Nếu bình minh mang lại cho con người cảm giác được tái sinh, được thức dậy sau một đêm dài mộng mị và khoái trá mở căng lồng ngực tận hưởng, hít hà hương nắng mới thì chiều về tựa hồ như một ẩn dụ về sự phiêu linh. Giữa ta và bình minh, là sự khát khao tận hiến. Giây phút chiều buông và ta là sự nhuần nhị tận hưởng. Đúng như lúc này đây, mặt trời lùi dần, chưa phải là hoàng hôn nhưng cảm giác bầu trời đã thôi không còn trong xanh ngăn ngắt. Những vạt nắng loang trên biển mới đó còn óng ánh sắc vàng mà giờ đã ngả màu sẫm đỏ. Tôi cùng một vài người bạn của mình lang thang khắp các đường làng, ngõ xóm nơi xã đảo Nghi Sơn (Tĩnh Gia) với mong mỏi được khám phá, chiêm nghiệm để hiểu biết hơn về vùng đất mà mình đã đặt chân đến.
Xã đảo Nghi Sơn trước đây có tên gọi Biện Sơn. Vùng đất cổ Biện Sơn vốn là cù lao nổi lên giữa một vùng sóng nước mênh mông nằm trong cửa Bạng. Trước đây, muốn ra vùng đất nổi này, người dân phải dùng thuyền. Sau này, do tác động của quá trình kiến tạo địa chất và bàn tay quai đê lấn biển của con người, Biện Sơn được nối với đất liền thành một dải, hình thành xã đảo Nghi Sơn phong cảnh hữu tình với bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng như đã có hôm nay. Sự hình thành xã đảo gắn liền với công lao dẹp loạn giúp nước, giúp dân của vua Lý Thái Tổ, ghi nhận dấu ấn của nhà Lý trên xã đảo nói riêng và mảnh đất xứ Thanh nói chung. Nơi đây đã từng chứng kiến nhiều cuộc hành quân của Đại Việt trong các cuộc chiến chống lại Chiêm Thành xưa. Phòng tuyển thuỷ quân Tây Sơn lưu lại nơi đây như là một nét chấm phá lịch sử trên nền bức tranh thuỷ mặc hội tụ đủ đầy dáng hình núi non, biển cả. Phải chăng vì duyên cớ ấy mà sau thành công của cách mạng tháng Tám – 1945, Biện Sơn được đổi tên thành thôn Nghi Sơn. “Nghi” trong ý nghĩa của từ “uy nghi”. Tên gọi Nghi Sơn có từ đó và tồn tại cho đến ngày nay.
Trong sự nhìn nhận của lịch sử, xã đảo Nghi Sơn là một vùng đất nắm giữ vai trò, vị trí quan trọng. Có lẽ bởi vậy nên lịch sử hình thành và phát triển của xã luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Vẫn còn đó những trang ghi chép mặn chát vị biển, quẩn quanh trong cái bối cảnh xơ xác đói nghèo, lạc hậu nơi đây. Đã là người con xã đảo Nghi Sơn làm sao có thể quên sự kiện đầu năm 1940, khi phát xít Nhật cho tàu đỗ ngoài khơi rồi đổ bộ vào xã bắt lính. Gót dày phát xít đã giày xéo lên máu, nước mắt của người dân và hằn in lên đất những nỗi đau không bao giờ bù đắp được. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, xã đảo Nghi Sơn là nơi hứng chịu nhiều bom rơi bão đạn. Dòng sự kiện được nhắc lại như minh chứng sống động về những đóng góp của mảnh đất này đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ tháng 8-1964 – 12-1972, giặc Mỹ đã nhiều lần đánh vào khu vực biển Hòn Mê, Nghi Sơn, Lạch Bạng với 392 lần máy bay ném bom, 154 lần tàu chiến pháo kích, hàng ngàn tấn bom đạn, thuỷ lôi trút xuống. Khó khăn, nhọc nhằn là thế nhưng bao giờ cũng vậy, chân dung người dân xã đảo Nghi Sơn hiện diện vừa mang nét chân chất, thật thà nhưng cũng không kém phần can trường, dũng cảm, chịu thương chịu khó. Lúc cần đấu tranh họ không ngại xả thân chiến đấu và ngày hôm nay đây, khi những đau thương, mất mát đã hoà vào mạch nguồn của đất, tan cả vào sóng biển bao la, những con người ấy lại cùng nhau chung tay xây dựng, phát triển kinh tế địa phương, vun đắp cuộc sống cho mình và cho các thế hệ sau nữa.
Cái giá của một buổi chiều rong ruổi được trao trả bằng những hình dung khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của một vùng đất đặc biệt như ở xã đảo Nghi Sơn. Hỏi chúng bạn đi cùng có cảm thấy xứng đáng không? Thấy ai ai cũng gật gù tán thưởng, miệng không ngớt lời cảm thán về cảnh sắc thiên nhiên và sự mến khách của người dân mà lòng thầm cảm ơn đời. Cảm ơn đời vì đã cho tôi và những người bạn của mình có duyên cớ để được đặt chân đến mảnh đất này, trong một buổi chiều ăm ắp nắng và xôn xao gió. Chúng tôi đã phấn khích lao xe leo lên con dốc nhỏ cũng là con đường độc đạo dẫn vào xã, đi giữa những hàng cây xanh mát chẳng khác nào khung cảnh ở những thiên đường du lịch nổi tiếng như Tam Đảo hay Đà Lạt mộng mơ. Chúng tôi đã luồn lách qua những con đường làng, ngõ xóm vừa hẹp lại gạch, nối chằng chịt với nhau chẳng khác nào phố cổ Hà Nội để tìm cho bằng được mấy cái giếng cổ mặt đá phủ đầy rêu xanh, từ kẽ đá còn có thể mọc lên vài bụi dương xỉ. Từ trong những ngõ, ngách thông nhau ấy, đôi lúc chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn bà tỉ mẩn ngồi lể ốc cườm. Loài ốc cườm có vóc dáng nhỏ xinh đủ sắc màu, ruột béo ngọt để ăn, vỏ làm trang sức. Công việc lể ốc cườm chẳng có thu nhập là bao nhưng những người đàn bà ấy vẫn kiên trì, đều đặn hằng ngày ngồi đó. Họ làm để thấy mình vẫn còn có ích, để không phải trở thành gánh nặng của cháu con. Có một công việc để làm giúp họ vơi bớt đi những bồn chồn, ngóng đợi chồng trở về sau những chuyến ra khơi. Chúng tôi mê mải chạy theo những lá cờ đuôi nheo vui đùa trong gió.
Và hơn tất thảy, chiều trên xã đảo Nghi Sơn cho chúng tôi được tạm gác lại bộn bề cuộc sống để thoả sức chơi, thoả sức tận hưởng. Chúng tôi - những con người đã không còn đủ trẻ trung, mơ mộng, hồn nhiên lại có thể dễ dàng bị kích động bởi một ánh chiều man mác mà không ai bảo ai, tất cả cùng ùa về phía vụng Nghi Sơn, về với biển.
Chiều trên vụng Nghi Sơn có chút gì đó trầm mặc, man mác. Tưởng chừng như chỉ cần một cái chạm nhẹ của sóng vào đá cũng đủ khiến bốn bề không gian chênh chao. Bóng dáng con người trở nên nhỏ bé đến lạ mà lòng người thì tan vào cõi mênh mông. Bước chân trên dải đá xù xì, gai góc bởi biết bao con hàu theo sóng dạt vào đu bám, ngẩn ngơ hướng mắt trông theo những con thuyền đang dập dềnh theo con nước bỗng thấy lòng mình trỗi dậy một niềm thương yêu đến vô cùng. Thì ra, cảnh sắc thiên nhiên đẹp đến bao nhiêu cũng không thể thiếu được chân dung con người trong khí thế lao động hăng say, nhiệt huyết. Ở vụng Nghi Sơn này, thời điểm nhộn nhịp, đông đúc nhất thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 5-8 giờ sáng, lúc thuyền, bè quay trở về sau một chuyến ra khơi. Chiều dần buông xuống là lúc hầu hết thuyền, bè đã rời bến, chỉ còn một số tàu, thuyền neo đậu lại vì phải sữa chữa hoặc chuẩn bị cho những chuyến đi dài hơi hơn. Trong khoảnh khắc chiều tàn, đâu đó vẫn còn vài con thuyền cập bến, kịp khuấy động một góc chợ lao xao bán buôn.
Khi chúng tôi đến vụng cũng là lúc gia đình chị Lê Thị Dung (45 tuổi, thôn Bắc Sơn, xã Nghi Sơn) đang tất bật di chuyển bóng mực lên tàu cho kịp chuyến ra khơi. Tàu của gia đình chị Dung hoạt động chủ yếu ở vùng đảo Mê và ngoài vùng đảo Mê từ 30 – 40 hải lý. Tàu đánh bắt theo mùa, mỗi chuyến nổ neo cũng phải 4-7 ngày mới về cập bến. Những ngày chồng đi theo tàu, chị Dung ở nhà chờ đợi trong thấp thỏm, lòng dạ không lúc nào yên. Chị bảo: “Cả đời chị dành để lo lắng cho chồng cho con. Tất cả cũng chỉ vì con, vì chồng”. Chị Dung là con gái của đảo. Chị sinh ra, lớn lên và rồi xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái cũng ở xã đảo này. Mảnh đất này ôm trọn tất cả niềm hạnh phúc mà chị có trên đời. Chưa một giây phút nào chị có ý nghĩ sẽ rời xa nó.
Cũng giống như vợ của mình, anh Đậu Văn Liên (48 tuổi, thôn Bắc Sơn, xã Nghi Sơn) đã gắn bó gần trọn đời mình với xã đảo Nghi Sơn. Anh yêu từng tấc đất, từng con sóng, từng gương mặt người nơi đây. Hỏi anh, nếu một ngày phải rời xa xã đảo, anh luyến tiếc nhất điều gì? Anh không vội trả lời ngay. Người đàn ông trạc ngoại tứ tuần, thân hình rắn rỏi, nước da nâu rám nắng, phóng khoáng rít một hơi thuốc thật sâu, bất giác nở nụ cười hiền: “Vụng biển Nghi Sơn là cả cuộc đời tôi”. Câu trả lời của anh Liên thoáng nghe có vẻ như chẳng ăn nhập gì với câu hỏi nhưng lạ thay, tất cả những người ngồi trò chuyện khi ấy, đều như thấu hiểu.
Nụ cười hiền hậu, chân thành của anh Liên vừa kịp khép lại khung cảnh chiều về trên xã đảo Nghi Sơn. Bóng tối dần xâm chiếm mọi vật. Chúng tôi quay xe, mang theo những câu chuyện của đất và người nơi xã đảo trở về thành phố. Thành phố mà chúng tôi đang sống, có thể đông đúc, nhộn nhịp, hào nhoáng hơn nơi này rất nhiều nhưng dường như đôi khi vẫn vô tình dấy lên trong lòng ai đó cảm giác chạnh lòng của kẻ tứ xứ. Chiều trên phố, nhiều lúc chỉ là cảm giác muốn được trốn chạy sự mệt mỏi của tâm hồn khi đã dốc sức trầm mình cùng ánh dương. Từ buổi chiều trên xã đảo Nghi Sơn hôm ấy, chúng tôi vẫn tự hỏi nhau rằng, bao giờ lòng mình mới lại có được những phút giây yên bình, tự tại đến thế!
Nội Dung: Hương Thảo
Ảnh: Vân Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét