Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Tìm hiểu về danh nhân Trương Hán Siêu

tim-hieu-ve-danh-nhan-truong-han-sieu
Trương Hán Siêu (không rõ năm sinh) quê ở huyện Yên Ninh, phủ Trường Yên, nay là TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông là người chính trực, bài xích dị đoan, có tài văn chương và chính sự. Trương Hán Siêu được vua Trần rất mực kính trọng. "Nhà vua chỉ gọi ông là thầy chứ không gọi tên", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Ông sáng tác nhiều tác phẩm thi ca, nổi tiếng nhất là bài Bạch Đằng giang phú. Tác phẩm có ý nghĩa tổng kết chiến thắng trên sông Bạch Đằng của vua tôi nhà Trần, là áng văn chan chứa niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất và đạo lý nhân nghĩa của Việt Nam. 
Bạch Đằng giang phú được đánh giá là tiêu biểu của văn học yêu nước thời Lý - Trần, đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học và được xem là áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học Việt Nam.
Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông.
Những phường bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!"
...
"Anh minh hai vị thánh quân
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thanh bình
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.
(Trích Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu)
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trương Hán Siêu là môn khách của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông trước đó là học trò giỏi của hoàng tử Trần Ích Tắc (con vua Trần Thái Tông), từng được thầy giao cho dạy các môn đệ khác.
Năm 1308, Trương Hán Siêu được vua Trần Anh Tông phong là Hàn Lâm học sĩ. Sử sách không ghi chép việc ông thi đỗ khoa cử.
Năm 1314 vua Trần Minh Tông phong cho Trương Hán Siêu là Hành khiển - chức quan to thường chỉ giao cho người trong tôn thất. Dưới thời vua Trần Hiến Tông, ông được làm Môn hạ hữu ty lang trung.
Thời vua Trần Dụ Tông, Trương Hán Siêu giữ chức Tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ ở Lạng Giang, rồi thăng làm Tả gián nghị đại phu, Tham tri chính sự (như chức Thượng thư).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1353 dưới thời vua Trần Dụ Tông, quân Chiêm Thành vào cướp đất Hóa Châu (hiện nay là Thừa thiên Huế). Vùng đất này năm 1306 người Chiêm cống cho Đại Việt làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân.
Quan quân nhà Trần lúc này đánh đuổi quân Chiêm rất bất lợi. Vua gọi Trương Hán Siêu mưu tính kế sách. Hán Siêu trả lời: "Không nghe lời thần nên đến nỗi thế". Vua bèn sai Trương Hán Siêu đem các quân thần sách đi trấn giữ Hóa Châu... Dưới sự coi trị của ông, biên thùy Đại Việt đã yên ổn trở lại.
Khi làm quan Hành khiển dưới thời vua Trần Minh Tông, Trương Hán Siêu từng tố oan cho hai hình quan tội ăn hối lộ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại sự việc này: "Một hôm, Siêu nói trong triều rằng hình quan Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ. Vua lập tức sai điều tra. Hán Siêu nói kín với người khác: Tôi làm việc ở triều đình được chúa thượng tin dùng cho nên mới nói thế, biết đâu lại có chuyện tra xét này... Đến khi tra hỏi, Hán Siêu đuối lý phải phạt 300 quan tiền". 
Đương thời, Trương Hán Siêu rất nổi tiếng nhưng cũng bị nhiều điều tiếng là cao ngạo. Ông không giao du với người cùng hàng, gặp quan thầy thuốc thì đùa cợt. Việc Trương Hán Siêu gả con gái cho tù trưởng ở các vùng ông đến trông coi, cũng bị nhiều người chê trách là "mộ sự giàu có".
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sau này cho rằng việc Trương Hán Siêu ít giao du với những bạn bè cùng hàng vì những người này trước đây cùng học với ông tại trường của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, khi ông bị vu oan âm mưu giết Trần Ích Tắc phải đào tẩu, thì chính những người bạn hùa nhau công kích kết tội ông. Chuyện này ông tha thứ không kể tội họ, nhưng không kết tình thân. 
Trương Hán Siêu gả con cho các tù trưởng không phải vì ham giàu, mà là vì muốn liên kết với bộ tộc giữ biên cương theo chính sách của nhà Trần thời bấy giờ gả con cho tù trưởng để làm phên giậu bảo vệ biên cương. 
Năm 1354, dưới thời vua Trần Dụ Tông, Trương Hán Siêu trên đường từ Hóa Châu trở về kinh sư bị chết. Vua truy tặng ông là Thái bảo - thầy dạy vua lúc còn nhỏ.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1372, tức 18 năm sau khi Trương Hán Siêu chết, ông được vua Trần Nghệ Tông ban tặng chi thiếu phó, cho được tòng tự ở miếu Khổng Tử tức Văn miếu Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, việc Trương Hán Siêu được sánh ngang với các bậc hiền tài của quốc gia như Chu Văn An, bị nhiều người không tán đồng. 
Sử gia Ngô Sĩ Liên, viết trong Đại Việt sử ký rằng: "Nghệ hoàng ban cho Hán Siêu được tòng tự ở Văn Miếu vì ông ta hay bài xích dị đoan chăng? Nhưng xét ra ông ta là người cậy tài, kiêu ngạo... Khổng Tử nói: Dẫu tài giỏi đến như Chu Công mà kiêu ngạo và keo bẩn thì những gì còn lại cũng chẳng ra sao. Tôi nghĩ, Hán Siêu hiền tài nếu có thiêng, hẳn không dám dự thờ ở miếu Khổng Tử".
Ngoài Chu Văn An, Trương Hán Siêu, một vị quan nhà Trần khác là Đỗ Tử Bình (thời vua Trần Phế Đế) cũng được đưa vào thờ tự ở Văn Miếu. Tuy nhiên, theo ghi chép của Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử ký tiền biên, đến khoảng thế kỷ 18, Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình không còn được thờ ở Văn Miếu nữa. Duy nhất có Chu Văn An tiếp tục được phối thờ tại giải vũ phía tây nhà Văn Miếu cùng với Thất thập nhị hiền.
“Nay ở giải vũ phía Tây vẫn thấy thờ Chu Văn Trinh, còn Hán Siêu, Tử Bình đã bỏ đi, không biết từ thời đại nào. Cũng thấy được lẽ trời lòng người công bằng, há nhất thời có thể nâng lên đè xuống được sao!”, sử gia Ngô Thì Sĩ viết.
Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu hiện được người dân ở nhiều tỉnh thành như Ninh Bình, Hải Dương, Hà Nam lập đền thờ tự. Tên của ông được đặt cho một con phố ở quận trung tâm thành phố Hà Nội - quận Hoàn Kiếm.

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét