Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Nhà vườn An Hiên tại cố đô Huế đón du khách tham quan trở lại

Sau thời gian trùng tu, phục dựng, từ 15/5, nhà vườn An Hiên bắt đầu mở cửa đón du khách, mức vé 35.000 đồng mỗi lượt. 
Từ tháng 7/2018, nhà vườn An Hiên thuộc quản lý của Công ty TNHH Khách sạn Silk Path. Với mong muốn bảo tồn, phát triển những di sản văn hóa Việt, công ty muốn giới thiệu An Hiên và nét văn hóa nhà vườn Huế đến với ngày càng nhiều du khách thập phương.Toạ lạc tại số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, gần chùa Thiên Mụ, An Hiên quay hướng về phía sông Hương, như một ngôi nhà cổ ở đất cố đô với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc sắc.
Nhà vườn toạ lạc tại số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, gần chùa Thiên Mụ.
Nhà vườn toạ lạc tại số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, gần chùa Thiên Mụ.
Năm 1883, gia chủ đầu tiên của căn nhà vườn là công chúa thứ 18 của vua Dục Đức, khi đó dinh cơ này là phủ công chúa, lấy tên là Phủ An Hiên. Đến năm 1895, cơ ngơi này thuộc về quyền quản lý của ông Phạm Đăng Khanh (còn có tên là Thập), con trai của một Đại thần thời Gia Long, cháu gọi bà Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ (Phạm Thị Hằng) bằng cô ruột. Đến năm 1920, ông Khanh nhượng lại toàn bộ khu nhà vườn ấy cho ông Tùng Lễ, một cự phú có nhiều ruộng đất, nhà cửa trên khắp tỉnh Trị Thiên, nổi tiếng vì tấm lòng nhân đức đối với dân nghèo.
Năm 1936, ông Nguyễn Đình Chi, bấy giờ đang giữ chức Tuần phủ tỉnh Hà Tĩnh, nghe kể chuyện nhân đức của người chủ khu nhà vườn An Hiên đã rất mừng, quyết định mua lại khu nhà vườn để được sống tiếp trong sự nhân đức ấy. Sau khi ông mất năm 1940, vợ ông là bà Đào Thị Xuân Yến (hay còn gọi là bà Tuần Chi) tiếp tục quản lý, chăm sóc và nâng cao giá trị khu nhà vườn này cho đến khi bà tạ thế vào năm 1997. 
Bà Tuần Chi là người phụ nữ miền Trung đầu tiên học trường Albert Sarraut và đỗ Tú tài Tây (1933), là nữ hiệu trưởng người Huế đầu tiên của trường Nữ Trung học Đồng khánh Huế vào thập niên 1950, đại biểu Quốc hội vào thập niên 1980. Lúc sinh thời, ông Đình Chi và bà Xuân Yến đều là những người có địa vị, uy tín trong xã hội, có những mối quan hệ rộng rãi, nên An Hiên trở thành nơi thường lui tới của biết bao mặc khách tao nhân và trí thức, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Huy Cận, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường... Đây cũng là nơi bà đã từng tiếp hàng trăm đoàn khách văn hóa, ngoại giao trong nước cũng như quốc tế.
Nằm trên khu đất rộng gần 6500m2, An Hiên bài trí theo kiến trúc nhà vườn xứ Huế, chịu ảnh hưởng bởi thuật phong thủy, kiến trúc, thiên nhiên hòa quyện vào nhau. Phía trước vườn có sông Hương thơ mộng, qua cổng là lối đi dài, sâu tiếp đến là bình phong, rẽ lối có sân, bồn hoa, cây cảnh, hồ nước trong xanh. Sau cùng, ngôi nhà rường cổ nằm sau giữa khu vườn rộng rãi.
Sân nhà thờ chính sau bình phong với hồ nước rực rỡ hoa súng.
Sân nhà thờ chính sau bình phong với hồ nước rực rỡ hoa súng.
Cổng nhà vườn xây theo hình vòm cổ kính. Chính giữa cổng, ở mặt ngoài, bên dưới mái là bức hoành cuốn thư đắp nổi ốp tường, biển ngạch đề hai chữ Hán "An Hiên" khảm sành hai màu xanh trắng trên nền tường đen. Từ cổng chính đi theo con đường đất dài sẽ thấy bức bình phong lớn nằm uốn mình hơi chếch về hướng tây che chắn nhà thờ chính. Đây là một bức bình phong có dáng vẻ riêng ít thấy ở các công trình kiến trúc cổ khác tại Huế. Sau bình phong có hồ nước nhỏ trồng hoa súng, nằm trước sân nhà thờ chính.
Kiến trúc chính là ngôi nhà 3 gian 2 chái, 135m2 nằm gần như ở trung tâm khu vườn, có kiến trúc ngôi nhà rường cổ thể hiện rõ nét nghệ thuật xây dựng truyền thống của Huế dưới thời Nguyễn. Không gian nội thất được phân chia rõ ràng theo chức năng sử dụng, gian giữa là gian thờ, với nguyên tắc bài trí "tiền Phật hậu Linh".
Ban thờ Phật trong nhà rường cổ
Ban thờ Phật trong nhà rường cổ
Đáng chú ý, ngôi nhà có nhiều kỷ vật rất quý của cung đình triều Nguyễn. Ở gian giữa bên trên hàng cột nhất treo hai bức hoành kiểu cuốn thư, bức trước đề "Tại quận quận trọng" (nghĩa là Triều đình trọng dụng), bức sau cuốn thư có hoa lá thếp vàng đề "Văn võ trung hiếu" do vua Bảo Đại ban cho gia đình năm Đinh Sửu (1937), cùng nhiều bài thơ của vua Thành Thái, hiện vẫn được treo ở nơi tiếp khách trong nhà.
Sau này, do nhu cầu tiếp khách, ngôi nhà thành nơi tham quan, bà Tuần Chi đã cho dựng một gian nhà có kiến trúc kiểu Pháp bên trái ngôi nhà rường để ở, sinh hoạt. Điểm mới trong căn hộ mới là thư viện với 338 đầu sách với nhiều thể loại như văn học, lịch sử, chính trị, luật, từ điển, phong thủy... viết bằng tiếng Việt, Pháp, Anh, Nga, Nhật.
Không chỉ là một ngôi nhà lưu dấu nhiều thế hệ danh gia vọng tộc, An Hiên còn là một không gian sinh thái, một vườn cây hương sắc bốn mùa. Có nhiều gốc cây nơi đây có tuổi thọ hơn một trăm năm. Nhiều loại cây ăn quả, giống cây quý hiếm khắp 3 miền cũng được đưa về đây tụ hội. Trước đây, chắt nội của đại thi hào Nguyễn Du đã tặng cho bà Tuần Chi 14 cây hồng Tiên Điền, loại quả được tiến vua nhân dịp lễ Thượng Tiến. Hai hàng cây cây mơ chùa Hương Tích tạo ra vòm lá rợp bóng lối vào của An Hiên cũng đã có từ năm 1936. Trong khu vườn có nhiều măng cụt Giáng Châu - loại quả quý nổi tiếng xứ Huế chuyên dùng để tiến vua...
An Hiên - một không gian sinh thái, một khu vườn hương sắc bốn mùa.
An Hiên - một không gian sinh thái, một khu vườn hương sắc bốn mùa.
Hơn một trăm năm, An Hiên đã trải qua nhiều chủ nhân, thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian. Giờ đây, nhà vườn là một chốn bình yên, địa chỉ văn hóa dừng chân quen thuộc của du khách đến với đất cố đô. Hiện khách tham quan tới thăm An Hiên có thể thưởng thức chương trình ca Huế hàng ngày tại nhà vườn vào 2 khung giờ: buổi sáng từ 09 đến 10h15; buổi chiều: từ 15h đến 16h15. 
Ngọc Thi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét