Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Nhớ ga xe lửa Sài Gòn

Hình ảnh nhà ga xe lửa Sài Gòn xưa, mà ngày nay là khuôn viên khách sạn New World, luôn sống trong trí nhớ của tôi. Đó là khoảng thời gian tôi tám tuổi, Ba dẫn tôi đi “du lịch” một vòng thành phố. Khởi hành từ chợ Hòa Hưng bằng xe thổ mộ đến Vườn Tao Đàn, rồi cuốc bộ ra chợ Bến Thành, băng qua cầu vượt ngang Bùng binh Quách Thị Trang đến Ga xe lửa Sài Gòn. Cuối cùng tản bộ ra bến Bạch Đằng hóng mát, đứng xem con phà Thủ Thiêm. Từ đó, lại đi xe xích lô máy về nhà. Với một đứa nhỏ, lần đầu tiên trong đời có dịp đi chơi Sài Gòn thì chuyến đi thật là thú vị.
Nhớ Ga xe lửa Sài Gòn
Ga xe lửa Sài Gòn giữa thập niên 60 của thế kỷ trước nhìn từ trên cao. (Ảnh: Anhxuasaigon)
Nhưng điều thú vị nhất là lần đầu tiên thấy được đoàn xe lửa thật. Máy bay trên trời thì tôi đã biết, còn xe lửa thì chỉ nhìn thấy trong phim, nên khi tận mắt nhìn đoàn xe dài ngoằng nằm trên sân ga, lòng tôi thật háo hức. Ga xe lửa Sài Gòn thời đó không nhộn nhịp hành khách đi tàu cho lắm. Có bến xe lô nằm dọc theo vách tường gạch tô xi măng trên đường Lê Lai kéo dài đến Ngã Sáu Phù Ðổng. Tôi còn bé, đứng trong nhà ga bán vé, nhón chân nhìn qua cửa sổ thông thoáng thấy một đầu máy xe lửa từ phía bên kia sân ga chạy đến, ráp nối vào đoàn tàu thân gỗ sơn màu xanh đậm, chuẩn bị khởi hành cho tuyến Sài Gòn – Tuy Hòa. Hành khách tay xách nách mang hành lý lỉnh kỉnh bước vào sân ga. Nhưng rồi chuyến tàu không chuyển bánh, loa phóng thanh thông báo: “Ðoạn đường Ninh Hòa bị mìn, tàu chỉ đến Nha Trang, hành khách nào đi Tuy Hòa xin trở lại phòng trả vé.” Hành khách nhốn nháo, kẻ đứng chờ, người thất vọng về quê không được, đành lủi thủi quay về.
Nhớ Ga xe lửa Sài Gòn
Sân ga xe lửa Sài Gòn và nhà bán vé trước 1975. (Ảnh: Panorama)
Ba tôi không nói gì về tình huống bấy giờ, về chiến tranh đang diễn ra mà chỉ giải thích xe lửa ngày nay chạy bằng dầu diesel, chứ không còn chạy bằng củi than đốt như ngày xưa nữa nên không còn nghe tiếng xình xịch. Và tôi cũng chẳng để tâm đến những tiếng thở than của số hành khách hụt chuyến về quê, trong đầu tôi chỉ tồn tại hình ảnh của đoàn tàu xe lửa. Ðầu tàu xe lửa thật lạ lẫm, không giống xe lửa trong phim cao bồi Montana mỗi tuần tôi đều xem trên truyền hình. Ðoàn tàu trong phim trông oai phong hơn nhiều với cái đầu máy thon tròn nhả từng cụm khói trắng mỗi khi kéo còi từng hồi. Và hình dáng đầu máy cổ xưa ấy, tôi đã có dịp bắt gặp nằm trên đường ray không còn hoạt động vào thuở tôi lên học đệ thất. Thường thì tôi đi bộ từ nhà đến trường theo đường Lê Văn Duyệt. Nhưng quen với mấy thằng bạn cùng lớp sống trong con hẻm ra ga Hòa Hưng gần rạp hát Thanh Vân nên tụi nó chỉ cho tôi đi con đường tắt dọc theo đường xe lửa băng qua mấy con hẻm nhỏ thông ra đường Nguyễn Thông đến trường nhanh hơn.
Nói là đường xe lửa nhưng đó chính là khu vực ga Hòa Hưng. Một khoảng đất rất lớn chạy dài từ depot Cống Bà Xếp đến cuối đường Nguyễn Thông, bề ngang lúc to lúc nhỏ, có chỗ rộng đến năm sáu chục mét, có nhiều đường ray phụ và chỗ bẻ ghi để đầu máy đổi đường kết nối kéo những toa tàu nhập vào đường chính. Chính khu vực đường xe lửa này để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khoảng thời gian đầu cấp hai. Ðó là nơi của bọn học trò chúng tôi trong ngày học Thứ Sáu cuối tuần trống tiết được về sớm. Chúng tôi thường đi rảo theo đường ray, nhổ cỏ gà đá độ kẹo chewing-gum trên giàn dây thun căng ra giữa hai cây đinh cắm ngay trên nền đất. Có khi nổi hứng chơi trò cao bồi ngay trong những toa goòng xe cũ kỹ, nhảy lên chiếm lĩnh đầu máy hơi nước, miệng bắn súng ì xèo. Nhưng rồi cũng chỉ vài lần thì chúng tôi từ bỏ nơi đây vì chuyện “giang hồ” trẻ con giống như những nhân vật trong truyện “Dzũng Ðakao” của nhà văn Duyên Anh mà tôi đã đọc từ hồi học lớp năm.
Nhớ Ga xe lửa Sài Gòn
Bên trong sân ga xe lửa Sài Gòn những năm ba mươi thế kỷ trước với tình trạng không thay đổi nhiều so với trước 1975. (Ảnh: Anhxuasaigon)
Chúng tôi chẳng biết “địa bàn” là của ai. Ðó chỉ là một bãi toa goòng cũ nát, bên trong còn một ít băng ghế gỗ đâu lưng vào nhau. Lần đó chúng tôi chưa kịp bày trò thì bị một nhóm khác năm sáu đứa chừng bằng hoặc lớn hơn chúng tôi một hai tuổi, mặt mày trông bặm trợn “bao vây”. “Tụi bây ở đâu tới đây, quậy phá địa bàn tụi tao?”Mấy thằng tui im re. Một thằng trong nhóm chúng tôi gân cổ lên tiếng: “Dạ, tụi em là học sinh đi học về chơi đùa một chút, chứ đâu có quậy phá gì đâu, đại ca.” “Im miệng! Ai là đại ca của tụi bây.” “Tụi em đâu có ai làm đại ca, tất cả đều là bạn học.” “Thằng ngu! Ý tao nói tao không phải là đại ca của tụi bây, đừng có bắt quàng làm họ. Cấm tụi bây lảng vảng khu vực này. Chỗ này là của tụi tao, dân chơi hẻm số Hai, nghe rõ không?” Thằng bạn cãi lý: “Từ nào giờ em nghe nói dân chơi Cầu Ba Cẳng, chứ đâu nghe nói dân chơi hẻm số Hai đâu đại ca.” “Hẻm số Hai là hẻm số Hai. Con hẻm nhỏ đối diện với cái cổng Biệt Khu Thủ Ðô đó, biết chưa?” Thằng bạn lí nhí trong miệng: “Dạ… dạ, biết rồi. Thôi tụi em về, không đến đây chơi nữa.” “Ðứng lại, dễ tha như vậy sao. Tụi bây đâu, tịch thu ‘vũ khí’ của tụi nó cho tao.” Một thằng trong nhóm tụi tui buột miệng: “À đù…, tụi em đâu có vũ khí gì đâu.” “Mày nói gì? Nói lại coi. Không có đù đưa cù cưa gì hết. Tụi bây lục cặp tụi nó, tịch thu bút máy cho tao.”
Chúng tôi mất hết bút viết. Có thằng mất cây Parker đắt tiền, còn tôi mất toi cây Pilot mới mua. Men theo đường tàu về xóm ga Hòa Hưng, thằng bạn bây giờ mới nổ văng miểng: “Nó mà lạng quạng xuống Cống Bà Xếp thì tao kêu mấy thằng bạn ở đó cho nó một trận.” “Thôi đi tám. Mày chỉ dám ‘bạc co’ tay đôi ‘miệng’ với nó thôi chứ làm được gì!” Nói xẵng bực mình ngoài miệng, chứ trong lòng tôi không bực dọc tụi du côn ăn hiếp mà lại lo lắng không biết nói sao với Má tôi để xin tiền mua cây bút mới.
Nhớ Ga xe lửa Sài Gòn
Đường ray xe lửa khổ nhỏ 1m do Pháp xây dựng dùng chung xe lửa và xe điện trên đường Hàm Nghi quẹo ra Võ Di Nguy (Hồ Tùng Mậu) ra cảng Sài Gòn đến năm 1990 mới bị tháo dỡ. (Ảnh: Anhxuasaigon)
Rồi cũng từ thời gian này, chiến tranh ngày càng lan rộng. Mấy năm sau đường xe lửa miền Trung thu hẹp dần cho đến khi chỉ còn hoạt động tuyến Sài Gòn – Biên Hòa – Long Khánh, rồi chấm dứt luôn trong một thời gian ngắn sau năm 1975. Tôi không còn sang hẻm ga Hòa Hưng vui chơi cùng bạn bè đi dọc theo những thanh tà vẹt dựng thành tường rào nhà ga, vạch cỏ để bắt dế than dế lửa cho những trận đá dế say sưa. Bọn học sinh chúng tôi mỗi người một ngả, tôi lên cấp ba học trường ở trung tâm Sài Gòn phải đi bằng xe đạp. Những ngày tháng đó lòng lúc nào cũng hoang mang không biết tương lai rồi sẽ ra sao!
Tôi nhớ khi ấy, xe lửa không còn hoạt động ở ga xe lửa Sài Gòn mà di chuyển về ga Hòa Hưng. Tuy vậy, vẫn những đoàn tàu năm sáu toa xe goòng vẫn còn hoạt động ngay trung tâm thành phố, qua lại trên đường ray cũ, không chỉ từ ga Sài Gòn mà còn chạy ra đến cảng Sài Gòn theo đường ray chạy giữa đại lộ Hàm Nghi, quẹo qua Võ Di Nguy (Hồ Tùng Mậu sau này) rồi chạy ra Cảng Sài Gòn. Nghe người ta nói là xe lửa ra cảng nhận bo bo do Liên Xô viện trợ bổ sung, đây là thời kỳ ăn độn của dân Sài Gòn. Tôi còn nhớ mỗi ngày đi học về, vẫn thường bị kẹt xe khi đoàn xe lửa chạy cắt ngang qua các con đường trong trung tâm thành phố trên đường Cách Mạng Tháng Tám, tức Lê Văn Duyệt cũ. Ðến năm 1978, ga Sài Gòn dời tạm về ga Bình Triệu để sửa chữa lại ga Hòa Hưng nhỏ bé thành ga hành khách rộng lớn, lấy theo tên cũ là ga Sài Gòn. Như vậy, nhà ga Sài Gòn do Pháp xây dựng đầu tiên ở khu vực Chợ Cũ, sau hơn trăm năm phải đổi chỗ ba lần.
Nhớ Ga xe lửa Sài Gòn
Depot xe lửa Cống Bà Xếp gần Ga Hòa Hưng nơi sửa chữa bảo trì đầu máy và toa xe lửa trong thập niên 50. (Ảnh: Panorama)
Việc thay đổi vị trí từ ga Sài Gòn về ga Hòa Hưng vào thời gian đó xem ra hợp lý vì dân số thành phố chưa gia tăng. Hơn nữa có depot Cống Bà Xếp xây dựng từ những năm 50, diện tích rộng rãi, đầy đủ cơ xưởng sửa chữa, tu bổ đường sắt. Ga Sài Gòn được khánh thành năm 1983, những con hẻm thông với đường Nguyễn Thông khi xưa biến mất, nối liền con đường nhỏ trở thành đường lớn thông ra Cống Bà Xếp. Ðầu máy xe lửa cổ xưa cũng không biết bị dời đi đâu. Bên ngoài không xa sân ga là chợ trời mua bán đồ sứ, chén kiểu nhập từ Trung Quốc làm khu vực ga Sài Gòn càng nhộn nhịp hơn.
Riêng tôi chẳng cần phải phân biệt ga Sài Gòn hay ga Hòa Hưng làm gì vì Hòa Hưng cũng là Sài Gòn mà thôi. Hơn nữa cả hai nhà ga là nơi để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Nhưng chắc những người tuổi từ 60 trở về trước, ít nhiều trong lòng hẳn còn vương vấn nỗi niềm với những đoàn tàu trên sân ga Sài Gòn. Từ sân ga trăm tuổi nằm giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ một thời có đường xe lửa đi Mỹ Tho, các tỉnh miền Trung và Ðà Lạt, trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm vẫn để lại dấu ấn khó phôi pha trong miền ký ức.
Trang Nguyên
Đăng lại từ bài viết đăng trên Báo Trẻ Online (baotreonline.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét