Ngai vàng trở thành thử thách lớn
Trong lịch sử dân tộc thì trường hợp lên ngôi của vua Lê Đại Hành thật đặc biệt, nhận được nhiều lời khen chê của hậu nhân. Bên cạnh đó, ngai vàng còn giống như một thử thách to lớn: chống đỡ cuộc tấn công của quân Tống hùng mạnh muốn giành lấy mảnh đất Giao Châu.
Điềm lạ
Lê Hoàn sinh vào ngày rằm Trung Thu 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) ở vùng Ái Châu (Thanh Hóa), cha là ông Lê Mịch, mẹ là bà Đặng Thị.
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép câu chuyện Lê Hoàn được sinh ra như sau:
… khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua. Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: “Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”. Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: “Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được”. Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Có đêm mùa đông trời rét, vua úp cối mà ngũ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng.
Lớn lên Lê Hoàn theo giúp Nam Việt Vương Đinh Liễn dẹp loạn các sứ quân, rất được Đinh Liễn trọng dụng. Khi Đinh Liễn từ Cổ Loa về Hoa Lư gặp lại cha mình là Đinh Bộ Lĩnh, liền giới thiệu với cha về Lê Hoàn, từ đó Lê Hoàn rất được Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng trong việc đánh dẹp các sứ quân còn lại, thống nhất giang sơn.
Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, tước hiệu là Đinh Tiên Hoàng, tên nước là Đại Cồ Việt. Năm 971, Đinh Tiên Hoàng bắt đầu quy định cấp bậc văn võ. Lê Hoàn được tin tưởng giao chức Thập đạo tướng quân, tức tổng chi huy quân đội. Đây là chức quan võ cao nhất.
Lên ngôi – Cướp ngôi?
Năm 979 diễn ra sự kiện chi hậu nội nhân Đỗ Thích làm phản giết hại cả vua Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Đinh Liễn, con thứ là Đinh Toàn lên ngối ngôi nhưng mới chỉ 6 tuổi, nên Lê Hoàn làm nhiếp chính, xưng là Phó Vương. Sự kiện này gây ra rất nhiều tranh cãi cho hậu thế, có một số nhà nghiên cứu cho rằng Lê Hoàn cùng hoàng hậu Dương Vân Nga âm mưu làm phản (Xem bài: Nhìn nhận về những lời tiên tri xoay quanh việc vua Đinh Tiên Hoàng bị mưu sát).
Cũng năm 979, nhóm đại thần trong triều đình là những người bạn thân thiết của Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú cho rằng Lê Hoàn có ý muốn cướp ngôi vua nên đã dấy binh chống lại. Với tài thao lược của mình, Lê Hoàn đã đánh bại nhóm đại thần này.
Bàn về sự kiện nội chiến trên, các nhà chép sử có cái nhìn rất khác nhau:
Lê Văn Hưu bàn: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họ Lý.
Ngô Sĩ Liên bàn: Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy. Lời bàn của Văn Hưu lại đánh đồng với hàng loạn tặc, khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho những kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, vì thế không thể không biện bác.
Điều đáng ghi nhận về Lê Đại Hành là ông đã không đuổi cùng giết tận đối với hậu nhân của các đại thần trong triều, lại trao cho họ chức vị quan trọng. Hành động này cho thấy Lê Đại Hành vẫn là người xem trọng đại cục, cũng biết thực thi nhân nghĩa (Xem bài: Cuộc nội chiến bi hùng năm 979 ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc).
Lúc này ở phương Bắc, nhà Tống đã đánh bại các cát cứ trong nước, thống nhất Trung Hoa. Tháng 5/980, sứ nhà Tống là Lư Tập đến Hoa Lư, thăm dò nội tình, sau đó trở về báo lại tình hình rồi ren ở xứ Giao Châu.
Tháng 6 năm Canh Thân 980, trấn thủ Ung Châu là Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo dâng lên Tống Thái Tông “Đắc Giao Châu sách” (tức kế sách lấy Giao Châu). Kế sách này nêu rõ Giao Châu đang rồi ren, vua mới mất, con mới lên ngôi còn nhỏ, trong nước lại xảy ra binh biến, đây là thời cơ tốt nhất để đánh đoạt lấy, đồng thời xin được về triều để bẩm báo trực tiếp lên Tống Thái Tông.
Thế nhưng Tể tướng Lư Đa Tốn lại cho rằng việc để Hầu Nhân Bảo về bẩm báo rất mất thời gian. Hơn nữa Đinh Liễn, người đã được chính hoàng đế nhà Tống phong chức, lại bị hại. Việc phong Liễn cho thấy nhà Tống thừa nhận ngôi vị của Liễn. Đây là nguyên nhân chủ yếu mà nhà Tống dựa vào để đem quân tiến đánh Giao Châu.
Tháng 8 năm 980, hoàng đế nhà Tống xuống chiếu đem quân sang, nhưng vẫn sai Lư Đa Tốn đem thư nói rằng:
Ngươi có theo về hay không, chớ mau chuốc lấy tội. Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ quân lính, truyền hiệu lệnh chiêng trống. Nếu chịu theo giáo hóa, ta sẽ tha tội cho, nếu trái mệnh ta sẽ sai quân đánh. Theo hay chống, lành hay dữ, tự ngươi xét lấy
Trong khi đó, Tống Thái Tông cử Hầu Nhân Bảo cùng các tướng Trần Khâm Tộ, Tôn Toàn Hưng, Triệu Phụng Huân, Quách Quân Biện, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn… chuẩn bị tập hợp quân thủy bộ tiến đánh Giao Châu.
Quan trấn thủ Lạng Sơn gấp gáp đến kinh thành Hoa Lư báo tin quân Tống đang chuẩn bị tấn công. Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi chép như sau:
Quan giữ đất Lạng Châu (vùng Lạng Sơn và Quảng Ninh ngày nay) đem việc đó (tức việc Tống đánh Đại Cồ Việt) tâu lên, Dương Thái Hậu bèn sai Lê Hoàn tuyển lựa dũng sĩ để chống lại. Triều đình cho Phạm Cự Lượng (em của Phạm Hạp, người từng theo nhóm đại thần chống Lê Hoàn) làm Đại Tướng, được quyền bày mưu tính kế đánh giặc. Phạm Cự Lượng cùng các tướng, mặc nguyên quân phục, vào thẳng nội điện, nói thẳng với mọi người rằng:
– Thưởng người có công, trị người phạm tội, ấy là phép dùng binh. Nay, chúa thượng thì thơ ấu, dẫu bọn ta có liều chết mà đánh rồi may lập được chút công lao, thì ai sẽ là người biết cho? Vậy thì chi bằng trước hãy tôn ngay quan Thập Đạo Tướng Quân (tức Lê Hoàn) lên ngôi Thiên Tử rồi sau đó mới xuất quân.
Quân sĩ nghe vậy thì đều tung hô “vạn tuế”. Dương Thái Hậu cũng một lòng mến phục, liền sai lấy tấm Long Cổn khoác lên người Lê Hoàn, rồi cũng chính Dương Thái Hậu khuyên Lê Hoàn lên ngôi. Lê Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, giáng Hoàng Đế là Đinh Toàn xuống làm Vệ Vương như cũ.
Dẫu việc lên ngôi của Lê Hoàn được chính sử chép là vậy thì nghĩa vua tôi của ông cũng không được trọn, lẽ đâu vì tướng dưới sợ không có ai ghi công lao mà người phụ chính lại chiếm ngôi? Nếu so ra thì ông kém Lý Thường Kiệt, một vị tướng tài gồm thâu công trạng, uy danh hiển hách, đánh Tống bình Chiêm, hai lần làm tể tướng dưới thời Lý Nhân Tông và là một trong 3 người phụ chính khi vua còn nhỏ tuổi. Sau này việc Lê Hoàn phong Dương Vân Nga làm hoàng hậu cũng gặp phải sự chỉ trích nặng nề, vì ông không chỉ lấy ngôi vua, mà còn cướp cả mẹ vua.
Chuẩn bị đánh Tống
Mùa đông, tháng 10, Lê Đại Hành sai nha hiệu là Giang Cự Vọng, Vương Thiệu Tộ đưa thư sang nước Tống giả làm thư của [Vệ Vương] Toàn thỉnh cầu nối ngôi cha, xin ban cho mệnh lệnh chính thức, ý muốn hoãn binh nhà Tống.
Vua Tống lại tiếp tục đưa thử trả lời, trong thư có đoạn:
Họ Đinh truyền nối ba đời, trẫm muốn cho Toàn (tức Đinh Toàn) làm thống soái, khanh làm phó. Nếu Toàn tướng tài chẳng có, vẫn còn trẻ con, thì nên bảo cả mẹ con cùng thân thuộc sang quy phụ. Đợi khi bọn họ vào chầu ắt sẻ có điễn lễ ưu đãi và sẻ trao cờ tiết cho khanh. Nay có hai đường, khanh nên chọn một (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Vậy nhưng Lê Đại Hành đều không chọn. Ông tranh thủ thời gian tập trung binh lực chuẩn bị đánh Tống. Nhiều tuyến phòng thủ được xây dựng, đáng chú ý nhất là tuyến phòng thủ Bình Lỗ. Đồng thời vua Lê Đại Hành cũng cho cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng và một số sông khác để đối phó quân Tống.
Lúc gian nan bỗng vẳng tiếng “Nam quốc sơn hà”
Trong lịch sử dân tộc thì trường hợp lên ngôi của vua Lê Đại Hành thật đặc biệt, nhận được nhiều lời khen chê của hậu nhân. Bên cạnh đó, ngai vàng còn giống như một thử thách to lớn: chống đỡ cuộc tấn công của quân Tống hùng mạnh muốn giành lấy mảnh đất Giao Châu.
Đầu năm 981, quân Tống tiến sang Đại Cồ Việt. Về quá trình điều quân của quân Tống và việc kháng cự của nước ta trong giai đoạn này, thì có rất nhiều nguồn sử liệu có mâu thuẫn với nhau, có nguồn nói quân Tống tiến qua Lạng Sơn, có nguồn lại mô tả tiến men theo vùng ven biển, sự tham gia của các cánh viện binh cũng có sự chênh lệch không thống nhất. Căn cứ so sánh Việt sử và Tống sử, căn cứ vào sự xuất hiện của thủy quân Tống trong trận đánh sông Lục Đầu, dưới đây chỉ xin mạn phép được đưa ra một kịch bản phù hợp với mô tả của lịch sử.
Nhà Tống chủ trương chỉ huy động quân số trong các vùng Ung Quảng và Kinh Hồ, nhưng chia ra hai đợt. Đợt đầu điều quân ở vùng Ung Quảng, dự định đến khoảng cuối thu năm Canh Thìn (980) có thể cho tiến vào đất Giao Châu. Đợt sau điều quân ở vùng Kinh Hồ sang tiếp viện, do Phó chỉ huy Giao Châu hành doanh là Hứa Trọng Tuyên cùng bên thuỷ là tướng Lưu Trừng và bên bộ là Trân Khâm Tộ nhận quân trực tiếp chỉ huy.
Ở đợt điều quân đầu tiên của nhà Tống, Hầu Nhân Bảo chỉ huy thủy quân tiến vào cửa Bạch Đằng. Trong trận Bạch Đằng đầu tiên này, quân Đại Cồ Việt đã thất bại, không những không ngăn được quân Tống mà còn bị thương vong nhiều. Quân Tống lấy được 200 thuyền, tiêu diệt hơn 1.000 quân lính Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành phải rút về vùng Xạ Sơn (huyện Kinh Môn), An Lạc (huyện Chí Linh, Hải Dương) củng cố lại thế trận, đồng thời gửi thư trá hàng.
Trong khi đó, sau khi trận Bạch Đằng xảy ra, Tôn Toàn Hưng mới chỉ huy lục quân tới Hoa Bộ. Tại Hoa Bộ, lục quân Tống đã gặp và giao tranh với quân Đại Cồ Việt. Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đào chép rằng quân Tống đã đánh bại “hơn vạn quân Giao Chỉ, chém được 2.345 đầu giặc”.
Trận chiến sông Lục Đầu: Lúc gian nan bỗng vẳng tiếng “Nam quốc sơn hà”
Tháng 2/981, Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng chỉ huy quân thủy bộ tiến theo sông Kinh Thầy đến sông Lục Đầu.
Nhận được tin báo quân Tống di chuyển đến sống Lục Đầu, vua Lê Đại Hành đích thân chỉ huy ba quân trấn giữ con sông này. Tuyến phòng thủ được xây dựng từ sông Đại La đến sông Lục Đầu nhằm ngăn quân Tống vào thành Đại La. Tại sông Lục Đầu, quân Việt xây dựng được căn cứ Phù Lan với nhiều bãi cọc để ngăn thuyền quân Tống.
Quân Tống đến sông Lục Đầu, các thuyền chở quân Tống đổ bộ lên bờ lập trại rồi tiến đánh quân Việt. Hai bên giao trận rất ác liệt, quân Tống cố chọc thủng phòng tuyến quân Việt nhằm tiến đến thành Đại La nhưng chưa được.
Theo sách Lĩnh Nam chích quái thì giữa lúc cuộc chiến ác liệt nhất, thì vua Lê Đại Hành mộng thấy hai thần nhân ở trên sông vái mà nói rằng họ là Trương Hống, Trương Hát xưa theo Triệu Việt Vương; nay xin cùng nhà vua đánh giặc để cứu sinh linh. Vua Lê Đại Hành tỉnh dậy liền đốt hương khấn cầu thần giúp. Đêm ấy thấy một người dẫn đoàn âm binh áo trắng và một người dẫn đoàn âm binh áo đỏ từ phía Bắc sông Như Nguyệt mà lại cùng xông vào trại quân Tống mà đánh. Quân Tống kinh hoàng, thần nhân tàng hình trên không, lớn tiếng ngâm rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.
Lời thờ văng vẳng rõ ràng khẳng định chủ quyền dân tộc, khích lệ quân sĩ, giúp quân Đại Cồ Việt được tiếp thêm sức mạnh đánh quân Tống đại bại phải tháo chạy.
Sau này bài thơ Nam quốc sơn hà còn xuất hiện cuộc chiến Tống – Việt lần thứ hai (Xem bài: Không phải của Lý Thường Kiệt, bài thơ Nam quốc sơn hà có từ bao giờ?), lần này có hơi khác một chút:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Không sao chiếm được Lục Đầu, quân Tống bị thiệt hại nặng nề về người và thuyền nên phải rút về các vùng xung quanh sông Bạch Đằng chờ thêm quân tiếp viện. Sông Lục Đầu vì thế còn gọi là sông Đồ Lỗ (“đồ” nghĩa là giết, “lỗ” là chỉ quân Tống).
Sau trận Đồ Lỗ, tinh thần quân Tống sa sút, tướng Tôn Toàn Hưng cho quân về Hoa Bộ để chờ viện binh trong đợt điều quân lần thứ hai của nhà Tống, bất chấp sự thúc giục của Hầu Nhân Bảo.
Trận Bình Lỗ: Chủ tướng Hầu Nhân Bảo tử trận
Mãi đến tháng 4/981, thủy quân tăng viện của Lưu Trừng mới đến sát cánh với quân của Hầu Nhân Bảo, quân Tống lại có thêm lục quân tăng viện của Trần Khâm Tộ, nên mạnh lên nhiều. Quân của Trần Khâm Tộ đã chọc thủng phòng tuyến của quân Đại Cồ Việt, đến thẳng Tây Kết (bên sông Hồng, thuộc địa phận huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên ngày nay).
Lúc này quân Tống muốn chiếm thành Đại La phải qua Bình Lỗ (gần sông Cà Lồ). Trong cuốn “Thiền Uyển Tập Anh” có ghi chép rằng vua Lê Đại Hành đã cử thiền sư Khuông Việt đến Bình Lỗ để chuẩn bị một trận địa mai phục đánh Tống.
Trong trận này, vua Lê Đại Hành đã dùng kế sách trá hàng để dụ quân Tống. Cuốn Đại Việt Sử lược mô tả:
“Vua tự làm tướng đem quân ra chống cự. Vua cho cắm cọc cứng dưới sông.Quân Tống rút về giữ mặt Ninh Giang. Vua sai người sang trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo. Quân Tống thua trận, Hầu Nhân Bảo bị bắt và bị chém. Bọn Trần Khâm Tộ nghe tin thất trận phải rút lui.”
Về việc vua Lê Đại Hành trá hàng rồi bắt và chém được Hầu Nhân Bào, nhà nghiên cứu Trần Bá Chí dẫn các nguồn từ sử Trung Quốc và Việt Nam cho rằng: Lê Đại Hành đã gửi thư trá hàng rồi lập đài tuyên thệ. Hầu Nhân Bảo tưởng thật liền cho thuyền đến, thì bất ngờ bị thủy quân Đại Cồ Việt đổ ra chia cắt khỏi quân bảo vệ, rồi quân tinh nhuệ của Đại Cồ Việt xông vào giết chết.
Tống sử cũng ghi chép rằng: “Lê Hoàn giả vờ xin hàng, mà Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng cứ tưởng là thật…”
Sách Thiền Uyển Tập Anh còn mô tả rằng: “Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ.”
Trần Hưng Đạo lúc sắp mất cũng nhắc đến tầm quan trọng của thành Bình Lỗ: “Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống…”
Nghe tin Hầu Nhân Bảo bị giết, Tôn Toàn Hưng hoảng hốt dẫn quân bỏ chạy, cánh quân Trần Khâm Tộ ở Tây Kết cũng lo sợ rút lui. Vua Lê Đại Hành nhận đuộc tin báo liền cho quân truy kích tiêu diệt quá nửa.
Các tướng lĩnh nhà Tống thua trận chạy về nước đều bị trị tội, “Tục tư trị thông giám trường biên” của Lý Đào có ghi chép rằng Lưu Trừng và Giả Thực đều bị giết bêu đầu ở chợ Ung Châu, Tôn Toàn Hưng bị giam rồi bị khép vào tội chết, các tướng khác đều bị giáng chức.
Thiên ngoại hữu thiên
Sau khi đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tống năm 981, Đại Cồ Việt vẫn chưa yên khi phía Nam Chiêm Thành vốn có quan hệ tốt với nhà Tống vẫn luôn tìm cơ hội tiến đánh Đại Cồ Việt.
Đánh bại Chiêm Thành, thị uy với nhà Tống
Sau cuộc chiến chống quân Tống thắng lợi, năm 982, vua Lê Đại Hành cử sứ giả đi Chiêm Thành nhằm giữ quan hệ hòa hảo giữa hai nước. Tuy nhiên vua Chiêm là Tỳ Mi Thuế vốn đã có quan hệ với nhà Tống, liền bắt giữ sứ giả và sẵn sàng tuyên chiến với Đại Cồ Việt.
Vua Lê Đại Hành quyết định thân chinh đưa binh tiến đánh Chiêm Thành. Trước khi lên đường, nhà vua vẫn cẩn thẩn hỏi thiền sư Vạn Hạnh xem có nên xuất binh không, thiền sư trả lời rằng đây là cơ hội tốt đừng để vuột mất.
Vua tiến binh sang Chiêm Thành, vua Chiêm chống lại, chiến trận diễn ra ở vùng Bình Trị Thiên ngày nay. Kết quả là vua Chiêm bị chém ngay giữa trận tiền, quân Chiêm thua to, quân Việt đánh chiếm được kinh thành. Từ đó Chiêm Thành quy thuận Đại Cồ Việt.
Vua Lê Đại Hành dâng một số lễ vật lấy ở Chiêm Thành cho hoàng đế nhà Tống để thị uy, động thái ngoại giao này khiến nhà Tống rất e ngại Đại Cồ Việt.
Thiên ngoại hữu thiên
Năm 987, Tống Thái Tông cử Lý Giác là một người rất sành thơ đi sứ Giao Châu. Vua Lê Đại Hành hay tin liền cử thiền sư Đỗ Pháp Thuận làm người lái đò đến đón sứ nhà Tống.
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại câu chuyện đặc biệt về Lý Giác và thiền sư. Số là khi thuyền đang đi trên sông Kinh Thầy (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay) thấy có đôi con ngỗng bơi trên măt nước, Lý Giác nổi hứng liền ngâm hai câu thơ sau:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
Dịch là:
Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,
Ngữa mặt nhìn chân trời.
Ngữa mặt nhìn chân trời.
Thiền sư Pháp Thuận đang chèo thuyền liền ứng khẩu như sau:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.
Hồng trạo bãi thanh ba.
Dịch là:
Nước lục phô lông trắng,
Chèo hồng sóng xanh bơi
Chèo hồng sóng xanh bơi
Thấy một người lái đò cũng biết làm thơ, Lý Giác cảm thấy khâm phục, về đến sứ quán liền làm một bài thơ như sau:
Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du,
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.
Có nghĩa là:
May gặp thời bình được giúp mưu,
Một mình hai lược sứ Giao Châu.
Đông Đô mấy độ còn lưu luyến,
Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu.
Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm,
Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu.
Ngoài trời lại có trời soi nữa,
Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu
Một mình hai lược sứ Giao Châu.
Đông Đô mấy độ còn lưu luyến,
Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu.
Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm,
Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu.
Ngoài trời lại có trời soi nữa,
Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu
Trong đó “Ngoài trời lại có trời soi nữa” lấy ý thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân, có ý khen nhân tài và đất nước Đại Cồ Việt. Thiền sư Đỗ Thuận chép lại bài thơ này rồi về dâng tặng vua Lê Đại Hành. Vua xem thì rất hài lòng, bèn sai Khuông Việt làm một bài thơ tiễn sứ nhà Tống về nước, tạm dịch như sau:
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,
Dao vọng thần tiên phục đế hương
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang,
Cửu thiên quy lộ trường.
Tình thảm thiết.
Đối ly trường,
Phan luyến sử tinh lang.
Nguyện tương thâm ý vị biên cương,
Phân minh tấu ngã hoàng
Dao vọng thần tiên phục đế hương
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang,
Cửu thiên quy lộ trường.
Tình thảm thiết.
Đối ly trường,
Phan luyến sử tinh lang.
Nguyện tương thâm ý vị biên cương,
Phân minh tấu ngã hoàng
Dịch là:
Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương,
Thần tiên lại đế hương.
Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương,
Về trời xa đường trường.
Tình thắm thiết,
Chén lên đường,
Vin xe sứ vấn vương.
Xin đem thâm ý vì Nam cương,
Tâu vua tôi tỏ tường
Thần tiên lại đế hương.
Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương,
Về trời xa đường trường.
Tình thắm thiết,
Chén lên đường,
Vin xe sứ vấn vương.
Xin đem thâm ý vì Nam cương,
Tâu vua tôi tỏ tường
Năm ấy Đại Cồ Việt được mùa to.
Đánh Tống bình Chiêm
Theo Tống sử năm 990, vua Lê Đại Hành cho quân tiến đánh châu Đại Lý của Chiêm Thành, bắt được nhiều tù binh và tịch thu của cải. Cũng năm này hoàng đế nhà Tống cho sứ đến phong cho vua Lê hai chữ “đặc tiến”, thế nhưng khi sứ nhà Tống còn chưa sang, vua Lê Đại Hành đã cho 9 chiến thuyền cùng 300 quân qua tận đất Tống ở Liên Châu (Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) để đón sứ, dùng quân để tỏ rõ uy danh Đại Cồ Việt khiến sứ nhà Tống phải dè chừng.
Khi đến kinh đô Hoa Lư, vua Lê bố trí sẵn đại quân trang phục chỉnh tề, gươm giáo sáng loáng tập trận tên các sườn núi, trống trận nổi lên sĩ khí reo hò dậy đất; phía dưới sông nhiều chiến thuyền với tinh kỳ bay rợp trời đất, khiến sứ thần nhà Tổng cả sợ.
Theo quy định thì vua Lê Đại Hành phải quỳ xuống khi nhận sắc phong của thiên triều, thế nhưng nhà vua nhất quyết không quỳ và giải thích rằng “đích thân đánh giặc Mán, ngã ngựa đau chân nên không quỳ được”. Sứ nhà Tống không làm gì được, lại đã tận mắt thấy binh lực hùng hậu của Đại Cồ Việt nên bỏ qua.
Vua Lê dùng đại tiệc tiếp đãi sứ giả và cho xem màn biểu diễn binh lính đánh hổ, nhằm cho sứ giả thấy sức mạnh binh sĩ.
Các năm 995, 997, Chiên Thành cho quân tiến đánh Đại Cồ Việt, chiến trận xảy ra ở biên giới, lần nào Chiêm Thành cũng bị bại trận phải rút trở về.
Để khẳng định thế mạnh của Đại Cồ Việt, vua Lê Đại Hành cũng cho quân tiến đánh nhà Tống. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép rằng, năm 996, hơn 100 chiến thuyền Đại Cồ Việt tiến đánh trấn Châu Hồng (Khâm Châu) của nhà Tống. Tống Thái Tông được tin không những làm lơ mà còn sai sứ giả là Lý Nhược Chiếu mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho vua Lê.
Khi sử giả đến, vua Lê Đại Hành nói thẳng thừng rằng: “Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở ngoài, Hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi đâu”.
Phiên Ngung là địa danh thuộc tỉnh Quảng Châu, còn Mân Việt là tỉnh Phúc Kiến ngày nay. Vua Lê nhắc nhở nhà Tống rằng những vùng đất đó đều là của người Bách Việt có được thời xưa.
Khi quan tướng nước Tống quấy nhiễu ở biên giới với Đại Cồ Việt vào năm 997, chính hoàng đế nhà Tống đã xử tội những người này.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép sự việc này như sau: “Nhà Tống xử tội bọn Trương Quan, Quan đã ốm chết, chém Vệ Chiêu Mỹ ở trấn Như Hồng”.
Xây dựng giao thông đường thủy
Sử Việt cũng ghi nhận vua Lê Đại Hành là vị vua đầu tiên tổ chức đào sông nhằm mở mang giao thông đường thủy. Năm 980, để thuận tiện giao thông vào phương Nam, vua đã cho đào lại khúc sông nối sông Đáy và sông Hát.
Năm 984, vua sai vét các kênh từ núi Đồng Cổ (Yên Định, Thanh Hóa) đến sông Bà Hòa (Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Năm 992, vua cho đắp đường bộ từ cửa biển Nam Giới (cửa Sót thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đến châu Địa Lý (nay thuộc tỉnh Quảng Bình).
Năm 1003, vua cho đào kênh Đa Cái (Hưng Nguyên, Nghệ An) đến thẳng Tư Củng Trường ở Ái Châu.
Năm 1003, Đại Cồ Việt hoàn tất con đưởng thủy dài 250 km được bắt đầu từ năm 982, chạy đến vùng cực Nam hết vùng đất Diễn Châu.
Những công trình này không chỉ giúp thông thương buôn bán, vận chuyển hàng hóa, mà còn giúp quân đội dễ dàng hơn trong các cuộc tiến binh đánh Chiêm Thành.
Tháng 3/1005, vua Lê Đại Hành mất ở điện Trường xuân. Nhận định về Lê Đại Hành, cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép nhận định của Lê Văn Hưu:
Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn.
Còn sử gia Ngô Sĩ Liên thì nhận định rằng:
Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bật anh hùng nhất đời vậy. Song trong khi làm nhiếp chính mà tự xưng là Phó Vương, dẫn đến việc bọn Điền, Bặc phải khởi binh, lên ngôi vua thì phải nhờ bọn Cự Lạng đem binh đến uy hiếp, làm cung điện thì lấy vàng, bạc mà trang sức. Phàm những việc như thế thì không bằng Lý Thái Tổ biết nghĩ xa hơn. Văn Hưu nói lấy đức của nhà Lý mà soi đức của nhà Lê thì [đức của Lý] dày hơn, há chẳng đúng sao!
Trần Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét