiều tập tục kỳ thú của bản. Già làng kể, theo thói quen, cứ đến ngày lễ hội dập trống (16 tháng Giêng) hàng năm, trai gái của 18 bản trong xã Thượng Trạch sẽ rủ nhau tìm về suối Cấm.
Được biết, đây là nơi họ gặp gỡ, nói chuyện và tìm hiểu nhau. Nếu con trai ưng con gái bản nào thì đến tận bản đó hẹn hò. Ngoài ra, họ gặp nhau trong các mùa rẫy.
Già làng Đinh Xòn kể chuyện một thời tán tỉnh cho chúng tôi nghe với giọng tiếc rẻ: "Thời của mình đi tán gái cực khổ lắm, phải lội suối băng rừng, có khi đi từ bản này qua bản khác, cách nhau mấy quả đồi để hẹn hò với người yêu. Từ khi nâng cấp con đường 20 Quyết Thắng, thì chuyện hẹn hò rất thuận tiện, thêm vào đó có thể rút ngắn nhờ điện thoại".
Theo già làng, người con trai nếu muốn gặp gỡ được người trong mộng của mình thì phải đi từ lúc 1- 2h sáng. "Cho đến nay chuyện đó vẫn là chuyện hẹn hò thường gặp của trai gái bản", già làng khẳng định.
Hẹn hò người yêu vào khung giờ khuya như trên là có nguyên do. Theo quan niệm của người Ma Cong, giờ đó cha, mẹ cô gái đã ngủ say, cuộc nói chuyện sẽ không ai làm phiền.
Trước khi đi, người con trai phải mang theo một ít bánh đến nhà cô gái. Người nào muốn chinh phục nhanh con gái nhà người ta phải mua thêm chai rượu, con gà... nhằm biếu bố mẹ để họ tạo điều kiện.
Khi đến gặp, được cha mẹ cô gái đồng ý cho vào nơi cô gái nằm ngủ. Nếu người con gái ưng bụng thì sẽ dậy tiếp chuyện, còn không sẽ cố tình giả vờ nằm ngủ. Đến lúc này thì tùy cơ ứng biến, chàng trai đành kiên nhẫn làm liều bằng việc lấy nước lã rót vài giọt vào tai của cô gái, cho đến khi cô gái chịu dậy nói chuyện mới thôi.
Sau khi đã tìm hiểu kỹ, hai cái bụng đã ưng thuận, nhà trai sẽ sang nhà gái làm lễ bỏ của (lễ ăn hỏi). Trong lễ ăn hỏi, nhà trai phải dâng cho nhà gái vài hũ rượu cần. Ngày nay, nếu có điều kiện thì mua thêm nước ngọt và bia... Tại đây, nhà gái sẽ thách cưới và định ngày mang lễ vật tới.
Trước đây, con trai khi muốn lấy vợ thì phải chuẩn bị vài đồng bạc nén, vòng bạc làm sính lễ cho nhà gái. Bây giờ, thay vào đó là tiền mặt, nhưng không thể thiếu các lễ vật như một cái mâm đồng, một con dao và 12 cái bát, 12 con gà, 2 con lợn (trên 30 cân) và một con bò. Đó là những lễ vật bắt buộc từ xưa đến nay của bản làng không thể thay đổi. Ngoài ra, nhà trai phải mất 15 - 20 triệu đồng thách cưới cho nhà gái.
Nhà trai thức trắng đêm "chịu nhục"
Nhấp ngụm nước, già làng kể tiếp, trước khi lấy được vợ bản khác, nhà trai phải đến xin phép già làng, trưởng bản. Nếu là người hiền lành tử tế thì được già làng và trưởng bản đồng ý. Còn không thì người con trai đó sẽ bị từ chối, để tránh con gái bản mình phải chịu khổ khi về làm chồng bản khác.
Trước đây, xin phép già làng, trưởng bản để lấy con gái bản nào thì phải cho già làng và trưởng bản hai đồng bạc rưỡi hình (loại tiền thời Pháp thuộc, hiện nay khoảng 250 ngàn đồng tiền mặt). Trước khi xin làm rể của bản, chàng trai đó phải hứa tử tế với vợ con, không được đánh đập hay lăng mạ.
Lễ vật đem đến trong đám cưới của nhà trai thì bắt buộc các con vật phải còn sống, nếu trường hợp lợn, gà nhỏ hơn thì sẽ bị từ chối. Trước khi vào nhà cô dâu, nhà trai phải xin trưởng họ bên nhà gái mới được lên cầu thang. Tiếp theo, nói chuyện để xin vào cửa chính. Qua hai "ải" đó mới được phép vào tiếp chuyện nhà gái.
Theo tục lệ ở đây, nhà trai khi vào nhà gái thì chỉ được phép ngồi góc bên trái và ở một khoảng hẹp ngay gần cửa chính. Nhà gái tùy điều kiện mà thiết đãi rượu cần cho nhà trai. Thường nhà gái chuẩn bị 5-7 hũ rượu cần để tiếp nhà trai từ sáng đến tối. Nếu gia đình có điều kiện thì phải hết 12-13 hũ.
Buổi tối, nhà trai được họ nhà gái cấp cho một cái chăn, hai cái gối và một chiếc chiếu mới. Tối đó, nhà trai phải ngồi nói chuyện với bên nhà gái cho đến sáng. Hai gia đình uống rượu, ăn cỗ từ đêm cho tới sáng mới thôi. Sau đó, hai bên thống nhất giờ đưa cô dâu về nhà chồng.
Ngồi trên gian nhà sàn nói chuyện cùng chúng tôi, thầy giáo Đinh Miệt nói đùa: "ở đây muốn lấy được con gái nhà người ta, cả họ nhà trai phải thức trắng đêm "chịu nhục". Nhà gái mời rượu mình phải uống, nhà gái muốn nhà trai say thì phải uống cho say. Nhà trai phải ngồi tiếp chuyện từ tối cho tới sáng. Khi nào họ chưa hài lòng thì mình chưa được đưa cô dâu về, nên nhà trai phải cố gắng chờ, đêm cưới chính thức được tổ chức ở nhà gái".
Anh Quách Nẫm, một người trong bản cho rằng, việc làm đám cưới rất phức tạp. Tập tục chờ thức đêm để được đón cô dâu đã hình thành từ thế hệ cha ông nên không thể bỏ được. Mọi người dân nơi đây từ già đến trẻ cứ theo cha ông truyền lại, đều thực hiện đúng như vậy, không ai có ý kiến gì.
Nhiều người miền xuôi khi chứng kiến tập tục này đều hết sức kinh ngạc. Đám cưới trước đây, khi chưa có điện thì không khí diễn ra dưới ánh đèn le lói. Nhưng sau khi có điện, nhiều gia đình về tận dưới xuôi thuê loa máy để thêm phần rộn ràng, nam thanh nữ tú nhảy múa tưng bừng như ngày hội.
Theo già làng Đinh Xòn: "Việc thức thâu đêm chờ chực nhà gái đó cũng là một tập tục đặc biệt, những người như chúng tôi cũng thấy ưng cái bụng, không có gì phiền hà. Thế hệ cha ông chúng tôi làm được thì chúng tôi cũng làm được. Hơn nữa, những dịp như vậy còn là nơi cho những trai chưa vợ gái chưa chồng có dịp hẹn hò tìm hiểu nhau".
Đám cưới của người Ma Cong có rượu cần là chính. Đây là thứ không thể thiếu trong các dịp quan trọng. Món ăn chính là thịt lợn, bò và gà. Cỗ bàn được bày trong các bát nhỏ, mâm mây. Nhiều gia đình nếu có điều kiện sẽ thiết đãi thời gian dài hơn.
Đêm khuya, bản làng của người Ma Cong chìm trong bóng đêm tĩnh mịch nơi đại ngàn. Bên bếp lửa, giọng già làng vẫn đều đều nhắc nhớ về những tập tục văn hóa của đồng bào mình. Khóe mắt ánh lên vẻ tự hào.
(Theo ĐS&PL)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét