Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

Sự thật ấn cổ nổi tiếng ở đền Trần

Đền Trần Nam Định nổi tiếng khắp nước với lễ khai ấn đầu năm. Chuyện chiếc ấn ở ngồi đền này cũng có nhiều điều ly kỳ, đáng nói.


Sự thật ấn cổ nổi tiếng ở đền Trần - 1
Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất, năm 1239, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho các quan tại phủ Thiên Trường. Việc phong chức thực hiện bằng việc khai ấn, đóng vào các sắc phong. Ít năm sau đó, với cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, lễ khai ấn bị gián đoạn tới năm 1262, Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại. Rồi thời gian và chiến tranh lại xóa nhòa tất cả.
Năm 1822, vua Minh Mạng cho khắc lại ấn và mở lại lễ khai ấn. Tại phủ Thiên Trường vào lúc bắt đầu giờ Tý ngày 15 tháng giêng hằng năm. Tuy nhiên ấn bây giờ chỉ còn mang tính biểu tượng, trên ấn chỉ khắc chữ “Trần triều điển cố”. Rồi chiến tranh và thời gian làm cho lễ khai ấn rơi vào quên lãng, ấn lại bị thất lạc.
Mãi đến một hai chục năm trở lại đây, lễ khai ấn được phục dựng trở lại với quy mô lớn. Nhiều người quan niệm, muốn thăng quan tiến chức phải đến xin bằng được tờ ấn sớ đền Trần. Và tối 14 tháng giêng hằng năm, người ta lại đổ về đây đông nườm nượp chờ lấy được một tờ ấn sớ, hy vọng sẽ đem lại may mắn trên đường công danh.
Trước khi lễ khai ấn được tổ chức, vào ngày mùng 2 tháng Giêng, Ban quản lý Khu di tích đền Trần thực hiện nghi lễ xin mở ấn để in các lá ấn phục vụ lễ khai ấn. Nội dung lá ấn bao gồm các chữ: “Trần triều điển cố – tích phúc vô cương”’.
Đến 22h ngày 14 tháng Giêng, lễ khai ấn được bắt đầu với nghi thức rước hòm ấn từ nội cung đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Sau khi lễ khai ấn được thực hiện bởi 14 cụ cao niên thôn Tức Mặc (phường Lộc Vượng) kết thúc, khách thập phương vào đền Thiên Trường để tế lễ, xin lá ấn với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài.
Không phải ai về xin ấn đền Trần cũng hiểu được hết ý nghĩa của nghi lễ này. Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là Nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dầy thì được hưởng lộc càng bền vững. Đấy là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn.
Ý nghĩa của ấn chỉ đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu mà vẫn còn một số lầm tưởng rằng, xin ấn để cầu “thăng quan, tiến chức”. Vì vậy, những ai cầm ấn trong tay mà không hiểu bản chất ý nghĩa sâu sắc đó thì ấn cũng chẳng có giá trị gì.
Đền Trần là một quần thể đền thờ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ XV.
Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Cả ba đền đều có kiến trúc chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu.
Đền Thiên Trường được xây trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ họ của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các Thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Đền Trần hiện nay được  người dân địa phương xây bằng gỗ từ năm Chính Hòa thứ 15 (tức năm 1695). Các năm 1773, 1854, 1895, 1907-1908, đền được mở rộng và xây thêm.
Đền Cố Trạch được xây vào năm 1894. Đền Cố Trạch đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Tiền đường của đền Cố Trạch là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo, đó là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa.
Thiêu hương (kinh đàn) là nơi đặt long đình trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Bên trái đặt bài vị các quan văn. Bên phải đặt bài vị của các quan võ.
Đền Trùng Hoa mới được chính quyền tỉnh Nam Định với sự hỗ trợ về kinh phí của Chính phủ xây dựng từ năm 2000. Đền được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị Thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm.
Có mấy loại ấn liên quan đến Lễ khai ấn đền Trần?
Chiếc ấn ngày nay đang được “đóng” vào các ấn sớ phát cho dân trong lễ khai ấn không phải mang chữ “Trần triều điển cố” (được cho là đã bị thất lạc) như trong sử sách ghi về vua Minh Mạng năm 1822, mà lại là chữ “Trần miếu tự điển”, có ý chỉ là chiếc ấn của miếu này chứ không phải là ấn ngày xưa của vua từng khai ấn.
Bên cạnh đó, chiếc ấn đền Trần còn thêm ly kỳ khi năm 2009, người ta còn phát hiện thêm một chiếc ấn khác tại điện Vạn Lộc. Theo PGS.TS Tống Trung Tín cho biết, số ấn tại điện Vạn Lộc là 11 chiếc. Tất cả đều được làm bằng gỗ thị, trong đó quý nhất là chiếc ấn Trần Triều quốc bảo có hình vuông (13,5cm x 13,5cm), chạm giật cấp ít tầng (dày 3,5cm, rìa cạnh để cỡ 0,9cm) được làm bằng gỗ, toàn bộ được sơn son thiếp vàng nhưng đã bị bong tróc nhiều chỗ. Mặt ấn có 4 chữ Trần Triều quốc bảo (ấn báu triều Trần) được khắc kiểu chữ triện (cỡ chữ 5,3cm x 5,3cm). Núm của ấn khắc hình “sư tử hý cầu”, dáng sư tử thon khỏe, đầu ngẩng cao hướng về phía trước, dáng vẻ sinh động.
Ông Nguyễn Văn Thư - Giám đốc Bảo tàng Nam Định, một thành viên trong đoàn nghiên cứu ấn Trần Triều quốc bảo - và nhiều cụ cao niên trong làng thì các con dấu, ván khắc tại điện Văn Lộc do cụ Tuần phủ Thái Bình Trần Gia Du (người dân nơi đây hay gọi là Do) mang về. Chiếc ấn Trần Triều quốc bảo này còn cổ hơn và quý hơn chiếc ấn Trần miếu tự điển đang được thờ tại đền Trần. Nhiều người còn đặt vấn đề có nên đưa ấn này lên đền Trần, thay cho chiếc ấn đang sử dụng hiện nay hay không?
Sự thật ấn cổ nổi tiếng ở đền Trần - 2
Sự thật ấn cổ nổi tiếng ở đền Trần - 3
Nghi lễ trước khi khai hội
Theo tích cổ, cách đền Trần hơn trăm mét có một giếng cổ, nước trong như nước mưa. Người ta lấy nước từ giếng, rước về đền làm lễ. Ngày nay, giếng cổ còn đó, nước giếng vẫn trong vắt, uống ngay được. Mới đây, việc trùng tu hoàn tất, và lễ “rước nước, tế cá” được tổ chức lại sau hàng trăm năm vắng bóng. Ngày 12 tháng giêng âm lịch, tiến hành lễ “rước nước, tế cá”.
Nghi lễ bắt đầu được thực hiện tại đền Cố Trạch bắt đầu từ 6 giờ sáng. Đoàn rước gồm 250 người sẽ tham gia tái hiện các nghi lễ truyền thống vốn đã được thực hiện từ xa xưa tại đền Trần, bao gồm các nghi thức như rước kiệu ra Giếng cổ, lấy nước, đánh bắt và rước cá về đền Thiên Trường. Tại đây sẽ thực hiện nghi thức dâng nước, tế cá, sau đó phóng sinh ra sông Hồng, khu vực phà Hữu Bị.Ý nghĩa của lễ rước nước, tế cá nhằm tri ân công lao của triều đại nhà Trần, tôn vinh nền văn minh lúa nước, đồng thời là một nghi lễ đầu năm mới cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...
Theo Châu Anh (Tiền Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét