Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Nhạc sĩ Thanh Tùng - trái tim ca hát lãng du

Âm nhạc Thanh Tùng là tiếng hát của những trái tim yêu đời, yêu người, với nỗi buồn nhẹ nhàng, trong sáng nhưng đầy day dứt.


Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời. Ngoài những lời tiếc thương, dường như mỗi người yêu mến ông đều nhớ đến ít nhất một ca khúc đã gắn với câu chuyện nào đó, ký ức nào đó hay đơn giản chỉ là chút lòng nào đó của họ. 
"Lối cũ ta về, vườn xưa có còn, hoàng hôn trong gió, thoảng hương ngọc lan..."
"Em đừng ngồi buồn và đừng nói những lời giận hờn, để bầu trời xanh ngát như màu xanh trong mắt em. Em hãy nhìn cuộc đời, trong một đời có những cuộc đời. Em hãy nhìn vào lòng người, trong lòng người có cả mọi người, có em và có tôi..."
"Em và tôi, xa nhau thấy nhớ gần nhau giận hờn. Em và tôi, những tiếng ca vui, những khúc nhạc buồn. Em và tôi, mỗi người một nửa cuộc đời..."
nhac-si-thanh-tung-trai-tim-ca-hat-lang-du
Dù ngồi xe lăn những năm cuối đời, nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn giữ vẻ phong lưu. Ảnh: Quý Đoàn.
Âm nhạc của Thanh Tùng dường như đã ở đó rất lâu trong trái tim mọi người. Những giai điệu dễ dàng cất lên từ tâm trí của bất kỳ ai như rất thân quen. Mỗi người đều có thể bắt gặp mình trong những bài hát của Thanh Tùng. Họ có thể rơi nước mắt, có thể mỉm cười nhẹ nhàng khi câu hát nào đó cất lên. Những ca khúc cũ mà luôn mới bởi âm nhạc của ông là nắng, mưa, hoa, gió, là buổi sớm mai, là buổi chiều tàn, là đời sống. Có chăng sự tinh tế của người nhạc sĩ đã biến những điều tự nhiên ấy trở nên đẹp đẽ, thấm đẫm chất thơ.
Những ca khúc của Thanh Tùng chứa đựng nỗi buồn, ám ảnh, day dứt nhưng là nỗi buồn trong sáng, lạc quan trước cuộc sống chứ không bi lụy: "Hát đi em, hát lên những lời trái tim. Để với tiếng ca bỗng như ta gần nhau thêm. Có tiếng hát ai như cơn gió mát, giọt lệ nào là dòng suối trong veo. Như là tôi đang ở trong em đó, như tim em nằm ngủ trong tim tôi. Cách xa đâu là lãng quên, để nhớ thương nhuộm hồng trái tim...".
Thanh Tùng sáng tác khoảng hơn 30 bài, chủ yếu là tình ca. Không phải một kho nhạc đồ sộ về dung lượng, đa dạng về đề tài nhưng ca khúc nào cũng nổi tiếng và dễ dàng đi vào lòng công chúng. Đó là Chuyện tình của biển, Chuyện cổ Nghi Tàm, Đếm lá ngoài sân, Em và tôi, Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mi mắt, Hát với chú ve con, Hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta, Hoa cúc vàng, Hoa tím ngoài sân, Hoàng hôn màu lá, Lối cũ ta về, Lời tỏ tình mùa xuân, Mưa ngâu, Một mình, Ngôi sao cô đơn, Phố biển, Trái tim không ngủ yên, Vĩnh biệt mùa hè, Một thoáng quê hương... Giai điệu các ca khúc thường nhẹ nhàng, tươi tắn, có chút lãng đãng đúng như tâm hồn lãng du của Thanh Tùng.
nhac-si-thanh-tung-trai-tim-ca-hat-lang-du-1
Hình ảnh vợ Thanh Tùng xuất hiện trên màn hình trong đêm nhạc "Lối cũ ta về" của ông năm 2011. Lúc này, sức khỏe vị nhạc sĩ đã yếu nên không thể có mặt trên sân khấu.
Sinh thời, Thanh Tùng nổi tiếng đào hoa, đa tình. Trước khi bị đột quỵ và phải ngồi xe lăn năm 2008, cuộc đời chàng nhạc sĩ hào hoa xứ biển Nha Trang là những tháng ngày rong ruổi hát ca. Người như ông khi còn trẻ biết bao cô gái si mê. Nhưng dù mang tâm hồn ca hát lãng du, trái tim ông lại chỉ dành cho duy nhất người vợ đã mất. Bà ra đi từ đầu những năm 1990, sau 18 năm bên ông. Người đàn ông đó đã có lúc yếu đuối và gửi lòng mình vào ca khúc Một mình.
"Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên. Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên. Bao đêm tôi đã một mình nhớ em. Đêm nay tôi lại một mình..."
Người ta nói đàn ông thường khóc khô. Với Thanh Tùng, Một mình như một tiếng nấc dồn nén tất cả nhớ thương dành cho người vợ quá cố. "Nhớ em vội vàng trong nắng trưa. Áo phơi trời đổ cơn mưa. Băn khoăn khi con đang còn nhỏ. Tan ca bố có đón đưa...", "Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai. Gió sương mòn cả hai vai...". Cái hay của Thanh Tùng là khi nghe ca khúc của ông, mỗi người phụ nữ đều cảm thấy trong đó bóng dáng của mình, đều thấy như là viết cho mình.
* Hồng Nhung hát "Một mình"
Cách đây vài tháng, trên chiếc xe lăn tại nhà riêng ở Hà Nội, dù không còn nói được, khi được hỏi ông thương ai nhất, nhạc sĩ Thanh Tùng lấy hết sức nói gần tròn vành rõ chữ: "Bà". Con trai nhạc sĩ - anh Nguyễn Thanh Thông - cho biết các con cũng có lần hỏi bố về ý định đi bước nữa nhưng ông vẫn ở vậy làm gà trống nuôi con để ba người con hiện đều thành công trong cuộc sống.
Thanh Tùng mất nhưng âm nhạc của ông còn. Có lẽ, ông cũng chẳng đi đâu xa. Trái tim ca hát của ông vẫn lãng du đây đó như thường khi rồi về ngồi lặng bên thềm nhà. Ở nơi đó, thời gian qua như quy luật tự nhiên, cuộc sống trôi đi như vốn có, như những câu hát mà ông từng viết:
"...Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi
Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi
Một sớm mai kia

Chợt thấy hư vô trong đời
Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi
Chỉ là... thế thôi...".
* Thanh Lam hát "Giọt nắng bên thềm"
Anh Sa

'Một mình' - tình yêu đích thực trong sự cô đơn của Thanh Tùng

“Một mình” là khúc tình ca day dứt, thấm đượm cô đơn, được vị nhạc sĩ trải lòng sau sự ra đi của người vợ quá cố. 


Ngày 15/3, nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội sau nhiều năm ngồi trên xe lăn do hậu quả của những cơn đột quỵ. Sự ra đi của ông khiến người hâm mộ không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối. Nhạc sĩ Thanh Tùng là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mí mắt, Em và tôi, Lối cũ ta về...
Ông cũng là người có công định hình diện mạo nền nhạc nhẹ Việt Nam, đồng thời góp phần nhào nặn thế hệ “ca sĩ vàng” với những tên tuổi như Thanh Hoa, Ngọc Thúy, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh... Trong số nhiều sáng tác làm nên tên tuổi nhạc sĩ Thanh Tùng, Một mình là ca khúc mang đậm dấu ấn “cái tôi” trữ tình của ông nhất, được nhạc sĩ sáng tác từ chính hoàn cảnh của mình.
mot-minh-tinh-yeu-dich-thuc-trong-su-co-don-cua-thanh-tung
Nhạc sĩ Thanh Tùng trong những ngày cuối đời. Ảnh: Quý Đoàn.
Khi vợ qua đời năm nhạc sĩ Thanh Tùng 40 tuổi, ông ở vậy nuôi ba người con - hai trai và một gái. Thương vợ, thương mình, thương con, nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc Một mình. Cả ba diva của làng nhạc Việt là Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh đều thể hiện thành công bài hát này.
Một mình là khúc ca dạt dào thương nhớ của một trái tim đơn côi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Đoạn nhạc mở đầu cất lên dìu dặt, da diết khiến tâm trạng người nghe không khỏi chùng xuống. Âm thanh ấy ám ảnh, tựa như bản hòa tấu của đêm tối - tiếng gió vang vọng bên thềm, xào xạc lùa vào tán lá, tiếng mưa đổ ào ào... Trên nền âm thanh ấy, giọng hát người nghệ sĩ cất lên cao vút, vừa như tự sự, vừa như chất vấn:
“…Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên
Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên...”
Gió, mưa vô tri vô giác đã được nhân cách hóa, trở thành cái cớ để người nghệ sĩ bộc bạch nỗi lòng của mình. Câu hỏi “gió nhớ gì”, “mưa nhớ gì” được lặp lại liên tiếp để rồi sau đó, chủ thể trữ tình xuất hiện:
“…Bao đêm tôi đã một mình nhớ em
Đêm nay tôi lại một mình...”
Người nghe dường như có thể hình dung ra dáng hình một người đàn ông lẻ loi trong đêm tối mênh mông yên tĩnh. “Bao đêm” đã qua nhưng “tôi” vẫn “một mình”. Cuộc sống luôn đối lập một cách trớ trêu như vậy. Từ hoàn cảnh cô đơn hiện tại, người nghệ sĩ ru mình vào những kỷ niệm trong quá khứ với người vợ tần tảo.
“…Nhớ em vội vàng trong nắng trưa
Áo phơi trời đổ cơn mưa
Bâng khuâng con đang con nhỏ
Tan ca bố có đón đưa.
Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai
Gió sương mòn cả hai vai
Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ
Nghiêng nghiêng bóng em gầy...”
Một mình giống như tiếng nấc nghẹn ngào, chan chứa nhớ thương mà nhạc sĩ Thanh Tùng dành cho người vợ quá cố. Hình ảnh trong âm nhạc của Thanh Tùng chân thật và đẹp giản dị. Mạch cảm xúc dào dạt thấm nhuần trong từng câu chữ nên dù nhạc sĩ chỉ liệt kê ra một vài hình ảnh mang tính chất ước lệ: “vội vàng trong nắng trưa”, “giọt mồ hôi tóc mai”, “bóng em gầy”... nhưng từ đó, người nghe có thể nhận thấy tình cảm sâu nặng mà ông dành cho vợ.
mot-minh-tinh-yeu-dich-thuc-trong-su-co-don-cua-thanh-tung-1
Hình ảnh vợ nhạc sĩ Thanh Tùng trên sân khấu đêm nhạc "Một mình" vào năm 2008.
Khán giả cũng dễ dàng mường tượng chân dung người phụ nữ đảm đang, tháo vát, chịu thương chịu khó ấy. Một mình được nhiều thế hệ khán giả yêu thích cũng bởi bài hát khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời kỳ bao cấp, người vợ, người mẹ hiền “đảm việc nước, giỏi việc nhà”. Nhưng nét tài hoa lớn nhất của ông là từ “chuyện nhà”, “chuyện mình”, ông đã “nhào nặn” nó thành chuyện lớn, chuyện chung, thành nỗi niềm chung của bao người. 
Mạch cảm xúc của bài hát đi từ hiện tại hiu quạnh về quá khứ (nhớ em) rồi lại từ quá khứ trở ngược về với hiện tại (vắng em). 
“...Vắng em còn lại tôi với tôi
Lá khô mùa này lại rơi
Thương em mênh mông chân trời lạ
Bơ vơ chốn xa xôi
Vắng em đời còn ai với ai
Ngất ngây men rượu say
Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ
Cô đơn cùng với tôi về...”
Đoạn kết của bài hát vừa bày tỏ nỗi niềm nhớ thương của nhạc sĩ Thanh Tùng với người đã khuất, vừa miêu tả hoàn cảnh cô quạnh của ông. Các cụm từ “tôi với tôi”, “ai với ai”... khắc họa hiện tại cô đơn đến tột cùng của nhạc sĩ. Nhưng cái đáng quý là trong hoàn cảnh đó, ông vẫn đau đáu nhớ về người vợ đã khuất. Trái tim ông khắc khoải không yên bởi mình đâu phải là kẻ cô đơn duy nhất: Thương em mênh mông chân trời lạ. Bơ vơ chốn xa xôi.
mot-minh-tinh-yeu-dich-thuc-trong-su-co-don-cua-thanh-tung-2
Nhạc sĩ Thanh Tùng bên các con.
Nhạc sĩ Thanh Tùng là người nổi tiếng đào hoa, phong lưu. Vì vậy, việc ông “gà trống nuôi con” suốt bao nhiêu năm khiến nhiều người, đặc biệt là phụ nữ thầm ngưỡng mộ và thán phục sự chung tình của nhạc sĩ với người vợ đã khuất. Ông từng bồi hồi kể lại phút lâm chung, bà đã hỏi ông: “Nếu em chết, anh có lấy vợ mới và bỏ các con không?”. Thanh Tùng gọi đó là tuyên án chung thân, bởi chỉ “không” là có thể nói lúc này. Chính vì thế, Thanh Tùng sống trọn nửa đời trong cô đơn giữa ngôi nhà lớn.
Ông nói về cuộc sống một mình: “Không còn cảm giác cô đơn nữa dù người ngoài nhìn vào thấy tôi một mình. Tôi có gia đình hạnh phúc, có đông bạn bè. Trong thân phận của mình, tôi tìm được sự lý giải về tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi. Chưa chắc hai người ở cạnh nhau đã có hạnh phúc, đã hết cô đơn. Nhưng nếu cuộc sống chỉ có một người và người này vẫn nhớ về người kia, vẫn cảm thấy người kia luôn hiện diện thì sẽ không cảm thấy cô đơn”.
Có lẽ việc chọn cuộc sống một mình của nhạc sĩ không chỉ để giữ trọn vẹn lời hứa với người đã khuất, mà bản thân ông đã tự tìm thấy cho mình một tình yêu đích thực trong sự cô đơn. Ở tuổi 68, nhạc sĩ Thanh Tùng ra đi thanh thản sau 8 năm chống chọi bệnh tật. Ở nơi chín suối, có lẽ ông đang mỉm cười mãn nguyện khi cuối cùng, sau nhiều năm ly biệt, vợ chồng nghệ sĩ đã được đoàn tụ, hai trái tim cô đơn đã không còn “một mình”.
Nghe ca khúc: "Một mình" - Hồng Nhung
Hà Thu

Những tình khúc ghi dấu ấn của Thanh Tùng

"Lối cũ ta về", "Giọt nắng bên thềm" hay "Giọt sương trên mí mắt"... qua các giọng ca Hồng Nhung, Thanh Lam... làm thổn thức nhiều thế hệ khán giả.


Sáng 15/3, nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời sau 12 ngày nhập viện. Trước đó vào năm 2008, sau trận tai biến bất ngờ, Thanh Tùng mất khả năng đi lại và nói chuyện. Ông cũng bị bệnh tiểu đường và thận. Suốt hơn tám năm chiến đấu với bệnh tật, phải ngồi trên xe lăn, Thanh Tùng vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan.
Lần cuối cùng Thanh Tùng đứng trên sân khấu là trong liveshow Một mình 2008. Đến những ngày cuối đời, ông vẫn giữ hình ảnh tươm tất, lối sống phong lưu và có tình yêu lớn với gia đình, đặc biệt là người vợ đã khuất.
Tình yêu cuộc sống, con người in đậm trong mỗi tác phẩm của ông.
nhung-tinh-khuc-ghi-dau-an-cua-thanh-tung
Nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: Quý Đoàn.
Lối cũ ta về (nghe ca khúc)
Đây là một trong ba bài hát làm nên tên tuổi Thanh Lam và cũng là một trong những ca khúc hit của nền nhạc nhẹ thập niên 1990. Giai điệu nhẹ nhàng, thong thả trong đoạn đầu bài hát như nhịp bước chân của chàng trai trên con đường kỷ niệm. Mỗi hình ảnh quen thuộc đều khiến anh nhớ tới cuộc tình xưa. Bài hát nói về những hoài niệm đẹp trong tình yêu đã đi vào trái tim của nhiều chàng trai, cô gái.
Giọt nắng bên thềm (xem video)
Khoảng giữa những năm 1980, Thanh Tùng sáng tác ca khúc Giọt nắng bên thềm. Ca khúc lấy cảm hứng từ không gian sống của nhạc sĩ trong căn biệt thự tại TP HCM. Ca từ đậm chất thơ và chiêm nghiệm, nói về những xúc cảm tình yêu và cuộc sống. Những hình ảnh đóa hồng, tiếng chim, giọt nắng bên thềm, sỏi đá... gần gũi mà đầy thi vịGiọt nắng bên thềm giúp Thanh Lam ghi dấu ấn rõ nét trong làng nhạc Việt. Nữ ca sĩ từng chia sẻ được thầy Thanh Tùng trực tiếp dạy hát ca khúc này khi cô thi đơn ca nhạc nhẹ năm 1991. Trong cuộc thi đó, cô nhận được số điểm tuyệt đối từ năm vị giám khảo.
Em và tôi (nghe ca khúc)
Ca khúc Em và tôi nằm trong album cùng tên được phát hành năm 1988 của Thanh Lam. Một năm sau đó, nữ ca sĩ cùng ban nhạc phương Đông thực hiện liveshow mang tên bài hát của Thanh Tùng. Ca khúc viết về những đối cực trong tình yêu, giữa những con người yêu nhau. "Em và tôi, một đêm trăng sáng, một ngày chiều tàn. Em - sao mai đầu non. Còn tôi - sao hôm mỗi tối. Em và tôi, xa nhau thấy nhớ gần nhau giận hờn. Em và tôi, những tiếng ca vui, những khúc nhạc buồn". Tuy trái dấu nhưng giống như vòng xoáy âm dương, hai nửa cuộc đời ấy hòa quyện với nhau bằng tình yêu.
Ca sĩ Thanh Lam.
Ca sĩ Thanh Lam là một trong những giọng ca thể hiện thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng.
Một mình (xem video)
Năm nhạc sĩ 40 tuổi, vợ nhạc sĩ qua đời, để lại ông với cảnh gà trống nuôi con. Một mình được viết từ nỗi thương mình, thương vợ. Người đầu tiên thể hiện ca khúc là Hồng Nhung. Nữ ca sĩ nhận được văn bản bài hát trong một buổi chiều ngồi trên bãi biển Đà Nẵng. Ca từ, giai điệu đơn giản nhưng đầy chất thơ và tình cùng những kỷ niệm có vói gia đình nhạc sĩ đã làm rung động cô Bống. Không được nhạc sĩ chỉ cho hát, Hồng Nhung đã tự tìm thấy sự đồng cảm với tình yêu trong bài hát của ông mà hát lên một cách chân thành, mộc mạc nhất. Đôi bạn thân Thanh Tùng - Trịnh Công Sơn đều thừa nhận với nhau ca khúc "Một mình" là dành riêng cho giọng hát Hồng Nhung.
Giọt sương trên mí mắt (xem video)
Giọt sương trên mí mắt được Hồng Nhung thể hiện thành công trong chương trình Tình ca 19 năm 1994. Ca khúc sau đó lọt vào Top Ten Làn sóng xanh 1997 cùng nhiều bảng xếp hạng âm nhạc khác. Bài hát là những chiêm nghiệm của nhạc sĩ về cách con người đối diện những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, với ca từ giản dị nhưng nhiều ý nghĩa.
Hát với chú ve con (xem video)
Giai điệu vui tươi của Hát với chú ve con được thế hệ thanh niên một thời ngâm nga mọi lúc, mọi nơi. Ca khúc nói về tình yêu cuộc sống cũng như ước mơ được cống hiến của tuổi trẻ. Đây cũng là một trong những ca khúc gắn liền giọng hát Hồng Nhung.
nhung-tinh-khuc-ghi-dau-an-cua-thanh-tung-2
Ca sĩ Hồng Nhung là người thể hiện thành công nhất ca khúc "Giọt sương trên mí mắt" của nhạc sĩ Thanh Tùng.
Mưa ngâu (xem video)
Bài hát của cố nhạc sĩ mang đến hình ảnh duyên dáng của một cuộc hẹn hò, mà cơn mưa ngâu như chất xúc tác để những người yêu nhau trở nên gần gũi hơn. Ca khúc từng được Ý Lan đưa lên sân khấu hải ngoại, chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả.
Hoa tím ngoài sân (nghe ca khúc)
Bài hát kể về tình yêu thầm kín của một chàng trai với một cô gái. Nhưng tình yêu mới chớm nở đơn phương thì đã hóa xa cách. Lời hát cũng bày tỏ sự ngậm ngùi của chàng trai vì chưa kịp nói lời yêu.
Trái tim không ngủ yên (xem video)
Tác phẩm như lời thổn thức về tình yêu của một chàng trai. Bài hát một lần nữa lý giải cho sự mâu thuẫn, trái ngược trong tình yêu. Ở đó, khán giả được nhìn thấy mong ước lớn nhất của đôi lứa là gần gũi, yêu thương nhau. Song ca Bằng Kiều - Mỹ Linh được khán giả yêu thích khi hòa quyện 
Lời tỏ tình của mùa xuân (nghe ca khúc)
Bài hát lần đầu tiên được Hồng Nhung thể hiện vào năm 1988, sau này được nhớ tới nhiều hơn bởi giọng ca Mỹ Linh. Ca khúc nói đến niềm vui khi thấy đất nước, con người đang biến chuyển ngày một tích cực, lạc quan, tin tưởng vào tương lai cũng như tình yêu đôi lứa tốt đẹp.
Đức Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét