Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Thời vua Lê Thánh Tông, lính hầu cũng có thể trở thành tiến sĩ

Thời kỳ vua Lê Thánh Tông trị vì, nhà Vua chủ trương chống tham nhũng, chỉ những bậc hiền tài mới được trọng dụng, kẻ vốn tiến thân bằng “ngoại giao” nịnh bợ không còn đất dụng võ nữa, nạn tham nhũng đang hoành hoành đất nước chẳng mấy chốc bị đẩy lùi và dẹp bỏ.
Vua Lê Thánh Tông trọng dụng hiền tài, lính hầu cũng có thể trở thành tiến sĩ
Vua Lê Thánh Tông. (Ảnh từ nghiencuulichsu.com)
Vua Lê Thánh Tông trị vì tổng cộng 38 năm, là một trong những vị vua cai trị thời bình lâu nhất sử Việt. Ông là một vị vua anh minh, đã giúp Đại Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam và phía Tây và đưa đất nước trở thành một cường quốc ở khu vực Đông Nam Á. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại lời nhận xét về ông thế này:
Vua sáng lập chế độ văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được.
Nói riêng về mặt trọng dụng hiền tài cho Giang Sơn Xã Tắc, nhà Vua Lê Thánh Tông chú trọng khuyến học, các kỳ thi đều tuyển chọn được nhân tài cho triều đình. (Xem bài: Chống tham nhũng từng giúp Đại Việt có được thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”)
Bởi vì Đại Việt lúc bấy giờ, từ Vua đến quan đều một lòng vì dân chúng, khến xã hội ổn định và cường thịnh. Sử sách giai đoạn này có ghi chép rằng “ Ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, hầu như không có trộm cắp”dân gian có câu rằng:
Đời vua Thái Tổ, Thánh TôngThóc lúa đầy đồng, chẳng mất mát chi.
Một xã hội có đạo đức tinh thần cao thì nhân tài cũng từ đó mà đông đảo, ngay cả những người lính hầu cũng có thể xuất khẩu thành thơ. Có thể kể đến hai trường hợp sau:

Nguyễn Toàn An

Bấy giờ vua Lê Thánh Tông lập ra “hội Tao Đàn” quy tụ được 28 người có văn chương lỗi lạc gọi là nhị thập bát tú. Vào đêm trung thu nọ Vua bày tiệc rượu thưởng trăng ở vườn Ngự Uyển, mời các quan viên cùng nhóm nhị thập bát tú đến dự. Thế nhưng tiếc thay đêm hôm ấy có mây kéo đến khiến không thể ngắm trăng, nhà Vua liền truyền: “Không có trăng, thì hãy lấy đó làm đề tài. Các khanh cứ làm thơ, chủ đề là ‘Trung thu vô nguyệt’.”
Vua Lê Thánh Tông trọng dụng hiền tài, lính hầu cũng có thể trở thành tiến sĩ
(Tranh minh họa từ hanbridgemandarin.com)
Trong lúc mọi người còn đang ngẫm nghĩ chọn tứ thả vần, thì anh lính hầu bỗng quỳ xuống trước mặt Vua dâng lên bài thơ vừa làm xong.
Lính hầu mà cũng làm thơ – mọi người khi đó rất ngạc nhiên, có người còn buông lời chế giễu. Nhà Vua đọc thơ thì rất hài lòng: “Bài này đáng liệt vào hàng tuyệt tác, lưu vào thi tập.” Thế rồi nhà Vua ngâm:
Mạc bả kim phiên nhàn kiến nguyệtLai thu vọng nguyệt, nguyệt di cao
Nghĩa là:
Chớ thấy phen này mà rẻ nguyệtThu sau trông nguyệt, nguyệt càng cao
Nhà Vua đọc thơ của anh lính hầu xong cũng cảm khái mà ngâm rằng:
Hùng từ lạn lạn lăng tiêu hán,Diệu cú dương dương khấp quỷ thần.
Tức là:
Tứ thơ rần rật xông Ngân hán (*),Điệu phú oai hùng choáng quỷ thần.
(*) Lời thơ hùng hồn đến át cả sông Ngân hà
Mọi người lúc này đều trầm trồ, hỏi ra mới biết tên người lính hầu là Nguyễn Toàn An, làm tạp dịch, dọn cỏ trong vườn Ngự Uyển.
Vốn là người khuyến khích học tập và trọng dụng nhân tài, vua Lê Thánh Tông đặc cách ban chiếu cho Nguyễn Toàn An được về quê ăn học, đồng thời vẫn được hưởng lương lính.
Chẳng bao lâu đến khoa thi năm Nhâm Thìn (1472), Nguyễn Toàn An đã vượt các các kỳ thi Hương, thi Hội, vào vào đến thi Đình. Nguyễn Toàn An đậu Bảng Nhãn (tức một trong tam khôi: Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa), nức tiếng nơi vùng quê Đông Đoài của ông. Từ đó trong dân gian lưu lại bài thơ mô tả câu chuyện này:
Ngươi Thời Cử trong trần ai tỏ,Một thơ trăng mới lộ anh tài,Ơn trên đèn sách thư trai,Cung thiềm bẻ quế an bài đăng khôi.

Bùi Xương Trạch

Bùi Xương Trạch sống trong gia đình nghèo khó từ bé, nhưng ông ham đọc sách và có khả năng làm thơ. Theo lệ tuyển binh của Triều đình, ông cũng phải xung lính và được xung vào đội cắt cỏ rồi gánh vào thành Thăng Long để nuôi ngựa.
Một lần ông đưa cỏ vào kinh thành đúng vào ngày Rằm tháng 8 năm Bính Thân 1476. Cũng như mọi năm, vua Lê Thánh Tông cùng các quan đại thần bình thơ xướng họa, nhưng trăng lại mờ vì có hiện tượng nguyệt thực. Nhân cảnh này Vua lấy đó làm đề truyền cho các quan làm thơ vịnh.
Anh lính cắt cỏ Bùi Xương Trạch đúng lúc có mặt ở đó liền làm ngay một bài thơ chữ Nôm dâng lên, vua Lê Thánh Tông vừa ngạc nhiên, vừa cảm thấy thú vị liền mở bài thơ ra đọc
Lượt là vằng vặc rạng tơ hào,Phải mịt mù nay vì cớ nao?Nhân bởi hắc vân ngất phủ,Há rằng ngọc thỏ hay lao.Hằng Nga lấy đấy làm rông vát,Thục Đế tuồng ni kẻo ước ao.Mựa đắng đêm nay chẳng thấy nguyệt,Thu qua đông đến quế càng cao.
Bài thơ có gắn cả với một số điển cố và tích truyện. Nhà Vua hết lời khen ngợi, đồng thời cũng cho về quê nhà để trau dồi việc học hành. Đến khoa thi năm Mậu Tuất 1478, Bùi Xương Trạch đỗ tam giáp đồng tiến sĩ.
Vua Lê Thánh Tông trọng dụng hiền tài, lính hầu cũng có thể trở thành tiến sĩ
Vua Lê Thánh Tông cùng triều đình. (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” – Sử dụng dưới sự đồng ý của tác giả)
Bùi Xương Trạch làm quan trải qua 6 đời vua, kinh qua các chức vụ Đông các hiệu thư, Đông các học sĩ, Thiên đô ngự sử, Thượng thư bộ Binh, Chưởng lục bộ, Đô ngự sử, Tri kinh diên sự, Tế tửu Quốc Tử Giám.
Đến năm 1520 đời vua Lê Chiêu Tông, thấy triều chính suy vong, bản thân lại đã già cả, ông viện cớ đau mắt để xin về trí sĩ. Đến năm 1529 ông mất, thọ 79 tuổi. Triều đình truy tặng hàm Thái phó, tước Quảng quận công và ban tên thụy là Văn Lượng.
Trần Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét