Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) được triều Lý xây dựng từ đầu thế kỷ 11, thờ Khổng Tử, người sáng lập học thuyết Nho giáo và các học trò xuất sắc của ông. Đến thời Trần, có 3 vị quan được đưa vào đây thờ tự.
Tượng thờ Chu Văn An - Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám trong Văn Miếu.
|
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1370 khi tư nghiệp trường Quốc Tử Giám Chu Văn An mất, vua Trần đã đưa ông vào thờ ở Văn Miếu. Ông là người Việt Nam đầu tiên được đưa vào phối thờ ở miếu Khổng Tử này.
Chu Văn An (1292-1370) là thầy giáo của thái tử Trần Vượng - sau là vua Trần Hiến Tông. Ông mở trường dạy học ở quê, gây được tiếng vang lớn bởi có 2 người đỗ thái học sinh tương đương học vị tiến sĩ. Vua Trần Minh Tông sau đó mời Chu Văn An làm tư nghiệp, tức hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám.
Dưới thời vua Trần Dụ Tông, triều chính rối ren, Chu Văn An đã dâng Thất trảm sớ xin vua xử chém 7 viên quan gian nịnh. Không được chấp thuận, ông trả lại áo quan đến núi Chí Linh dạy học. Tài năng, khí tiết hiên ngang, trung nghĩa của Chu Văn An khiến người đời kính trọng, tôn là Vạn thế sư biểu, nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.
Người Việt Nam thứ hai được thờ tự ở Văn Miếu là Trương Hán Siêu. Ông quê xã Phúc Am (Yên Khánh, Ninh Bình), làm quan dưới 4 triều vua nhà Trần gồm: Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông. Ông từng giữ chức Hàn lâm viện học sĩ, là người cứng cỏi, giỏi văn chương chính sự. Ông cùng Nguyễn Trung Ngạn biên định bộ Hoàng triều đại điển, khảo soạn bộ Hình thư; là tác giả của bài phú Sông Bạch Đằng, khái quát chiến công của quân dân nhà Trần chống quân Nguyên.
Với uy tín và học vấn của mình, Trương Hán Siêu được các vua Trần gọi bằng thầy. Năm 1372, vua Trần Nghệ Tông truy tặng cho Trương Hán Siêu (mất năm 1353) là thái phó, cho tòng tự ở miếu Khổng Tử, tức Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Quan nhà Trần cuối cùng được vua ban cho thờ tự ở Văn Miếu là Đỗ Tử Bình (không rõ năm sinh, năm mất). Ông làm quan dưới 4 đời vua Trần là Dụ Tông, Nghệ Tông, Duệ Tông và Phế Đế. Đỗ Tử Bình nhiều lần được vua giao cho làm tham mưu quân sự, chỉ huy binh sĩ chiến đấu với Chiêm Thành. Sau khi ông chết (sau năm 1380), triều đình truy tặng ông là thiếu bảo, cho thờ tự ở Văn Miếu.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trương Hán Siêu khi làm quan hành khiển dưới thời vua Trần Minh Tông đã tố oan cho hai hình quan tội ăn hối lộ. "Một hôm, Siêu nói trong triều rằng hình quan Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ. Vua lập tức sai điều tra. Hán Siêu nói kín với người khác: Tôi làm việc ở triều đình được chúa thượng tin dùng cho nên mới nói thế, biết đâu lại có chuyện tra xét này... Đến khi tra hỏi, Hán Siêu đuối lý phải phạt 300 quan tiền", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Đương thời, Trương Hán Siêu cũng bị nhiều điều tiếng là cao ngạo, không giao du với người cùng hàng, gặp quan thầy thuốc thì đùa cợt.
Còn Đỗ Tử Bình mắc rất nhiều tội lỗi khi làm quan. Ông từng lấy 10 mâm vàng chúa Chiêm Thành dâng lên vua Trần Duệ Tông, giữ làm của riêng. Khi vua Duệ Tông thân chinh đánh Chiêm Thành bị giặc vây hãm, Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân không đến cứu giúp khiến vua cùng nhiều tướng khác chết. Ông sau đó bị thượng hoàng Trần Nghệ Tông lệnh bắt để trị tội.
"Ngày hôm ấy ở kinh sư ban ngày mà trời tối om, chợ búa phải đốt đuốc để mua bán. Xe cũi chở Tử Bình về qua Thiên Trường, người ta lấy gạch ngói ném vào mà chửi", sách Đại Việt sử ký toàn thư chép.
Bởi những tội lỗi và điều tiếng trong thời làm quan nên Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình khi được vua nhà Trần cho vào thờ tự trong Văn Miếu, bị nhiều người phản đối. Sử gia Phan Phu Tiên gọi Tử Bình là "hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước" nên không xứng được thờ tự cùng các bậc tiền nhân. Học giả Ngô Sĩ Liên thì cho rằng, Hán Siêu là người cậy tài, kiêu ngạo... "nếu có thiêng, hẳn không dám dự thờ ở miếu Khổng Tử".
Ngô Thì Sĩ viết trong Đại Việt sử ký tiền biên: "Được thờ ở Văn Miếu tất người đó đã được Khổng Tử khen ngợi… Nếu chỉ vì văn chương tài nghệ và công nghiệp nhất thời, liền đưa lên thờ phụ thì sẽ nắm đồ thờ không kể xiết. Nhà Trần cho ba người là Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình được thờ ở Văn Miếu. Chu Văn An là hơn rồi, Hán Siêu không làm nổi chức vụ, Tử Bình dù chém cũng chưa hết tội, mà lại chen vào nơi cung đình lễ nhạc, thì còn sai lầm gì hơn".
Bài viết của Ths. Đỗ Thị Hương Thảo, giảng viên khoa Lịch sử (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) in trong kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ ba Việt Nam: Hội nhập và Phát triển đề cập đến việc đưa người Việt vào thờ tự trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Theo tác giả, nhà Trần là triều đại đầu tiên của Việt Nam đưa người Việt vào thờ tự ở miếu Khổng Tử. Cho đến hết thời kỳ phong kiến ở Việt Nam - ở các triều đại tiếp theo gồm Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn - không có người Việt Nam nào được đưa vào phối thờ thêm ở Văn Miếu.
"Việc đưa người Việt vào phối thờ cùng các nhà Nho Trung Hoa đã khẳng định vai trò của nhà Trần trong việc sử dụng Nho giáo như biểu hiện mạnh mẽ cho sự trưởng thành của dân tộc Việt. Sự kiện này cho thấy lúc đó Văn Miếu Việt Nam nói riêng và Nho giáo Việt Nam nói chung không còn hoàn toàn dập khuôn theo nguyên mẫu Trung Hoa", Ths. Đỗ Thị Hương Thảo viết.
Trong Đại Việt sử ký tiền biên, sử thần Ngô Thì Sĩ nhắc đến việc thờ các quan triều Trần trong Văn Miếu. Khoảng thế kỷ 18, Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình không còn được tiếp tục thờ ở miếu Khổng Tử này. Duy nhất Chu Văn An được phối thờ tại giải vũ phía tây nhà Văn Miếu cùng với Thất thập nhị hiền (72 học trò giỏi của Khổng Tử).
Việc thờ tự Chu Văn An trong Văn Miếu, theo nghiên cứu của tác giả Đỗ Thị Hương Thảo (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), cũng bị đứt đoạn một thời gian. Ở triều Nguyễn (thế kỷ 19), Thăng Long không còn là kinh đô nên Văn Miếu Thăng Long phải thờ tự theo khuôn mẫu của Văn Miếu Huế (Huế là kinh đô Việt Nam bấy giờ). Văn Miếu Huế không thờ Chu Văn An, do đó việc thờ tự thầy giáo nổi tiếng triều Trần bị chấm dứt vào năm 1809, sau gần 5 thế kỷ.
Đến năm 1837, thời vua Minh Mệnh, Chu Văn An lại được xếp vào hàng tiên hiền, tiên nho, được thờ tại Văn Miếu Huế. Sách Đại Nam thực lục không nói rõ lúc này Văn Miếu Thăng Long có thờ lại danh sư nhà Trần. Dù vậy, hiện nay người thầy mẫu mực Chu Văn An được thờ ở di tích quốc gia đặc biệt, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Quỳnh Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét