Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Dân dã bánh nếp xứ Quảng


Văn Hoàng
Dân dã, bình dị, bánh nếp là một trong những món ăn đặc trưng của xứ Quảng.
Bánh nếp xứ Quảng
ẢNH: VĂN HOÀNG

Bánh nếp có hai lớp, chất liệu chính làm nên lớp vỏ bên ngoài là gạo nếp trồng trên đồng đất phù sa phì nhiêu vừa thơm vừa dẻo. Sau mỗi vụ gặt, người ta chọn nếp được thu hoạch trên thửa ruộng có hạt tròn, mẩy để dành mang đi xay lấy bột làm bánh nếp. Lớp nhân bên trong hoàn toàn không phải thịt hay trứng, tôm hay tép mà chỉ là đậu xanh - loại đậu có hạt nhỏ, thơm, không bị lép.

Trước tiên, cho vào bột nếp một ít muối rồi từ từ thêm nước, đánh hỗn hợp trên thật nhuyễn và mịn sao cho không còn hạt bột nhỏ. Tiếp theo, cho đậu xanh đã bóc vỏ lên bếp luộc chín mềm, dùng muỗng nghiền đậu dẻo mịn. Đun nóng dầu ăn và cho đậu xanh vào xào, nêm gia vị, muối, tiêu và cho thêm một ít đường. Đậu xanh sau khi để nguội nắn thành từng viên nhỏ.
Công đoạn tiếp theo là làm nhân, viên bánh. Lấy một khối nhỏ bột nếp đặt vào lòng bàn tay, ấn mỏng bột ra rồi lấy viên nhân đậu xanh cho vào giữa vỏ bột. Nối các góc và mép bột nếp lại, vo tròn đều cho phần nhân được gói kín và nằm đúng giữa bánh. Tiếp tục làm cho đến hết phần nhân và bột bánh đã chuẩn bị.
Cuối cùng xếp bánh lên tàu lá chuối rồi cho vào nồi hấp cách thủy. Từng chiếc bánh nếp trắng đục, tròn đều tăm tắp. Cũng như bánh xèo, bánh bèo…, nước mắm góp phần làm nên linh hồn món bánh với sự hội tụ của 3 vị chua, cay, ngọt. Đặc biệt, ớt dầm phải là ớt xanh thì nước mắm mới thơm nồng. Khi ăn, đĩa bánh sẽ được khéo léo rưới lên một lớp nước mắm, một tí mỡ hành, các loại rau thơm vườn nhà. Nhiều gánh bánh nếp hút khách cũng nhờ “công thức” pha chế nước chấm rất Quảng của mình.
Bánh nếp ở Quảng Nam thường xuất hiện ở chợ quê, trong con hẻm giữa phố đông đúc. Khách ăn cũng không cần ghế bàn, chỉ cần một chỗ ngồi mát mẻ, sạch sẽ. Bánh nếp tuy là món ăn bình dân, nhưng được rất nhiều người ưa thích, để lại nhiều thương nhớ cho du khách cũng như những người Quảng xa quê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét