Lê Thị Lan Thanh, 26 tuổi, xinh đẹp, tốt nghiệp cử nhân ngành PR trường Đại học Văn Lang (TP.HCM) năm 2015. Tuy nhiên, thay vì đi xin việc, Thanh ở nhà khởi nghiệp với quán ốc lắc.
Cử nhân về bán ốc
Quán ốc nằm tại một con hẻm nhỏ ở đường Lê Thị Hồng (Q. Gò Vấp, TP.HCM) nhưng luôn đông khách mỗi chiều.Quán mở từ 14 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, Lan Thanh cho biết, thời điểm đầu giờ chiều đến 17 giờ, quán bán chủ yếu cho khách online. Các anh shipper (giao hàng) mặc áo xanh, đỏ đứng kín quán; từ 17 giờ đến khi đóng cửa, các bếp làm không ngơi tay để phục vụ khách ăn tại chỗ, đến độ chủ quán phải treo biển “để đồ ăn ngon xin đừng hối bếp”.
VIDEO: CỬ NHÂN ĐẠI HỌC ĐI BÁN ỐC - Thực hiện: Lê Nam - Thanh Thủy Tiên
|
Lan Thanh chia sẻ, quán ốc mở ra được 2 năm nay, sau khi tốt nghiệp đại học bởi bản thân cô vốn đam mê kinh doanh. Ở đây có khoảng vài chục loại ốc khác nhau, hầu hết đều nhập từ miền Trung mà theo như Thanh nói thì các loại ốc khá lạ và Sài Gòn ít quán có.
“Khách đến quán thường thích ăn các loại ốc nhảy, như nhảy cày, nhảy đỏ. Ngoài ra, quán còn có các loại hải sản tươi như tôm hùm, tôm tích, tôm mũ ni… Cho nên mọi người ghé đây có thể chọn đầy đủ các món”, chủ quán 9X nói.
Có mặt ở quán lúc 18 giờ, 3 bếp chính luôn đỏ lửa, tiếng ốc đảo xào xạc trên chiếc chảo nóng, dạy lên mùi thơm quyến rũ của gia vị. Chủ quán nói, một loại ốc sẽ có nhiều cách làm khác nhau, nhưng chế biến theo kiểu sốt bơ tỏi là được khách ruột ở đây chuộng hơn cả. Quán có loại nước chấm gừng do chính tay mẹ Thanh pha chế. Bởi vậy, cô bạn khá tự tin khi đem lại nước chấm độc quyền này ra “mê hoặc” khách hàng.
Tên Thanh, nhưng quán lại là “ốc lắc cô Mai”. Thanh giải thích: “Trước đây mình có một món là ốc hút. Sau khi chế biến xong mình sẽ bỏ lên mình lắc. Và mình lắc lên thì hương vị nó sẽ thấm vào con ốc rất ngon. Qua một thời gian thì quán càng ngày càng đông lên. Thời gian lắc thì không có nhiều nên mình quyết định trong lúc chế biến thì làm đậm đà hơn một chút, bỏ qua phần lắc luôn”. Còn về tên “Cô Mai”, đây chính là tên mẹ cô, người đã ủng hộ quyết định khởi nghiệp của con gái sau khi trở thành cử nhân đại học.
“Thật sự, Thanh đặt tên ốc lắc cô Mai vì Thanh muốn gửi lời cảm ơn tới mẹ của mình. Thanh muốn mọi người nhớ tên mẹ mãi về sau nên Thanh mới lấy tên mẹ đặt cho quán”, Thanh nói.
Bà Lê Thị Mai Hoa, 50 tuổi, mẹ Thanh, cũng là một đầu bếp của quán lau giọt mồ hôi sau khi bước ra từ khu chế biến nóng hầm hập trò chuyện: “Từ ngày nó lấy bằng đại học nó không đi theo nghề đó mà chọn kinh doanh. Cô cũng đồng ý cho cháu nó làm từ năm 2016, đến bây giờ được 2 năm rồi. Quán ốc kinh doanh cũng được suôn sẻ, gia đình cũng đồng ý. Hiện tại thấy cũng khá ổn, sau này ra sao thì chưa biết”.
Bà Thanh cười rồi nói tiếp: “Cô ở nhà hỗ trợ con gái đứng bếp. Còn Thanh vừa điều hành quán, vừa đảm nhiệm marketing, nhận đơn hàng online và giao hàng cho khách”.
Không hối hận
Học đại học rồi cũng đi bán ốc, vậy mất 4 năm mài bút trên ghế giảng đường làm gì? Đây có lẽ mà câu hỏi mà cô chủ 9x nhận được khá nhiều từ bạn bè và người thân sau thời gian tốt nghiệp. Thanh nhẹ nhàng trả lời: “Thật sự nếu như lúc trước Thanh không đi học thì Thanh cũng không có những kiến thức để áp dụng vào việc kinh doanh như bây giờ. Mọi người cũng thấy, quán ốc của mình mặc dù trong hẻm nhưng rất nhiều người biết đến. Điều này không phải tự nhiên có được! Nhờ mình biết kiến thức về marketing, từ những điều cơ bản cho đến kiến thức nâng cao từ môi trường đại học nên mới giúp quán ốc tiếp cận được nhiều người hơn. Thanh nghĩ việc học đại học cũng rất quan trọng”, cô chủ khẳng định.
Mỗi ngày, quán ốc lắc của cô cử nhân ngành PR bán được vài chục kg ốc. Số ốc này đều được chuyển mới từ miền Trung vào Sài Gòn mỗi ngày. Nhập đến đâu, bán hết đến đó. Thậm chí, để có được nguồn ốc tươi đều đặn cũng phải giữ mối nhập rất kỹ lưỡng.
“Thật sự đến thời điểm bây giờ, Thanh vui vì được sự ủng hộ của mọi người. Từ bạn bè cho đến những vị khách của Thanh. Trong tương lai mình sẽ có những thay đổi mới hơn về mặt bằng này kia để khách có thời gian thoải mái ngồi ở quán ốc", cô chủ trẻ nói.
TIN LIÊN QUAN
Khởi nghiệp được 2 năm, Thanh có một quán ốc với 3 đầu bếp, 1 phụ bàn, 1 trông xe và bản thân cô làm quản lý. Về doanh thu, Thanh tiết lộ mỗi tháng doanh thu trung bình đều trên dưới 20 triệu đồng.
“Cái may mắn của Thanh so với nhiều bạn là ba mẹ lại ủng hộ quyết định mở quán ốc của mình. Chính vì được sự ủng hộ từ gia đình cho nên Thanh càng tự tin hơn về sự lựa chọn của mình”, ngồi giữa những bàn ốc đông đúc, ồn ào tiếng trò chuyện, Thanh hướng mắt về phía bà Mai, người đang tất bật xào nấu trong bếp rồi cười thật nhẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét