- Hồ Bạch Thảo
Ngót một ngàn năm đô hộ, đất nước ta có những cuộc nổi dậy ở tầm mức lớn, như khởi nghĩa Hai Bà Trưng tồn tại trong vòng 3 năm [40-43], nhà Tiền Lý được 18 năm [544-602], cuối cùng rơi vào vòng nô lệ. Phải đợi đến lượt Khúc Thừa Dụ, vị lãnh tụ đầu tiên thuộc họ Khúc, được người đời tôn là Khúc Tiên Chúa 1; đất nước ta bắt đầu giành độc lập.
Sách Khâm Định Việt Sử Cương Mục chép:
“Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Đường gia phong chức đồng bình chương sự cho quan Tĩnh Hải quân tiết độ sứ là Khúc Thừa Dụ.
Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu [thuộc tỉnh Hải Dương]. Thừa Dụ, tính khoan hòa, hay thương người, được dân chúng suy tôn. Gặp thời buổi loạn lạc, nhân danh là hào trưởng một xứ, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ và xin mệnh lệnh với nhà Đường; nhân thế vua Đường cho làm chức ấy.” 2
Sử Trung Quốc, Tư Trị Thông Giám Cương Mục của Tư Mã Quang ghi tương tự:
Đường Chiêu Tông Đế năm Thiên Hựu thứ 3 [906]
“Ngày Ất Sửu tháng giêng [7/2/906], thăng cho Tĩnh hải tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ chức Đồng bình chương sự. 乙丑,加靜海節度使曲承裕同平章事。”
(Tư Trị Thông Giám quyển 265)
Bằng cách nào một thường dân Việt Nam giành được nền độc lập cho nước nhà, được nhà Đường công nhận, phong tước hiệu Đồng bình chương sự, trên danh nghĩa ngang hàng với Tể tướng. Hãy xét về thời, thế, cơ, 3 yếu tố cần cho sự thành công; để tìm hiểu tiến trình thúc đẩy Khúc Thừa Dụ dấy lên, lập nên công nghiệp lớn:
Thời: bấy giờ Trung Quốc vào thời Đường mạt, Vua Tuyên Tông hoang dâm vô độ, Phiên trấn tại các địa phương nổi lên, trường kỳ tranh quyền với triều đình; đồng thời hoạn quan chuyên quyền, chính trị hủ bại; xã hội suy vi trầm trọng, dân không sống nổi. Năm Đại Trung thứ 3 [859] Cừu Phủ tại miền đông tỉnh Chiết Giang lãnh đạo nông dân nổi dậy. Đến đời Vua Ý Tông năm Hàm Thông thứ 9 [868], Bàng Huân tại Quế châu [Quế Lâm, Quảng Tây] lãnh đạo quân trú phòng nổi dậy, sử gọi là “Bàng Huân chi loạn 龐勳之變”. Hai loạn này tuy bị triều đình nhà Đường dập tắt sớm, nhưng chúng là tiếng nói đầu tiên báo hiệu cho mối loạn qui mô hơn, đó là cuộc nổi dậy của Hoàng Sào. Một trong những soạn giả Tân Đường Thư, Tống Kỳ 3 có lý, khi nhận xét rằng: “Nhà Đường mất bởi loạn Hoàng Sào, nhưng mối họa bắt đầu từ Quế Lâm 唐亡於黃巢,而禍基於桂林”
Đời Ý Tông Càn Phù năm thứ 2 [875] Hoàng Sào nổi dậy tại Oan Cú [Hà Trạch thị] Sơn Đông. Tránh lực lượng mạnh của phiên trấn tại vùng trung nguyên tỉnh Hà Nam, Hoàng Sào xua quân về phía nam, vượt sông Dương Tử, hoạt động tại vùng Lưỡng Hồ, phía nam An Huy, đông Chiết Giang, Phúc Kiến. Năm Càn Phù thứ 6 [879], Hoàng Sào vào vùng phía nam Ngũ Lãnh, đánh chiếm thành lớn Quảng châu, bắt sống Tiết độ sứ Lý Điều, quân đến 100 vạn, khống chế đại bộ phận Quảng Đông, Quảng Tây. Tại đây Hoàng Sào bố cáo: Sẽ mang đại quân đến kinh đô Trường An, lật đổ sự thống trị của nhà Đường. Tháng 10, quân Hoàng Sào lên phía bắc chiếm Quế Lâm [Quảng Tây], rồi dùng bè xuôi dòng sông Tương tiến chiếm Đàm châu [Hồ Nam]. Tiếp tục qua Ngạc châu [Vũ Xương, Hồ Bắc], hướng về đông tiêu diệt quân của Đại tướng Trương Lân; sau đánh Tín châu [Giang Tây], Tuyên châu [An Huy]. Đường Hy Tông Quang Minh thứ 1 [880], Hoàng Sào cho quân vượt sông Hoài, tiến chiếm Đông đô Lạc Dương, đến năm sau [881] vào chiếm kinh đô Trường An, lập chính quyền Đại Tề với niên hiệu Kim Thống.
Vua Đường Hy Tông phải rút lui sang đất Kiếm Nam [Tứ Xuyên], thu thập tàn quân chống cự. Bấy giờ Đại tướng Chu Ôn [tức Chu Toàn Trung, sau này cướp ngôi nhà Đường lập nên nhà Hậu Lương] phản Hoàng Sào, theo Đường; quân Hoàng Sào bị tổn thất nặng, nên phải rút ra khỏi kinh thành Trường An, trở về vùng núi Thái Sơn tại Sơn Đông. Vào tháng 6 năm Trung Hòa thứ 4 [884], tại cốc Hổ Lang, Lai Vu [Lai Vu thị, Sơn Đông], Hoàng Sào giao chiến với tướng Đường, Thời Phổ, quân thua bèn tự tử.
Cơ: Trong khi Hoàng Sào tung hoành tại Trung Quốc, chính quyền địa phương thuộc Đường tại An Nam Đô Hộ Phủ bị cắt đứt với chính quốc; quân lính nhà Đường làm loạn, tự động bỏ hàng ngũ trở về Ung châu [Nam Ninh], sử chép:
Đường Hy Tông năm Quảng Minh thứ nhất [880]
“Tháng 3, quân loạn tại An Nam, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành trốn; các đạo binh thuộc Ung quản tự động rút về. 安南軍亂,節度使曾袞出城避之,諸道 兵戍邕管者往往自歸。”
(Tư Trị Thông Giám, quyển 253)
Thế: Tiên chúa Khúc Thừa Dụ, một phú hào có học tại đất Hồng Châu [Hải Dương], lấy sự hiểu biết làm sức mạnh [Knowledge is power], chớp lấy thời cơ, vận động nhân dân vốn sẵn lòng căm ghét giặc ngoại xâm từ ngàn năm, đồng loạt nổi dậy; đuổi kẻ xâm lăng ra khỏi bờ cõi, giành lại nền độc lập cho nước nhà.
Việc làm của Tiên Chúa sáng suốt, bởi biết lợi dụng thời cơ mà tạo thế, bỏ sức ít mà công hiệu nhiều; khi ngoại xâm không còn ý chí chiến đấu, quân lính trên đường rã ngũ, thì việc đuổi chúng cũng dễ như đuổi một bầy gà! Tiên Chúa đã khéo thực hiện nguyên tắc kỳ diệu về sách lược dẫn đến thành công; mà trước Công Nguyên Lão Tử [老子] [chết 553 BC] đã đề ra, tại chương 63 sách Đạo Đức Kinh [道德經] như sau:
“Đồ nan ư kỳ dị, vi đại ư kỳ tế; thiên hạ nan sự tất tác ư dị, thiên hạ đại sự tất tác ư tế”
(圖難於其易,爲大於其細。天下難事必作於易,天下大事必作於細.)
Dịch nghĩa:
Mưu đồ việc khó từ điểm dễ nhất, mưu đồ việc lớn từ cái nhỏ nhất. Việc khó khăn trong thiên hạ hãy ra tay từ chỗ dễ, việc lớn trong thiên hạ hãy bắt đầu từ chỗ nhỏ.
Giành độc lập cho nước nhà là việc khó, việc lớn nhất; Tiên Chúa đã chọn chỗ dễ là lúc nước cừu địch đắm chìm trong nội loạn để ra tay thành công.
Cùng vào thời trước Công Nguyên với Lão Tử, tại nước Hy Lạp phương Tây, nhà vật lý Archimedes [212 BC] cũng có câu nói nổi tiếng: “Hãy cho tôi một điểm tựa tôi có thể nâng cả trái đất này lên.” (Give me a place to stand and I will move the earth).
Áp dụng câu nói này với việc làm của Tiên Chúa, thấy rằng Ngài đã dựa vào điểm tựa thời cơ một cách chuẩn xác, thành công bẩy lên được tảng đá nô lệ, đè nặng trên đầu dân tộc ta suốt cả ngàn năm.
Bấy giờ nền độc lập của nước Việt còn non trẻ, để tránh việc binh đao có thể xảy ra, Tiên Chúa sai sứ sang Trung Quốc cầu phong; việc làm cũng đúng thời điểm; vì Vua Đường đang bị Chu Toàn Trung áp chế, sắp sửa cướp ngôi, nên đành phải chấp nhận Tiên Chúa cai quản An Nam, sau đó phong chức Tiết độ sứ:
Đường Chiêu Tuyên Đế năm Thiên Hựu thứ 3 [906]
“Ngày Ất Sửu tháng giêng [7/2/906], thăng cho Tĩnh hải tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ chức Đồng bình chương sự. 乙丑,加靜海節度使曲承裕同平章事。”
(Tư Trị Thông Giám quyển 265)
Năm 907, tại Trung Quốc Chu Toàn Trung, cướp ngôi nhà Đường lập nên nhà Hậu Lương; gọi là Lương Thái Tổ, niên hiệu Khai Bình. Tuy là Vua đầu tiên thời Ngũ Đại, nhưng Lương Thái Tổ còn phải đối phó với các lực lượng cát cứ, lập nên 10 nước nhỏ, sử gọi là “Thập Quốc”. Tình hình trong nước như vậy, Vua Lương cũng không rảnh tay can thiệp vào nước ta, nên sau khi nghe tin Tiên Chúa mất bèn phong cho con là Khúc Hạo làm Tiết độ sứ:
Lương Thái Tổ Khai Bình năm thứ nhất [907]
“Ngày Giáp Dần tháng 7 [8/907] Tĩnh hải Tiết độ sứ Khúc Dụ chết; ngày Bính Thân cho người con quyền Tri lưu hậu Hạo làm Tiết độ sứ. 靜 海 節 度 使 曲 裕 卒 , 丙申,以其子權知留後顥為節度使。”
(Tư Trị Thông Giám quyển 266)
Mấy năm sau, Tiết độ sứ Khúc Hạo mất, lại tiếp tục phong cho con là Khúc Thừa Mỹ làm Tiết độ sứ:
Lương Thái Tổ ngày Mậu Ngọ thánh 12 năm Càn Hòa thứ 1 [31/12/911].
“Ngày Mậu Ngọ tháng 12 [31/12/911], cho Tĩnh Hải Lưu hầu Khúc Mỹ làm Tiết Độ Sứ. 戊午,以靜海 留後曲美為節度使。”
(Tư Trị Thông Giám, quyển 268)
Khúc Thừa Mỹ không nhạy bén về thời cuộc như ông nội, vẫn tin tưởng rằng giao hảo tốt với nhà Hậu Lương thì yên ổn, không hiểu được tình hình Trung Quốc biến đổi hàng ngày. Bấy giờ thuộc thời Ngũ Đại, trong vòng trên 50 năm [907-960] chia thành 5 triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu; mỗi triều đại có vài vua nối tiếp trị vì, có triều đại như nhà Hậu Hán vận mệnh ngắn ngủi, chỉ được 4 năm! Trung Quốc tuy có vua tại trung ương, nhưng quần hùng cát cứ lập nên các nước nhỏ, gọi là Thập Quốc. Riêng tại vùng Lãnh Nam tức Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay, phiên trấn Lưu Cung tự động lên ngôi vua vào năm 917, lập nên nước Nam Hán, đóng đô tại Phiên Ngung [Quảng châu]; Nam Hán là 1 trong Thập Quốc lúc bấy giờ.
Lãnh thổ An Nam sát nách với nước Nam Hán; vua Nam Hán vốn là tay hiếu chiến bèn sai tướng là Lương Khắc Trinh mang quân sang nước ta, đánh bắt Khúc Thừa Mỹ đưa về Phiên Ngung [Quảng châu]:
Đường Minh Tông năm Trường Hưng thứ nhất [930]
“Tháng 9 [10/930], chúa Nam Hán sai tướng là Lương Khắc Trinh, Lý Thủ Phu đánh chiếm Giao Châu, bắt Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ đem về, sai tướng là Lý Tiến giữ Giao Châu.
Tháng 10, tướng Nam Hán, Lương Khắc Trinh vào đánh Chiêm Thành, lấy đồ vật quí mang về.
漢主遣其將梁克貞、李守鄜攻交州,拔之,執靜海節度使曲承美以歸,以其 將李進守交州。…漢將梁克貞入占城,取其寶貨以歸。”
(Tư Trị Thông Giám, quyển 277)
Triều đại họ Khúc tương đối ngắn, truyền được 3 đời, nhưng đào tạo được các tướng lãnh giỏi như Dương Đình Nghệ 4, Ngô Quyền, có chí thừa kế. Nhờ vậy nước An Nam chỉ tạm thời bị nước Nam Hán chiếm trong vòng 1 năm; Dương Đình Nghệ mang quân từ Thanh Hóa ra, đánh bại Lý Tiến chạy về Trung Quốc, lại tiêu diệt quân tiếp viện của Trịnh Bảo:
Đường Minh Tông năm Trường Hưng thứ 2 [931]
“Tháng chạp, tướng châu Ái [Thanh Hóa] Dương Đình Nghệ dưỡng 3.000 con nuôi, mưu đồ khôi phục Giao Châu; Chỉ huy Giao Châu, Lý Tiến, biết được, nhưng nhận hối lộ nên không báo tin về nước. Vào năm này Đình Nghệ mang quân vây Giao Châu, vua Nam Hán sai Thừa chỉ Trình Bảo mang quân đến cứu, chưa đến nơi thì thành đã mất. Lý Tiến trốn về, bị vua Hán giết; Đình Nghê mang binh đánh, Bảo thua chết.
愛州將楊廷藝養假子三千人,圖復交州;漢交州守
李進知之,受其賂,不以聞。是歲,廷藝舉兵
交州,漢主遣承旨程寶將兵 救之,未至,城陷。進逃歸,漢主殺之。寶圍交州,廷藝出戰,寶敗死。”
(Tư Trị Thông Giám quyển 277)
Đến năm Đinh Dậu [937], Kiều Công Tiễn làm phản, giết Đình Nghệ, rồi cầu cứu quân Nam Hán sang giúp. Lại cũng chỉ 1 năm sau, tức năm Mậu Tuất [938] Ngô Quyền đại thắng tại sông Bạch Đằng, giết Thái tử Hoàng Thao. Vua Nam Hán Lưu Cung tuy đóng binh yểm trợ tại cửa biển, nghe tin con chết chỉ biết gào khóc, chứ không dám có hành động gì hơn; cái thế độc lập của nước ta đã có cơ sở.
*
Tiên chúa Khúc Thừa Dụ đã áp dụng sách lược “Việc khó hãy bắt đầu bằng chỗ dễ”, nên tổn thất ít mà thành công nhiều. Đọc qua sử nước nhà, thấy Vua Lê Lợi cũng theo nguyên tắc này, gặt hái được thành công. Trong khi đang vây thành Nghệ An [1426], được tin cánh quân của Lý Triện chiến thắng tại Bắc Hà; bèn giao cho quân địa phương uy hiếp thành này, mang đại quân ra vây Đông Đô [Hà Nội]. Tuy vây mà không cần đánh; nhắm tiêu diệt đạo quân tiếp viện của Liễu Thăng tại ải Chi Lăng, khiến quân giặc thế cùng lực tận phải xin rút quân ra khỏi nước. Giả sử nhà vua câu nệ, đánh từng thành, từng tỉnh, từ miền Trung ra Bắc, sẽ mất thêm thời gian, hy sinh thêm biết bao sinh mệnh.
Cả 2 vị anh hùng trong lịch sử nước nhà, linh động áp dụng nguyên tắc “Mưu đồ việc khó từ điểm dễ nhất, mưu đồ việc lớn từ cái nhỏ nhất. Việc khó khăn trong thiên hạ hãy ra tay từ chỗ dễ, việc lớn trong thiên hạ hãy bắt đầu từ chỗ nhỏ”; kết quả giành được nền độc lập cho nước nhà.
Hồ Bạch Thảo
Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (Diendan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.
Chú thích:
1. Khúc Tiên Chúa: sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quí Đôn chép Thừa Dụ tức Khúc Tiên Chúa; Tiên Chúa có nghĩa là vị Chúa đầu tiên của nước ta.
2. Khâm Định Việt Sử Cương Mục, Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch của Viện Sử Học, Hà Nội: NXB Giáo Dục, trang 72.
3. Tống Kỳ cùng Âu Dương Tu soạn Tân Đường Thư.
4. Dương Đình Nghệ: vì chữ Đình [廷] và chữ Diên [延] viết giống nhau, nên có sách chép là Dương Diên Nghệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét