Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Kho báu trong lăng Thoại Ngọc Hầu



Khắc tên trên bảo vật trấn quốc



Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu và vợ ở núi SamẢNH: VỊ HOÀNG
Đã có nhiều tác phẩm viết về sự nghiệp và công lao của Thoại Ngọc Hầu, tuy nhiên cuộc sống đời thường của ông ít ai biết.
Chỉ đến khi kho báu đồ sộ trong lăng mộ ông được khai quật và giải mã, người ta mới hình dung phần nào đời sống của nhân vật lẫy lừng này.
Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829, tên thật là Nguyễn Văn Thoại) là tướng lĩnh thân cận của chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long triều Nguyễn). Ông được người dân Nam bộ rất mực tôn kính vì có công lớn trong việc lập làng lập ấp, giữ yên và phát triển miền Tây; là người chỉ huy đào kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế, hai con kênh hết sức quan trọng trong việc phát triển giao thương.
Ngay khi Thoại Ngọc Hầu và bà chính thất Châu Thị Vĩnh Tế còn sống, tên ông bà đã được đặt cho núi (Thoại sơn, Vĩnh Tế sơn), tên sông (Thoại hà, Vĩnh Tế hà) và còn được khắc lên Cửu đỉnh - bảo vật trấn quốc của triều Nguyễn đặt trong hoàng thành Huế ngay trước miếu thờ các vua Nguyễn. Sau này, tên ông bà còn tiếp tục được đặt cho các đơn vị hành chính (H.Thoại Sơn, xã Thoại Giang, thôn Thoại Sơn, xã Vĩnh Tế...), tên khu du lịch Hồ ông Thoại, khu dân cư Ngọc Hầu, Châu Đốc, nhiều trường học, đường sá và cây cầu tại 7 tỉnh (An Giang, Kiên Giang, Đà Nẵng, TP.HCM, Gia Lai, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế). Tổng cộng, có tới 7 loại hình và 40 cơ sở trên toàn quốc mang tên ông và bà.
Kho báu bí mật suốt 180 năm
Lăng Thoại Ngọc Hầu uy nghi tọa lạc tại P.Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang. Khu vực chính có 3 ngôi mộ lớn: mộ ông nằm ở giữa, một bên là phu nhân chính thất Châu Thị Vĩnh Tế ngang bằng với mộ ông, mộ bà thứ thất Trương Thị Miệt được xây lùi xuống một chút. Đã hơn 180 năm kể từ khi ông qua đời, khói nhang trong lăng mộ chưa bao giờ tắt.
Một điều kỳ lạ là cho đến trước khi phát hiện, trong dân gian hầu như không có những huyền thoại lưu truyền về đồ tùy táng của đức Thoại Ngọc Hầu. Thậm chí những ký ức về cuộc sống gia đình ông cho đến nay cũng không còn dấu vết, đặc biệt là khu vực dinh quan bảo hộ (ông từng giữ chức Thống chế Bảo hộ Cao Miên), nơi sinh sống của gia đình Thoại Ngọc Hầu lúc đương thời cũng chưa xác định được chính xác. Chỉ đến năm 2003, kết quả khảo sát mới cho thấy có dấu hiệu dinh quan bảo hộ cũ hiện nay nằm trong khu vực doanh trại Quân đội nhân dân VN ở Châu Đốc.
Cũng trong hơn 180 năm đó, lăng Thoại Ngọc Hầu đã trải qua nhiều nhiệm kỳ của nhiều ban quản lý và hàng chục lần trùng tu sửa, nhưng tuyệt nhiên đã không có một phát hiện hoặc một ghi chép nào về đồ tùy táng của Thoại Ngọc Hầu. Điều đó chứng tỏ hậu nhân của ông, những người được giao sứ mạng chôn cất các di vật, đã giữ bí mật một cách tuyệt đối khối di sản quý giá này trong lòng đất.
Kho báu trong lăng Thoại Ngọc Hầu: Khắc tên trên bảo vật trấn quốc - ảnh 1
Những mảnh vàng của chiếc mão hổ đầu thu được sau khi khai quật
Khối lượng di vật to lớn, quý giá
Ngày 20.9.2009, trong quá trình tu bổ lăng mộ, khi dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị lát gạch chung quanh, công nhân thuộc Công ty Hà Phúc đã phát hiện một lằn phui sụp xuống. Sự việc được báo cáo cho Ban Quản lý khu di tích Lăng miếu núi Sam và Bảo tàng An Giang. Sau khi khảo sát, ban quản lý và Bảo tàng An Giang nhất trí rằng khả năng có khu vực chôn đồ tùy táng là rất lớn, lập tức xin phép UBND tỉnh và Sở VH-TT-DL An Giang tiến hành khai quật khu vực này.
Sau 4 ngày, cuộc khai quật khẩn cấp đã thành công. Số lượng hiện vật thu được rất lớn: hơn 500 hiện vật và hàng trăm tàn tích đồ gỗ, đồ vải, đồ kim loại... Hiện vật phong phú và đa dạng, gồm nhiều chất liệu: vàng, bạc, đồng, đồng tráng men (pháp lam), sắt, antimony, gỗ, gốm sứ, thủy tinh, đá, ngà, xương, răng, nanh hổ, vỏ ốc...; cổ vật thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19 thuộc nhiều nước: VN, Trung Quốc, Xiêm La (Thái Lan), Chân lạp (Campuchia), Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha ... Với số lượng hiện vật quý giá như trên, có thể nói phát hiện khảo cổ học tại lăng mộ Thoại Ngọc Hầu rất độc đáo và thú vị. Bởi cho đến nay, những phát hiện đã công bố về đồ tùy táng của các quan lại đại thần phong kiến VN, thậm chí của cả vua nữa, chưa từng có nhân vật nào vừa có công lao, tài đức mà còn để lại một khối lượng di vật to lớn, quý giá và phong phú như vậy. Các hiện vật này đã giúp phần nào hình dung về cuộc sống của tầng lớp quan lại cấp cao VN đầu thế kỷ 19 tại khu vực biên giới phía Tây Nam.
Phạm Hữu Công


Hé lộ đời sống cách đây hàng trăm năm






Đồng tiền châu Âu, một cổ vật tìm thấy trong lăng Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Vĩnh TếẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Bà Châu Thị Vĩnh Tế mất trước ông Thoại Ngọc Hầu 3 năm (bà mất năm 1826, ông mất năm 1829), tuy nhiên vẫn chưa rõ tài sản của ông và bà được chôn cùng lúc hay chôn riêng rẽ theo đám tang từng người.
Các nhà khảo cổ học thật sự kinh ngạc khi nhìn thấy từng món đồ lấy lên từ hố khai quật lăng Thoại Ngọc Hầu vì mức độ phong phú và đa dạng của chúng, từ đồ sinh hoạt cá nhân, đồ được tặng biếu, được ban thưởng, đồ quý kim làm của để dành, đồ kỷ niệm, đồ y tế, đồ dùng trong thú vui thưởng ngoạn...
Một điều đáng tiếc là y phục, phẩm phục và các rương hòm cũng như một số đồ bằng giấy, vải, gỗ... đã bị mục nát chỉ còn tàn tích không thể đoán định cũng như phục hồi. Tuy nhiên, những gì còn lại đã là những di vật cực kỳ quý giá về nhiều mặt để có thể hình dung được phần nào cuộc sống của Thoại Ngọc Hầu và gia đình cũng như đồ dùng của giai đoạn cách chúng ta 2 - 3 thế kỷ, vừa quen lại vừa lạ...
Kho báu trong Lăng Thoại Ngọc Hầu: Hé lộ đời sống cách đây hàng trăm năm - ảnh 1
Lọ vôi bằng vàng
Hơn 300 hiện vật quý của bà
Có khoảng 304 hiện vật và khá nhiều tàn tích hiện vật thuộc về bà Châu Thị Vĩnh Tế. Chất liệu gốm sứ Trung Quốc chiếm số lượng lớn với 151 sản phẩm là các loại đồ đựng: bát, đĩa, muỗng, thố (tiềm)... bằng sứ cao cấp men xanh trắng, men ngũ thái..., chân đèn kiểu con tiện, các loại ô trầu, bình, ấm men nhiều màu. Bên cạnh đó là các sản phẩm từ Xiêm La (Thái Lan): hũ hình trái bí, bát gốm Bencharong men nhiều màu, nậm rượu thếp vàng phần cổ và chân, thố có nắp; Chân Lạp (Campuchia): hộp đựng vôi, đĩa bồng, mâm bồng.
Các cổ vật của VN tìm thấy trong mộ bà rất đa dạng: những nén vàng mỗi nén nặng 5 lượng; trang sức như nhẫn, khuyên tai, vòng tay, trâm (cán bằng bạc), hộp, vật hình quai... các loại đĩnh bạc, hộp bạc, những chiếc lồng ấp, bàn ủi, ống nhổ, nồi, chảo, âu, đĩa chân cao, ô trầu, chậu, đèn treo (chùm), mâm, ấm, chén, bình vôi, vá, tẩu thuốc, bàn ủi... bằng đồng. Đồ bằng sắt có bếp lò, dao bổ cau. Có một đồng tiền Minh Đức thông bảo; bộ khóa và chìa, có một bộ móc gồm 8 cái hình lưỡi câu chưa rõ công dụng tạm gọi là móc mùng... Ngoài ra còn có một chiếc răng người và chiếc hộp bằng hổ phách.
Đặc biệt, có khá nhiều cổ vật xuất xứ từ châu Âu, cho thấy các vật dụng châu Âu đã được sử dụng trong đời sống các gia đình quyền quý thời đó: đèn chùm treo giữa phòng của Pháp, các loại thố, đĩa, ống nhổ, cốc ly, muỗng, lọ... màu trong hoặc màu xanh. Có 1 chai rượu khắc chìm hoa và phủ nhũ vàng. Có cả hai đồng tiền vàng của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Kho báu trong Lăng Thoại Ngọc Hầu: Hé lộ đời sống cách đây hàng trăm năm - ảnh 2
Thỏi bạc thời Minh Mệnh
Kho báu trong Lăng Thoại Ngọc Hầu: Hé lộ đời sống cách đây hàng trăm năm - ảnh 3
Móc mùng của bà Vĩnh Tế
Những hiện vật dùng riêng của ông
Hiện vật tìm thấy trong khu vực mộ ông Thoại Ngọc Hầu về mặt chất liệu tương đương với hiện vật của bà, nhưng về số lượng thì có ít hơn một chút và so ra cũng có khá nhiều khác biệt. Ông có những hiện vật dùng riêng mà bà không có.
Bà có nhiều hơn ông những đồ dùng trong việc ăn, còn ông nhiều hơn bà những vật dụng cho việc uống: chẳng hạn ông có nhiều ấm đất nung, bà có nhiều muỗng hơn... Điểm đáng chú ý là ông có 4 hiện vật mà bà không có: 3 chung, 1 đĩa sứ Cảnh Đức men xanh trắng vẽ phong cảnh sơn thủy do vua ban.
Hiện vật vàng của ông và bà khác nhau nhiều nhất. Ông không có trâm cài tóc, nhẫn, hộp, tiền vàng Bồ Đào Nha... nhưng lại có chiếc mão quan bằng vàng gồm 33 chi tiết. Nhưng chiếc bình vôi của bà bằng vàng thì của ông lại bằng bạc. Ông có một cái lấy ráy tai, cái tẩu hút thuốc mà bà không có. Riêng chiếc lệnh bài mang chữ Thưởng thì ông có 1 cái giống hệt của bà.
Đặc biệt, ông có 1 kính đeo mắt gọng kim loại của châu Âu có thể gấp lại, mắt kính tròn, loại 2,5 độ.
Phạm Hữu Công


Bí ẩn đồng tiền Minh Đức thông bảo






Đồng Minh Đức thông bảo do Nguyễn Nhạc phát hànhẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Sự xuất hiện của đồng tiền Minh Đức thông bảo trong đồ tùy táng của bà Châu Thị Vĩnh Tế (vợ ông Thoại Ngọc Hầu) là một hiện tượng lạ, gây bất ngờ cho các nhà khoa học.
Hai loại tiền Minh Đức thông bảo
Đồ tùy táng là đồ dùng được chôn theo người chết, đó là những món đồ mà người chết lúc sinh thời ưa thích, thường dùng hoặc là món đồ có liên quan đặc biệt với người quá cố.
Đồ tùy táng trong lăng mộ Thoại Ngọc Hầu đều là những vật dụng cá nhân và những đồ kỷ niệm của hai ông bà. Đáng lẽ trong khối đồ tùy táng của ông bà Thoại Ngọc Hầu phải có những đồng tiền Gia Long thông bảo hoặc Minh Mạng thông bảo vì đây chính là đồng tiền do triều đại mà ông bà đã có công vun đắp, gầy dựng. Vì vậy, sự có mặt của đồng Minh Đức thông bảo thật sự rất đặc biệt, khi một đồng tiền bằng đồng không có ý nghĩa gì về mặt giá trị kinh tế, nhất là đối với một gia đình quan lại cấp cao như Thoại Ngọc Hầu.
Trong lịch sử VN, ông vua lấy niên hiệu Minh Đức là Mạc Đăng Dung (1483 - 1541). Năm 1528, Mạc Đăng Dung cho đúc tiền Minh Đức thông bảo. Đồng tiền loại này hiện vẫn còn phát hiện nhiều tại khu vực các tỉnh phía bắc nhưng rất hiếm gặp ở các tỉnh phía nam.
Trên thực tế, nước ta đã có thêm kiểu đồng tiền Minh Đức thông bảo được phát hành bởi triều Tây Sơn. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, niên hiệu là Thái Đức và cho đúc tiền Thái Đức thông bảo. Tuy nhiên, tác phẩm Tiền kim loại Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử VN và tài liệu về tiền cổ của nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy thì cho rằng Nguyễn Nhạc có đúc tiền Minh Đức thông bảo năm 1787 sau khi xưng là Trung Ương hoàng đế với hiệu Minh Đức vương. Allan Barker trong cuốn sách The historical cash coins of Vietnam cũng công nhận có đồng tiền Minh Đức thông bảo của Nguyễn Nhạc nhưng về niên đại đúc thì lại cho muộn hơn vào năm 1789. Loại tiền này được tìm thấy khá nhiều ở các tỉnh Trung bộ.
Một tình bạn cao cả
Đồng tiền tìm thấy trong khu vực đồ tùy táng của bà Châu Thị Vĩnh Tế có cùng phong cách thư pháp và một loại hợp kim, kích thước, độ dày với đồng của Nguyễn Nhạc phát hành.
Về lý thì cả hai loại tiền của Mạc Đăng Dung lẫn của Nguyễn Nhạc đều không có lý do gì để có mặt trong đồ tùy táng của gia đình quan Bảo hộ, nhất là tiền của Mạc Đăng Dung vì không có cơ sở liên quan về huyết thống, về độ quý giá hoặc bất cứ một lãnh vực nào khác. Trong khi tiền của Nguyễn Nhạc có cơ sở hơn vì cùng thời đại với Thoại Ngọc Hầu nên nhiều khả năng nó có một mối liên quan nào đó.
Tra cứu thân thế, sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân có vài điểm đáng lưu ý: Thoại Ngọc Hầu là hàng xóm cùng làng cùng quê với Thái phó Trần Quang Diệu (1760 - 1802) của Tây Sơn ở An Hải, tổng An Lưu Hạ, H.Diên Phước, phủ Điện Bàn (Quảng Nam). Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) là bạn bè thân thiết. Sau này theo phò Nguyễn Ánh, khác nhau chiến tuyến, Nguyễn Văn Thoại vẫn nhớ về giao tình cũ với gia đình ông Diệu và ngược lại. Năm 1800, Nguyễn Văn Thoại được phong Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, phối hợp với Lào đánh quân Tây Sơn ở Nghệ An. Nghe tin có Trần Quang Diệu từ Quy Nhơn ra tiếp cứu quân Tây Sơn, ông Thoại liền giao binh quyền cho phó tướng là Lưu Phước Tường rồi trở vào Gia Định. Vì việc này, ông bị Nguyễn Ánh bắt tội là không có lệnh của vua mà tự tiện về, phạt giáng cấp ông từ Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân xuống làm Cai đội cai quản đạo Thanh Châu. Đến năm 1802, trong dịp khen thưởng những người có công, ông cũng chỉ được Gia Long phong làm Khâm sai Thống binh cai cơ rồi sau nữa mới thăng làm Chưởng cơ.
Việc Nguyễn Văn Thoại tự ý về Nam năm 1800 vẫn còn chưa rõ nguyên nhân và động cơ vì không có sách nào ghi chép nhưng chắc chắn Gia Long và cả Minh Mạng sau này đã nghi ngờ ông tránh né đối đầu với Trần Quang Diệu nên đối đãi với ông hơi nhạt nhẽo trong những lần phong thưởng. Vì không có bằng chứng và vì lòng trung trinh của ông đối với nhà Nguyễn là không thể bác bỏ nên ông vẫn tiếp tục được nhà Nguyễn sử dụng.
Đồng tiền Minh Đức thông bảo phát hiện trong khu vực đồ tùy táng của bà Châu Thị Vĩnh Tế chính là bằng chứng sống động của việc Thoại Ngọc Hầu vẫn nhớ kỷ niệm với gia đình Trần Quang Diệu để rồi lưu giữ chỉ duy nhất đồng tiền của Tây Sơn để nhớ về người bạn cùng quê nhưng không cùng chiến tuyến, mặc dù ông biết rằng việc lưu giữ này có thể gây tai họa. Cuối cùng vì ý thức được mầm họa có thể xảy đến bất cứ lúc nào nếu sau khi ông chết mà đồng tiền này bị kẻ xấu phát giác nên khi bà Châu Thị Vĩnh Tế qua đời, chính ông đã gửi gắm đồng tiền cho người vợ thân yêu gìn giữ bí mật của đời mình.
Cuối cùng sự cảnh giác của ông đã không sai. Năm 1830, sau khi mất không bao lâu, ông bị tố cáo là nhũng nhiễu nhân dân - một tội rất mơ hồ - và bị Minh Mạng truy giáng phẩm tước, tịch thu tài sản một phần đem bán, hậu nhân của ông thì bị ly tán, cũng may mà không có tố cáo về tàng trữ đồ của Tây Sơn.
Phạm Hữu Công

Những kỷ vật từ đất bắc




Lồng ấp của Thoại Ngọc HầuẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
 Trong lăng Thoại Ngọc Hầu và phu nhân, các nhà nghiên cứu tìm thấy những chiếc lồng ấp dùng để sưởi ấm, đồ dùng rất hiếm gặp ở vùng đất phương Nam quanh năm nắng ấm.
Lồng ấp bằng đồng trong khối di vật của Thoại Ngọc Hầu có tới 3 chiếc, trong đó bà 2 chiếc, ông 1 chiếc. Ông và bà đều có 1 chiếc tương tự nhau giống với những chiếc lồng ấp thời Nguyễn tìm thấy tại Huế, dạng hình lục giác vai nở bo tròn nhỏ dần về đáy, miệng bát giác, không thấy nắp.
Lồng ấp chế tác bằng đồng là vật dùng để sưởi ấm tay vào mùa đông giá buốt, chủ yếu dùng trong các nhà quý tộc hoặc giàu có ở miền Trung và miền Bắc nước ta thời phong kiến. Lồng ấp có lẽ xuất hiện khá sớm vì khí hậu lạnh lẽo ở miền Trung, miền Bắc VN vào mùa đông cần đến những vật dụng này. Nghề sản xuất công cụ bằng đồng khá phát triển ngay từ thời đầu Công nguyên nên người ta có thể dễ dàng chế tác được chúng. Tuy nhiên, đến nay khảo cổ học cũng chưa xác định được chiếc lồng ấp xuất hiện vào lúc nào tại VN.
Kho báu trong Lăng Thoại Ngọc Hầu: Những kỷ vật từ đất bắc - ảnh 1
Lồng ấp của bà Vĩnh TếẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Thời Nguyễn, lồng ấp bằng đồng được sử dụng phổ biến trong các nhà quyền quý từ hoàng tộc đến tư dinh các quan, vì vậy loại này còn thấy rất nhiều tại Huế. Tên gọi “lồng ấp” hơi khó hiểu và đến nay không biết phát xuất từ đâu nhưng có ý kiến cho rằng nó xuất phát từ Huế, thật ra có thể gọi “lồng ấp” là “lò sưởi tay” thì đúng với chức năng của nó hơn.
Chiếc lồng ấp giống như một chiếc hộp đựng than hồng được thiết kế nhỏ gọn để làm ấm đôi bàn tay, chúng có dạng khối vuông, chữ nhật, lục giác hoặc bát giác, các cạnh vai vuốt tròn, thân nhỏ dần về đáy, phần miệng lồng ấp thu nhỏ lại. Trên miệng lồng ấp có nắp. Nắp có hình dạng theo thân lồng ấp và khum ôm khít phần miệng, được đục thủng nhiều hàng ngang dọc những lỗ tròn khắp bề mặt để khối than cháy đỏ bên trong lấy không khí và để thoát khói. Lồng ấp có quai đôi có thể ngả ra 2 bên vai, quai tiết diện vuông bẻ nhiều góc đối nhau kiểu thước thợ đầy nét mỹ thuật...
Kho báu trong Lăng Thoại Ngọc Hầu: Những kỷ vật từ đất bắc - ảnh 2
Bàn ủi của bà Vĩnh TếẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Thân lồng ấp của ông có 2 chữ Hán Thọ đối nhau trên 2 cạnh, đế lồng ấp bằng gỗ chạm. Chiếc lồng ấp còn lại của bà cũng dạng hình lục giác với các cạnh bo tròn, cân đối nhỏ dần về đáy, nhưng nó đặc biệt hơn với chất liệu bạc và nắp chạm thủng hình hoa dây với núm hình hồ lô, thân lồng ấp chạm hình tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), khắc chìm chữ Hán Thự Trung. Lồng ấp bằng chất liệu bạc là hiện vật khá lạ và có giá trị cao, chưa từng thấy tại các bảo tàng. Có lẽ đây là chiếc lồng ấp ông tặng riêng bà khi bà theo ông ra miền Bắc nhận nhiệm vụ trấn thủ Lạng Sơn trong những năm 1803 - 1807 vì bà là người phương Nam không quen chịu lạnh. Cũng trong những năm này, bà đã cùng ông lập ra chùa Am tại Cửa Bắc, Hà Nội. Tại ngôi chùa này đến nay vẫn còn tấm bia ghi rõ tên hai ông bà dâng cúng.
Những năm cuối đời, ông bà Thoại Ngọc Hầu được về trấn thủ Châu Đốc, nơi phương Nam ấm áp và chỉ huy những công trình lớn của đất nước. Lúc này, lồng ấp cũng ít được sử dụng nhưng gia đình Thoại Ngọc Hầu vẫn mang theo 3 chiếc lồng ấp đã sử dụng ở xứ bắc. Đó chính là đồ kỷ niệm những tháng năm ông bà đã sống ở nơi có mùa đông lạnh lẽo như Bắc Thành trong đời đi làm việc xa của mình.
Bàn ủi của bà Vĩnh Tế
Trong mộ bà, đáng chú ý là chiếc bàn ủi bằng đồng dạng gáo với miệng hình cánh hoa loe về phía có tay cầm. Thân bàn ủi chạm nổi hoa văn chữ Thọ, ô trám lồng. Tay cầm được tra cán bằng gỗ nhưng cán đã bị gãy, có lẽ bị hư hỏng trong sự phân hủy hơn 180 năm dưới lòng đất. Đặc biệt, trôn bàn ủi có chỗ còn nhẵn bóng không bị ô xít hóa chứng tỏ nó đã được sử dụng rất nhiều lần.
Bàn ủi dùng làm khô và phẳng y phục, lúc đầu dùng trong các nhà quyền quý, đã hiện diện khá sớm ở VN nhưng đến nay chưa xác định được chính xác thời điểm chúng xuất hiện. Bàn ủi xưa có thể tích nhỏ, không có nắp, sử dụng than. Hiện nay loại hiện vật này được trưng bày tại một số bảo tàng lớn trong cả nước như Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế...
Phạm Hữu Công

Chiếc móc mùng của bà Vĩnh Tế



Chiếc móc mùng của bà Châu Thị Vĩnh Tế  /// Ảnh: Lương Chánh Tòng

Chiếc móc mùng của bà Châu Thị Vĩnh TếẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Đồ tùy táng trong khu mộ Thoại Ngọc Hầu, bên phần mộ bà Châu Thị Vĩnh Tế (vợ ông Thoại Ngọc Hầu), cạnh các hiện vật khác người ta tìm thấy 8 chiếc móc câu bằng đồng.
Trong xã hội xưa, tùy theo gia cảnh, tầng lớp quý tộc hoặc người giàu có thường nằm trên những chiếc giường gỗ quý chạm cẩn tinh vi, trên có khung để treo mùng. Chiếc mùng thường được may bằng vải dệt thưa để người nằm trong không bị ngộp, bị nóng. Để treo mùng vào khung, góc chiếc mùng được may con bọ (con đỉa) kín hoặc 2 dải rời nhau dùng nối với khung, như vậy có ít nhất 4 con đỉa được may ở 4 góc. Nếu con đỉa kín thì chiếc mùng cần có thêm những chiếc móc làm trung gian để nối chiếc mùng với khung treo mùng, và nếu mỗi con đỉa cần một chiếc móc thì bao nhiêu con đỉa là phải có bấy nhiêu chiếc móc tương ứng. Còn nếu con đỉa là 2 dải rời nhau thì chúng dùng để cột vào khung treo mùng.
Ở nhà bình dân, giường có thể chỉ là chiếc chõng không có khung, hoặc người ta không ngủ trên giường mà nằm chỗ khô ráo, nên để tiện lợi có thể cột con đỉa vào bất cứ nơi nào thuận tiện mà không cần dùng đến móc mùng. Ngày nay ở các thành phố, muỗi hầu như đã bị tiêu diệt, người dân nằm ngủ không cần mùng, nên thế hệ trẻ có thể không biết đến chiếc mùng và đặc biệt càng không biết đến móc mùng hoặc dụng cụ treo mùng.
Về mặt khảo cổ học, đến nay chưa có phát hiện khảo cổ nào thông báo về những chiếc mùng cổ hoặc móc mùng cổ... Tuy nhiên, điều thú vị là trong dân gian nước ta, đã tồn tại câu đố đề cập đến chiếc mùng và muỗi: “Bốn bên bốn bức tường cao/Giặc đánh ào ào người cứ ở trong cung” (giải đáp: Người ngủ trong mùng và phía ngoài là đàn muỗi). Trong câu đố, “bốn bức tường” ám chỉ chiếc mùng, còn “giặc đánh ào ào” là để chỉ đàn muỗi và “cung” là chiếc giường.
8 chiếc móc mùng cổ
Ở nước ta tuy không có công bố phát hiện khảo cổ về những chiếc mùng, nhưng đã có một số phát hiện và công bố về những chiếc móc mùng mà tiêu biểu là phát hiện về đồ tùy táng trong khu mộ Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc (An Giang) tháng 10.2010.
Những người khai quật tìm thấy 8 chiếc móc câu bằng đồng có cán dài khoảng 15,5 cm, đường kính 8 cm, khung của chiếc móc có tiết diện tròn, đường kính khoảng 0,2 cm nối vào một cán dẹt rộng khoảng 1 cm, dài 6 cm, dày 0,1 cm, đầu còn lại của cán dẹt này lại có một lỗ nối với một khoen hình chữ nhật bo góc có tiết diện tròn khoảng 0,1 cm. Khoen tròn này chứng tỏ chiếc móc còn được bắt vào một chỗ nào đó.
Những chiếc móc câu này dùng để làm gì? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Chúng quá lớn để có thể câu cá, chúng cũng không phải là cái móc để treo các tảng thịt trong nhà bếp của Thoại Ngọc Hầu. Vậy chúng là gì mà có đến 8 cái giống hệt nhau? Đây là những hiện vật khá lạ, ngay cả một số chuyên gia khảo cổ kỳ cựu đã từng khai quật nhiều mộ cổ cũng chưa từng thấy các vật dụng tương tự trong những lần khai quật trước, và điều kỳ lạ là ngay như cả vật dụng dùng trong nhà hiện nay cũng ít gặp loại này. Khi nhận định chúng là những chiếc móc mùng thì trải qua tranh luận phản biện thú vị vì phải lý luận theo phương pháp loại trừ. Cuối cùng cũng có thể kết luận đây là 8 chiếc móc mùng với vị trí như sau: 4 cái được gắn vào 4 góc của khung treo mùng, 4 cái còn lại có thể được gắn ở giữa 4 thanh của khung treo. Đây có thể là móc treo mùng của bà Châu Thị Vĩnh Tế sử dụng sinh thời, đã được Thoại Ngọc Hầu chôn theo bà khi mất. Điều đáng chú ý, các nhà khảo cổ không tìm thấy đồ vải trong phát hiện về khảo cổ học lăng Thoại Ngọc Hầu. Tuy nhiên có dấu vết cho thấy sự tồn tại của vải vóc trong những tàn tích. Như vậy, chiếc mùng mà bà Châu Thị Vĩnh Tế sử dụng hồi sinh thời có thể cũng được ông cho chôn theo bà, nhưng có lẽ nó đã bị phân hủy theo thời gian. Có thể chúng đã được sản xuất tại Huế.
So sánh với niên đại năm 1800 của bức họa Trong mùng do họa sĩ người Nhật Utamaro vẽ với niên đại những chiếc móc mùng của bà Châu Thị Vĩnh Tế cũng trong khoảng trước sau những năm 1800, có thể thấy việc sử dụng mùng chống muỗi khi ngủ đã là một điểm chung trong “văn hóa ngủ” của VN và Nhật Bản thời ấy.
Như vậy, một trong những phát hiện hết sức thú vị của đồ tùy táng trong lăng Thoại Ngọc Hầu là những chiếc móc mùng cổ mà hiện nay tại VN chưa có bảo tàng nào trưng bày. Gần đây nhất, bảo tàng tư nhân Mỹ Sơn (Quảng Nam) trưng bày 2 cặp móc mùng có hình dáng tương tự những chiếc móc mùng của bà Châu Thị Vĩnh Tế, gồm 1 cặp bằng đồng, 1 cặp bằng bạc chế tác tinh xảo chạm hình cá, hình giỏ hoa… Cặp bằng bạc có chữ Hán dọc từ trên xuống: 黃 成 隆 海 防 (Hoàng Thành Long Hải Phòng), có thể hiểu là chiếc móc này do hiệu Hoàng Thành Long ở Hải Phòng sản xuất hay người chế tác là Hoàng Thành Long. Tên gọi Hải Phòng được định danh sớm nhất vào khoảng năm 1873 do tên gọi của căn cứ phòng ngự bờ biển tại Ninh Hải có tên là nha Hải Phòng sứ. Đến năm 1887, thực dân Pháp chính thức thành lập tỉnh Hải Phòng. Như vậy, có thể xác định cặp móc mùng này có niên đại sớm nhất là cuối thế kỷ 19.
Những chiếc móc mùng là những cổ vật khá lý thú, hầu như chưa từng được biết đến trong các bảo tàng hoặc trong các hội nghị phát hiện khảo cổ học. Việc giới thiệu, nghiên cứu chúng sẽ cung cấp nhiều thông tin lý thú về sinh hoạt của người xưa qua những đồ dùng quen thuộc.
Phạm Hữu Công

Chiếc mão trang trí bằng 5 lượng vàng ròng




Mão hổ đầu trang sức vàng của Thoại Ngọc Hầu sau khi phục nguyênẢNH: VŨ KIM LỘC
Trong kho báu di vật tùy táng của Thoại Ngọc Hầu có 48 chi tiết trang trí bằng vàng ròng của chiếc mão được tìm thấy, tương đương gần 5 lượng vàng, được chạm trổ tinh xảo.
Phục nguyên mão quý
Để nghiên cứu về hình dáng, kiểu thức của chiếc mão này, các nhà nghiên cứu đã khảo cứu sâu về cuộc đời sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu và xác định chức vụ cao nhất ông được bổ nhiệm là Thống chế, Án thủ Châu Đốc đồn, Bảo hộ Cao Miên (Campuchia), Kiêm quản trấn Hà Tiên, có hàm Chánh nhị phẩm Võ ban. Tuy nhiên, khó khăn là khi phục dựng chiếc mão của Thoại Ngọc Hầu, các nhà nghiên cứu chỉ có trong tay các chi tiết trang trí rời rạc, không còn cốt mũ, vị trí lúc phát hiện cũng đã có nhiều xáo trộn bởi thời gian.
Về mão hổ đầu (đầu hổ) ở VN, sử cũ cho biết sớm nhất được ghi nhận là vào năm 1758, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã sai chế mũ hổ đầu cấp cho các quân, sử liệu không ghi chép gì về quy thức, hình dáng của loại mão này. Sau này, nhà Nguyễn cũng chỉ chép rất sơ sài về các loại mũ khiến chúng ta không thể nào hình dung được. Tuy nhiên, năm 1916, học giả Nguyễn Đôn đã có một công bố quan trọng về phẩm phục quan lại thời Nguyễn kèm theo các bản vẽ của họa sĩ Tôn Thất Sa về các loại mũ của quan lại trong sách Những người bạn yêu Huế xưa, giúp chúng ta nhận diện được các đặc điểm chi tiết trang trí mão của Thoại Ngọc Hầu thuộc loại hình hổ đầu vì có các điểm chung là các loại hình trang trí như: Loại hình bác sơn được đặt ôm trùm lấy vòm mũ và ở trên có một hình khánh, một hình quả nhô cao, phía trước vòm mũ là 2 hình hoa, 2 hình giao long. Phía sau 1 hình hoa, 2 hình giao long và 4 hình trang trí ở 2 giải mũ, ở hai bên là hai hình cuốn về phía sau... Ngoài ra, còn có một số chi tiết mang tính riêng biệt. Tuy nhiên, bản vẽ của họa sĩ Tôn Thất Sa được vẽ vào cuối thời Nguyễn, trong khi chiếc mão của Thoại Ngọc Hầu được làm vào đầu nhà Nguyễn.
Để đảm bảo tính trung thực trong việc phục nguyên, các nhà khoa học đã xác định, so sánh, đối chiếu một nguồn tư liệu quan trọng mang tính gián tiếp đó là các loại hình mũ của hệ thống tượng quan lại chầu ở khu vực lăng mộ Hoàng gia tại Huế, như tại lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Khải Định.
Về cốt mão, căn cứ vào những chiếc mão hiện còn được bảo quản tương đối nguyên vẹn như chiếc mão của Thượng thư Cao Hữu Dực (Huế), mão trong sưu tập của Vương Hồng Sển (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM)... cùng với những chiếc mão của vua nhà Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được phục nguyên trong thời gian qua, các nhà nghiên cứu nhận định mão của Thoại Ngọc Hầu với cốt mão được đan bằng lông đuôi ngựa (mã vỹ).
Tất cả những cứ liệu trên đã giúp các nhà khoa học phục nguyên chiếc mão hổ đầu của Thoại Ngọc Hầu.
Kho báu trong lăng Thoại Ngọc Hầu: Chiếc mão trang trí bằng 5 lượng vàng ròng - ảnh 1
Một số chi tiết trang sức vàng trên mão của Thoại Ngọc HầuẢNH: VŨ KIM LỘ
Vì sao có mão hổ đầu trong khu vực đồ tùy táng ?
Khi đặt vấn đề vì sao trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu ở khu vực chôn đồ tùy táng lại phát hiện chiếc mão hổ đầu của ông, bởi theo tư liệu của những phát hiện trước đây, di vật thuộc loại hình phẩm phục bao giờ cũng được mặc trên thân thể người quá cố khi khâm liệm, Phó giáo sư Lê Xuân Diệm và tiến sĩ Phạm Hữu Công cùng đi đến nhận định: có thể đây là chiếc mão hổ đầu chỉ đội trong các lễ thường triều không trang trọng bằng mũ quan võ phốc vuông dùng đội trong các lễ đại triều. Vì thế, có thể khi an táng, Thống chế Thoại Ngọc Hầu được khâm liệm trên mình bộ phẩm phục đại triều hiện vẫn còn nằm trong huyệt mộ chưa khai quật. Và chiếc mũ hổ đầu thường triều này chỉ giữ vai trò là một tài sản quý được đặt vào trong tổng thể kho báu tùy táng của ông về “thế giới bên kia” sử dụng.
Cùng với các loại hình phẩm phục khác, chiếc mão hổ đầu của Thoại Ngọc Hầu là một trong những sản phẩm của triều đình Nguyễn dùng để ban phát cho các bậc quan lại đại thần theo phẩm hàm, chúng là những di sản văn hóa mang nhiều giá trị về lịch sử văn hóa của dân tộc. Ngoài mão Thoại Ngọc Hầu, cho đến nay khảo cổ học đã ghi nhận được 5 chiếc mão vàng của các quan lại đại thần thời Nguyễn: mão của Khâm sai Chưởng cơ Trần Văn Học trong khu mộ nay thuộc Q.Phú Nhuận, TP.HCM, mão của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong tại vị trí hiện nay nằm trong khu đất của Quân khu 7 (TP.HCM), một chiếc tìm thấy trong khu lăng mộ ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) chưa rõ lai lịch chủ nhân, một chiếc mão “Thiên vương Thống chế” tìm thấy tại Bình Thới (Q.11, TP.HCM) và thông tin hiện biết còn ghi nhận chiếc mão vàng của một vị quan lớn khai quật trên đồi Long Thọ hiện đang lưu giữ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Thừa Thiên-Huế. Những phát hiện hệ thống các di vật tùy táng trong các lăng mộ triều Nguyễn ở Nam bộ gần đây cho thấy sự đồ sộ về số lượng, đa dạng về loại hình, chất liệu, sự đặc sắc về kỹ thuật - nghệ thuật của các di vật... khác với những nhận xét trước đây của các nhà nghiên cứu rằng di vật tùy táng tìm thấy trong các lăng mộ ở Nam bộ thật nghèo nàn.
Lương Chánh Tòng

Đồng bạc kê ngân bí ẩn




Những đồng bạc kê ngân được phát hiện trong lăng mộ Thoại Ngọc HầuẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Khối di vật quý giá mà Thoại Ngọc Hầu và phu nhân để lại có nhiều loại tiền tệ bằng đồng, vàng, bạc..., trong đó xác định được một số loại của VN, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Khối di vật quý giá mà Thoại Ngọc Hầu và phu nhân để lại có nhiều loại tiền tệ bằng đồng, vàng, bạc..., trong đó xác định được một số loại của VN, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, có hai loại tiền bằng bạc đúc nổi hình con chim, dáng dấp giống con gà khá lạ, ông giữ 350 đồng, bà có 75 đồng.
Đồng tiền này rất nhỏ bé, chỉ bằng nút áo, hình tròn dẹp, bằng bạc, đường kính từ 1 - 1,5 cm, trọng lượng 5 gr, lưng tiền để trơn. Có lẽ vì hình con chim giống gà trên đồng tiền này nên người dân đương thời gọi đây là bạc con gà (kê ngân).
Bạc của chúa Nguyễn?
Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục tập 2 (bản dịch của Lê Xuân Giao, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản năm 1973) có đề cập đến một loại tiền mà ông gọi là “kê ngân”. Trong cuốn sách Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 thì cho rằng “kê ngân có thể chỉ tất cả các loại tiền đúc của người Âu” (Nguyễn Nghị dịch, NXB Trẻ, 1999, tr.236). Có lẽ nhận định này chưa được chính xác vì tiền châu Âu vào khoảng thế kỷ 17 - 18 thường in chữ của quốc gia phát hành kèm theo chân dung các vị vua đương thời hoặc có quốc huy, biểu tượng của hoàng gia nước đó... Hơn nữa cho đến nay, không có đồng tiền châu Âu nào ở thế kỷ 17, 18 tìm thấy tại Nam bộ có in hình con gà.
Thực tế, khó thể cho rằng bạc con gà này thuộc văn hóa Óc Eo vì đến thời Lê Quý Đôn cuối thế kỷ 18, tiền thuộc văn hóa Óc Eo đã hoàn toàn mất dấu. Hơn nữa trong văn hóa Óc Eo có loại đồng bạc “mặt trời”, tức in nổi hình mặt trời cách điệu, và khi muốn dùng thanh toán cho những món hàng giá trị thấp thì đồng bạc này đã được cắt nhỏ làm 2, làm 4, làm 8, 12 thậm chí nhỏ hơn rất nhiều. Nếu lúc ấy có bạc con gà thì làm sao họ lại phải cắt nhỏ đồng bạc “mặt trời” cho tốn sức lại chưa chắc đã chính xác trong việc thanh toán.
Nếu nói bạc này do chúa Nguyễn phát hành cũng không phù hợp vì truyền thống đúc tiền của VN ở Đàng Trong cho đến thế kỷ 18 hầu như không có loại tiền bằng bạc hình tròn dẹp, mà chủ yếu là tiền bằng đồng đỏ mặt tròn lỗ vuông, trên có khắc 4 chữ Hán, có thể là niên hiệu vua Lê như Bảo Thái thông bảo, hoặc với những ý nghĩa nhất định như Thái Bình thông bảo, Gia Hưng thông bảo, Tường Phù nguyên bảo, hoặc tiền bằng kẽm cũng hình tròn dẹp lỗ vuông như Thiên Minh thông bảo… Việc tìm thấy đồng bạc “con gà” trong di vật của Thoại Ngọc Hầu cho thấy loại này có thể đã được sử dụng vào cuối thế kỷ 18 ở Nam bộ, với kỹ thuật đúc khá tinh vi nên việc xác định ai đúc không phải dễ dàng.
Và đồng bạc con gà trong di vật Thoại Ngọc Hầu có phải chính là “kê ngân” mà Lê Quý Đôn đã đề cập trong Phủ biên tạp lục?
Những thỏi bạc in hình chiếc lá
Trong lăng mộ Thoại Ngọc Hầu còn tìm thấy những thỏi bạc nhỏ dạng gần giống hình cầu nhưng không tròn như viên bi mà hơi giống chiếc khuyên tai “con đỉa” đường kính 1,5 cm, có 2 mặt hơi lõm, trên một mặt có dấu in chìm một hình như hình lá đề nhỏ rất khó nhìn, dân rà phế liệu gọi là tiền “gúc”, có trọng lượng 50 gr. Ông và bà mỗi người có 10 thỏi.
Lê Quý Đôn trong tài liệu dẫn trên cũng có đề cập đến loại tiền “dung ngân”, tức tiền (có hình) lá đề. Dung, chữ Hán nghĩa là cây đa (cây si, cây đề - theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh). Điều cần lưu ý là cho đến nay, trong nhân dân không có ý niệm gì về loại bạc này. Hình chiếc lá rất nhỏ nhưng có lẽ Lê Quý Đôn đã nhìn được chiếc lá đề in trên thỏi bạc này.
Tên gọi trên khó thể xác định là do người đương thời gọi hay Lê Quý Đôn tự đặt. Tuy nhiên, các thỏi bạc của Thoại Ngọc Hầu có hình lá đề đã xác nhận tên gọi của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục. Tư liệu thời chúa Nguyễn không có ghi chép gì về vấn đề đúc bạc. Vì vậy, không loại trừ loại bạc này là của một nước nào khác mang đến thanh toán với Đàng Trong vào thế kỷ 18. Cho đến nay chưa thể xác định được nước nào đã phát hành loại bạc này.
Dịch giả bộ Phủ biên tạp lục dịch “kê ngân” là bạc con gà và “dung ngân” là bạc lá si, tuy có thể ông chưa nhìn thấy loại bạc này nhưng cũng chấp nhận được khi hiện nay chúng ta có trong tay những hiện vật loại này của Thoại Ngọc Hầu, với các đặc điểm có hình con gà và hình lá si (lá đề).
Việc những đồng “kê ngân” và “dung ngân” được ghi chép qua tài liệu của Lê Quý Đôn và một số công trình nghiên cứu khác chứng tỏ Nam bộ, nhất là miền Tây sông Hậu, đã có một thời buôn bán sầm uất với nhiều phương tiện thanh toán bằng bạc song song với tiền đồng VN của Đàng Trong.
Đây là lần đầu tiên hai loại tiền này được công bố trên phương tiện báo chí, nhưng thực ra 2 loại tiền này đã được giới buôn bán đồ cổ biết tới khá lâu, trong đó phần lớn là những đồng lưu lạc trong nhân dân, nhưng cũng có một số được vớt lên từ lòng sông Tiền, sông Hậu. Những đồng tiền tìm thấy ngẫu nhiên này có kiểu dáng hoa văn, kích cỡ hoàn toàn phù hợp với phát hiện khảo cổ học lăng Thoại Ngọc Hầu, đã chứng minh niên đại chắc chắn của chúng và là một bổ sung quý giá cho những nghiên cứu sử học, đặc biệt là làm rõ được hình dạng của chúng khi mà những ghi chép của Lê Quý Đôn chỉ là nêu tên nên rất khó hình dung.
Phạm Hữu Công


Cặp thẻ bài Tuyên phong sứ giả

Chiếc bài thưởng của bà Châu Thị Vĩnh Tế và của ông Thoại Ngọc Hầu

 /// Ảnh: Lương Chánh Tòng

Chiếc bài thưởng của bà Châu Thị Vĩnh Tế và của ông Thoại Ngọc HầuẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG

 Các nhà khảo cổ học đã phát hiện 2 chiếc thẻ bài thưởng công có niên đại cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 trong lăng mộ Thoại Ngọc Hầu và phu nhân.
Thẻ bài là một loại biển hiệu nhỏ dùng để đeo với mục đích cho người xem nhận biết thân phận của người hoặc vật sử dụng nó. Có khi chỉ dùng trong việc nhận dạng nhưng cũng có những thẻ bài mang uy quyền có thể sai khiến người khác.
Thấy được tầm quan trọng của thẻ bài, triều Nguyễn đã cho làm nhiều loại thẻ bài bằng nhiều chất liệu khác nhau như ngà, sừng, vàng, bạc, đồng… để dùng với nhiều tên gọi trong nhiều mục đích như tín bài, bài đeo, thẻ bài thưởng công, đeo cho cây thông do hoàng tộc và triều đình trồng ở đàn Nam Giao, đeo cho thú trong vườn thượng uyển. Như vậy có 2 loại thẻ bài dưới thời Nguyễn: bài dùng cho người và bài dùng cho vật.
Với bài dùng cho người, năm 1830 tín bài đã được triều đình nghị bàn tầm quan trọng và được Minh Mạng chuẩn y như sau: “Đặt ra tín bài là để làm tin với binh lính... tín bài bằng ngà ban cấp cho Gia Định, Bắc Thành mỗi nơi đều 10 chiếc... phòng khi dùng đến; đợi khi gặp có công việc khẩn cấp, quan trọng như việc quân, việc bắt giặc mới cho lấy ra dùng, để hiệu lệnh ở trong quân, không cho dùng bừa bãi. Còn như thu giữ tín bài ấy, thì người giữ không được niêm phong, người niêm phong thì không được giữ...” (Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 10, tr.260).
Về chất liệu thẻ bài dùng cho người thì được làm bằng ngà như tín bài nói trên hoặc bài đeo thì làm bằng vàng như thẻ bài bằng vàng của thị vệ đại thần ở ngự tiền hành dinh, của chưởng phủ, của đô thống, thống chế, đề đốc...; thẻ bài bằng vàng tía của phó vệ úy, hiệp quản...; thẻ bài bằng bạc của thị vệ, suất đội... Cũng có thẻ bài thưởng công bằng bạc, mặt có in chữ “Thưởng công” ban cấp cho quân thứ...
Có tầm quan trọng như vậy nên nếu thẻ bài bị mất thì tùy theo tính chất, người giữ hoặc người được cấp và kẻ lấy cắp đều bị tội: Năm 1829 Phan Văn Đức cai đội đội Tam vệ hữu doanh Hổ Oai lấy trộm 1 tấm bài vàng của vệ úy, so sánh chiếu theo luật “lấy trộm ấn tín” xử tội trảm giam hậu (bị kết án chém đầu nhưng còn giam lại chờ lệnh). (Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 12, tr.29).
“Tuyên phong sứ giả”
Trở lại hai tấm thẻ bài của ông bà Thoại Ngọc Hầu, đó là 2 chiếc thẻ có hình thức và kích thước tương tự nhau: dài 11,8 cm, ngang 9 cm, một chiếc nằm trong khối di vật của Thoại Ngọc Hầu và một chiếc nằm trong khối di vật của phu nhân Châu Thị Vĩnh Tế. Trong 2 chiếc thì chiếc của ông Thoại Ngọc Hầu chỉ bị gỉ ten xanh che lấp và mẻ mất một miếng nhỏ phía góc trên bên phải, hầu như vẫn nguyên hình dáng, còn chiếc của bà Châu Thị Vĩnh Tế đã bị mẻ mất một mảng khá lớn thuộc đoạn giữa phía bên trái (xem hình). Tuy nhiên, vì 2 chiếc là một cặp nên có thể đối chiếu phục nguyên những phần đã mất.
Về hình dáng, thẻ bài là một miếng đồng lá mỏng có bề dày 0,2 cm, cấu tạo bởi 2 phần: phần trên hình đám mây vòng cung hơi nhọn rộng 3 cm có diềm gợn sóng ôm lấy phần dưới, trong vòng cung dập chạm 1 hàng 4 chữ Hán nổi đọc từ phải qua trái: Tuyên phong sứ giả, có một lỗ nhỏ được khoan chính giữa ở dưới diềm để xỏ dây đeo, phần dưới có hình mặt tròn hơi oval, chạy quanh chu vi là vành hoa văn rộng 0,7 cm khắc chữ công, giữa mặt tròn khắc nổi một chữ Hán lớn: Thưởng.
Ý nghĩa của 4 chữ “Tuyên phong sứ giả” cho thấy đây là người đại diện vua (nghĩa của từ sứ giả), còn 2 chữ Tuyên phong nghĩa là ban bố lệnh vua ở ngoài bờ cõi. Toàn bộ 4 chữ Tuyên phong sứ giả có nghĩa là: “Người thay mặt vua ban bố vương lệnh ngoài biên”. Ý nghĩa này rất phù hợp với vai trò của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân vì ông hầu như chuyên làm công tác ngoài biên giới, là khâm sai thay mặt vua ban bố vương mệnh.
Xét về thời gian và đối chiếu với tư liệu thời Nguyễn, khả năng 2 chiếc thẻ bài này được tặng cho vợ chồng ông Thoại Ngọc Hầu (tên thật là Nguyễn Văn Thoại) vào giai đoạn Nguyễn Ánh chưa làm vua là hợp lý hơn cả. Khoảng thời gian đó là từ năm 1792 đến 1800 trước khi Nguyễn Văn Thoại bị giáng làm Cai đội. Tiểu truyện Nguyễn Văn Thoại trong Đại Nam liệt truyện đã ghi lại 4 lần ông được thưởng, dù rằng tài liệu không ghi cụ thể về tấm thẻ bài, nhưng có lẽ trong những phần thưởng đó có lệnh bài Tuyên phong sứ giả.
Có thể đây là thẻ bài được sử dụng vào thời Nguyễn Ánh còn đang chiến đấu chống Tây Sơn. Thời gian đó, Nguyễn Ánh phải dùng lệnh bài bằng đồng và đã sai vợ chồng Nguyễn Văn Thoại làm một công việc nào đó, có thể là việc ngoại giao ở Xiêm La, Campuchia hoặc Lào... và điểm đặc biệt là cả bà Châu Thị Vĩnh Tế cũng được thưởng thẻ bài, chứng tỏ vai trò của bà cũng rất quan trọng.
Phạm Hữu Công

Chiếc kính mắt châu Âu




Kính mắt châu Âu của Thống chế Thoại Ngọc HầuẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Kho báu của Thoại Ngọc Hầu còn có cả những vật phẩm nguồn gốc từ châu Âu, trong đó gồm nhiều di vật chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần nhận diện và giải mã nhiều ẩn số lịch sử.
Thống kê sơ bộ, tổng số di vật có nguồn gốc từ các nước châu Âu tìm thấy trong lăng Thoại Ngọc Hầu tổng cộng là 63 di vật, trong đó có một chiếc kính đeo mắt châu Âu thuộc loại kính lão (viễn thị 2,5 độ), gọng kim loại có thể gấp lại, tròng thủy tinh tròn còn nguyên vẹn, đường kính tròng 4,9 cm. Niên đại của nhóm di vật tìm thấy trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu được xác định muộn nhất là năm 1829 - năm mất của Thoại Ngọc Hầu.
Về loại kính đeo mắt, cho đến nay ở VN, niên đại sớm nhất, khảo cổ mới chỉ ghi nhận được 4 chiếc kính đeo mắt, điều đáng chú ý là cả 4 chiếc này đều được tìm thấy trong khu lăng mộ của các vị quan đại thần thời Nguyễn ở Nam bộ. Ngoài kính của Thoại Ngọc Hầu, còn có kính đeo mắt của Lê Văn Phong (Phó tổng trấn Bắc Thành - em trai Tả quân Lê Văn Duyệt, mất năm 1824), trong lăng mộ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM; một chiếc trong lăng mộ của vị quan văn nhất phẩm triều Nguyễn ở Bình Thới, Q.11, TP.HCM khai quật trước 1975; trong ngôi mộ cổ tại đường Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, khai quật năm 2005.
Kho báu trong lăng Thoại Ngọc Hầu: Chiếc kính mắt châu Âu
Kính mắt châu Âu của vị quan văn nhất phẩm triều NguyễnẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Nam bộ (Gia Định thành) là đất phục hưng của họ Nguyễn trong lịch sử. Sau khi bị chúa Trịnh và phong trào Tây Sơn đánh đuổi (1774 - 1775), chúa Nguyễn Phúc Thuần phải rời khỏi thủ phủ Phú Xuân, Quảng Nam vào Gia Định để hy vọng tồn tại. Nhưng kết cuộc sự nghiệp của chúa Nguyễn hơn 200 năm đã sụp đổ trước phong trào Tây Sơn với các trận chiến oanh liệt của Quang Trung trong các năm 1782, 1785.
Năm 1788, nội bộ triều Tây Sơn đã tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định và xây dựng nơi đây trở thành trung tâm quyền lực của họ Nguyễn trước khi thực hiện đại định thiên hạ, tái lập kinh đô Phú Xuân - Huế (1802). Cũng cần nói thêm rằng, trong cuộc nội chiến với Tây Sơn, nhờ sự góp sức lớn lao của những công thần vùng đất Gia Định mà họ Nguyễn đã lấy lại được giang sơn. Vì vậy, trong giai đoạn đầu triều Nguyễn, phần lớn quan lại đại thần ở kinh thành Huế và trấn giữ các tỉnh, thành, dinh, trấn quan trọng của đất nước, đa số đều có xuất thân từ Gia Định và vùng phụ cận. Thể theo ước vọng truyền đời “cáo chết quay đầu về núi”, triều Nguyễn đã có những quy định mang tính ân điển đối với những công thần ở kinh đô Huế hay trấn giữ ở các tỉnh, thành, dinh trấn khác trong cả nước. Sau khi các bậc công thần qua đời, triều đình đã tổ chức đưa về an táng tại quê hương.
Về sự xuất hiện của những chiếc kính đeo mắt có nguồn gốc từ châu Âu được tìm thấy trong một số lăng mộ các vị quan đại thần thời Nguyễn an táng tại Gia Định xưa, sách Đại Nam thực lục có một ghi chép quan trọng góp phần nhận diện nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lịch sử triều Nguyễn với những biến chuyển lớn: Đó là vào tháng giêng năm Canh Thìn, 1820 (Minh Mạng năm thứ nhất), sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng đã ban kính đeo mắt Tây Dương và lọ dầu đinh hương cho bầy tôi... dụ rằng: “Đạo trị nước chép ở sách vở, không xem rộng xét kỹ không thể biết được”. Ghi chép này cùng với những cổ vật thuộc loại kính đeo mắt tìm thấy trong lăng mộ các vị quan đại thần triều Nguyễn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử đương thời, đó là: nếu vua Gia Long (cha của vua Minh Mạng) trước đó, khi mà hệ thống quan lại đại thần được triều đình chú trọng sử dụng những quan lại phần nhiều mang nghiệp võ, có nhiều công lao giúp Nguyễn Ánh - Gia Long lấy lại sự nghiệp, lập ra vương triều Nguyễn, ít quan tâm đến học vấn để trị nước, thì đến thời Minh Mạng được đánh giá là có đường lối chính trị sử dụng văn trị để củng cố, xây dựng và phát triển vương triều Nguyễn được thịnh trị.
Triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng đã được sử sách ghi chép rất nhiều sự kiện liên quan đến việc đẩy mạnh giao thương với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là việc cử các phái đoàn đi giao thương với các công ty Đông Ấn châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan...). Trong các chuyến đi đó, nhiều chỉ dụ đã cho thấy chủ yếu vua Minh Mạng giao các sứ thần tìm mua các loại hàng hóa của châu Âu về phục vụ triều đình, trong đó có kính đeo mắt của Tây Dương (châu Âu) để ban phát cho các quan lại đại thần, với mục đích giúp quan lại có kính đeo mắt để đọc sách, trau dồi tri thức nhằm phục vụ đất nước trong thời kỳ ổn định, thịnh trị. Và những chiếc kính đeo mắt của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong, Thống chế Thoại Ngọc Hầu cùng với một số quan lại đại thần khác tìm thấy ở Nam bộ, cho phép nhận diện nhiều khả năng đây là những vật dụng được vua Minh Mạng ban phát trong những ngày tháng đầu tiên khi vua lên ngôi.
Lương Chánh Tòng

Nữ trang vàng tinh xảo của bà Vĩnh Tế




Trâm cài đầu và nhẫn tìm thấy trong mộ bà Vĩnh Tế
Trong phần mộ bà Châu Thị Vĩnh Tế, các nhà khảo cổ tìm thấy những nữ trang bằng vàng hết sức tinh xảo, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, với tổng trọng lượng gần 7 lượng vàng.
Phần nữ trang tùy táng bên phần mộ bà gồm 11 chiếc trâm cài đầu bằng vàng, tạo tác hình hoa đào, hoa mai, hoa và trái lựu cách điệu... trên cánh và nhụy còn có ong, bướm bám đậu trên đài hoa bằng kỹ thuật đậu và kéo sợi vàng. Khi thực hiện phục nguyên chiếc mão hổ đầu của Thoại Ngọc Hầu một cách công phu, chuyên gia phục chế mũ mão cổ Vũ Kim Lộc cũng đã tìm hiểu về bộ trâm cài đầu này. Ông cho biết: “Bộ trâm của bà có rất nhiều đặc điểm giống với bộ sưu tập trang sức thuộc loại hình phẩm phục của một bà phi thời chúa Nguyễn Phúc Khoát mà tôi đã sưu tầm, sau đó chuyển nhượng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia”.
Cùng với bộ trâm cài đầu là 2 chiếc vòng tay, 6 chiếc nhẫn vàng chạm khắc tinh xảo, cẩn đá quý; 2 cặp bông tai hình đài hoa với kỹ thuật kéo sợi đặc sắc. Một số nữ trang trong mộ bà Vĩnh Tế có đặc điểm giống với nữ trang mà các nhà khảo cổ học từng tìm thấy trong lăng mộ của bà quý tộc Trần Thị Hiệu ở Q.5 (TP.HCM) khai quật năm 1994, mộ của bà Chính thất Phu nhân Tả Tham tri bộ Lại nằm trong khuôn viên Viện Pasteur (TP.HCM) khai quật năm 2005.
Kho báu trong lăng Thoại Ngọc Hầu: Nữ trang vàng tinh xảo của bà Vĩnh Tế1
Bông tai và vòng tay của bà Vĩnh Tế tìm thấy trong phần mộ Thoại Ngọc HầuẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Nữ trang của bà trong phần mộ ông
Điều đáng chú ý, bên phần đồ tùy táng của mộ ông cũng đã tìm thấy 4 chiếc vòng đeo tay và 1 cặp bông tai giống với cặp bông tai có dạng hình dấu hỏi phần gài và mặt bông hình đài hoa cẩn đá quý bên phần mộ bà. Căn cứ vào đặc điểm hình dáng và kỹ thuật chế tác cho thấy, đây đều thuộc loại hình nữ trang của bà.
Lý giải về sự hiện diện các đồ nữ trang được tùy táng bên phần mộ ông, tiến sĩ Phạm Hữu Công nhận định đây có thể là những vật gắn với tình cảm thiêng liêng chồng vợ giữa ông với bà. Bà Châu Thị Vĩnh Tế mất năm 1826, sử sách và các nghiên cứu sau này đề cập rất nhiều đến việc ông đã thực hiện an táng bà một cách đầy tình cảm, quý trọng qua việc lựa chọn nơi an táng và cả những sự kiện liên quan như làm đường để đưa tang cho bà từ dinh Bảo hộ (trung tâm TP.Châu Đốc ngày nay) đến núi Sam, đó là con đường từ Châu Đốc đến núi Sam mà chúng ta đi hiện nay. Vì thế, có lẽ ông đã giữ lại một số kỷ vật của bà bên mình trong những ngày tháng cô quạnh cuối đời và sau khi ông qua đời, con cháu cũng đã đưa cả những vật thiêng liêng này vào lăng mộ để làm đồ tùy táng cho ông.
Trong phần mộ ông còn có 2 chiếc vòng đeo tay hết sức tinh xảo, từ trọng lượng, thành phần quý kim cho đến hình dáng, kỹ thuật tạo tác hoa văn giống hệt với cặp vòng đeo tay của bà Trần Thị Hiệu khai quật năm 1994 hiện đang trưng bày trong chuyên đề Vàng son nhung gấm - trang phục cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, hé mở nhiều vấn đề liên quan đến phẩm phục và trang sức cung đình ban phát cho các mệnh phụ phu nhân của hệ thống quan lại đại thần từ thời chúa Nguyễn đến thời Nguyễn.
Sử liệu thời Nguyễn ghi chép quy định về phẩm phục của các mệnh phụ phu nhân sớm nhất vào đầu năm 1830, tức là muộn hơn so với thời điểm bà Châu Thị Vĩnh Tế qua đời 4 năm. Điều này cho thấy, mặc dù các loại hình trang sức mang tính phẩm phục của mệnh phụ phu nhân đầu thời Nguyễn chưa được ghi chép qua sử liệu, nhưng từ những di vật thuộc loại hình trang sức - nữ trang của bà cùng các nhóm di vật tùy táng khác phát hiện trong một số lăng mộ của các bà phi, mệnh phụ phu nhân ở Huế và Nam bộ là một nguồn cứ liệu xác nhận và bổ sung cho các nhận định về sự tiếp nối truyền thống mang tính đặc trưng về sự trang trọng, quyền quý xa hoa của phẩm phục từ thời Nguyễn ở xứ Đàng trong và Nam bộ VN.
Những điều này phù hợp với nhận xét của Lê Quý Đôn về phụ nữ quý tộc Đàng trong giai đoạn giữa thế kỷ 18 trong tác phẩm Phủ biên tạp lục: “Đàn bà con gái thì đều mặc áo the và hàng hoa, thêu ở cổ tròn. Coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ thật là quá đáng”.
Lương Chánh Tòng

Những đồng tiền phương Tây hơn 200 năm




Đồng bạc Tây Ban Nha năm 1759; 2. Đồng bạc Tây Ban Nha năm 1747; 3. Đồng bạc Tây Ban Nha năm 1757 và 4. Đồng bạc Tây Ban Nha năm 1760ẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Bên cạnh hai loại tiền kê ngân và dung ngân, một điều thú vị nữa là trong đồ tùy táng của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Vĩnh Tế còn có cả tiền bạc và vàng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Các đồng bạc Tây Ban Nha giống nhau về hình thức, chỉ khác phần khắc trên mặt đồng tiền. Đó là một mặt tròn dẹp bằng bạc có chữ Latin và các hình chạm trên cả 2 mặt, đường kính từ 3,5 - 3,8 cm, dày 0,1 - 0,2 cm, cân nặng từ 26 - 27 gr. Niên đại ghi trên mặt các đồng tiền này gồm những năm trong thời kỳ trị vì của 4 vị vua Tây Ban Nha là: Ferdinand đệ Lục 1747, 1755, 1757, 1759; Charles đệ Tam 1760, 1761, 1762, 1765, 1767, 1768, 1769, 1770, 1771, 1778; Charles đệ Tứ 1797, 1799; Joseph 1812. Còn lại 2 đồng bị gỉ sét không đọc được năm phát hành.
Đồng bạc có hình Charles đệ Tam 1778 có mặt tiền in hàng chữ Latin chạy vòng ngoài rìa: DEI GRATIA 1778 CAROLUS III. Carolus đọc qua tiếng Pháp là Charles. Phía trong hàng chữ là hình vua Carolus nhìn một bên với cái mũi quằm. Lưng tiền có hàng chữ chạy vòng ngoài rìa: HISPAN.ET.IND.REX.M.8R.F.M. Nghĩa là: vua Tây Ban Nha và Ấn Độ, M có chữ o nhỏ trong góc nhọn tức là Mexico (Mexico lúc đó là thuộc địa của Tây Ban Nha có nhiều mỏ bạc nên tiền thường được đúc ở đây). Bên trong hàng chữ là hình vương miện trên chiếc khiên, hai bên là cột trụ trên nhỏ dưới lớn có dải ruban. Chiếc khiên với 2 vạch dọc ngang chia làm 4 ô đều nhau với hàng trên là 1 tòa thành, 1 con sư tử, hàng dưới là 1 con sư tử và 1 tòa thành xéo nhau.
Mạng ebay giới thiệu 1 đồng tiền tương tự đồng này phát hành vào năm 1788 với giá 495 USD và đã bán. Họ gọi là milled bust or portrait dollar (đô la chân dung có khía răng cưa). Loại tiền này được cho là lưu thông trên toàn thế giới vào thời bấy giờ. Tiền Tây Ban Nha này không nhiều nhưng cũng được phân chia bằng nhau: bà và ông mỗi người sở hữu 10 đồng.
Trong di vật của bà Châu Thị Vĩnh Tế có 2 đồng tiền vàng Bồ Đào Nha. Hai đồng tiền vàng có đường kính mỗi cái 2,9 cm, dày 0,25 cm, bị ten xanh lục bám phía trên. Mặt tiền vòng ngoài rìa có hàng chữ ET.ALG.PRE. GENS 1799 JOANNES.D.PORT, nghĩa là: nữ hoàng Bồ Đào Nha Joannes, đồng bạc. Trong là hình nữ hoàng nhìn nghiêng. Đây là nữ hoàng Mari đệ Nhất của Bồ Đào Nha tại vị vào năm 1777 - 1816. Lưng tiền có hình quốc huy Bồ Đào Nha với vương miện trên khiên tròn, chung quanh là hoa lá dây. Đồng vàng này được phát hành tại Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha vào khoảng thời gian nữ hoàng Mari đệ Nhất tại vị.
Hiện nay chưa biết được tại sao 2 đồng tiền vàng này lại là sở hữu của gia đình Thoại Ngọc Hầu và chỉ có trong di vật của bà, bên phía ông hoàn toàn không có. Có thể là một phái đoàn Bồ Đào Nha nào đó đã ghé thăm gia đình quan Án Thủ và tặng 2 đồng vàng này cho riêng bà vì châu Âu có truyền thống trọng phụ nữ, trong ngoại giao họ thường tặng quà cho các vị phu nhân để lấy lòng người chồng, là người có quyền quyết định một số vấn đề với họ.
Điều kỳ lạ là bộ sưu tập tiền của ông bà Thoại Ngọc Hầu để lại hầu như hoàn toàn trùng lắp với một số phát hiện khảo cổ gần đây tại Nam bộ, điển hình là ở Tiền Giang và Kiên Giang. Nhà sưu tầm Trương Ngọc Tường (Cái Bè - Tiền Giang) có những đồng tiền lấy lên từ lòng sông Tiền, sông Hậu, ngoài kê ngân và dung ngân đã giới thiệu còn có đồng tiền hình tròn dẹp bằng bạc của Tây Ban Nha phát hành năm 1757, tức thời Ferdinand đệ Lục, tương đương với đồng tiền của Thoại Ngọc Hầu.
Nhà sưu tầm Tống Văn Thiên (Kiên Giang) cũng có đồng tiền hình tròn dẹp bằng bạc có chữ Latin và các hình in nổi trên cả 2 mặt của Tây Ban Nha, do vua Philip đệ Ngũ phát hành năm 1738 trong một chiếc ô bằng đồng tìm thấy tại Ba Chúc, H.Tri Tôn, An Giang.
Các đồng tiền này đã hé mở một số điều thú vị về vùng đất Nam bộ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Điều này chứng tỏ có sự giao lưu hoặc buôn bán thương mại giữa cư dân Nam bộ với châu Âu hoặc Công ty Đông Ấn Hà Lan, thông qua các cơ sở ở Ấn Độ với các đội thương thuyền Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thường xuyên có mặt tại Biển Đông, đến tận các cảng Tây Nam bộ ở An Giang, Kiên Giang để trao đổi hàng hóa và mạnh dạn xin yết kiến Thoại Ngọc Hầu, vị quan lớn nhất miền Tây Nam bộ đương thời.
Như vậy đủ thấy vai trò của quan Án thủ Châu Đốc Thoại Ngọc Hầu khá tích cực và có thể nói vào khoảng thời gian đó, thế lực nhà Nguyễn chưa hoàn toàn nắm chắc kinh tế Tây Nam bộ nên vẫn còn tình trạng dân chúng sử dụng nhiều loại tiền trong thanh toán thương mại.
20 đồng tiền trong di vật Thoại Ngọc Hầu có thể là đồ kỷ niệm tặng biếu của các đội thương thuyền khi họ ghé thăm Châu Đốc và yết kiến quan Bảo hộ. Tuy nhiên sau khi Thoại Ngọc Hầu mất vào năm 1829, không có hoạt động ngoại thương nào được ghi nhận, có lẽ chính sách “bế quan tỏa cảng” của Minh Mạng đã tác động mạnh mẽ, dập tắt đi những mầm chồi mới nở đó.
Phạm Hữu Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét