Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Quan nhà Trần đi sứ không lạy vua Chiêm

trac-nghiem-ve-quan-nha-tran-di-su-khong-lay-vua-chiem
Đoàn Nhữ Hài (1280-1335) người làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). 
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1299, Đoàn Nhữ Hài đang đọc sách ở chùa Tư Phúc thì tình cờ gặp vua Trần Anh Tông. Lúc này vua đang rất sợ vì biết thượng hoàng Trần Nhân Tông nổi cơn thịnh nộ vì tội say rượu. Trần Anh Tông lệnh cho Đoàn Nhữ Hài viết bài biểu để vua tạ tội với thái thượng hoàng.
"Sáng sớm hôm sau, vua tới phủ Thiên Trường, cho Đoàn Nhữ Hài theo, dâng biểu tạ tội. Thái thượng hoàng thấy Nhữ Hài liền hỏi người nào. Nội nhân trả lời là người dâng biểu của quan gia (vua). Thượng hoàng không nói gì...
Buổi chiều, mưa gió ập đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích... Thái thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem, thấy lời lẽ khẩn thiết thì cho gọi vua vào và bảo: "Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà người còn như thế, huống chi sau này?". Vua dập đầu tạ tội...
Thái thượng hoàng bèn gọi Nhữ Hài vào và bảo "bài biểu ngươi soạn, rất hợp lòng trẫm", rồi xuống chiếu cho quan gia vẫn làm vua, các quan về triều như cũ", sách Đại Việt sử ký chép.
Với công lao giúp vua thoát khỏi cơn thịnh nộ của thượng hoàng, Đoàn Nhữ Hài đã được phong làm Ngự sử trung tán, khi chưa tuổi 20 hay đỗ đạt khoa cử gì. Chức này đứng hàng thứ hai ở Ngự sử Đài, có nhiệm vụ can gián nhà vua.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Đoàn Nhữ Hài vì có công giúp vua nên được phong làm Ngự sử trung tán, dù tuổi trẻ, chưa đỗ đạt gì, cũng không phải hoàng thân quốc thích. Ông vì thế bị nhiều người ganh ghét. Có người còn làm thơ chế giễu rằng:
Ôn câu chữ cổ: Đài ngự sử
Miệng sữa còn hôi: Trung tán Đoàn
Đoàn Nhữ Hài hiểu điều này nên khi nghe có kẻ đàm tiếu, ông chỉ cười, bỏ ngoài tai và gắng sức hoàn thành trọng trách của mình. 
"Nhữ Hài là cận thần của vua. Vua nói năng hành động gì đều được biết cả. Đến khi nhận chức này, xem thực của sử thần chép có chỗ lầm lẫn, bèn sửa lại cho đúng rồi đốt bỏ bản thảo cũ đi", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1303 Đoàn Nhữ Hài được phong làm Tham tri chính sự nhờ có công trong chuyến đi sứ tới Chiêm Thành.
Trước đó, Đoàn Nhữ Hài được vua sai đi sứ Chiêm Thành. Theo lễ tiết, sứ thần của Đại Việt phải lạy vua nhà Chiêm trước rồi sau mới mở chiếu thư. Tuy nhiên, Đoàn Nhữ Hài vì lòng tự tôn quốc gia, không chịu quỳ lạy vua nước khác, đã nghĩ ra kế cúi lạy chiếu thư của vua nước mình. Ông giải thích với vua Chiêm rằng: "Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc", theo Đại Việt sử ký .
Việc lạy chiếu thư của Đoàn Nhữ Hài được đánh giá là "thuận về lý mà sứ tiết cũng không phải khuất". Vua Chiêm Thành do đó không bắt bẻ hay trách phạt được gì. Sứ Đại Việt kể từ đó cũng không phải quỳ lạy vua Chiêm. 
Mưu trí trong việc không quỳ lạy vua Chiêm của Đoàn Nhữ Hài được vua nhà Trần hết lời khen ngợi, quyết dùng ông vào việc lớn. 
Đoàn Nhữ Hài ngoài ra cũng được thượng hoàng Trần Nhân Tông đánh giá là tài giỏi. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông từng xin yết kiến thượng hoàng Trần Nhân Tông ở chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh, nhưng suốt ngày không gặp được. Đến khi xa giá của thượng hoàng tới, Nhữ Hài vẫn chờ xin bái yết và được Trần Nhân Tông tiếp chuyện suốt một giờ. Khi thượng hoàng trở về đã nói với tả hữu rằng: "Nhữ Hài đúng là người giỏi. Hắn được quan gia (vua) sai khiến là phải". 
Năm 1304, Đoàn Nhữ Hài được phong chức Tri khu mật viện. Đây là chức quan lớn, thường chỉ giao cho tôn thất nhà Trần. Năm 1307, Đoàn Nhữ Hài khi đó đã thăng tiến đến chức hành khiển, giữ yên người dân hai vùng đất mà Chiêm Thành cống nạp cho nhà Trần để cưới công chúa Huyền Trân. 
Theo sử cũ, tháng 12/1311 vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Đoàn Nhữ Hài khi ấy được giao làm thiên tử chiêu dụ sứ đi trước. Ông đã sai người tới chỗ trại chủ Câu Chiêm, nói rõ ý yêu cầu quốc chủ nước họ ra hàng. Người trại chủ này, trước vốn có hẹn ước với Đoàn Nhữ Hài, đã thuyết phục chúa Chiêm là Chế Chí nghe theo. Chế Chí đem gia thuộc đi đường biển tới quy hàng vua Đại Việt. 
Năm 1335, Đoàn Nhữ Hài tiếp tục được Trần Anh Tông khi đó đã làm thượng hoàng giao làm đốc tướng chỉ huy các quân sĩ đi đánh quân Ai Lao (Lào). Tuy nhiên vì là quan văn, ít kinh nghiệm chiến trường và không có tầm nhìn chiến lược, ông đã đánh giá sai quân địch và bị thua. Đoàn Nhữ Hài bị chết trong trận này.
Với tài năng và khí tiết của mình, danh thần Đoàn Nhữ Hài được người đời ca ngợi. Tên ông được đặt cho nhiều con đường ở các thành phố lớn như: Đà Nẵng, Vinh (tỉnh Nghệ An), Hải Dương... 
Ở quận 4 của TP HCM có một con đường mang tên ông, nhưng lại viết là Đoàn Như Hài. Một con đường đi lên đền thờ Huyền Trân công chúa tới lăng Đồng Khánh thuộc phường Đúc, TP Huế, cũng mang tên Đoàn Nhữ Hải.
Tại thủ đô Hà Nội, một ngõ nhỏ ở phố Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) được đặt theo tên danh thần nhà Trần - Đoàn Nhữ Hài.

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét