Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Việt Nam qua ghi chép của người phương Tây {tt}

Dân chúng vui xuân thời Lê - Trịnh

Điện Kính Thiên (Hà Nội) qua tư liệu của người Pháp
Nhiều cuộc thi tài tổ chức vào dịp đầu năm để dân chúng vui chơi được nhà truyền giáo Ý G.F.de Marini ghi nhận vào thế kỷ 17.
Đàn bà cũng thi
Có nhiều cuộc thi tài khéo, khó đến nỗi mắt tinh cũng bị nhầm. Có kẻ thử sức khỏe đánh vật; có kẻ thách đi mau, chạy nhanh.
Đàn bà cũng có một cuộc thi riêng thích hợp với phận sự và công việc của họ hơn là thi vo gạo, nấu cơm khéo và nhanh; củi phải đi kiếm tại một chỗ cách nơi ấy một phần tư dặm, nước cũng phải đến gánh tại một cái giếng (nhất định) rồi quảy củi, nước về, nhóm bếp, đặt nồi, tra gạo; cơm chín, dỡ vào một cái đĩa đặt lên bàn để ban giám khảo đi nếm xem cơm bàn nào nấu vừa và chín khéo có giải thưởng. Giải thưởng không được quý trọng bằng vinh dự do đã thắng kẻ cùng dự thi.
Cũng có kẻ đấu thương, bắn súng, nạp thuốc không, có kẻ múa gươm, tre mộc. Nhưng còn một trò chơi rất vui thích vừa cần sức khỏe, vừa cần tài hay, ai thắng tất cả địch thủ được thưởng một tấm lụa, ấy là trò đánh đu...
Hôm mồng ba, các nhà sư cũng có dự vào đám rước riêng, rất rực rỡ và long trọng. Vị sư trưởng mặc áo màu đen bóng nhoáng; đầu đội mũ, ngồi trên một cái kiệu có phu mặc quần áo kiểu nhà chùa khiêng. Các sư đi theo liền sau ngài, bận áo cà sa tốt và đẹp; cổ đeo tràng hạt bằng thủy tinh nhiều màu lóng lánh. Trước hôm ấy, có một đạo binh rất nhiều quân lính đến đóng giữa một cánh đồng rộng, đóng đầy cho đến khi lễ xong. Khắp mọi phía có thiết lập nhiều hương án thờ các tướng sĩ đã vì nước bỏ mình và đã đem lại sự tự do cho xứ sở; để thờ cả hình ảnh những tướng giặc có tiếng tăm ngày xưa đã hùng cứ và thống trị các vùng trong xứ. Sáng ba mươi tết, người ta dẫn ra đẩy những súc vật đã nuôi béo và sẽ mổ để tế thần. Vị sư trưởng đi kiệu ra; các sư đi hàng đôi theo sau; rồi mới đến các quan cưỡi ngựa hoặc ngồi voi, bận triều phục rực rỡ. Quân lính kéo đến rất có thứ tự.
Khi mọi người đã đến đông đủ, thì có tin về báo đức vua. Đạo ngự ra đến nơi thì dân chúng hoan hô vang trời; các pháp sư và các quan liền bắt đầu khấn khứa ngay, vua lễ bốn lễ cúng vong linh các tướng quân và các tướng giặc anh dũng. Ngài cầm một cái cung và năm mũi tên bắn các nghịch vương nhà Mạc; xong rồi, họ đốt hương, trầm, dâng lễ cúng; khấn các bậc anh hùng đã quá cố che chở cho nước nhà được bình yên, làm cho tên nào có lòng bội phản, còn sống hoặc đã chết rồi, tiệt đi, không có cách bén mảng đến gần biên thùy nữa. Lễ xong thì bắn súng thần công và ba loạt súng trường. Xong rồi, quân lính tản mát ra khắp cánh đồng ngồi ăn uống tự nhiên không suy nghĩ. Họ ăn uống rất ngon lành, xong rồi ai về nhà nấy, nghỉ ngơi chờ cho rã rượu hoặc đánh bạc vui chơi hết cả buổi chiều. Thế là hết tết và ngày hôm sau các nha, ty lại mở cửa làm việc. Cuối năm trước, ấn tín các sở đã đem khóa cất một nơi; muốn các nha, ty lại mở cửa thì ấn tín phải giao trả viên quan coi giữ.
Tiếp rước sứ tàu
Khi đón tiếp sứ thần Trung Quốc, tất cả các quan đại thần, đoàn đi tùy giá, bên văn ban cũng như võ bị, ai nấy đeo dấu hiệu của bộ mình và có rất đông thuộc hạ mang chế phục riêng. Lại còn rất nhiều các quan khác nữa cả văn lẫn võ, mặc sắc phục rất đẹp, trong số này có nhiều ông chưa được bổ vào phụng sự đức vua nhưng cũng đến chầu chực để được chú ý hơn những kẻ đối địch của mình hòng tiến thân.
Trang phục của bọn tiểu đồng, nhất là của binh lính, bộ binh và kỵ binh hợp thành một cảnh sắc huy hoàng, rực rỡ. Mỗi một đội có một binh phục riêng, áo khác màu với đội khác. Binh khí mà mỗi người mang trong những dịp này là giáo trường, trường thương, tên, súng hỏa mai, yển nguyệt đao, đoản đao, thương hay siêu đao. Tất cả đều sáng nhoáng, có dát vàng, dát bạc, hay nạm ngà.
Thủy quân cũng không kém lộng lẫy. Vua đồng ý với chúa, đem một đoàn thuyền chiến đi đón sứ Trung Quốc và dàn thuyền ra thành thế trận trên sông để sứ Tàu giải trí. Sự tiếp rước này rất linh đình, xán lạn. Trong lúc tiếp kiến đầu tiên, vua và chúa mặc triều phục, đi hia, mũi nhọn vênh lên như mũi những chiếc thuyền nhỏ và đội một thứ mão trông rất kỳ khôi. Vua và chúa quỳ lễ bốn lễ và vái một vái dài bái nhận sắc thư của vua Tàu do sứ thần mang đến, giao cho. Đi đâu sứ thần cũng ở bên phải vua và đứng làm người đại diện của hoàng đế, được các đình thần bái mạng. Lễ tiếp nghênh xong rồi thì sứ thần được tiếp như người thường nhưng vì ông ta là người ngoại quốc vẫn được tôn trọng như một đường quan.
Một cuộc vui được diễn ra. Để nghênh tiếp sứ thần Trung Quốc, một cuộc sắp xếp các thuyền chiến thành hàng năm chiếc một, hàng nọ cách hàng kia đều nhau, thuyền sau nối thuyền trước thành nhiều dãy dài, được trang điểm rất đẹp đẽ. Hai bên bờ sông, trên suốt một quãng dài mấy dặm, có dựng nhiều cột trên cắm cờ màu sắc khác nhau gió luôn luôn làm phấp phới. Các đội bộ binh đóng khắp nơi chỗ này gióng trống, chỗ kia đánh thanh la, có chỗ thổi sáo thổi kèn để đáp lại. Lúc sứ thần sắp đến, quân lính hoan hô vang giời, bắn một loạt súng hỏa mai, thần công để chào. Sứ Tàu ở dưới thuyền xong lên bờ, bọn thuyền thủ bỏ mái chèo tay cầm súng và đợi cho thuyền chiến bắn súng thần công xong, cũng bắn một loạt súng hỏa mai để tỏ dấu vui mừng và hoan hỉ.
G.F.DE MARINI 
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)

Ký ức về xứ Đàng Ngoài

Công chức Bắc kỳ xưa - Ảnh: Tư liệu
 Đọc những tập du ký này, độc giả vui thích nhất khi biết chắc rằng sách viết đúng sự thật và tác giả thành thực, không có ý đánh lừa người đọc
Xứ Đàng Ngoài từ lâu lắm không được các nước Âu châu biết đến; đôi khi có người viết sách du ký thì lại không biết rõ xứ này, hoặc trí nhớ không được tinh tường chắc chắn cho lắm.
Tập sách tôi đem xuất bản đây là nhờ em tôi. Chuyến thứ hai sang châu Á, tôi đem em tôi theo; từ Batavia tới Bantam (Indonesia - PV), nó có qua Đàng Ngoài mười một mười hai chuyến, giúp tôi khi ở Batavia và Bantam. Tôi còn được gặp nhiều người Đàng Ngoài sang buôn bán, họ có chỉ dẫn cho tôi nhiều điều về xứ họ. Đi với họ có nhiều nhà sư trông nom việc cúng lễ và nhiều văn nhân để dạy dỗ con cháu các ông lái tàu, vì các ông này đem gia đình theo. Các tăng nhân ấy đã vui lòng giúp tôi biết rõ xứ Đàng Ngoài. Trái lại tôi cũng nói cho họ hiểu nền chính trị nước Pháp ta thế nào, tôi bày cho họ xem tập địa đồ thế giới, nhiều địa đồ riêng từng vùng và chỉ cho họ hiểu mặt đất sắp đặt thế nào và có những nước nào. Họ hoan hỉ lắm.
Em tôi vốn dĩ là người táo bạo hay bon chen, lại thích du lịch như tôi; nên lúc ở Ấn Độ nghe người ta đồn ở xứ Đàng Ngoài có nhiều sản vật lạ, quyết định sang ngay. Nó lại có khiếu học các thứ tiếng rất mau, nó biết ngay tiếng Mã Lai là thứ tiếng được các nhà thông thái trong những vùng này dùng thông dụng như tiếng Latin bên Âu châu ta. Nó biết rõ rằng bên xứ ấy tơ lụa, xạ hương, nhiều hàng hóa bán rẻ hơn mọi nơi và trong việc buôn bán người ta còn trọng sự tín thực. Thăm hỏi xong nó sửa soạn một chiếc thuyền, nhờ chiếc thuyền này mà suốt lộ trình nó trải qua đều may mắn cả.
Bao giờ nó cũng mang theo trong người một số tiền khá lớn và bao giờ cũng có sẵn ít nhiều đồ vật nho nhỏ lạ mắt để làm quà cho vua và các vị đình thần (vì ở các xứ Đông phương, không nên đi tay không vào bệ kiến vua chúa hay ra mắt các đại thần). Nhờ vậy nó được tiếp đãi tử tế khi mới bước chân đến đất này; viên quan lên chào đầu tiên và được nó tặng một chiếc đồng hồ có quả nặng (L’horloge à poids), một đôi súng cầm tay và hai bức tranh mỹ nữ. Vị quan này lập tức lên báo tin nó đến cho đức vua. Ngài truyền lệnh cho vào triều kiến. Tại triều, nó làm cho mọi người ngạc nhiên sao lại có một người đi khỏi quê hương xa đến thế, mà lại nói tiếng Mã Lai giỏi như thế. Đức vua tiếp đón nó rất ân cần và vui lòng thu nhận những phẩm vật nó dâng tặng: một thanh gươm có chuôi, cán bằng vàng nạm ngọc hồng và ngọc bích, lưỡi rộng hai ngón tay, chỉ mài sắc một bên như kiếm, gươm bản xứ; một đôi súng có bịt bạc; một yên ngựa kiểu Ba Tư thêu chỉ vàng chỉ bạc có dây cương, một chiếc cung có tên và ống đựng, sáu bức tranh mỹ nữ cùng kiểu với những bức nó đã cho viên quan. Những phẩm vật này làm đẹp lòng đức vua lắm. Ngài rút gươm ra khỏi bao để ngắm nghía thật kỹ; một hoàng tử cũng cầm thử xem có vừa tay không rồi đứng vào thế sắp chém địch thủ một nhát. Hoàng tử đứng rất đẹp nhưng theo lối bên phương Đông, nên em tôi có xin phép đức vua chỉ cho hoàng tử hiểu cách đánh gươm ở bên Pháp, đức vua rất vui thích. Nếu độc giả cho phép tôi nói rõ về em tôi, thì tôi xin nói thêm rằng thân hình nó rất đẹp, rất cân đối và trong các phòng đấu kiếm nó không thua ai bao giờ. Hồi niên thiếu nó có theo học các trường dạy đấu kiếm và nó đã không phí thì giờ.
Đấy là lần đầu tiên nó được vào bệ kiến vua xứ Đàng Ngoài. Nó có qua lại xứ ấy nhiều bận và mỗi bận nó đều được biệt đãi thêm. Nó được lòng đức vua và các đình thần, nhất là vì nó thích đánh bạc với các ngài. Tính nó lại liều, có một lần nó thua hơn hai vạn écus. Nhưng đức vua vốn quảng đại, không muốn nó thiệt và có đền bù cho nó nhiều.
Nó đã ở lâu năm tại xứ Đàng Ngoài, được ra vào chốn triều trung, lại quen nghề buôn bán trong nước, cái gì nó cũng tò mò, nên tôi đã tra cứu tập ký ức của nó để viết cuốn du ký này. Nhưng tôi có thể nói rằng tôi cũng có dùng những điều tự tôi ghi chép, tôi đã tiếp chuyện nhiều người Đàng Ngoài sang buôn bán bên Batavia, Bantam và đã khoản đãi họ để biết thêm nhiều phong tục, nghi lễ của họ. Họ cũng ước ao tôi đem phong tục và nghi lễ nước ta nói cho họ nghe, họ thích lắm. Bên họ cũng như bên ta, muốn vào hàng quý phái phải có chiến công rực rỡ, phải có tài điều đình, ngoại giao hoặc đã làm được một việc gì to tát, ích quốc lợi dân, và học hành giỏi giang có thể giữ được những chức cao trong ngạch tư pháp, hành chính hay trong hội đồng cơ mật của vua.
J.B.Tavernier 
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)
 

Lễ nghi của người Bắc kỳ

Một gia đình Bắc kỳ xưa chụp ảnh ngày tết - Ảnh: T.L
Mọi việc đều được sắp đặt quy củ, từ việc họ tiếp nhau đến thái độ trước mặt vua. Không có ai được vào bái vua mà không mặc thứ lễ phục riêng gọi là áo chầu, mà đầu không đội mão, để tỏ lòng tôn kính.
Nghi lễ và trang phục khi vào chầu vua
Những người không có phẩm tước, đội một chiếc mão đen cao chừng nửa thước bẻ rơi ra đằng sau. Văn quan đội theo một lối khác và bằng một chất khác, một thứ mão làm bằng lông đuôi ngựa, cao nửa thước, hình lục lăng, có thêu và trên đỉnh dẹp, khác với các mũ nói trên nhọn. Chỉ có những tội nhân mới để đầu trần ra trước mặt vua. Nhưng chân thì lại khác vì nếu đi giầy vào chầu tức là mắc một trọng tội.
Khi vào yết kiến long nhan, không được đi giầy mang vớ, chỉ có vua và một vài bà hậu, bà phi được phép riêng của vua mới đi hài; các hoàng tử cũng phải theo luật ấy, trừ có hoàng thái tử là người sau này sẽ lên kế vị được đi giầy trong cung hay khi ngài vi hành đi thăm đồng ruộng nhưng khi vào chầu phụ hoàng ngài cũng phải bỏ giầy ra và đã có một tên quân hầu múc nước để ngài rửa chân cho sạch thêm. Người ta còn nghiêm cấm tất cả mọi người dù giời nóng bức đến thế nào, trước mặt vua cũng không được dùng quạt; quạt giấu trong tay áo, tay nọ luồn kín vào ống tay áo kia và chắp lên ngang ngực.
Triều phục và lối vào chầu vua ấy trông thật lạ lùng. Nhưng ta thấy dấu hiệu sự tùng phục và lòng tôn kính lúc họ mới đi mấy bước đầu rồi phủ phục khi họ vào đại điện là chỗ vua ban chầu: Trước nhất phải quỳ lễ bốn lễ, đầu gối trái xuống trước, gối phải xuống sau, đầu dập xuống đất. Bắt đầu từ cửa điện hay từ chỗ ta đứng: tính cho đúng để đến khi làm lễ thứ tư thì ta đến đúng dưới chân vua. Xong rồi ta đứng dậy và hai bàn tay chắp lại, ngón nọ vào ngón kia, giấu kín trong ống tay áo, ta giơ tay lên ngang đầu rồi cúi nhẹ mình, ta chúc vua vạn tuế.
Các quan đại thần tan chầu vội vàng rời cung điện và chạy rất mau về nhà. Không làm như thế là trái phép. Các người cưỡi ngựa, cưỡi voi, qua trước hoàng cung cũng phải xuống đi đất.
Lễ nghi hằng ngày
Đàn bà không phải theo những nghi tắc trên, nhưng khi gặp kẻ hàng trên phải chào, thì họ dừng lại và ngồi sụp xuống đất; xong rồi họ chắp hai tay lại và cúi mình lễ, chân chạm đất năm lần; có khi nói chuyện với nhau họ cũng ngồi như thế trên chiếu, vì ở Bắc kỳ không có ghế chỉ dùng chiếu giải trên đất.
Tại các nhà quan, có một chiếc sập cao chừng một thước trên giải chiếu, không có thảm, dùng để ngồi nói chuyện. Tiếp người ngang hàng thì họ mời cùng ngồi trên chiếc sập; tiếp thuộc hạ, họ cho ngồi xuống chiếu cặp đỏ thấp hơn bậc; còn như kẻ thường thường thì cho ngồi chiếu đơn; bọn cùng đinh thì phải ngồi sệp xuống chỗ đất không giải chiếu.
Khi đi chơi họ không bàn công chuyện làm ăn; chỉ khi ngồi hay lúc đứng hai tay không nhúc nhích họ mới bàn đến công việc thôi; các cố đạo cũng bắt chước cho nên lúc giảng kinh, mình không cử động, tay không đưa đẩy nhưng chắp vào tay áo đưa lên ngang ngực, chỉ có miệng lưỡi là mấp máy thôi. Họ ngạc nhiên khi thấy người Âu châu đi lại luôn và hỏi tôi duyên cớ ấy. Tôi giả nhời họ rằng chúng ta bắt chước mặt trời vận chuyển luôn luôn và nước biển luôn luôn chuyển động để được trong vì nếu đứng yên thì nước biển thối hỏng mất.
Các quan nhỏ đối với các quan to cũng phải cung kính như dân, duy chỉ phải quỳ lễ thôi và lễ xong lễ thứ ba thì họ chắp tay lên trên đầu; đứng trước mặt các quan trên, họ cũng không được phe phẩy quạt.
Để tỏ lòng tôn kính khi gặp vua hay các quan cao cấp, họ để tóc xõa trên hoặc lúc ấy tóc còn đang buộc bằng dây thường hay đang bện thì họ rũ vội ra, nếu không làm như thế thì vị quan kia sai cắt liền; điều ấy là một sự nhục lớn vì người Đàng Ngoài cho mớ tóc là tiêu biểu quý nhất của sự tự do của họ. Gặp kẻ ngang hàng, họ chào: Tôi vui mừng với ông; gặp người trên, họ đưa tay trái cho người kia hình như muốn tỏ ra rằng họ cũng săn sóc đến công việc của người này, còn tay phải họ để không để giúp dập và chống đỡ người trên đối lại với kẻ thù. Còn trong xóm nếu có ông quan to nào trùng tên với một người thì người này muốn tỏ lòng tôn trọng, theo luật nước đổi tên đi; nếu ông quan tên là Ba, thì họ kiêng không nói Ba nhưng nói Tam.
Nói tóm lại, đó là những lễ nghi, những dấu hiệu tôn kính của người Đàng Ngoài dùng lẫn với nhau và để họ tỏ cho những người họ tôn lên trên họ biết. Các vị cố lão được trọng đãi hết sức nên khi một người niên thiếu gặp bực cố lão thường nói: “Thưa cố, cháu xin giúp đỡ cố”.
G.F.De Marini 
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)

 Phủ Võ vương qua mắt y sĩ phương Tây

Cổng thành Phú Xuân thời Nguyễn sơẢNH: TƯ LIỆU TỪ SÁCH
Trong việc nội trị, có lẽ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát là vị chúa Nguyễn đầu tiên sử dụng một người phương Tây làm y sĩ riêng cho mình. Người đó là Jean Koffler, giáo sĩ, sinh ở Prague (nay thuộc CH Czech) ngày 19.6.1711, lớn lên tu học theo các giáo sĩ dòng Tên (Jésuite).
Năm 1739, Koffler sang Macao, và năm sau đến Đàng Trong rồi ở lại đây suốt 14 năm, trong đó có 7 năm phục vụ trong phủ chúa, trước khi chịu chung số phận với nhiều giáo sĩ khác, bị tống giam và bị trục xuất khỏi Đàng Trong vào năm 1755.
Mười một năm sau, tức năm 1766, Koffler lại bị tống giam ở Lisbonne (Bồ Đào Nha). Ông sử dụng thời gian ở trong tù để ghi lại những hồi ức về khoảng thời gian khá dài đã sống ở Đại Việt. Tác phẩm này được một giáo sĩ thuộc Hội truyền giáo quốc ngoại là V.Barbier dịch ra tiếng Pháp dưới nhan đề Description Historique de la Cochinchine (Miêu tả lịch sử xứ Đàng Trong). Tác phẩm gồm 7 chương, trong đó dành 4 chương đầu viết về lịch sử vương quốc Đàng Trong, đặc biệt những chi tiết thú vị về đời sống thường nhật cũng như những dịp đặc biệt trong phủ chúa. Đây có lẽ là tác phẩm đầu tiên miêu tả sinh động và khá đầy đủ các sinh hoạt cung đình, điều mà chính sử chỉ nói đến qua loa bằng những dòng sử biên niên khô khan và cứng nhắc.
Kiến trúc nguy nga tráng lệ
Thú chơi gà chọi
Thú chơi gà chọi đến thế kỷ 18 đã khá phổ biến ở Đàng Trong. Koffler nắm vững cách nuôi và chăm sóc gà chọi, từ việc nhổ hầu hết lông khi gà còn tơ, chỉ chừa lại lông cánh, lông đuôi và mỗi ngày thoa rượu lên mình gà, đến việc chuốt nhọn cựa gà cho sắc để có khả năng sát thương cao các đối thủ khi xáp chiến. Chi tiết này cho phép suy diễn Võ vương là người mê đá gà có hạng lúc bấy giờ.
Năm 1739, Võ vương lập phủ chính ở Phú Xuân (Huế). Theo miêu tả của Koffler, lúc ấy phủ chúa là một kiến trúc khá đồ sộ, vuông vức và được bao quanh bởi ba lớp tường thành. Phủ có 7 cổng ra vào, cổng đẹp nhất mở ra hướng sông, tạo thành mặt tiền vương phủ với một tháp canh cao. Bên trái vương phủ, không xa tháp canh là ba khẩu súng thần công thường chỉ nổ vang khi vị thế tử sẽ kế nghiệp chúa ra chào đời (xin nhớ là vào năm 1614, một người Bồ Đào Nha tên Jean de la Croix đã mở cuộc đúc súng tại Huế và hướng dẫn người Việt nghề này). Chung quanh phủ, người ta bố trí 150 khẩu thần công nhỏ hơn, đúc bằng sắt hay đồng. Sau khi đi vào cổng chính, sẽ đến một sân rộng, tại đây có 25 đội lính phòng ngự luân phiên ngày đêm canh gác. Kế sân phủ là một đại sảnh, nơi diễn ra hai buổi chầu mỗi tuần. Trong buổi chầu, quan văn đứng thành một hàng bên trái, quan võ bên phải, theo thứ tự phẩm cấp lớn nhỏ. Đi vào phủ chúa theo các cửa hông, người ta sẽ bắt gặp một bên là chuồng ngựa, chuồng nuôi súc vật nhỏ, trong đó có gà chọi và một bên là chỗ ở của các ca nhi trong phủ chúa.
Ở khu nhà dành cho ca nhi, có một sân vườn tĩnh mịch trồng đủ các loại kỳ hoa dị thảo. Đi sâu vào trong sẽ gặp tòa lâu đài thứ hai, nhỏ hơn, được bao bọc bởi một dãy hành lang có cột và mái che để người đi dạo không bị ướt lúc trời mưa. Khu vực này có 4 cửa lớn, mỗi cửa được trấn giữ bởi một người lính thượng đen đúa. Các nhân vật trọng yếu cư ngụ trong những căn nhà đầu tiên, kế đến là nhà những vương thân trong phủ chúa.
Sâu vào trong hơn nữa là chỗ ở của các cung phi của chúa. Nơi đây có phong cách của một tu viện; mỗi căn nhà được phân cách nhau bằng một bức vách, tất cả cửa ra vào đều hướng về một hành lang. Người ta bố trí bên phải mỗi căn nhà một chiếc giường lộng lẫy dành cho chúa đến nghỉ ngơi, bên trái là giường của cung phi. Sau nhà là chỗ ở của những người hầu gái và bếp.
Phần trong cùng là chỗ ở của chúa Nguyễn gồm 5 tòa nhà, cái quan trọng nhất xây cao ba tầng, bên trên có một tòa tháp dùng làm đài thiên văn, từ đó chẳng những có thể nhìn thấy toàn bộ dinh cơ của chúa mà còn bao quát cả quang cảnh chung quanh, với những con sông trôi lặng lờ qua nhiều thôn xóm đìu hiu, vắng vẻ. Ở đây, người ta không nhìn thấy dấu vết của vôi vữa, tường xây hay gạch đá. Tất cả đều làm bằng gỗ quý, được chạm trổ và đánh bóng rất công phu. Những chiếc cột tròn, to làm bằng một thứ gỗ màu vàng chanh. Theo Koffler, sự xa hoa, tráng lệ của phủ chúa xứng đáng dành cho hạng vương giả.
So với phủ chúa Nguyễn Phúc Chu qua ngòi bút của nhà sư Thích Đại Sán (người Trung Quốc), phủ Võ vương đã được xây dựng nguy nga, tráng lệ hơn nhiều, không đơn sơ như hồi cuối thế kỷ 17. Gần vương phủ còn có ba tòa nhà lớn khác, cổ nhất là tòa ngân khố với những bức tường kiên cố. Theo sự dò hỏi của Koffler, đây là nơi cất giữ tài sản của các đời chúa Nguyễn trước (tòa nhà này cũng có dịp khêu gợi lòng tham của một thương gia Pháp). Thứ đến là tòa nhà xây dựng trên một nhánh sông, nơi chúa thường đến nghỉ ngơi vào mùa đông và cuối cùng là khuê phòng, dành làm nơi thủ tiết cho các bà phi của các chúa Nguyễn đã qua đời.
Lê Nguyễn 
(Trích Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài, Lê Nguyễn; NXB Hồng Đức và DTBooks ấn hành)

Uy thế của Võ vương

Thuyền của hoàng gia triều NguyễnẢNH: TƯ LIỆU TỪ SÁCH
Dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, tình hình kinh tế xã hội đã khá ổn định. Nếu năm 1698, chủ quyền đất nước chỉ mới đến vùng Gia Định, Đồng Nai thì đến cuối thập niên 50 của thế kỷ 18, ranh giới phía nam Đàng Trong đã trải dài tới vùng Cà Mau, Rạch Giá ngày nay.
Công lao khai phá của Võ vương đối với đất nước không hề nhỏ. Có một cơ ngơi ổn định, năm 1744 ông xưng vương hiệu và cải cách nhiều mặt trong đời sống cộng đồng. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, phủ đổi thành “điện”, thân đổi thành “tấu”, thay ấn Thái phó quốc công bằng ấn “Quốc vương”, đổi chính dinh làm đô thành (đến thế kỷ 19, từ “đô thành” vẫn còn dùng để chỉ Huế, ví dụ Tập san Đô thành Hiếu cổ - Bulletin des Amis du Vieux Hue). Chỉ riêng niên hiệu thì cho đến cuối thế kỷ 18, các chúa Nguyễn vẫn dùng niên hiệu của vua Lê trong các văn bản ban hành.
Chính do những biến đổi đó trong sinh hoạt công quyền vào giữa thế kỷ 18 mà giáo sĩ Koffler kiêm y sĩ riêng của Võ vương có dịp ghi nhận nhiều sự kiện thú vị. Theo Koffler, thời ấy, chúa đã gần như vua, ai vô cớ nhìn vào mặt chúa sẽ bị khép trọng tội. Khi chúa đi ra khỏi điện, mọi người dân không được phép đi ra đường, những ngôi nhà nằm trên đường chúa đi qua phải đóng cửa lại. Trong những dịp này, quân lính cũng rất cực nhọc. Các đội lính hộ vệ phải trang bị giáo dài đi trước mở đường. Nhiều người cầm những chiếc lọng theo sau chúa, che mát chúa trong suốt cuộc hành trình. Cán lọng làm bằng ngà hay gỗ quý, chóp lọng bằng vàng, vải lọng là lụa hay vải hoa nổi. Chúa ngồi trên một chiếc ngai có 8 người lực lưỡng khiêng, đi sát cạnh ông để hộ vệ là con của những đại thần bậc nhất trong vương phủ. Vào một dịp nào đó, chúa đi thăm một người bà con lâm bệnh thì từ đó trở đi, nơi ông từng ngồi trong nhà được gia chủ xem là chốn thiêng liêng, không ai dám đến ngồi hay bước qua đó. Nhiều người treo tại chỗ ấy một tấm biển lộng lẫy đề tên chúa và mọi người trong nhà hay khách đến thăm phải tỏ lòng cung kính với tấm biển này.
Khi chúa di chuyển bằng thuyền trên sông, sự chuẩn bị và sắp xếp cũng tỉ mỉ không kém. Thành phần nòng cốt của đội thuyền rồng gồm 10 thuyền lớn, mỗi chiếc có 50 tay chèo và 25 thuyền nhỏ, mỗi chiếc 24 tay chèo. Thuyền rồng của chúa được sơn phết cực kỳ tráng lệ, nhất là ở phần mũi và đuôi thuyền. Ở phần mũi có một chiếc mái được chống đỡ bằng bốn cây cột, bên dưới đặt một khẩu súng thần công bằng đồng. Viên tướng chỉ huy đoàn thuyền đứng trên thuyền của chúa cùng một số lính trẻ. Thông thường chúa chỉ xuất hành trên sông mỗi năm một lần, chủ yếu để đích thân thu thuế, có lẽ ông sợ có sự ẩn lậu thuế nếu giao người khác làm thay mình. Mặt khác, có sự hiện diện trực tiếp của ông, các địa phương không dám bê trễ trong việc hành thu và giao nộp thuế.
Tại vương phủ, theo hồi ký của Koffler cùng một số giáo sĩ khác, điều đặc biệt là các chúa Nguyễn sử dụng nhiều người thiểu số ở Tây nguyên làm thị vệ. Có lẽ nguyên nhân của sự chọn lựa trên là những người này có sức khỏe và trung thành. Người ta dễ dàng nhận ra họ với nước da đen bóng và giọng nói không chuẩn tiếng Việt. Họ chia thành bốn đội, rất được mọi người nể nang, kể cả các vương thân và đại thần trong vương phủ. Việc bảo vệ bên ngoài vương phủ được giao cho 25 đội lính luân phiên nhau canh gác ngày đêm, nếu tính cả thủy binh, tượng binh, kỵ binh thì quân số Đàng Trong thời bấy giờ vào khoảng 20.000 người.
Xem như thế, có thể thấy là đến nửa đầu thế kỷ 18, sinh hoạt tại vương phủ và đời sống xã hội ở Đàng Trong đã có quy củ, nền nếp. Quan chế vì thế cũng có những cải tiến cho phù hợp với nhu cầu của một xã hội ngày một phát triển. Quan lại hàng nhất phẩm thường do các vương thân (chú bác hay anh em chúa Nguyễn) nắm giữ. Bốn viên quan lớn nhất gọi là Tứ trụ gồm nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu, hai người được tin dùng hơn cả trong số này được chúa giao điều khiển công việc ở trấn đô thành, nơi chúa ngự. Hai người còn lại đặc trách việc giám sát công việc các trấn khác.
Điều đáng lưu ý là vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, hàng ngũ hoạn quan rất được sủng ái. Ở Đàng Ngoài, viên tổng thái giám xếp hàng chánh tam phẩm, ngang với Đô Ngự sử, chỉ đứng sau Thượng thư (tòng nhị phẩm). Hoạn quan ở Đàng Trong cũng được sủng ái như vậy. Phẩm trật đã thế, thực quyền của họ còn quan trọng hơn. Tại vương phủ, có ba thái giám quyền uy cao nhất. Trước hết, viên tổng thái giám giữ quyền quản lý ngân khố, thanh toán các khoản chi của vương phủ, phủ Tôn nhơn và của các phi tần. Hai thái giám khác phụ trách việc thương mại và chỉ có họ mới được bán cho người nước ngoài những mặt hàng quan trọng như vàng, sắt, ngà voi…
Bất bình về cách ăn mặc của phụ nữ phương Tây
Thế kỷ thứ 18 đã có sự qua lại bước đầu của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, thông qua trung gian là tầng lớp thương nhân và giáo sĩ. Koffler kể rằng có lần Võ vương thấy hình vẽ phụ nữ châu Âu mặc áo hở vai, chúa đã nhăn mặt quay đi và tỏ vẻ bất bình về cách ăn mặc “lõa lồ” đó.
Lê Nguyễn 
(Trích Xã hội VN qua bút ký của người nước ngoài, Lê Nguyễn; NXB Hồng Đức và DTBooks ấn hành)
 

Thương nhân Pierre Poivre yết kiến Võ vương

Thương gia Pháp Pierre PoivreẢNH: TƯ LIỆU TỪ SÁCH
Trong thời gian Jean Koffler còn ở Đàng Trong thì đã xuất hiện tại phủ chúa một nhân vật phương Tây khác, lần này không phải là một giáo sĩ mà là một thương nhân. Đó là Pierre Poivre, một viên chức của Công ty Ấn Độ thuộc Pháp (Compagnie des Indes).
Năm 1749, Pierre Poivre được giao nhiệm vụ liên hệ với chính quyền Đàng Trong để xin dành cho Công ty Ấn Độ một số đặc quyền buôn bán. Ông ta lưu lại Đàng Trong những năm 1749 - 1750. Sau khi trở về Pháp, Poivre không có ý định xuất bản tác phẩm nào về chuyến đi Đại Việt. Thế nhưng, lúc đó ông ta khá nổi tiếng nên các nhà xuất bản châu Âu không bỏ lỡ cơ hội, tập hợp các bản ghi chép do Poivre gửi cho Viện Hàn lâm Lyon để in và phát hành tại Thụy Sĩ một tác phẩm có tựa đề Les voyages d’un philosophe (Những chuyến du hành của một nhà hiền triết, 1768) mà không hỏi ý kiến Poivre, cũng không buồn đề tên tác giả. Quyển sách tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó, người đọc theo dõi được cuộc hành trình của Poivre sang đất Đại Việt, những gì xảy ra trong thời gian ông ta lưu trú ở Phú Xuân.
Ngày 7.7.1749, từ Pondichéry, vùng đất Ấn Độ thuộc Pháp, Pierre Poivre khởi hành đến Đàng Trong. Chuyến đi trễ gần 5 tháng so với dự kiến. Cập bến Tourane (Đà Nẵng) ngày 29.8.1749, tàu vừa buông neo đã thấy viên quan phụ trách thu thuế có mặt để tìm hiểu mục đích chuyến đi của Poivre. Sau đó, tàu bị thủy quân Đại Việt canh giữ nghiêm ngặt, không ai được xuống tàu, các thủy thủ cũng không được lên bờ. Chi tiết này cho thấy việc kiểm tra, phòng bị vùng biển lúc bấy giờ đã có quy củ và khá chặt chẽ.
Poivre nhờ viên quan đang có mặt chuyển giúp một lá thư cho các giáo sĩ đang ở Phú Xuân, một lá thư khác cho người thông ngôn trong phủ chúa nhằm thông báo sự hiện diện của ông ta với tư cách là người thay mặt cho Công ty Ấn Độ để đàm phán thương mại với phía Việt. Không lâu sau, viên quan phụ trách kiểm tra tàu thuyền từ Faifo (Hội An) đến và cho phép Poivre cùng đoàn tùy tùng rời khỏi tàu. Họ được cấp cho một chỗ ở và được đưa lên bờ những món quà dành cho chúa Nguyễn, trong đó có hai con ngựa Pondichéry, bốn con heo trắng, một con gà trống Ấn Độ, một con gà Nhật… Poivre cũng được phép mang lên bờ 13 rương hàng hóa. Viên quan chịu trách nhiệm giám sát đoàn khách được Poivre gọi là “On cai bo tao”, tức “Ông cai bộ tàu” hay cai bạ tàu, một chức quan giữ việc kiểm tra tàu thuyền qua lại trong xứ.
Poivre cùng đoàn tùy tùng ở trong ngôi nhà dựng sẵn, chờ đợi từ ngày này qua ngày khác. Cứ vài ngày lại có một viên quan mới xuất hiện. Họ đến để giám sát việc làm của viên cai bạ tàu. Poivre chuẩn bị sẵn một lá thư, theo đó Công ty Ấn Độ thay mặt hoàng đế Pháp xin chúa Nguyễn cho phép buôn bán tại các hải cảng ở Đàng Trong và đề nghị ký kết một thương ước giữa hai nước. Bức thư được giáo sĩ Rivoal dịch ra ngôn ngữ Đại Việt. Trong thư, Poivre cũng ghi rõ là xin yết kiến Võ vương vào ngày 15.9.1749. Poivre định cùng đoàn tùy tùng 12 người mang tặng vật đi trên hai chiếc thuyền, nhưng trên đường đi, một cơn gió mạnh bất chợt nổi lên, các thủy thủ sợ nguy hiểm, không dám tiếp tục cuộc hành trình. Ngày 18.9, Poivre quyết định lên bờ, đi bằng đường bộ đến Phú Xuân. Chiều hôm đó, sau khi đi dọc theo bờ biển, họ dừng ở chân đèo Hải Vân. Thời kỳ này việc thông thương, buôn bán trên lãnh thổ Đại Việt đã khá thoải mái, nhiều người đi lại, nên Poivre bắt gặp nhiều hàng quán mọc lên khắp nơi. Một chi tiết chưa từng được các bút ký của người châu Âu nói đến, nay lần đầu tiên được Poivre đề cập tới, đó là sự phát triển của nghề mại dâm vào thời kỳ này trên các cung đường quen thuộc. Đoàn của ông từng là đối tượng mời gọi của những phụ nữ làm nghề đặc biệt này.
Xế chiều 22.9, họ dừng chân trước kinh thành Phú Xuân và ngày hôm sau được phép vào yết kiến Võ vương. Chúa chờ họ trong căn phòng rộng thường là nơi xem voi biểu diễn. Trước mặt Poivre là một Võ vương dịu dàng và tốt bụng, rất thích tìm hiểu về nước Pháp xa xôi. Chúa đặt ra cho Poivre hàng trăm câu hỏi về tuổi tác, vợ con của hoàng đế Pháp, tổ chức quân đội Pháp ra sao. Giữa buổi tiếp kiến, chúa đứng lên, bước xuống ngai, đến gần đoàn khách phương Tây, quan sát áo quần từng người một, lưu ý đặc biệt đến các mái tóc giả của họ. Về phần Poivre, ông ta cũng nhân cơ hội này ngắm nhìn người đứng đầu trăm họ ở Đàng Trong. Theo Poivre, Võ vương có một vóc dáng cao ráo, gương mặt lộ rõ nét tự mãn, đầu to, tóc hoa râm, được chải chuốt kỹ lưỡng, trán rộng, tai hơi dài, bụng to, bàn chân lớn… Trong bộ lễ phục, chúa trông sáng sủa và nổi bật giữa đám quan lại đang ngồi quanh ông. Mỗi lần muốn cười, ông hơi nhăn mặt lại, có lẽ để giấu bớt hàm răng chỉ còn vài cái đen nhánh và xệu xạo. Chi tiết này cùng với mái tóc hoa râm cho thấy nhà chúa có vẻ già trước tuổi, vì vào năm ấy (1749), ông mới 35 tuổi.
Buổi yết kiến đầu tiên chứa chan mỹ cảm, Võ vương ra lệnh mở tiệc thết đãi những người khách phương xa. Giữa bữa ăn, ông bước ra phòng ngoài dành cho đám tùy tùng của Pierre Poivre, quan sát cách ăn uống của họ, rồi ngồi xuống cạnh họ, giải thích tên từng món ăn, hỏi ý kiến từng người một và tỏ ra thích thú khi thấy họ lúng túng, vụng về trong việc sử dụng đũa.
Lê Nguyễn 
(Trích Xã hội VN qua bút ký của người nước ngoài, Lê Nguyễn; NXB Hồng Đức và DTBooks ấn hành)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét