Bàu Sấu từng được mệnh danh là vùng đầm lầy nguyên thủy có số lượng cá sấu nhiều như muỗi.
Bàu Sấu nằm ở phía Nam của Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Đây là quê nhà của cá sấu nước ngọt (tức cá sấu xiêm) một loài cá sấu của Việt Nam tưởng chừng như đã tuyệt chủng trước đây. Để đến được Bàu Sấu bạn xuất phát từ Trung tâm hành chính của Vườn quốc gia Cát Tiên trải qua 9 km đường xe và cuốc bộ hơn 5 km đường xuyên rừng.
Bàu Sấu nằm lọt thỏm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, dưới sự quản lý trực tiếp của trạm kiểm lâm Bàu Sấu. Được biết, tên gọi Bàu Sấu được hình thành từ khi chưa có quyết định thành lập Vườn quốc gia Cát Tiên ngày nay. Đây là nơi có diện tích đất ngập nước lớn nhất Vườn quốc gia Cát Tiên với mặt bàu rộng hơn 2.500 ha vào mùa mưa. Song mùa hè mặt bàu chỉ 100-150 ha.
Nhiều người nước ngoài đến Bàu Sấu để tìm hiểu về nguồn gốc của cá sấu xiêm.
|
Khu vực Bàu Sấu không chỉ là ngôi nhà của cá sấu mà còn tập trung rất nhiều loài động thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Cũng như nhiều vùng đặc hữu khác của Vườn quốc gia Cát Tiên, Bàu Sấu nằm trong diện bảo tồn nên được quản lý và giám sát rất chặt chẽ.
Điều tạo nên điểm khác biệt của vùng Bàu Sấu chính là cá sấu trú ngụ đông đúc ở những đám sình lầy. Cá Sấu hiện diện bất cứ nơi đâu trong Bàu Sấu, đó cũng chính là mối đe dọa của rất nhiều loài động thực vật đang sinh sống trong khu vực bàu. Vì thế, Bàu Sấu nghiễm nhiên trở thành lãnh địa mà cá sấu làm chủ hoàn toàn.
Dẫu vậy, nhìn hình ảnh của những con sấu đang thong dong bơi lội trong bàu đã có nhiều người lầm tưởng chúng chính là "cư dân" gốc ở Bàu Sấu. Bởi, có rất ít người hiểu tường tận về nguồn gốc nguyên thủy của cá sấu ở Bàu Sấu.
Lý giải về điều những điều kỳ bí này, anh Trần Văn Quân, Trưởng trạm Kiểm lâm Bàu Sấu cho biết: "Cá sấu nước ngọt là loài phổ biến nhất vùng đất ngập nước ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên. Đã có một thời những đốm mắt cá sấu nhiều đến nỗi được ví như những ngôi sao trên bầu trời. Ban đêm, chiếu đèn pin xuống hồ, mắt cá sấu đỏ au như than hồng.
Cả người dân lẫn chiến sĩ cách mạng đi ngang qua khu vực Bàu Sấu nhiều phen khiếp vía trước sự tấn công ngầm của loài cá sấu. Với đặc tính máu lạnh và khả năng săn mồi thượng đẳng, cá sấu đã lấy sự sống của nhiều loài động vật ở Bàu Sấu thậm chí chúng đã cướp mạng không ít người.
Để đối phó với sự hung dữ của loài cá sấu, con người đã trả đũa bằng những cuộc săn bắt vô tội vạ, nên mới dẫn đến thực trạng cá sấu nước ngọt sinh sống tự nhiên đã bị tuyệt chủng".
Phục hồi bản năng hoang dã cho cá sấu thuần chủng
Tuy nhiên, nhận thấy khu vực Bàu Sấu thích hợp với sự phát triển của cá sấu. Dự án bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên đã phác thảo kế hoạch phục hồi cá sấu nước ngọt. Năm 2001, dự án đi vào thực tiễn dựa trên việc tìm kiếm nguồn cá sấu nước ngọt thuần chủng cùng họ với loài cá sấu đã tồn tại trong Bàu Sấu trước đây.
Cá sấu ở Bàu Sấu.
|
Cho đến thời điểm này, Vườn quốc gia Cát Tiên đã trải qua 5 lần thả. Tổng cộng cả thảy thả được 60 cá sấu nước ngọt vào Bàu Sấu sau khi đã kiểm tra ADN, đảm bảo tính thuần chủng và được cho làm quen với không gian tự nhiên tại đây. Hơn 10 năm thực hiện, cá sấu đã phục hồi bản năng tự nhiên như săn mồi, ấp trứng.
Được biết, loài cá sấu được phục hồi tại khu vực Bàu Sấu là cá sấu nước ngọt (cá sấu xiêm) chúng có thân dài và mõm dài như cái kẹp. Hàm dưới có nhiều răng dài và nhọn, đuôi cao to khỏe, chân sau có màng ở lưng dạng hình chữ nhật. Cá sấu nước ngọt có thân hình màu xám, mặt bụng nhạt hơn phần lưng.
Loài cá sấu xiêm có chiều dài trung bình từ 2,20-2,28 m. Cá sấu thường chọn thức ăn là cá, cua, chim trời các thú nhỏ như chuột. Ở Việt Nam loài này thường sống ở hồ, sông, rạch những nơi có nước lặng, nước chảy chậm. Chúng còn thích sống ở vùng đầm lầy, xa các dòng nước chảy lớn. Điều đáng nói hơn loài cá sấu này là một trong những giống bị đe dọa nhiều nhất. Các tổ chức bảo tồn thế giới đã xếp loài này vào hàng nguy cơ tuyệt chủng cao.
Theo VTC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét