Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Tìm hiểu ông vua quyền lực cuối cùng của nhà Trần

tim-hieu-ong-vua-quyen-luc-cuoi-cung-cua-nha-tran
Trần Nghệ Tông sinh tháng 12/1321, tên húy là Trần Phủ, con vua Trần Minh Tông. Ông là em vua Trần Hiến Tông và anh của vua Trần Dụ Tông.
Thời Trần Dụ Tông, triều đại nhà Trần bắt đầu suy yếu vì vua sa vào rượu chè, cờ bạc, dân đói, nạn quan tham nổi lên. Năm 1369, Trần Dụ Tông mất, không có con nối dõi. Hiến Từ Hoàng thái hậu đứng ra lựa chọn người kế vị và chọn cháu trai mình tên là Trần Nhật Lễ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nhật Lễ vốn không phải là tôn thất nhà Trần, mẹ ông là đào hát, vợ của kép hát Dương Khương.
Sau 5 tháng lên ngôi, Nhật Lễ giết Hiến Từ Thái hoàng thái hậu vì bị lộ việc mình là con của kép hát. Sau đó, ông rượu chè, rong chơi, hát xướng suốt ngày lại muốn đổi lại họ Dương khiến tôn thất và các quan đều rất thất vọng.
Bấy giờ, Trần Phủ (tức vua Trần Nghệ Tông sau này) không có ý muốn tranh giành ngôi vị khiến Thiên Ninh công chúa phải khuyên ông "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác? Anh phải đi đi, em sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho".
Trước khi ra đi, Trần Phủ làm bài thơ tặng em: "Ngôi cả gièm nhiều mới bỏ quan/ Né thân, vượt núi, tới sơn man/ Bảy lăng ngoảnh lại châu tuôn chảy/ Muôn dặm đau lòng, tóc bạc lan/ Diệt Vũ giữ gìn đường xã tắc/ Phò lưu lại thấy Hán y quan/ Minh Tông sự nghiệp em nên nhớ/ Thu phục thần kinh sắp khải hoàn" (bản dịch nghĩa theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Người bấy giờ cho bài thơ ấy là lời sấm.
Tháng 11/1370, Trần Phủ cùng Thiên Ninh công chúa và các anh em dẫn quân về kinh thành, đánh vào hoàng cung. Dương Nhật Lễ bị phế bỏ. Ngày 15/11, Trần Phủ lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu, đại xá.
Sau khi lên ngôi, vua Trần Nghệ Tông quan tâm đến việc khôi phục đất nước. Thấy chính sự thời Dụ Tông suy sụp, vua Trần Nghệ Tông đã muốn khôi phục nề nếp công việc theo lệ cũ từ đời vua Minh Tông.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua từng nói triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống, là vì Nam Nắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị, bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc... thật không kể xiết".
Đến tháng 3/1371, Chiêm Thành vào cướp phá vì mẹ Dương Nhật Lễ chạy trốn sang nước này, xúi giục chúng vào cướp để báo thù cho Nhật Lễ. Quân Chiêm Thành từ cửa biển Đại An (nay thuộc Nam Định) tiến thẳng vào kinh sư. Bấy giờ thái bình đã lâu, thành quách biên cương không có phòng bị, giặc đến không có quân nào ngăn được. Vua Nghệ Tông phải bỏ chạy về Đông Ngàn.
Quân Chiêm Thành đốt cung điện, nhà cửa, cướp lấy con gái, ngọc lụa đem về. Thư tịch, sổ sách do vậy cũng mất sạch. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, "nước nhà từ đó sinh ra nhiều chuyện".
Nguyễn Khắc Thuần bàn trong Việt sử giai thoại: "Nghệ Tông không biết trọng người hiền, giao quyền cao cho Nguyễn Nhiên. Nguyễn Nhiên chữ nghĩa ít ỏi đến độ kể như mù chữ, vậy mà được vua Nghệ Tông đưa lên làm hành khiển, đường đường là quan đầu triều chỉ vì có công can gián vua. Chưa hết, sau đó ông còn được thăng làm tả tham tri chính sự. Việc giao chính sự cho kẻ mù chữ khiến nhiều người thời bấy giờ phải đặt câu hỏi Nhân tài đất nước cạn kiệt hết rồi chăng"?
Năm 1371, Nghệ Tông lấy người họ ngoại là Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly sau này) làm Khu mật viện đại sứ. Quý Ly vốn có hai bà cô đều là phi tần của vua Minh Tông, trong đó có bà Minh Từ quý phi là mẹ Nghệ Tông. Vì vậy, Nghệ Tông từ khi mới lên ngôi rất tín nhiệm Quý Ly, sau còn gả em gái mới góa chồng cho. Quý Ly nhiều lần chỉ huy quân đánh Chiêm Thành thất bại, nhưng vẫn được trọng dụng. Đây được coi là sai lầm lớn của vua Nghệ Tông khi về sau, Quý Ly trở thành một quyền thần khét tiếng, lật đổ nhà Trần, lập nên nhà Hồ.
Nhà Trần thường giữ chế độ vua và thái thượng hoàng cùng trị nước. Vì vậy, vua Trần Nghệ Tông quyết định nhường ngôi và người được chọn là em trai ông, Cung Tuyên vương Trần Kính. 
Tháng 4/1371, Nghệ Tông lập Trần Kính làm hoàng thái đệ. Đến ngày 9/11/1372, Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho hoàng thái đệ, tức vua Trần Duệ Tông. Theo thông lệ thì thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông vẫn nắm giữ đại quyền.
Đây là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam khi mối quan hệ giữa vua và thái thượng hoàng chỉ là anh em. Theo lẽ thường, thái thượng hoàng là cha của vua.
Trước nạn Chiêm Thành, vua Trần Duệ Tông thân chinh đi đánh, bị giặc vây hãm và tử trận năm 1377. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sau đó lập Trần Hiện, con trưởng của Trần Duệ Tông làm vua khi 16 tuổi, lấy hiệu là Trần Phế Đế.
Trần Phế Đế hiểu được mối nguy hại mang tên Quý Lý nên có âm mưu trừ bỏ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1388, Trần Phế Đế từng bàn mưu với thái úy rằng "Thượng hoàng tin yêu ngoại thích là Quý Ly, cho hắn mặc sức làm gì thì làm, nếu không lo trước đi thì sau sẽ rất khó chế ngự".
Con Vương Nhữ Chu là Nhữ Mai hầu vua học, biết được mưu đó nên đã tiết lộ, để Quý Ly biết được. Nghe theo lời khuyên của tên Phạm Cự Luận, Quý Ly bí mật tâu lên thượng hoàng "Thần nghe ngạn ngữ có câu chưa ai bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con" để khuyên ông không nên bỏ con mà lập cháu làm vua.
Thượng hoàng nghe xong thấy có lý, liền sai người giam vua Phế Đế vào chùa Tư Phúc rồi tuyên đọc nội chiếu rằng: "Trước đây, Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về, lấy con đích để nối ngôi, đó là đạo từ xưa. Nhưng từ khi Quan gia lên ngôi tới nay, lòng dạ trẻ con, giữ đức không thường, gần gũi bọn tiểu nhân, làm lung lay xã tắc, phải giáng làm Linh Đức Đại vương. Song quốc gia không thể không có chủ, ngôi báu không thể bỏ trống lâu, nên hãy chọn Chiêu Định (con Nghệ Tông) vào nối đại thống".
Năm 1388, sau khi bị phế truất, thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã sai người dìu Trần Phế Đế xuống phủ Thái Dương thắt cổ cho chết.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 3/1394, thượng hoàng Trần Nghệ Tông chiêm bao thấy Trần Duệ Tông đem quân đến và đọc bài thơ được dịch như sau: Ở giữa chỉ có loài mỏ đỏ/ Lăm le lấn lên lầu gà trắng/ Khẩu vương đã định việc hưng vong/ Không ở trước mà ở về sau. 
Thượng hoàng tự mình đoán "mỏ đỏ" ám chỉ Quý Ly, "gà trắng" là Nghệ Tông vì ông tuổi Tân Dậu, "khẩu vương" là chữ "quốc"; việc nước còn hay mất sau sẽ thấy. Sau khi chiêm nghiệm như vậy, Nghệ Tông tự đoán biết sau khi mình qua đời, nhà Trần sẽ mất nước.
Đến tháng 4/1394, Trần Nghệ Tông sức yếu, biết Hồ Quý Ly có ý lấy ngôi nhà Trần, nên sai thợ vẽ tranh những đại thần, nêu tấm gương phò quân vương lúc còn nhỏ mà không mang lòng dạ cướp ngôi của đời trước và ban cho Hồ Quý Ly.
Tới khi thượng hoàng bệnh nặng, theo lối Lưu Bị thử lòng Gia Cát Lượng, Trần Nghệ Tông nói với Quý Ly rằng: "Bình chương (chỉ Quý Ly) là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua".
Quý Ly dập đầu khóc lóc từ tạ, thề rằng: "Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp quan gia để truyền đến con cháu về sau thì trời sẽ ghét bỏ thần".
Trần Nghệ Tông giỏi thơ từ nhỏ. Ông đã biên soạn tác phẩm Hoàng huấn gồm 14 chương vào năm 1371, Đế Châm vào năm 1372, Bảo Hòa điện dư bút vào năm 1388. Theo Lịch triều hiến chương loại chí, ông còn có một tập thơ đề là Nghệ Tông thi tập. Tuy nhiên cho đến nay, tất cả tác phẩm trên đều đã mất, hiện chỉ tìm thấy 5 bài thơ.
Trần Nghệ Tông mất vào ngày 15/12/1394, táng vào Nguyên Lăng ở Yên Sinh, thọ 73 tuổi.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói về ông trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Nghệ Tông tính trời hòa nhã, giữ lòng kính cẩn, lo sợ. Nhưng uy vũ không đủ để đánh lui giặc ngoài, sáng suốt không đủ để phân biệt lời gièm, có một Nguyên Đán mà không biết dùng, lại giao việc nước cho người họ ngoại, khiến xã tắc nhà Trần đi đến sụp đổ, thực là đằng trước có kẻ siểm nịnh mà không thấy, đằng sau có giặc cướp mà không hay".

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét