Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Đến Hòa Bình khám phá những điểm du lịch độc đáo

Trần Thanh 
(VietQ.vn) - Đến Hòa Bình để cùng khám phá điểm du lịch độc đáo như Thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên, vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc, thung lũng Mai Châu thơ mộng...


Khu du lịch Cửu Thác Tú Sơn
 
Khu du lịch Cửu Thác Tú Sơn nằm cạnh đường quốc lộ 12B, trên địa phận xóm Cửu, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Cửu Thác Tú Sơn tự hào với có tới chín con thác như: Tiên Tắm, Tình Âu Cơ, Trải Chiếu Quan Lang, Nàng Út Lót, Thác Bạc, Thác Triệu Phu, Thượng Ngàn, Thác Mẫu, Thác Thiên Ngọc Thạch.
 
Trung tâm khu du lịch là hệ thống phòng nghỉ tại Cửu Thác Tú Sơn resort có nhà nghỉ biệt thự Hoàng Tử, nhà nghỉ mini, nhà sàn lớn, có đủ dịch vụ ăn uống, có các món ăn đặc sản miền núi tỉnh Hòa Bình.
 
 
Động Tiên Phi
 
Động Tiên Phi nằm trên đỉnh đồi Thúc (hay còn gọi là đồi Thung Phi). Động được phát hiện ra từ năm 1982, bắt đầu mở cửa đón khách từ năm 1984, tới tháng 6/2000 được công nhận là di sản văn hóa. Những nhũ đá tự nhiên nằm sâu trong động, mỗi khối đá được tạo hóa ban cho những hình thù mềm mại, hội tụ đủ những tiên nữ, tiên ông, sư tử, voi, rùa, hổ….như một khu rừng muôn màu, muôn vẻ của thiên nhiên.
 
Thung Nai, Đền Thác Bờ
 
Cách Hà Nội khoảng 100km về phía Tây bắc, Thung Nai, một xã lòng hồ Sông Đà từ lâu là một địa chỉ mà nhiều du khách thích dừng chân khi lên Hòa Bình. Từ Hà Nội theo quốc lộ 6 đến tỉnh Hòa Bình, sau khi thăm đập thủy điện Sông Đà, chạy tiếp khoảng 5km thì rời đường lớn rẽ vào một con lộ chạy vòng quanh qua các sườn núi bạn sẽ xuống thuyền tại bến Thung Nai để ra hồ tham quan các đảo.
 
Trước đây thung lũng này có rất nhiều đàn nai về tụ họp. Giờ đây, sau khi đập thủy điện hoàn thành địa danh này trở thành một địa điểm du lịch khá hấp dẫn và hoang sơ.
 
Trên đảo có chợ nổi Thác Bờ và hai ngôi đền thờ bà Đinh Thị Vân người Mường ở Hào Tráng và một bà người Dao ở Vây Nưa có công giúp vua Lê Lợi về quân lương. Hai ngôi đền này rất linh thiêng, thường diễn ra các hoạt động tâm linh độc đáo như hầu đồng vào ngày đầu xuân hay lễ cúng bà.
 
Quanh chân đền Thác Bờ là các bè nuôi cá. Gần đó có một hang khá đẹp tên là Hang Bờ. Ngày nước lớn, thuyền có thể chèo sâu vào trong lòng hang. Cách đền độ một giờ đi thuyền có bản Ngòi Hoa, một bản người Mường còn rất hoang sơ và biệt lập. Ngoài ra du khách còn có thể đến thăm thác Vây Nưa, đảo Phong Lan, đảo Quạ.
 
 
Động Đá Bạc
 
Cách thị trấn Xuân Mai không xa, Động Đá Bạc thuộc xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Với chiều dài gần 70km, nhiều cung phòng nhỏ, Động Đá Bạc chứa đựng những giá trị tiềm tàng và nhiều điều bí ẩn của thiên nhiên.
 
Động Thiên Long
 
Động Thiên Long nằm ở lưng chừng núi đá thuộc xá Lạc Lương, huyện yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Động gồm có một động chính (chính cung) và hai ngách động nhỏ (tả cung và hữu cung). Thiên nhiên đã tạo cho Động Thiên Long những khối nhũ đá kì lạ có từ hàng triệu năm về trước. Cách động Thiên Long 1km là khu rừng nguyên sinh. Đến Động Thiên Long bạn có thể kết hợp thăm các điểm di tích của huyện Yên Thủy như Chùa Hang, đền Vó-Xăm, hang nước và động Thiên Tôn.
 
Lạc Thủy
 
Lạc Thủy là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hòa Bình, cách thủ đô Hà Nội khoảng 80km. Lạc Thủy là nơi pha trộn nhiều nét văn hóa khác nhau giữa hai dân tộc Việt – Mường, những lễ hội truyền thống, cách sinh hoạt hòa quyện vào nhau tạo nên nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc sắc: lễ hội cầu mát, lễ cầu phúc bản Mường,…Hơn nữa, mảnh đất này còn được các nhà khoa học phát hiện ra các di chỉ cổ thuộc văn hóa Hòa Bình như: di vật trống đồng loại I, giáo búp đa, giáo lá lúa, mũi dao đồng,..
 
Khu du lịch Suối Khoáng Nóng Kim Bôi
 
Suối nước nóng Kim Bôi Hòa Bình là một suối khoáng nóng tự nhiên thuộc xóm Mớ Đá, xã Hạ Bì , huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 70km theo quốc lộ 6 và cách thành phố Hòa Bình khoảng 30km.
 
Do nằm sâu dưới lòng đất nên nước khoáng phun lên luôn luôn ở nhiệt độ 36 độ, khi lộ thiên nước có nhiệt độ 34 đến 36 độ. Nguồn nước khoáng này có đủ tiêu chuẩn làm nước uống, để tắm, ngâm mình chữa các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp.
 
Khách sạn tại khu du lịch Suối Khoáng Nóng Kim Bôi có gần 100 phòng nghỉ đầy đủ trang thiết bị hiện đại, hệ thống nhà hàng, hội trường, bể bơi,…mới nâng cấp đạt tiêu chuẩn chất lượng 3 sao. Bạn có thể nghỉ ngơi, tắm suối khoáng, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, uống rượu cần, …
 
Sông Đà
 
Sông Đà hay còn gọi là Sông Bờ hoặc Đài Giang, là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Đến thăm Hòa Bình thì bạn không thể bỏ qua nhà máy thủy điện Hòa Bình, được xây dựng tại hồ Hòa bình thuộc tỉnh Hòa Bình cách Hà Nội chừng 100km
 
Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Nhà máy này do Liên Xô giúp đỡ và xây dựng thành. Nhà máy chính là nơi cung cấp điện chủ yếu cho toàn bộ hệ thống điện Việt nam. Nếu đến đây đúng vào ngày mở cửa xả, bạn sẽ được chứng kiến cảnh tượng hùng vĩ, dữ dội khi dòng nước tuôn ra ào ào.
 
 Thung Lũng Mai Châu
 
Từ Hà Nội đi 70km đến thị xã Hòa Bình rồi đi tiếp 60km nữa sẽ đến Mai Châu. Ở đoạn thứ hai này bạn sẽ vượt qua dốc Cun dài 15km. Gọi là dốc nhưng thực ra đây là một đèo cao, nếu vượt dốc vào sáng sớm, bạn sẽ có cảm giác bồng bềnh như đi trong biển mây.
 
Khi lên đèo, không ai qua đây là không dừng lại ngắm cảnh huyện lỵ mai Châu. Nơi đây là một thung lũng xanh rờn cây lá, đồng lúa và những nếp nhà sàn đều tăm tắp như xếp hàng chào đón du khách.
 
Đất lạ Mường Chiềng
Mường Chiềng nổi tiếng không hẳn vì có những thứ lâm sản quý hiếm để hút khách đồng bằng những cuộc săn tìm hương sắc lạ. Đất này cũng chưa nhuần nhuyễn trong cách làm du lich như Bản Lác, Đồng Văn. Nhưng sức hút lại toát lên từ sự vô tư trong cuộc sống chứ không hề bài trí, sắp đặt. 
Những phiên chợ vội vàng mở khi tàu hàng ghé qua, trong veo những đôi mắt trẻ trên khung cửa voóng nhà sàn, những bà mế hiền từ đem bán răm ba con chuột hun gác bếp, bắp ngô mới bẻ còn tươi nhựa, đôi ba mảnh thổ cẩm còn thơm mùi vải mới… Những cuộc gặp gỡ văn hóa ấy tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến khách lãng du có dịp biến đến một góc về đời sống vật chất của đồng bào nơi đây.
Ngày nắng là vậy, ngày mưa đất Mường Chiềng chìm trong sương khói mịt mù như sa khơi. Trong bếp lửa nhà sàn, cái lạnh đã bị lửa than xua tan, những bắp ngô nếp nướng thơm lừng. Từ những khe hở của bức tường gỗ thưng nhìn ra tứ bề đều mờ đục như giữa chốn thần tiên. Nước mưa rừng chảy trên mái hiên trong những đêm mưa như kể với người lạ về một huyền tích của núi rừng, như cố cản ngăn lại giấc ngủ sau một ngày mệt nhọc.
Những ngày đông giá, thuyền bè ít ghé lên đây thì lại là dịp để gia chủ nhớ ra những món thức ăn đã được tích trữ như một thứ lương khô hấp dẫn. Những chum ủ măng váng trắng sữa, những tảng thịt khô trên gác bếp, những con cá suối bắt vội từ đêm qua được nướng lên thơm nức. 
Mường Chiềng còn được biết đến với cái tết cơm mới được tổ chức rất có tầng bậc lớp lang của trầm tích văn hóa. Từ cuối mùa Thu, các chàng trai của mường bản đã phải đặt bẫy chuột, sóc rồi sấy khô (một vật tế lễ bắt buộc). Kế đến là đan mâm, làm những đôi đua hoa. Trong mâm cỗ cúng còn có cả mía, khoai lang, quả cọ…
Đến Hòa Bình khám phá những điểm du lịch độc đáo - ảnh 5
Đây cũng là dịp để những ai đam mê những điệu múa vùng Tây Bắc được thưởng thức những tiết tấu lạ lẫm của điệu múa gõ máng (keng-loóng), múa hoa. Các cô gái Tày với váy hoa, áo đỏ sặc sỡ dùng chày gõ vào máng tạo thành những nhịp điệu rộn rã vui tươi. 
Chỉ được tận mắt chứng kiến những điều ấy, ta mới nhận ra điệu thức vui tươi nhất trong đời sống tinh thần của đồng bào miền núi lại là những khi được mùa để đầu mường, cuối bản cũng rộn rã tiếng chày giã gạo. Thanh âm ấy dường như cũng là nhịp đập của trái tim trong lồng ngực căng đầy sức sống mỗi độ xuân về.
Mỗi vùng đất luôn giữ trong mình những điều bí mật, chỉ với những ai dám băng qua đường xa, đèo dốc lên tới nơi và trải lòng mình mới cảm nhận hết điều đó.
Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét