Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

‘Buồn ơi, chào mi’ – khúc tự tình của trái tim cô đơn

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không mô tả nỗi buồn mà chọn cách đối thoại với nó để nhìn về cuộc tình đổ vỡ một cách lạc quan hơn.


Trong sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Ánh 9, cây đàn Piano đóng vai trò chủ đạo. Nhạc sĩ thậm chí còn bày tỏ ý muốn được nhắc đến như một nghệ sĩ dương cầm hơn là người sáng tác. Vì vậy, giai điệu nhiều ca khúc nổi tiếng của ông phảng phất lối hòa âm dìu dặt của Piano. Buồn ơi, chào mi là một điển hình. 
"Buồn ơi, chào mi" - Bằng Kiều

 
Ca khúc có sức ám ảnh với khán giả từ cái tên. Từ xưa đến nay, nỗi buồn vẫn là một đề tài khơi gợi nhiều cảm hứng nghệ thuật. Nhưng đối thoại trực tiếp với nỗi buồn thì Nguyễn Ánh 9 nằm trong số ít. Nỗi buồn trong âm nhạc của ông không khô cằn, đơn điệu mà sống động và đầy gợi mở. Tiếng chào của ông cũng mang nhiều ẩn ý. Đó có thể là lời chào khi gặp mặt, cũng có thể là lời tạm biệt lúc chia xa. Nhạc sĩ cất tiếng chào “người bạn” ấy nhẹ nhàng, có phần thân quen.
“…Buồn ơi, ta xin chào mi
Khi người yêu ta đã bỏ ta đi
Buồn ơi, ta xin chào mi
Khi tình yêu chấp cánh bay đi...”
Buồn ơi, chào mi mở đầu bằng đoạn Piano dìu dặt, khiến tâm trạng người nghe chùng chình giữa nhiều suy tư. Trên nền nhạc ấy, Nguyễn Ánh 9 giãi bày tâm trạng của mình khi “tình yêu chắp cánh bay đi” bằng lối tự sự độc đáo. Nhân vật trữ tình không hoài niệm quá khứ, không luyến tiếc người thương, cũng không ai oán số phận mà chỉ đơn giản đối thoại cùng nỗi buồn.
Tuy vậy, người nghe có thể nhận thấy đằng sau tâm trạng thư thái khi gọi tên nỗi buồn vẫn phảng phất nỗi đau.
“…Buồn ơi ta đang lẻ loi
Buồn hỡi ta đang đơn côi
Buồn ơi hãy đến với ta
Để quên chuyện tình xót xa…”
Nỗi buồn giống như một tri kỷ, lắng nghe mọi tâm tư của người nghệ sĩ. Nguyễn Ánh 9 không cần để "người bạn" lên tiếng nhưng dáng hình của nó hiện lên một cách tình tứ và dịu dàng - đủ dịu dàng để dường như ai cũng muốn có một tri kỷ như vậy ở bên trong đời.
buon-oi-chao-mi-khuc-tu-tinh-cua-trai-tim-co-don
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 xúc động trong liveshow kỷ niệm 16-17/5/2015. Đây là lần cuối cùng người hâm mộ được nhìn thấy ông đứng trên sân khấu.
Buồn ơi, chào mi khắc họa một nỗi buồn rất lạ - tươi sáng và trong trẻo. Nguyễn Ánh 9 đón nhận nỗi buồn một cách thanh thản, đón nhận chia ly một cách nhẹ nhàng. Bài hát không có nước mắt, không có sự tuyệt vọng mà còn phảng phất niềm hy vọng.  
Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ về ca khúc: “Tôi biết, rất nhiều người thích bài hát Buồn ơi, chào mi và nhiều khi không hiểu vì sao chính tôi cũng ngân lên: ‘Nếu trên đường tình ta lẻ loi một mình. Thì trên đường đời, ta có mi buồn ơi…’”. Với nhạc sĩ, nỗi buồn đã trở thành người bạn vong niên, đồng hành cùng ông trên những chặng đường đời. Buồn và “ta” là hai cá thể khác nhau nên “ta” không nên hòa mình vào nỗi buồn. Buồn đôi khi cũng giống như một gia vị trong cuộc sống. “Ta” buồn để biết trân trọng những tháng ngày hạnh phúc, để cảm nhận cuộc đời một cách trọn vẹn hơn.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng tâm sự: “Tôi vẫn thường tự nhủ với mình và nói với các con khi ta buồn, ta nên tìm cái vui trong cái buồn…”. Có lẽ vì thế khi nghe Buồn ơi, chào mi, nhiều người lại tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.
buon-oi-chao-mi-khuc-tu-tinh-cua-trai-tim-co-don-1
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và con trai – nhạc sĩ Nguyễn Quang.
Hôm 14/4, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Đại học Y Dược (TP HCM) sau thời dài chịu đựng căn bệnh viêm phổi, suy tim, hưởng thọ 76 tuổi. Ông không sở hữu khối lượng ca khúc đồ sộ như nhiều nhạc sĩ cùng thời nhưng các nhạc phẩm đều đi sâu vào lòng khán giả và có sức sống lâu bền.

Nguyễn Ánh 9 - tiếng dương cầm mãi ngân vang

Tiếng đàn của nhạc sĩ tài hoa đưa khán giả vào thế giới bay bổng, trữ tình của âm nhạc và tác phẩm của ông chắp cánh nhiều thế hệ ca sĩ thăng hoa cùng nghệ thuật.


Chiều 14/4, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời sau một thời gian bệnh nặng. Dẫu đó là quy luật của cuộc sống, sự ra đi vì tuổi cao sức yếu của ông vẫn khiến khán giả, nghệ sĩ thương tiếc, bàng hoàng. 
Với rất nhiều người yêu nhạc Sài Gòn nói riêng và khán giả cả nước nói chung, nhắc đến tên Nguyễn Ánh 9 người ta lại hiện ra trong đầu chân dung người nhạc sĩ có nụ cười hiền lành, vóc dáng nhỏ bé, gầy gò nghiêng mình bên phím đàn dương cầm. Mỗi lần xuất hiện, hình ảnh ông luôn luôn gắn với chiếc đàn piano. Tiếng đàn và những nhạc phẩm của ông đã để lại một dấu ấn, một cá tính nghệ sĩ không trộn lẫn trong làng âm nhạc Việt Nam đương đại và để lại cho đời những khoảnh khắc thăng hoa, say đắm trong cõi tình.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bên phím dương cầm. Ảnh: Quý Đoàn.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bên phím dương cầm trong liveshow năm 2015 ở Hà Nội. Ảnh: Quý Đoàn.
Trong sự nghiệp âm nhạc, Nguyễn Ánh 9 không có giọng ca gắn liền với tên tuổi của ông như nhiều nhạc sĩ. Tuy vậy, về phương diện người sáng tác lẫn một nhạc công, bản thân ông và chất nhạc của ông gắn bó khăng khít, trải rộng qua nhiều thế hệ ca sĩ Việt, từ những giọng hát của thập niên 1940 cho đến tận hôm nay.
Thời trẻ sôi nổi, đang độ sung sức của tài năng, tiếng đàn Nguyễn Ánh 9 chắp cánh cho giọng hát của nhiều danh ca thăng hoa.
Trong đó, có thể kể đến các tên tuổi như: Thái Thanh, Khánh Ly, Ánh Tuyết... Đệm đàn cho nhiều giọng hát vàng, hơn ai hết, Nguyễn Ánh 9 được họ xem là người tri kỷ trong khoảnh khắc đắm mình trên sân khấu. Nguyễn Ánh 9 và Khánh Ly từng là đôi nhạc công - ca sĩ nổi tiếng những năm 1970. Có lẽ ngoài Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9 là người thấu cảm chất giọng liêu trai, có chút gì đó kiêu bạc, phảng phất buồn và cô đơn, lạc loài của bà. Vì vậy, nhạc sĩ từng chia sẻ ông thần tượng Khánh Ly. Còn Khánh Ly khi lần đầu tiên quay về Việt Nam tổ chức show sau gần nửa thế kỷ xa quê, người đệm đàn không ai khác là Nguyễn Ánh 9. Đó là một trong những gắn bó tiêu biểu cho một thế hệ nhạc Việt.
* Danh ca Đặng Lệ Quân thể hiện ca khúc "Không" bằng tiếng Nhật
Khi đệm đàn, Nguyễn Ánh 9 không chỉ thuần túy là một nhạc công minh họa cho giai điệu. Khí chất nghệ sĩ của ông hòa quyện trong những ngón tay lả lướt trên phím cất lên giai điệu khi vỗ về, mê hoặc người nghe, khi mang đến sự bay bổng với cung bậc cảm xúc đa dạng. Ca sĩ Ánh Tuyết từng hát Ô Mê Ly (nhạc sĩ Văn Phụng) dưới ngón đàn của Nguyễn Ánh 9 rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ chị thấy ông lặp lại bản thân. Có lúc ông đàn rất say đắm, tình tứ, có lúc ông lại hào sảng, phóng khoáng khiến ca sĩ không thể "lười" trong biểu diễn và ngược lại họ thấy mình hòa quyện vào phím đàn, thấy giọng hát như ngân vang hơn trong giai điệu.
"Tiếng đàn của ông tài hoa, say đắm, ngẫu hứng và điêu luyện", Ánh Tuyết chia sẻ.
Với lớp ca sĩ trẻ sau này, Nguyễn Ánh 9 gần gũi, gắn bó vừa như người thầy vừa như người cha trong âm nhạc. Nhóm 5 Dòng kẻ trìu mến gọi ông là bố vì sự giúp đỡ, lòng nhiệt tâm và những lời khuyên chân thành để nhóm nữ này vượt qua những khó khăn, duy trì hoạt động.
Bên cạnh người vợ hiền gắn bó với ông ngót nửa thế kỷ, có lẽ tình yêu lớn nhất, lâu dài và son sắt nhất của Nguyễn Ánh 9 dành cho chiếc dương cầm. 
Sinh thời, Nguyễn Ánh 9 từng kể cho vài người bạn trong nghề nghe về niềm đam mê đánh đàn từ ngày nhỏ. Ông tập chơi dương cầm lúc bé nhưng việc được sở hữu một chiếc đàn dương cầm không phải là điều dễ dàng thời đó. Thế là ông vẽ hình phím đàn trên nền nhà và gõ nhịp tay để học theo. Trước định kiến của bố mẹ về sự không ổn định của người nghệ sĩ, Nguyễn Ánh 9 đã có một thời gian bỏ nhà đi theo tiếng gọi "tình yêu đầu đời" này.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bên danh ca Khánh Ly, Ánh Tuyết, Lan Ngọc...
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bên ca sĩ Lan Ngọc, Khánh Ly, Hồng Vân, Ánh Tuyết (từ trái qua) trong lần hội ngộ khi Khánh Ly về nước tổ chức show diễn kỷ niệm 40 năm ca hát. Ảnh: Quang Thành.
Giai đoạn ông học ở Đà Lạt (từ năm 1954-1958), ông từng được nhạc sĩ Hoàng Nguyên (1932 - 1973, tác giả các ca khúc nổi danh như Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ...) dìu dắt vào con đường âm nhạc. Nỗ lực tự học và tầm sư học đạo để luyện ngón đàn, từ năm 18 tuổi ông bắt đầu đi biểu diễn khắp nơi, ở bất cứ đâu có người thích nghe nhạc - từ quán bar, nhà hàng, khách sạn sang trọng, đến các ban nhạc thanh niên, hội quán văn nghệ. Ông từng bước tạo dựng dấu ấn trong lòng khán giả.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang - con trai Nguyễn Ánh 9 - từng kể những năm cuối đời dù bị nghẹt phổi mãn tính, bệnh tình ngày càng nặng, hễ xa cây đàn là ông bệnh nặng hơn. Bao nhiêu lần ông nghẹn ngào với ý định từ giã sân khấu vì sức khỏe không cho phép. Nhưng sự vấn vương phím đàn, nhớ bầu không khí âm nhạc đã tiếp sức cho ông có thể góp mặt trong vài chương trình. Và chương trình cuối đời của ông chính là đêm liveshow tổ chức ở Hà Nội năm 2015. Đêm đó, bao nhiêu kỷ niệm, nỗi lòng được người nghệ sĩ tài hoa một lần cuối trút vào tiếng dương cầm.
Một nhạc sĩ của những khúc tình ca vượt thời gian
Không xuất thân là một người sáng tác ca khúc nhưng Nguyễn Ánh 9 có nhiều tác phẩm do ông viết nhạc và lời chiếm một chỗ đứng vững chắc trong kho tàng âm nhạc Việt Nam đương đại. Nhiều ca khúc xứng đáng trở thành những tình khúc bất hủ của dòng nhạc trữ tình.
Khoảng cuối thập niên 1960 của thế kỷ trước, bài hát đầu tiên Nguyễn Ánh 9 sáng tác là bài Không. Ca khúc này ra đời từ một dịp rất tình cờ khi nhạc sĩ sang Nhật  đệm đàn cho Khánh Ly. Trong một lần Khánh Ly hỏi đùa ông về một mối tình, sẵn cây guitar trên tay, Nguyễn Ánh 9 gảy đàn hát chơi: "Không, không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...". Từ lời đùa này, ông tiếp tục viết thành nhạc phẩm để đời. Ngoài đời, bên cạnh sự thâm trầm, sâu sắc, Nguyễn Ánh 9 còn là người hoạt bát, tinh nghịch, thích đùa. Không là tiêu biểu cho sự hài hòa giữa hai sắc thái tính cách tưởng như rất mâu thuẫn trong ông. Ca khúc có một chút gì đó vừa nghịch ngợm, dỗi hờn và đầy kiêu hãnh của tuổi trẻ trước sự đổ vỡ trong tình yêu nhưng cũng có chút gì đó cay đắng, day dứt.
* Khánh Hà hát tình khúc "Cô đơn" 
Cũng như ngón đàn của ông, các nhạc phẩm của Nguyễn Ánh 9 là một trong số minh chứng của việc kế thừa thành công tinh hoa của dòng tân nhạc Việt Nam giai đoạn đầu. Các ca khúc ấy ảnh hưởng nét hiện đại, lịch lãm của âm nhạc phương Tây nhưng luôn đậm đà sự trầm mặc phương Đông. Tất cả nét tài tử, hào hoa, thanh lịch, nỗi cô đơn, khắc khoải được Nguyễn Ánh 9 gửi trọn vào các ca khúc như: Ai đưa em về, Tình khúc chiều mưa, Cô đơn, Mùa thu cánh nâu, Bơ vơ, Lặng lẽ tiếng dương cầm, Tình yêu đến trong giã từ...
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, hiền từ vượt qua những thị phi trong làng giải trí, đọng lại ở Nguyễn Ánh 9 là một sự tài hoa, hào hoa tuyệt vời trong âm nhạc. Ông giờ "theo mây trời lang thang, rong chơi cùng năm tháng" (lời ca khúc Cô đơn), nhưng ở đâu đó, có lẽ Nguyễn Ánh 9 vẫn đang nghiêng mình bên những phím đàn.
Thoại Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét