Trần Minh Tông (1300-1357) tên húy là Trần Mạnh, con thứ tư của vua Trần Anh Tông, mẹ là Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần thị (vợ thứ của Trần Anh Tông). Do các hoàng tử trước đều không nuôi được nên khi sinh Trần Mạnh, vua Trần Anh Tông đã nhờ người nuôi hộ.
"Vua nhờ công chúa Thụy Bảo (tức cô của Trần Nhân Tông) nuôi hộ. Nhưng công chúa cho là bấy giờ bà đương có vận hạn, lại nhờ anh trai là Nhật Duật nuôi. Nhật Duật coi đó là trách nhiệm của mình, chăm sóc, nuôi nấng không khác gì con đẻ", sách Đại Việt sử ký viết.
Năm 1305, Trần Minh Tông được sắc phong làm Đông cung thái tử. Lên 9 tuổi, ông trở thành hoàng thái tử. Mùa xuân năm 1314, Trần Minh Tông được cha truyền ngôi, trở thành vua nước Đại Việt. Ông trị vì đất nước trong 15 năm rồi nhường ngôi lên làm thái thượng hoàng.
"Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày", sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận định
Sách Đại Việt sử ký viết: "Minh Tông nối ngôi đã lâu rồi mẹ đích mới sinh con trai. Hôm người con ấy đầy tuổi thì Anh Tông đi tuần biên giới vắng, việc ở nhà do Minh Tông quyết định. Có người xin làm lễ theo tư cách thế tử. Các quan còn nghi ngại thì Minh Tông bảo họ:
- Còn ngại gì nữa. Trước đây vì con đích trưởng chưa sinh nên ta tạm ở ngôi này. Nay đã sinh rồi thì đợi khi lớn lên, ta sẽ trả lại ngôi vua chứ có khó gì?
Người đó trả lời:
- Việc này từ xưa hay sinh nguy biến, xin nghĩ kỹ lại. Minh Tông nói:
- Cứ thuận nghĩa mà làm, yên hay nguy đâu đáng lo?
Cuối cùng làm lễ theo tư cách thế tử. Một năm sau thì người con đích tự ấy mất. Minh Tông rất thương xót.
"Vua Trần Minh Tông đã giữ được đạo lý một cách nghiêm minh, làm cho ai nấy đều thán phục", tác giả cuốn 54 vị hoàng đế Việt Nam nhận xét.
Theo Đại Việt sử ký, năm 1317 phi tần của thượng hoàng Trần Anh Tông là Trần Thị Thái Bình bị kiện vì tính tham lam, thường chiếm đoạt ruộng đất của dân. Vua Trần Minh Tông không giao cho hữu ty mà gọi Uy Giản (con rể Trần Thị) tới đưa đơn kiện cho xem và dụ rằng: "Trẫm không giao cho quan lại xét, sợ làm nhục phi tần của tiên hoàng. Ngươi nên theo đơn mà trả ruộng cho dân".
Uy Giản lập tức vâng chiếu trả lại ruộng. Sau khi Trần Thị Thái Bình chết, tất cả ruộng đất bà chiếm đoạt được trả lại cho chủ cũ.
"Minh Tông là một ông vua nhân hậu hay thương người. Ông luôn giữ gìn sự hòa thuận trong dòng họ. Năm 1315, vua xuống chiếu cấm người trong hoàng tộc tố cáo lẫn nhau, xem việc kiện cáo này là điều xấu hổ. Ông biết cách làm cho những người phạm lỗi phải tự giác mà sửa chữa, chứ không đặt thành chuyện tra xét lôi thôi", sách 54 vị hoàng đế Việt Nam viết.
Sách Đại Việt sử ký chép: "Mùa đông, tháng 10 (năm 1320), xuống chiếu rằng những người tranh nhau ruộng đất, nếu khám xét thấy không phải của mình mà cố tranh bậy thì bị truy tố, tính giá tiền ruộng đất, bắt đền gấp đôi. Nếu làm văn khế giả thì bị chặt một đốt ngón tay bên trái".
Trần Minh Tông được đánh giá là anh minh, kỷ cương. Có lần hình quan là Phạm Ngộ và Lê Duy bị tố ăn hối lộ. Vua lập tức sai điều tra. Khi biết người tố (vốn là Hành khiển được vua coi trọng) "chỉ nói thế, biết đâu lại có chuyện tra xét này", vua Minh Tông đã gọi Hành khiển đến răn dạy rồi phạt 300 quan tiền.
Lần khác, Hành khiển Đoàn Nhữ Hài - một quan thanh liêm cũng bị vua Trần Minh Tông xử phạt vì tội biết mà bỏ đi, không ngăn Thiếu bảo Trần Khắc Chung nói điều tào lao.
Sách Đại Việt sử ký viết: "Có viên quan tên là Hiệu Khả ca ngợi vua giỏi hơn Anh Tông. Vua biến sắc mặt, ngăn không cho nói và bảo: Ai mà khen người khác là giỏi hơn cha thì người ấy hẳn là bất hiếu với cha mẹ, cho nên mới nói ra câu ấy. Hiệu Khả không biết chiều cha mẹ, nên vua nói thế để răn đe y".
Trần Minh Tông rất có hiếu với cha. Khi Trần Anh Tông không khỏe, vua đã ngày đêm ở luôn ngoài cửa phòng ngủ của thượng hoàng. Mỗi khi vào thăm, vua lại đi cùng với Trần Quốc Chẩn (em cùng cha với Trần Anh Tông), người được Trần Anh Tông tin cậy hơn cả. Theo tác giả của Đại Việt sử ký, Trần Minh Tông làm vậy cũng để tình nghĩa vua tôi được khăng khít và không còn nghi ngại gì nữa.
Năm 1320, thượng hoàng Trần Anh Tông mất, vua Trần Minh Tông đích thân khâm liệm cho cha.
Mùa xuân năm 1328, Trần Minh Tông giết Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn, em của Trần Anh Tông và là chú của Trần Minh Tông. Không những thế, Trần Quốc Chẩn có con gái là Huy Thánh công chúa được lập làm hoàng hậu của Trần Minh Tông.
"Bấy giờ, vua ở ngôi 15 năm, tuổi đã cao mà vẫn chưa lập thái tử. Cha của hoàng hậu là Quốc Chẩn giữ ý định đợi hoàng hậu có con rồi sẽ lập. Cương Đông Văn Hiến Hầu là con (có sách chép là em) của Tá Thánh thái sư Nhật Duật, muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, mới đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, bảo nó vu cáo Quốc Chẩn âm mưu phản loạn.
Vua tin là thực, giam Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến và từng làm thầy dạy Vượng, liền trả lời: Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó. Vua mới cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Bắt bớ đến hơn trăm người liên quan. Mỗi khi xử án, bị can phần nhiều đều kêu oan.
Vài năm sau, khi vợ cả, vợ lẽ tên Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến đút vàng tâu lên vua. Phẫu bị hạ ngục. Ngục quan Lê Duy là người cương trực, xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị lăng trì... Văn Hiến được miễn tội chết, bị giáng làm dân thường, xóa tên trong sổ hoàng tộc", sách Đại Việt sử ký viết.
Việc Trần Minh Tông không nhận biết được mưu gian giết chết cha vợ - một tướng tài kiệt xuất, được cho là điều đáng tiếc nhất của vị vua này. Trần Minh Tông bị ám ảnh bởi vụ án oan của cha vợ. Để sửa sai, nhà vua đã cho khôi phục chức tước, sai lập đền thờ ông nằm bên tả ngạn sông Kinh Thầy.
Năm 1329, Trần Minh Tông nhường ngôi cho con trai thứ là Vượng (tức Trần Hiến Tông) để lên làm thái thượng hoàng. Tuy nhiên, việc triều chính ông vẫn chăm lo. Trần Hiến Tông vì bệnh chết sớm, em trai Trần Hạo (Trần Dụ Tông) nối ngôi, thượng hoàng Trần Minh Tông vẫn cùng con lo việc nước, đi đánh trận.
Theo Đại Việt sử ký, Trần Minh Tông không lập con trưởng Cung Túc Vương (tên húy là Dục) làm vua bởi "Dục là người ngông cuồng". Năm 1329, con thứ của Minh Tông là Trần Vượng được nhường ngôi, lấy hiệu là Hiến Tông.
Trần Minh Tông trong việc truyền ngôi, ban tước rất thận trọng và anh minh. Một người tên Bảo Vũ rất được Minh Tông yêu mến, nhưng ông không được phong chức quan quan trọng bởi không có tài.
Đối với những chuyện mê tín dị đoan, Trần Minh Tông cực lực phản đối. Sách Đại Việt sử ký ghi chuyện làm phụ táng cho Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu vào Thái lăng (năm 1332). Khi đó, Trần Minh Tông sai các quan chọn ngày chôn cất. Có người bác đi, bảo chôn năm nay tất hại người chủ tế.
Trần Minh Tông hỏi người đó biết là sang năm ông nhất định chết chăng. Khi người kia nói là không biết, thượng hoàng Trần Minh Tông dạy rằng: "Nếu sang năm trở đi ta chắc chắn không chết thì hoãn việc chôn mẫu hậu cũng được. Nếu sang năm ta chết thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu chẳng hơn là chết mà chưa lo được việc đó ư? Lễ cát lễ hung phải chọn ngày là vì con trọng việc đó thôi chứ đâu có phải câu nệ họa phúc như các nhà âm dương". Sau đó, Minh Tông vẫn cử hành tang lễ cho hoàng thái hậu.
Khi Trần Minh Tông ốm nặng, triều đình muốn lập đàn chay cầu, ông quyết không cho. Hiến Từ thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho thượng hoàng khỏe lại, Trần Minh Tông bảo bà rằng: "Thân ta không thể lấy con lợn, con dê mà đổi được".
Theo Đại Việt sử ký, Trần Minh Tông khi dạy các con hay bàn đến các nhân vật của bản triều. Thái bảo (thầy dạy của hoàng tử) Uy Túc Văn Bích khuyên, khi bàn nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nhắc tới người thiện còn kẻ ác hãy bỏ chớ bàn đến. Ông sợ các hoàng tử nghe được có thể sẽ bắt chước.
Thượng hoàng Trần Minh Tông trả lời rằng: "Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa. Thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu con ta không hiền thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác?". Lời nói hợp tình, hợp lý của thượng hoàng Trần Minh Tông khiến Thái bảo Uy Túc phải cúi đầu thán phục.
Trần Minh Tông rất chú trọng việc dạy đạo đức cho các hoàng tử. Ngày thường, ông vẫn dạy các con rằng: "Con nào dốc sức mưu tính sản nghiệp, keo sẻn làm giàu thì không phải là con ta. Nếu quả làm chuyện đó thì thà phân tán hết của cải cho người nghèo đi còn hơn, vì như vậy dẫu không tránh khỏi túng thiếu, vẫn còn là hành vi của bậc quý nhân".
Trước lúc lâm chung, điều Trần Minh Tông căn dặn các con cũng về lẽ làm người, làm vua. "Người làm vua dùng người không phải là có tình riêng với người đó mà chỉ nghĩ là người đó hiền thôi. Bởi vì người đó có tấm lòng của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ", Đại Việt sử ký toàn thư chép.
Sách Đại Việt sử ký chép: "Mùa đông, thượng hoàng đi tuần thú đạo Đà Giang, đích thân đi đánh man Ngưu Hống (người Thái đến từ Vân Nam, Trung Quốc)... Trước đó thời Nhân Tông, Ngưu Hống cùng Đạo Mật vào chầu cho trở về. Đến nay, chúng làm phản, thả sức cướp bóc, đất cõi Đà Giang về tay chúng cả, lại mưu cướp nhà Hoài Trung.
Thượng hoàng quyết định thân chinh. Trần Khắc Chung can rằng:
- Đà Giang vốn có tiếng đất lam chướng, lại nhiều ghềnh thác chảy xiết, không lợi cho việc hành quân. Chiêm Thành không có lam chướng, khí độc, vả lại đế vương đời trước thân chinh nhiều lần bắt được chúa nó. Chi bằng bỏ Ngưu Hống đấy mà đánh Chiêm Thành là hơn.
Thượng hoàng trả lời:
- Trẫm là cha mẹ của dân. Nếu sinh dân mắc vào cảnh lầm than thì phải cứu, chả lẽ đi so đo khó dễ lợi hại hay sao?".
Theo Đại Việt sử ký, năm 1337, khi dẹp xong giặc man, thượng hoàng Trần Minh Tông ban thưởng cho các quân sĩ. Hưng Hiếu Vương - người có công đầu, khiếu nại vua thưởng thêm cho những người giữ thuyền chở quân sĩ trên bờ đánh trận. Trần Minh Tông kiên quyết không thưởng thêm. Thượng hoàng lý giải rằng:
- ...Có thưởng phải có phạt. Nếu người giữ thuyền muốn nhờ ở chiến thắng mà để lấy thưởng, giả sử người đi đánh bị chết thì người giữ thuyền cũng chịu chết chăng?
Hưng Hiếu trả lời:
- Nếu không có người giữ thuyền, trong quân mà nghe tin giặc lấy mất thuyền thì quân sĩ liệu có giữ vững được?
Thượng hoàng nói:
- Nếu vậy thì trước hết phải thưởng cho những người trong triều mới phải, vì nếu kinh sư không yên thì quân sĩ có thể đi đánh được giặc không?
Hưng Hiếu lúc này đuối lý không trả lời được nữa. Cũng trong trận đánh người man này, gia đồng của Hưng Hiếu là Phạm Ngải lập chiến công, thượng hoàng chỉ ban thưởng 5 phần suất ruộng chứ không cho quan tước triều đình.
Năm 1357, Trần Minh Tông qua đời, thọ 58 tuổi. Ông được mai táng vào Mục Lăng, xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
Quỳnh Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét