Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Bí ẩn phong thủy dòng họ khoa bảng

Đất Kinh Bắc xưa là nơi phong thủy tốt, giang sơn tụ khí, là vùng đất khoa bảng sản sinh ra nhiều nhân tài của nước Việt. Chẳng thế mà vùng Kinh Bắc vẫn lưu truyền câu phương ngôn: “một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”.
Kinh Bắc chính là vùng đất đứng đầu cả nước về số người đỗ đại khoa, chiếm gần 1/4 tổng số tiến sĩ cả nước. Đóng góp nhân tài cho vùng đất này chính là những dòng họ nhiều đời phát khoa bảng. Trong đó có dòng họ Ngô ở Vọng Nguyệt (Tam Giang, Yên Phong), là một trong tứ lệnh tộc xứ Kinh Bắc, được vua ban chữ vàng “Quang huy tụ”, nghĩa là nơi ánh sáng huy hoàng tụ lại – cũng chính là nhà thờ họ Ngô, nơi sản sinh ra nhân tài tỏa đi muôn phương.
Bí ẩn phong thủy dòng họ phát khoa bảng nổi tiếng - P1: Nhà thờ họ
Trạng nguyên vinh quy. (Ảnh từ Soha.vn)
Họ Ngô được mệnh danh là “ngũ đại liên trúng” tức là có 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa. Nhưng nếu tính cả chi thứ thì dòng họ này có đến 10 đời đỗ đại khoa, với 5 đời phát tiến sĩ ở chi trưởng và 5 đời phát tiến sĩ ở chi thứ, đều được ghi chép trong “Hợp phả Ngô lệnh tộc” của dòng họ này.
Theo gia phả dòng họ Ngô, thì khi vụ án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm 1442 khiến Nguyễn Trãi bị tru di tram tộc, bà Ngô Thị Ngọc Dao là vợ vua Lê Thái Tông mất đi sự che chở và giúp đỡ của Nguyễn Trãi, bị phát khứ đi xa . Cụ Ngô Nguyên vốn có bà con với bà Ngô Thị Ngọc Dao phải lánh nạn về làng Vọng Nguyệt, được quan cả tên là Chu Đình Cần che dấu, giúp đỡ, sau lại gả con gái là Chu Thị Bột cho làm vợ. Họ sinh được 2 người con trai là Ngô Ngọc và Ngô Định. Đây là gốc tích của họ Ngô xứ Kinh Bắc.

Câu chuyện phong thủy

Lời truyền trong dân gian cũng như gia phả họ Ngô đều nhắc đến câu chuyện phong thủy của dòng họ này. Chuyện kể rằng có một người Tàu từ phương xa đến ở tạm trong làng, rồi đi khắp làng rao lên rằng: “Sừng trâu, bầu giác, vườn quýt, ao Lác. Ai có tiền, có bạc thì lão bán cho”.
Thấy người này rao những lời khó hiểu nên trong làng chẳng có ai để ý, duy chỉ có cụ tổ họ Ngô là mời ông này vào nhà ăn cơm, rồi hỏi ý nghĩa của lời rao này. Người khách cười và đáp rằng:
“Tôi thấy ông có phúc phận, được hưởng lộc trời nên cứ quanh quẩn nơi đây. Nay ông đã có lòng hỏi đến thì tôi cũng không giấu. Ở đây có một khu đất tốt, nếu dùng nó làm nhà thờ họ thì sau này con cháu nhất định khởi đạt, vinh hiển nhiều đời. Mảnh đất này nếu không gặp được người hữu phước thì cũng chỉ như mảnh đất thường mà thôi”.
Nói rồi ông thầy phong thủy nọ giải thích cho cụ tổ họ Ngô biết nội dung lời rao của mình rồi bày cách đặt nhà thờ họ tại “vườn quýt, ao Lác”, tức nằm tại vườn quýt hoang cạnh ao Lác hay còn gọi là ao Gáo. Ao này mang tên đó vì có một cây gáo to mọc ở góc ao. Người dân hay chặt nó đi lấy gỗ, nhưng ngay sau đó cây lại mọc tiếp, mỗi đời đều có một cây gáo to như vậy. Người dân làng thấy vậy mới lưu truyền rằng: “mèo già hóa cáo, gáo già hóa lim”, cho rằng đây là điềm lạ. Dưới ao Lác có giếng tròn và sâu, bùn của ao không bao giờ lấp đầy được.
Họ Ngô
Nhà thờ tổ họ Ngô lệnh tộc ở Vọng Nguyệt được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. (Ảnh từ baobacninh.com.vn)
Sau khi nhà thờ họ Ngô được xây xong, về phong thủy, phía Đông Bắc có một ngõ cụt chấm vào nhà tạo thành hình dạng như cái bút nghiên. Bên trái có một rãnh nước chảy dài đổ xuống ao tạo thành thế “tả thanh long”; bên phải có một ngõ dài chạy xuống sông tạo thành thế “hữu bạch hổ”. Phía bên phải còn có mấy ngõ nữa, từ dưới trông lên thì như bàn tay có 5 ngón. Địa thế nơi đây có đầy đủ “long chầu, hổ phục”, lại có giếng trời giữa ao như gương từ mẫu cho đời sau soi vào.

Mười đời đỗ đại khoa

Sau khi nhà thờ họ xây xong thì dòng tộc họ Ngô bắt đầu phát đường khoa bảng. Chi trưởng có “ngũ đại liên trúng” tức 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa được ghi trên bia nhà thờ họ như sau:
  • Con trai cụ tổ Ngô Nguyên là Ngô Ngọc đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan tới chức Lễ khoa đô cấp sự trung.
  • Con của Ngô Ngọc là Ngô Nhân Hải đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn (1508) đời vua Lê Uy Mục, làm quan tới chức Án sát ngự sử.
  • Cháu nội của Ngô Nhân Hải là Ngô Nhân Trừng thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp, làm quan tới chức Tự khanh.
  • Con của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Đinh Mùi (1607) đời vua Lê Kính Tông, làm quan tới chức Tự khanh.
  • Con của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Tuấn đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Canh Thìn (1640) đời vua Lê Thần Tông, làm quan tới chức thượng thư bộ Hộ.
Khi nói về họ Ngô, Phan Huy Chú phải thốt lên rằng: “Họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt kể từ cụ Ngô Ngọc đỗ chính bảng thời Hồng Đức, cả thảy có 5 đời đỗ Tiến sĩ thực là hiếm có xưa nay!”
Họ Ngô
Nhà thờ họ Ngô ở Diễn Châu, Nghệ An. (Ảnh từ Báo Xây Dựng)
Chi thứ của họ này từ cụ Ngô Định di cư vào Diễn Châu, Nghệ An cũng có 5 đời đỗ tiến sĩ. Như vậy tính cả hai chi thì họ Ngô có đến 10 đời đỗ đại khoa.
Hiện nay nhà thờ họ Ngô ở Diễn Châu, Nghệ An đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhà thờ họ Ngô ở Vọng Nguyệt trước đây được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đến năm 2015 đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Họ Ngô ở Vọng Nguyệt, Tam Giang, Yên Phong, xứ Kinh Bắc, được mệnh danh là “ngũ đại liên trúng” tức là có 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa. Nhưng nếu tính cả chi thứ thì dòng họ này có đến 10 đời đỗ đại khoa, với 5 đời phát tiến sĩ ở chi trưởng và 5 đời phát tiến sĩ ở chi thứ, đều được ghi chép trong “Hợp phả Ngô lệnh tộc” của dòng họ này…
Họ Ngô
Phúc Quang Từ Đường của họ Ngô. (Ảnh tử ngotoc.vn)
Như trong kỳ trước có đề cập, gốc tích của họ Ngô xứ Kinh Bắc là sau vụ án Lệ Chi Viên, bà Ngô Thị Ngọc Dao là vợ vua Lê Thái Tông mất đi sự che chở và giúp đỡ của Nguyễn Trãi, bị phát khứ đi xa. Cụ Ngô Nguyên vốn có bà con với bà Ngô Thị Ngọc Dao phải lánh nạn về làng Vọng Nguyệt, được quan cả tên là Chu Đình Cần che dấu, giúp đỡ, sau lại gả con gái là Chu Thị Bột cho làm vợ.
Năm 1460, con trai của bà Ngô Thị Ngọc Dao là Lê Tư Thành lên ngôi vua hiệu là Lê Thánh Tông. Đến năm 1464 thì nhà vua minh oan cho Nguyễn Trãi, từ đó ông Ngô Nguyên trở về kinh thành mà không thấy trở lại nữa.

Tấm lòng nhân hậu cảm động trời đất

Ở quê nhà, bà Chu Thị Bột hay lam hay làm lại giỏi giang nên của cải trong nhà ngày càng nhiều, trở thành người giàu có trong vùng. Khi ấy vùng Kinh Bắc mất mùa, người dân đói khát, bà Chu Thị Bột đã cho phát chẩn lương thực cứu đói. Người dân Kinh Bắc kháo nhau tìm bà cụ để nhận thóc, nhờ đó người dân Kinh Bắc thoát được những ngày tháng khó khăn. Cũng từ đó người dân gọi bà Chu Thị Bột là “cụ thí thóc”.
Vị “lưỡng quốc phu nhân” dùng đức cảm hóa lòng người
Phát chẩn lương thực cứu đói. (Tranh minh họa: Trí Thức VN)
Thế nhưng khi bà Chu Thị Bột bố thí hết của cải để cứu dân thì mất mùa vẫn liên tiếp xảy ra, lại cộng thêm dịch bệnh hoành hoành, nên bà lâm vào cảnh khó khăn vất vả, lâm bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, bà dặn con cháu rằng khi bà mất thì hãy chôn ở cánh đồng Hàn Phấn.
“Cụ thí thóc” mất vào ngày 17 tháng Giêng mà không còn một chút của cải nào để lại, điều duy nhất bà để lại là “đức” cho con cháu.
Con cháu nghe lời bà dặn, đến tối đưa bà đi an táng, đến cánh đồng Hán Phấn thì đột nhiên mưa to gió lớn, sấm chớp nổi lên đùng đoàng, dây thừng bị đứt khiến không thể chôn cất được. Thấy thế con cháu bảo nhau nên về đến sáng hôm sau quay lại chôn cất cho bà.
Sáng hôm sau con cháu trở lại thì thấy chỗ đặt thi hài bà hôm trước mối đã đùn cao thành đống mồ. Tất cả đều cho rằng đây là đất thiêng nên mới được “thiên táng”, nên mọi người cứ đắp tiếp thành mộ.
Sau này nhiều người cho rằng, chính vì được thiên táng nên bà Chu Thị Bột đã phù hộ cho con cháu họ Ngô được hiển vinh lâu dài trên đường học vấn.
họ Ngô
Mộ bà Chu Thị Bột ở đầu làng Vọng Nguyệt. (Ảnh từ baobacninh.com.vn)
Vua Lê khi nghe câu chuyện này đã phong cho bà bốn chữ vàng: “Phụ tiết tinh môn”. Còn người dân thì không ai quên được “cụ thí thóc” nên cứ đến ngày 17 tháng Giêng hàng năm người dân khắp vùng lại đến thăm ngôi mộ. Họ đến đây thắp hương, hát ca trù, và nghe kể câu chuyện về bà Chu Thị Bột năm xưa đã phân phát thóc và toàn bộ gia tài của mình để cứu đói cho dân…
Đến tận ngày nay ngôi mộ “thiên táng” vẫn còn di tích nguyên trạng. Năm 2008, họ Ngô đã xây lăng cho bà theo mẫu 8 phương 10 hướng 4 cửa chính ra vào.

Tiên tích đức hậu tầm long

Sau khi bà Chu Thị Bột mất, hai người con là Ngô Ngọc và Ngô Định còn nhỏ gặp cảnh khó khăn. Người cậu nhận nuôi Ngô Ngọc để giữ dòng trưởng, sau này đỗ khai khoa mở đầu cho “Ngũ đại liên trúng” của dòng họ mình, ngoài ra còn có 59 người đỗ tú tài. Còn Ngô Định thì được một người quê ở Nghệ An đang trong quân ngũ ở Kinh Bắc nhận nuôi, sau này đến sinh sống tại Lý Trai – Nghệ An (nay thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) lập ra dòng thứ họ Ngô lệnh tộc ở đây và được gọi là họ Ngô Lý Trai.
Về câu chuyện phong thủy của dòng chính thì kỳ trước chúng ta đã đề cập. Còn dòng thứ thì sau 5 đời kể từ cụ tổ Ngô Nguyên, họ Ngô ở Nghệ An bắt đầu phát khoa bảng. Người đỗ khai khoa cho dòng họ Ngô Lý Trai là hai cha con cụ Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa.
Đây là khoa thi duy nhất có hai cha con cùng đỗ đại khoa. Khi “vinh quy bái tổ”, nhà vua tặng cho hai cha con một bức trướng hồng có thêu mười chữ vàng là “Khoa danh thiên hạ hữu, phụ tử thế gian vô”, nghĩa là việc khoa bảng trong thiên hạ thì đều có, nhưng hai cha con cùng đỗ một khoa thì thế gian chưa từng.
họ Ngô
Ảnh chụp tại Nhà thờ họ Ngô ở Nghệ An. (Ảnh từ baoxaydung.com.vn)
Sau đó dòng chi thứ cũng có 5 đời liền đỗ đại khoa và làm quan to trong triều. Dòng họ Ngô Lý Trai có truyền thống học hành, thi cử và đỗ đạt nổi danh cả nước, được vua Lê xếp vào dòng họ công thần, có 18 người đỗ đạt từ Tam trường trở lên, trong đó có 6 tiến sỹ là Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa, Ngô Sỹ Vinh, Ngô Quang Tổ, Ngô Công Trạc và Ngô Hưng Giáo.
họ Ngô
Nhà thờ họ Ngô ở Nghệ An. (Ảnh từ baoxaydung.com.vn)
Phan Huy Chú trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” có nhận định về Ngô Trí Hòa như sau:
“Ông học vấn hơn người, chính thuật có thừa, trải khắp trong ngoài đối xử chỗ nào cũng vừa; công lao tiếng tăm rõ rệt. Lại là bậc danh thần của ba triều, cha con đồng khoa, phúc nhà lâu dài, càng là việc xưa nay ít thấy”.
Bài học cho hậu thế
Từ câu chuyện trên đây người dân vùng Kinh Bắc lưu truyền bài ca dao như sau:
Một gốc trăm cành nẩy họ Ngô
Chuyện bà thí thóc để muôn thu
Mất mùa thương kẻ ăn rau cháo
Làm phúc đến lúc dốc bịch bồ
Hai chữ vinh hoa bia miệng dệt
Năm đời liên trúng phấn son tô
Còn trời còn đất còn non nước
Thóc tổ còn nhiều chẳng phải lo.
Cổ nhân có câu “tiên tích đức, hậu tầm long”, tức trước tiên phải tích đức thì sau này mới “tầm long”. Vì thế nếu không tích đức thì dù cố công tìm kiếm cũng không có được đất tốt.
Nhiều dòng họ phát công danh do phong thủy, cũng là nhờ tổ tiên trước đây đã tích nhiều công đức. Người có nhiều đức thậm chí nếu không có duyên tìm được đất tốt, thì cũng sẽ được “thiên táng” vào đất tốt như câu chuyện về cụ Chu Thị Bột.
Họ Ngô dù có nhiều người đỗ đạt làm quan to, nhưng cũng hai phen dòng tộc này gặp nạn lớn do sóng gió trong triều, nhất là vào giai đoạn triều đình rối ren, lòng dân oán thán. Thậm chí có một lần suýt chút nữa họ Ngô đã bị tru di tam tộc…
Như trong kỳ trước có đề cập, ơn đức của bà Chu Thị Bột đối với người dân Kinh Bắc đã giúp bà được “thiên táng” vào chỗ đất tốt, từ đó con cháu được vinh hiển  Không chỉ như vậy, nhiều người cho rằng phúc trạch đó cũng giúp cho họ Ngô hai lần thoát nạn lớn.
họ Ngô
Mộ bà Chu Thị Bột ở đầu làng Vọng Nguyệt. (Ảnh từ baobacninh.com.vn)

Thoát nạn lớn “tru di tam tộc”

Ông Ngô Ngọc, con bà Chu Thị Bột, có 3 con trai, trong đó có Ngô Nhân Hải (đỗ Hoàng Giáp năm 1508) và Ngô Nhân Tổng. Lúc này vào cuối thời kỳ Lê sơ, nhà Lê đang trên con đường suy yếu, đói kém xảy ra liên miên. Bấy giờ, Ngô Nhân Tổng cùng Thân Duy Nhạc dấy quân ở huyện Yên Phú, Đông Ngàn, Gia Lâm, xứ Kinh Bắc. Vua cho quân đi đánh dẹp và bắt sống được cả Ngô Văn Tổng cùng Thân Duy Nhạc rồi đem đi xử tử.
Bí ẩn phong thủy dòng họ phát khoa bảng nổi tiếng - P3: Thoát nạn lớn tru di tam tộc
Ngô Văn Tổng bị xử tử. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)
Lúc ấy có người trong triều báo lên rằng Ngô Văn Tổng chính là em trai của quan Án sát ngự sử Ngô Nhân Hải, và Ngô Nhân Hải có liên quan đến cuộc khởi nghĩa này. Với tội danh ấy thì Ngô Nhân Hải sẽ bị xử tru di tam tộc.
Nhưng khi bị nhà vua xét hỏi, Ngô Nhân Hải đã rất bình tĩnh trả lời rằng:
“Xét về bản quán, Tổng là hàng xóm của thần, nhưng hai người hàng xóm không nhất thiết là cốt nhục. Tổng họ Ngô, chữ Ngô được kết chữ khẩu ở trên, chữ thiên ở dưới (吳). Thần cũng họ Ngô, chữ Ngô của thần được kết chữ Ngũ ở trên, chữ khẩu ở dưới (吾). Như vậy rõ ràng là đồng âm mà khác nghĩa.”
Vua nghe thế thì không truy cứu gì thêm. Vậy là dòng họ Ngô thoát nạn tru di tam tộc.

Thoát nạn cấm thi

Nạn lớn tiếp theo mà họ Ngô gặp phải xảy ra với cháu nội của Ngô Ngọc là Ngô Nhân Trừng. Ngô Nhân Trừng thi đỗ Hoàng Giáp năm 1580 và làm quan nổi tiếng dưới triều nhà Mạc, được vua Mạc tin cậy xem như nội tướng, ngang hàng với các thân vương là thành viên của hội đồng tham chính.
Khi nhà Lê tiến đánh Thăng Long, vua Mạc Mậu Hợp phải chạy lên vùng Cao Bằng. Ngô Nhân Trừng đi theo bảo vệ vua, khi đến đất Lâm Tiên (thuộc Đông Anh, Hà Nội ngày nay) thì ông bị quân nhà Lê bắt giữ.
Trịnh Tùng khuyên Ngô Nhân Trừng nên đầu hàng và phục vụ cho nhà Lê, nhưng tôi trung không thể thờ hai chủ, ông đã uống thuốc độc tự tử.
Sau này nhà Lê tổ chức khoa thi nhưng con cháu họ Ngô lại không được cho dự thi. Đây là một vấn đề rất phức tạp thời bấy giờ, bởi có hàng ngàn các con em quan lại triều Mạc trước đây đều chịu chung số phận như vậy.
Bí ẩn phong thủy dòng họ phát khoa bảng nổi tiếng - P3: Thoát nạn lớn tru di tam tộc
Nhà Lê tổ chức khoa thi. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)
Con trưởng của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt, tự là Mai Hiên, hiệu là Thịnh Đức là người thông minh học rất giỏi, thuộc bậc hiếm có vào thời ấy. Nhưng các khoa thi năm mậu Tuất (1598), nhâm Dần (1602), Giáp Thìn (1604) đều không được dự thi Đình vì bố là Ngô Nhân Trừng chỉ chịu làm quan cho nhà Mạc mà không chịu làm quan cho nhà Lê.
Sau này đến khoa thi năm 1607, có vị quan tâu lên vua Lê Kính Tông rằng:
“Ngô Trừng sinh ra và lớn lên ở đất Mạc, học hành thi cử cũng dưới triều Mạc. Vì thế làm quan và giữ lòng trung với nhà Mạc là điều cố nhiên của kẻ sĩ. Nay nếu cho con cháu của ông ta đi thi thì vừa có thêm nhân tài cho nước mà thiên hạ cũng thấy được ân đức của bệ hạ”.
họ Ngô
Khuôn viên nhà thờ họ Ngô ở Nghệ An: chính giữa là khoảng sân rộng đặt các bia tiến sĩ trên lưng cụ rùa, mô phỏng bia đá tại Quốc Tử Giám. (Ành từ baoxaydung.com.vn)
Vua đồng ý với lời tấu ấy. Vậy là Ngô Nhân Triệt được dự khoa thi năm Đinh Mùi (1607) và đỗ Hội nguyên Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân niên hiệu Hoàng Định đời 8, đời Lê Kính Tông. Ngô Nhân Triệt làm quan dưới triều Lê – Trịnh hơn 30 năm, từng lập được công khi đi sứ Trung Hoa, được phong chức Thái thường tự khanh, hàm Đặc tiến Kim tử quang lộc đại phu, Thái tử, Thái bảo, Lễ Thái bá.

Trần Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét