Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Điều ẩn giấu đằng sau bản sonata Ánh trăng của Beethoven

Sonata Ánh trăng có thể nói là một bản nhạc đánh dấu sự thay đổi trong phong cách sáng tác âm nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven. Nó vừa có một cái gì đó như là tiếc thương, mất mát, vừa có những lời nguyện cầu, vừa có sự dữ dội như bão tố. Đằng sau bản sonata nổi tiếng này là rất nhiều câu chuyện…

Điều gì ẩn giấu đằng sau bản sonata Ánh trăng của Beethhoven?
Beethoven. (Ảnh qua Pinterest)

Bản sonata cung Đô thăng thứ dành cho piano mang tên “Quasi una fantasia” thường được biết đến dưới cái tên bản sonata Ánh trăng, là một tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven sáng tác vào năm 1801. Ngày nay, nó là bản nhạc nổi tiếng nhất của ông dành cho piano, và ngay cả thời bấy giờ nó cũng là bản nhạc được rất nhiều người yêu thích. Nói về sự phổ biến của sonata Ánh trăng, nó đã làm Beethoven phát bực. Ông từng nói với học trò Czerny của mình rằng: “Thầy còn viết nhiều bản hay hơn thế”, ấy vậy mà người ta cứ nhắc mãi về sonata Ánh trăng…
Có rất nhiều câu chuyện được kể để giải thích cho sự ra đời của bản sonata Ánh trăng. Vào giữa thế kỷ 19, người ta bắt đầu đồn đại về cuộc gặp gỡ của Beethoven với một cô gái mù. Theo đó, khi gặp cô bé mù đang ngồi bên cạnh một chiếc đàn piano, Beethoven đã rất đỗi cảm thương. Ông ngồi xuống chính chiếc đàn piano đó và đột nhiên cảm nhận được ánh trăng đang chiếu vào qua cửa sổ. Như được truyền cảm hứng, Beethoven đánh lên những nốt nhạc của bản sonata nổi tiếng. Trong một phiên bản khác của câu chuyện, nhà soạn nhạc đã ngắm nhìn ánh trăng chiếu vào cô gái mù trong khi ông đang chơi đàn cho cô và anh trai cô. Và rồi ông nhận được linh cảm để sáng tạo nên “Quasi una fantasia”. Lại có người cho rằng đây là bản nhạc dành cho một tình yêu không trọn vẹn của nhà soạn nhạc thiên tài…

Điều gì ẩn giấu đằng sau bản sonata Ánh trăng của Beethhoven?
Cô bé mù dưới ánh trăng. (Ảnh minh họa qua Adriana.blog.fr)

Dẫu sao, đó cũng chỉ là những “truyền thuyết”. Ánh trăng không phải là cái tên do Beethoven đặt cho bản sonata cung Đô thăng thứ (C♯ minor) này. Cái tên sonata “Ánh trăng” chỉ xuất hiện vài năm sau khi Beethoven đã qua đời. Vào năm 1836, nhà phê bình âm nhạc Đức, Ludwig Rellstab, chia sẻ rằng bản sonata này gợi lên trong ông hình ảnh ánh trăng phản chiếu trên hồ Lucerne. Kể từ đó, cái tên sonata Ánh trăng mới trở thành tên gọi “chính thức” một cách không chính thức của bản nhạc.

Điều gì ẩn giấu đằng sau bản sonata Ánh trăng của Beethhoven?
Beethoven. (Ảnh qua Lifesitenews.com)

Beethoven không sáng tác sonata Ánh trăng theo mô thức truyền thống là nhanh – chậm – nhanh. Nó bắt đầu với thể Adagio (cung Đô thăng thứ) chậm, rồi nối tiếp bằng Allegretto (cung Rê giáng trưởng) chậm và kết thúc bằng Presto agitato (cung Đô thăng thứ) dữ dội. Phần thứ nhất thật là nhẹ nhàng, sâu lắng, và buồn. Nhà soạn nhạc người Pháp Berlioz bình luận rằng nó như “một thứ thơ mà ngôn ngữ con người không thể nào cất lên được”. Còn học trò của Beethoven, Carl Czerny thì cho rằng nó miêu tả một “màn đêm, với những âm thanh ảm đạm vọng tới từ phương xa”. Cũng có người cảm tưởng rằng mình đang bước đi trong đêm tối dưới ánh trăng chiếu rọi.
Phần thứ hai, Allegretto (cung Rê giáng trưởng), lại mang người nghe bình tĩnh trở lại với những nốt nhạc có phần tươi tắn hơn, trong sáng hơn, đem đến hy vọng. Phần thứ hai rất ngắn, dường như chỉ là cây cầu nối cho phần thứ nhất và phần thứ ba. Nhà soạn nhạc Franz Liszt đã ví phần thứ hai này như là “một bông hoa giữa hai vực thẳm” vậy. Bông hoa của Beethoven cứ nở rồi lại thu về rồi lại nở, tuần hoàn lặp lại trên nền nhạc.
Phần thứ ba là phần “bão tố” của sonata Ánh trăng. Những nốt nhạc nhanh và mạnh mẽ bộc lộ một cảm xúc dữ dội.
Bên cạnh những “truyền thuyết” lãng mạn về bản sonata Ánh trăng, người ta không thể lãng quên một thực tế rằng vào giai đoạn sau 1801, Beethoven bắt đầu nếm trải sự tuyệt vọng trong tâm hồn khi phải cố gắng chấp nhận việc mình bị mất thính giác. Người ngoài nhìn vào thì thấy Beethoven có một cuộc sống lý tưởng, là một nghệ sỹ piano bậc thầy và là một nhà soạn nhạc thành công hàng đầu ở Vienna. Tuy nhiên, Beethoven bắt đầu rời xa khỏi xã hội và bè bạn vì lo lắng rằng mọi người sẽ biết việc mình sẽ bị điếc. Người ta thì cảm thấy ông khó gần…

Điều gì ẩn giấu đằng sau bản sonata Ánh trăng của Beethhoven?
Beethoven dần xa lánh người khác. (Ảnh qua Pinterest)

Beethoven đã sống nhiều năm trong tịch mịch và cô đơn cho tới lúc điếc hẳn. Hoàn cảnh đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và sự sáng tạo của ông trong âm nhạc. Giai đoạn 1800 – 1802 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Beethoven và cũng khởi đầu cho giai đoạn sáng tác tiếp theo của ông. Khi tai không còn nghe được nữa, Beethoven bắt đầu lắng nghe bằng tâm hồn của mình.
Beethoven đã tìm cách điều trị tại một ngôi làng ở Heilgenstadt vào cuối mùa xuân năm 1802 cho đến tháng 10 cùng năm đó. Quá tuyệt vọng vì việc chữa trị không thành công, ông từng có ý định tự kết liễu đời mình. Trong một bức thư, ông kể: “Nhờ nghệ thuật mà tôi đã không kết liễu đời mình bằng việc tự sát”.
Lặp đi lặp lại trong âm nhạc của Beethoven chính là tinh thần vượt qua nghịch cảnh. Những xung đột nội tâm ông trải qua đều có thể tìm thấy trong âm nhạc, đó là việc vượt lên tất cả để chiến thắng sự tuyệt vọng và đau buồn. Cũng qua những giằng xé trong tâm tưởng đó, Beethoven đã học được cách sống cùng với tật mất thính giác và trở thành một thiên tài âm nhạc với các kiệt tác vô cùng vĩ đại.

Điều gì ẩn giấu đằng sau bản sonata Ánh trăng của Beethhoven?
Beethoven. (Ảnh qua thoughtco.com)

Sau đợt điều trị, Beethoven tỏ vẻ không hài lòng với các tác phẩm của mình và theo như học trò của ông, Czerny, thì “ông quyết tâm đi trên một con đường mới”. Sự thay đổi đó thể hiện qua tiết tấu mạnh mẽ trong những bản sonata, sự kịch tính, sự bất cân đối…
Sonata Ánh trăng có thể được xem là sáng tác đầu tiên khi Beethoven bước sang giai đoạn dần mất đi thính lực cho đến lúc điếc hẳn. Sự tiếc thương và mất mát trong tác phẩm, những lời nguyện cầu, và cả bão tố đã tạo nên một thứ âm nhạc tuyệt hảo, thứ âm nhạc khởi đầu cho những kỳ tích mang tên Beethoven.
Thanh Nhã

Bản giao hưởng số 9 cung rê thứ, còn được gọi là “Choral”, là bản giao hưởng trọn vẹn cuối cùng của Ludwig van Beethoven. Được hoàn thành vào năm 1824, bản giao hưởng này là một kiệt tác vô cùng nổi tiếng trong dòng âm nhạc cổ điển. Hầu hết các nhà phê bình âm nhạc đều đồng ý nhìn nhận rằng đây là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của Beethoven, và nhiều người coi nó là một trong những sáng tác vĩ đại nhất của nền âm nhạc Tây phương.
Câu chuyện độc đáo về bản giao hưởng số 9 của Beethoven
Beethoven. (Ảnh qua Youtube)
Trong bản giao hưởng số 9, lần đầu tiên Beethoven thử nghiệm sử dụng giọng hát con người trong một bản giao hưởng, vậy nên nó còn được gọi là một bản giao hưởng hợp xướng. Những lời ca được hát trong đoạn cuối cùng được trình diễn bởi bốn nghệ sĩ đơn ca và một dàn hợp xướng. Những lời ca này được lấy từ “Ode to Joy” (Tạm dịch: Khải hoàn ca), một bài thơ được viết bởi Friedrich Schiller vào năm 1785 và được sửa lại vào năm 1803, với đoạn bổ sung của Beethoven. Trong những năm 2010, bản giao hưởng số 9 là một trong những bản giao hưởng được trình diễn nhiều nhất trên thế giới.
“Bất cứ ai có trái tim biết rung cảm với sự vĩ đại và cái đẹp chắc chắn sẽ có mặt”, đó là lời ngợi ca của báo giới nước Áo dành cho buổi hòa nhạc của Beethoven. Vào ngày 7/5/1824, bản giao hưởng số 9 của Beethoven được trình diễn lần đầu tiên. Bản giao hưởng đã gây được ấn tượng sâu sắc cho khán giả bởi nhiều lý do. Nó dài hơn và phức tạp hơn bất cứ một bản giao hưởng nào cho đến nay và cũng yêu cầu một dàn nhạc lớn hơn. Nhưng điểm độc đáo nhất của nó chính là việc Beethoven đã thêm đồng ca và đơn ca vào chương cuối cùng. Ông là nhà soạn nhạc đầu tiên làm như vậy trong một bản giao hưởng.
Câu chuyện độc đáo về bản giao hưởng số 9 của Beethoven
Buổi biểu diễn bản giao hưởng số 9 của Beethoven tại Nhà hát nghệ thuật biểu diễn Haris Center, Folsom, California. (Ảnh qua Youtube)
Beethoven bắt đầu suy nghĩ về việc thêm bài thơ “Ode to Joy” của Friedrich Schiller vào sáng tác của mình từ đầu năm 1793, khi ông 22 tuổi. Trong những năm tiếp theo, nhà soạn nhạc đôi lúc vẫn quay lại xem xét bài thơ này và phác thảo một số chủ đề xoay quanh nó, nhưng trong một thời gian dài, chưa có bản nhạc nào được hoàn thành cả.

Phần hợp xướng cuối cùng

Vào năm 1817, Hội yêu nhạc London ủy thác cho Beethoven viết một bản giao hưởng, nhưng ông đã không thực sự tập trung vào nó mãi cho đến năm 1822. Ba chương đầu tiên của bản giao hưởng số 9 được dành riêng cho dàn nhạc, nhưng Beethoven biết ông cần phải kết thúc tác phẩm bằng một dấu ấn thật đặc biệt. Đó là lúc ông chợt nhớ tới “Ode to Joy”. Một chương dựa trên bài thơ nổi tiếng này chính xác là cái kết mà bản giao hưởng của Beethoven cần có.
Câu chuyện độc đáo về bản giao hưởng số 9 của Beethoven
Ludwig van Beethoven trình diễn cùng với Razumovsky Quartet, được vẽ bởi họa sĩ August Borckmann. (Ảnh qua thenational.ae)
Mặc dù bản giao hưởng này được ủy thác bởi Hội yêu nhạc London, những người có ảnh hưởng ở Vienna đã thuyết phục Beethoven trình diễn bản giao hưởng lần đầu tiên ở thành phố này. Dàn nhạc của nhà hát Kärnnertor được bổ sung thêm một số nhạc công khác, và một dàn hợp xướng gồm 90 thành viên đã được thành lập để cân bằng với dàn giao hưởng.

Nhảy nhót như một kẻ điên

Năm 1824, Beethoven đã gần như điếc hoàn toàn, nhưng ông vẫn muốn tiếp tục được trình diễn và chỉ huy dàn nhạc trên sân khấu. Thêm nữa, Beethoven cũng muốn giúp các nghệ sĩ hiểu phong cách và động lực mà ông mong muốn họ thể hiện.
Câu chuyện độc đáo về bản giao hưởng số 9 của Beethoven
(Ảnh qua classicalmusic.uol.ua)
Động tác của nhà soạn nhạc vĩ đại trong buổi hòa nhạc đó thật sự rất khác lạ, một nhạc sĩ kể lại: “Ông đứng trước vị trí của người chỉ huy và cúi người về trước rồi về sau như một kẻ điên. Có lúc ông căng hết người ra, rồi ngay sau đó lại gần như cúi mình chạm sàn nhà. Ông vung vẩy tay và chân của mình như thể muốn một mình chơi tất cả các nhạc cụ và hát tất cả các phần hợp xướng.” Đó là lý do vì sao mà người chỉ huy dàn nhạc đã âm thầm yêu cầu các nhạc sĩ không được để ý đến Beethoven.

Không thể nghe được những tràng vỗ tay

Hoàn cảnh mất thính lực của Beethoven đã tạo nên một trong những câu chuyện cảm động nhất trong giới âm nhạc. Khi bản giao hưởng kết thúc, ông vẫn tiếp tục hướng mặt về phía dàn nhạc thực hiện động tác chỉ huy. Ca sĩ giọng nữ trầm Caroline Unger đã phải bước đến gần và quay người Beethoven lại để ông có thể đón nhận những tràng vỗ tay và sự cổ vũ của khán giả.
Câu chuyện độc đáo về bản giao hưởng số 9 của Beethoven
Nhà hát Kärnnertor ở Vienna là nơi mà Beethoven đã trình diễn bản giao hưởng số 9 lần đầu tiên. Nhà hát này hiện đã không còn tồn tại nữa. Ngày nay, ở vị trí của nhà hát là Khách sạn Sacher, ở bên phải của Nhà hát opera Vienna. (Ảnh qua inmozartsfootsteps.com)
Theo một người chứng kiến thì “công chúng đón nhận người nhạc sĩ với sự tôn trọng và lòng đồng cảm cao nhất, lắng nghe các sáng tác tuyệt với và vĩ đại của ông một cách say mê chăm chú, và rồi bùng nổ trong tiếng vỗ tay đầy hân hoan, thường thường là giữa các phần, và rồi lại lặp lại như thế vào cuối bản giao hưởng.” Khán giả hoan hô ông với những tràng vỗ tay; và rồi có nào là khăn tay, mũ và những cánh tay giơ lên không trung, để cho Beethoven, người không thể nghe được tiếng vỗ tay, ít nhất vẫn có thể nhìn thấy được sự hoan hô cổ vũ của công chúng. Rất nhiều người tham dự đã xúc động tới rơi nước mắt khi họ nhận ra Beethoven không thể nghe thấy gì.

Điều kì diệu

Không giống như Hamlet của Shakespeare, kiệt tác giao hưởng số 9 của Beethoven mang ý nghĩa khác biệt đối với từng người nghe, nhưng nó vẫn luôn là những gì tuyệt vời nhất, mạnh mẽ nhất và cao quý nhất về nhân loại. Như Wilhelm Furtwängler – một trong những chỉ huy dàn nhạc giao hưởng xuất sắc nhất – đã từng nói, cố gắng khám phá một cách chính xác ý tưởng của Beethoven với bản giao hưởng số 9 cũng tương tự như việc tìm chỗ để ghim một con bướm chính xác lên bộ sưu tập của một nhà côn trùng học.
Harvey Sachs, một nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng, cũng thừa nhận điều này trong sự khâm phục khi phân tích bản giao hưởng số 9: “Có một sự thật không thể nghi ngờ, đó là bản giao hưởng của riêng từng người, nếu bạn thật sự nghiêm túc lắng nghe.”
Lời ca của “Ode to Joy” có đoạn viết:
Bạn có cúi đầu trước Ngài, hàng triệu người ngoài kia?
Bạn có cảm nhận được Sáng Thế Chủ, hỡi thế giới?
Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể thống nhất rằng bản giao hưởng này nói về điều gì, và tất cả những gì chúng ta có thể làm là tiếp cận nó với sự thận trọng, khiêm tốn và lòng ngưỡng mộ những điều kì diệu.
Thanh Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét