Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

Điển tích “bà Cố Hỉ” và chuyện ngọc nữ “trộm dưa”

Nguyễn Hữu Hiệp 

(Dân Việt) Mỗi khi trò chuyện, nếu ai đó cố nhắc mãi những chuyện cũ không còn hợp thời, người dân lớp trước vùng sông nước Nam Bộ đã gọi trại “bà Thiên Y” thành “bà Cố Hỉ”. Vậy bà Cố Hỉ là ai?

Do chiến tranh, một bộ phận người Chăm thiên di vào Nam, được triều đình nhà Nguyễn chỉ định cư trú tại một số nơi gần bản doanh của quân triều để tiện bảo vệ, che chở. 

Ban đầu họ ở rải rác nhiều nơi, dần về sau, để thích nghi với sinh kế truyền thống (dệt vải, đánh bắt cá, nuôi dê cừu...), họ quần cư thành những xóm nhỏ cặp theo bờ sông, nhiều nhất là tại Châu Giang (ngang Châu Đốc). 

Để có chỗ dựa tinh thần, định cư tại đâu họ cũng dựng miếu thờ Bà, gọi “Thiên Y” hay “Thánh mẫu”, nói đủ là “Thiên Y nương nương”, “Thánh mẫu nương nương”. Dần về sau, do toàn bộ người Chăm ở An Giang đều theo đạo Islam (Hồi giáo – theo luật của đạo này, tín đồ chỉ thờ độc nhứt thánh Alla), do đó họ không tín ngưỡng “thờ Bà” nữa. 

Chính vì vậy, mỗi khi trò chuyện nếu ai đó cố nhắc mãi những chuyện cũ không còn hợp thời, người dân lớp trước vùng sông nước Nam Bộ đã gọi trại “bà Thiên Y” thành “bà Cố Hỉ” (nói đủ là “Thượng Động Cố Hỉ”): “Chuyện đâu hồi đời bà Cố Hỉ mà cứ nói hoài!”. Vậy bà Cố Hỉ là ai?
 dien tich “ba co hi” va chuyen ngoc nu “trom dua” hinh anh 1
Tượng bà Thiên Y ở Tháp Chàm, Nha Trang
Tìm hiểu được biết, bà là một vị nhiên thần, được xem là “thần tối cao” của người Chăm, “nguyên quán” tận Nha Trang, do từng tỏ ra linh ứng nên được các vua triều Nguyễn sắc phong (Gia Long, 1901; Duy Tân, 1909...).

Về thần tích, theo Đào Thái Hanh “Những người bạn cố đô Huế”, ngày xưa ở núi Đại Điền có một ông già nhà quê và bà vợ cùng chung sống bằng nghề trồng dưa. Nhưng lần nào dưa sắp chín thì có người đến đánh cắp hết. Bực mình ông già nấp để canh dưa mong bắt được kẻ trộm.

Một đêm ấm áp, ông thấy bên bụi cây, một cô thiếu nữ tuổi độ 13,14 đưa tay xinh đẹp hái dưa, vừa ngắm nghía vừa khen ngợi, vuốt ve và ăn ngon lành dưới ánh trăng. Ông già bắt lấy, hỏi cô và biết được cô là kẻ đánh cắp thường xuyên mùa dưa của ông. Ông rất ngạc nhiên về cách đi đứng khoan thai và mỹ miều của cô gái và ông quyết định đưa về chòi để nuôi nấng như con nuôi.
 dien tich “ba co hi” va chuyen ngoc nu “trom dua” hinh anh 2
Bàn thờ Thượng Động Cố Hỉ tại chánh điện Thượng động miếu tại một ngôi chùa vùng Thất Sơn (An Giang)
Suốt thời gian ấy cô ở nhà ông nông dân; sắc đẹp huyền diệu, sự trong trắng và tình yêu cảnh yên tĩnh làm cho cha mẹ nuôi cô rất mến và xem như con trời cho vậy.

Có một hôm, thình lình vùng ấy bị trận lụt lớn, Thiên Y tự nhiên buồn bã có vẻ nhớ quê hương, đem lượm đá và chất lên như một hòn núi nhỏ và trồng hoa xung quanh để dựng lại cảnh đẹp của quê hương cô là “Đảo tam thần” xứ hoan lạc vĩnh cửu. Người cha nuôi thấy cách chơi này không vừa ý mình nên mắng quở làm cô mủi lòng và buồn nản.

Trong lúc đó thì trôi qua một cây cổ thụ Đà Nam, gỗ rất thơm, bị trốc gốc, nước cuốn trôi giữa dòng. Thiên Y bám lấy thân cây và để trôi ra biển theo làn sóng.
 dien tich “ba co hi” va chuyen ngoc nu “trom dua” hinh anh 3
Miếu Bằng Lăng tức Miếu Bà Thượng Động Cố Hỉ ở ấp Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, An Giang
Cái xác cây bị cuốn ra Bắc và dạt vào bờ. Dân chúng ở miền đó rất ngạc nhiên thấy cây gỗ và xúm lại để lôi vào bờ. Nhưng mất công vô ích, cây gỗ quá nặng mặc dầu số lượng người bao nhiêu cũng không sao đẩy cây gỗ được.

Tin này chẳng bao lâu được truyền đi khắp nước. Vị hoàng tử sắp lên thái tử, thấy việc lạ, đến tò mò xem vào cuộc câu bắt lạ lùng này. Vị thái tử cũng xuống nước và bỗng một tay nhấc nổi cây gỗ kéo vào bờ, và truyền cho đem vào vườn trong hoàng cung. 

Vị thái tử này đã đến tuổi nhưng chưa có vợ. Có một đêm vừa đi qua lại gần cây gỗ để nghĩ đến tương lai mình, thình lình dưới ánh trăng mờ ảo, ông thấy một bóng người hiện ra trong sương mờ thơm ngát và đang đi đến. Thấy vậy ông rất rung động.
 dien tich “ba co hi” va chuyen ngoc nu “trom dua” hinh anh 4
Chánh điện Miếu Bằng Lăng trước đây ghi Thượng Động Cố Hỉ, nay sửa là Thiên Y Tiên Nương
Đêm sau, khi ông đang trầm ngâm trong cảnh hoang vắng thì lại thấy bóng ấy xuất hiện. Lần này ông đuổi theo thì điều kỳ lạ, từ bóng ấy ông thấy xuất hiện một thiếu nữ xinh đẹp. Người thiếu nữ này lúng túng định trốn nhưng không kịp nữa, ông hoàng đã ôm chặt trong vòng tay mà nàng không thoát nổi.

Được hỏi tới, Thiên Y kể lại hết những sự kiện đã xảy ra trong đời nàng, trước khi bị trôi đến vùng này. Ông hoàng rất mê say và tâu lại vua cha về cuộc phiêu lưu tình cảm này. Vua sai các vị thiên văn xem tử vi. Họ đều đồng tình và lễ cưới được tổ chức cho Thái Tử và Thiên Y theo phong tục trong nước.

Sau cuộc tình duyên đẹp đẽ này nàng sinh ra luôn hai đứa con. Đứa trai tên là Tri và đứa gái tên là Quý.

Khi nào cũng bị lôi cuốn trong nỗi buồn bí ẩn, một ngày kia công chúa Thiên Y đưa hai con ra bờ biển, trốn chồng, nàng đưa hai con lên cây gỗ Đà Nam và đi vào hướng Nam.
 dien tich “ba co hi” va chuyen ngoc nu “trom dua” hinh anh 5
Cổng vào cổ miếu Bà Thượng Động Cố Hỉ ở ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, Tp. Cần Thơ
Khi trở lại cảng Cù Huân nàng bèn đi tìm lại cha mẹ nuôi trước. Mái nhà tranh cũ chẳng thấy nữa, lão nông dân và vợ đã chết từ lâu. Nàng xây một đền thờ hai vị.

Thời kỳ ấy, dân ở Nha Trang đang còn sống lối hoang dã, chưa có phương tiện để sống và để chống lại thiên tai. Thiên Y để thời giờ giáo dục họ, những người xung quanh nàng phải tuân thủ luật pháp và phải tiết kiệm để giàu có.

Nàng khắc hình mình trên tảng đá đẽo ở núi Cù Lao, làm xong cả nàng và con biến mất giữa ban ngày. Ông thái tử, biết sự việc, đem cả một hạm thuyền đi theo tìm. Khi họ đến cù lao, bọn man rợ trên đoàn thuyền của thái tử chém giết dân làng ở đó và đem bôi nhọ các hình chạm trên đá của công chúa. Để xử phạt bọn này, một trận bão lớn, gió xoáy làm trôi các thuyền bè, các mảnh đá vỡ biến thành tảng đá.

Từ ngày ấy trở đi, vị Nữ thần ban bố nhiều "phép lạ" liên tiếp nhau.

Có nhiều khi người ta thấy công chúa cưỡi con voi trắng đi dạo quanh trên đỉnh núi, và mỗi lần ra đi chơi đều có nổ ba tiếng ầm vang như lệnh đại bác. Có nhiều lần nàng xuất hiện dưới dạng tấm lụa bay vun vút trên trời hay nhiều khi nàng cưỡi đầu con cá sấu và đi lượn quanh hòn cù lao và các đảo lân cận.

Dân làng tôn thờ nàng như vị nữ thần và nhờ nàng ban ơn cho họ hưởng bao nhiêu điều mong ước cầu nguyện.
 dien tich “ba co hi” va chuyen ngoc nu “trom dua” hinh anh 6
Miếu thờ Thượng Động Cố Hỉ trong khuôn viên Giàn Gừa ở TP.Cần Thơ
Trên núi có hai cái tháp, bên trái là dành cho nữ thần, bên phải là để thờ nàng và thái tử chồng nàng. Sau các tháp ấy là một ngôi chùa thờ cha mẹ nuôi của nàng.

Có một bia mộ trước các tháp ấy chữ theo lối văn tự mà dân bản xứ chẳng hiểu gì ý nghĩa cả. Giờ đây, trong vườn mà các tháp ấy và chùa được dựng lên, nhiều khách đến tham quan hái quả trong vườn để ăn tại chỗ nhưng nếu đem đi thì sẽ bị thần phạt.

Có một ngày trong năm, nhiều thú rừng và cá biển đến chầu yên lặng trước đền của nữ thần như là ngày kỵ giỗ theo kiểu của chúng. 

Khi còn làm quan, đại thần Phan Thanh Giản đã có làm một bài văn tế viết bằng chữ Hán, được chạm khắc trên bia đá trân tàng tại Tháp Bà Nha Trang, nay vẫn còn.

Trong tinh thần tôn kính thần linh, cũng nhằm thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, hiện không ít nơi bà con người Việt vẫn thường lui tới những nơi thờ Bà để cầu xin những điều may mắn. 

Vài dấu tích còn sót lại trên vùng đất này là Miếu Bà ở Chợ Vàm (huyện Phú Tân, An Giang – cũng gọi “miếu Bằng Lăng”, vì sau miếu có những cây bằng lăng rất to), miếu Bà ở Thất Sơn (An Giang – trong khuôn viên một ngôi chùa Phật), miếu Bà ở Phong Điền (Cần Thơ – cũng gọi Cổ miếu Giàn Gừa vì trong khuôn viên có những cây gừa rất to)... Tất cả đều được trùng kiến rất khang trang và tất nhiên khói hương không dứt.

Giai thoại “Giàn Gừa”

Đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh Cần Thơ tham quan Di tích lịch sử Giàn Gừa.

Đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh Cần Thơ tham quan Di tích lịch sử Giàn Gừa.
Có dịp tham quan Di tích lịch sử Giàn Gừa ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, được nghe kể giai thoại “Giàn Gừa”, đoàn chúng tôi (Đoàn công tác Hội Nhà báo Bến Tre) được cập nhật thêm về loài thực vật đặc trưng của vùng sông nước  - cây gừa hay còn gọi cây si, cũng như tín ngưỡng dân gian của người dân Cần Thơ.
Ngày 28-2-2019 (âm lịch) tới, tại Di tích lịch sử Giàn Gừa sẽ diễn ra Lễ hội vía Bà Thượng Động Cố Hỉ - vị nữ thần được xem là ân nhân của dân làng. Đây là hoạt động tín ngưỡng dân gian diễn ra hàng năm của người dân để thể hiện lòng tôn kính Bà.
Miếu Bà Thượng Động Cố Hỉ được đặt trong khuôn viên Di tích lịch sử Giàn Gừa - có rất nhiều chi, cành, đan xen nhau tạo thành giàn lớn với diện tích tán cây hơn 2.700m², chiều cao trung bình khoảng 12m.
 Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thời - người chăm sóc khu di tích cũng là cháu cố đời thứ 5 của ông Cả Thành (người thuộc tộc họ Nguyễn), từ thời ông cố bà đã có cây gừa, đến nay hơn 150 năm tuổi. Người dân trong vùng quen gọi nơi đây "Giàn Gừa".
 “Ông Cả Thành là người gốc Bắc, ông vào Nam khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Trong quá trình khai hoang, không may làm giàn gừa bốc cháy khiến cảnh vật hoang tàn. Không lâu sau đó, trong dòng họ Nguyễn nhiều người lâm bệnh và chết. Lúc bấy giờ, có ông đạo Bảy - vị đạo sĩ từ xa đến bốc thuốc cứu độ dân làng. Theo ông đạo Bảy, giàn gừa này là vùng đất thiêng, nơi ngự của bà Thượng Động Cố Hỉ, Bà nổi giận vì giàn gừa cháy rụi. Muốn an cư lạc nghiệp, người dân phải trồng lại cây gừa” -  bà Nguyễn Thị Thời cho biết.
Theo lời ông đạo Bảy, người trong tộc Nguyễn đi tìm kiếm cây gừa trồng mới. Từ đó, con cháu ăn nên làm ra và hàng năm làm lễ giỗ cúng Bà. Trải qua 6 thế hệ, con cháu họ Nguyễn vẫn sinh sống trên mảnh đất này và thay nhau giữ gìn, tôn tạo nơi thờ phụng.
Ngày 5-4-2013, UBND TP. Cần Thơ đã ký Quyết định xếp hạng Giàn Gừa là di tích lịch sử cấp thành phố. Cây gừa cổ thụ trong di tích cũng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Hiện, tộc họ Nguyễn chia làm 4 tổ để luân phiên chăm sóc gìn giữ khu di tích và lo trà nước phục vụ du khách đến tham quan.
Theo Ban quản lý di tích TP. Cần Thơ, Di tích lịch sử Giàn Gừa hình thành cách nay hàng trăm năm. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do địa hình hiểm yếu nên Giàn Gừa là địa điểm hoạt động cách mạng. Tại đây, diễn ra nhiều cuộc họp triển khai kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị của Khu ủy, Tỉnh ủy, nơi cất giấu vũ khí, tập kết, chuyển quân từ vàm Rạch Sung, Bà Hiệp ra sông Cần Thơ, để vượt qua lộ Vòng Cung tấn công vào cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy tại thị xã Cần Thơ. Từ năm 1961-1965, đây là nơi mở các khóa đào tạo, huấn luyện đội biệt động nội thành.
Bài, ảnh: Phan Hân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét