Mua bao nhiêu, bán bấy nhiêu
Đều đặn 4 giờ sáng mỗi ngày, trước số nhà 90 Bình Tiên (P.3, Q.6, TP.HCM) xuất hiện bóng dáng của cụ bà hơn 80 tuổi tất bật mở hàng. Đó là gánh cháo đậu của bà Phùng Thị Để (83 tuổi) mà người ta hay gọi với cái tên thân thương: Bà Bảy cháo đậu.
Nồi cháo đậu dẻo có màu sắc bắt mắt
|
Gánh cháo của bà đơn sơ. Hai bên quang gánh một bên để nồi cháo đậu, một bên để nồi nước cốt dừa và mấy túi đồ chua nhỏ ăn kèm với cháo. Phía trước, bà đặt cái bàn nhỏ vừa để mấy bát đồ chua vừa để khách đến ăn có chỗ ngồi. Gánh hàng của bà gợi lại trong tôi cảm giác xưa cũ. Mọi thứ đơn giản, nhẹ nhàng chào ngày mới.
Bà Bảy làm nghề buôn bán đã lâu. Trước khi bán cháo đậu, bà theo các chị bán trái cây, xôi chè. Một lần, bà dẫn các con đi ăn món này rồi gặng hỏi công thức về làm theo. Ấy vậy mà cái duyên với nồi cháo đậu theo bà đến bây giờ.
Bà Bảy gợi lại trong mỗi thực khách ghé ăn hình ảnh của người bà tảo tần, trìu mến
|
Qua nhiều năm buôn bán, bà Bảy cũng hiểu được tâm lý khách hàng. Gánh cháo đậu chẳng có bảng giá, bởi giá cả phụ thuộc vào mong muốn của khách. “Bao nhiêu cũng bán hết á! 3 ngàn, 5 ngàn, 7 ngàn, hay 10 ngàn tùy theo người ta muốn ăn như thế nào”, bà Bảy chia sẻ. Mỗi loại giá khác nhau thì bà canh chỉnh lượng cháo, 10 ngàn thì đầy, 7 ngàn vơi chút, 5 ngàn thì nửa tô.
Khách đến mua chủ yếu mang đem về.Dù tuổi đã cao nhưng cách bà Bảy múc cháo vẫn nhanh nhẹn, gọn gàng. Mỗi ngày bà bán trung bình từ 3 - 4 kg đậu, 4 giờ sáng ra ngồi đến 8 giờ là hết cháo.
Các loại đồ chua ăn kèm với cháo. Dưa được bà Bảy mua về, xắt nhỏ rồi trộn đường, mắm
Trịnh Thanh
'Làm được tới đâu hay tới nấy'
Bà có 6 người con, ai cũng yên bề gia thất, cháu chắt cũng đã lớn. Nhưng cuộc sống khốn khó, “con nó làm không đủ sống thì làm sao nuôi mình được. Sống ở Sài Gòn đây không làm thì sao đủ ăn”, bà chia sẻ. Đã ngoài 80 tuổi, cái tuổi đáng lý bà được nghỉ ngơi thì ngày ngày tất bật với nồi cháo. “Mệt cũng phải bán, chứ con nó đâu có tiền nuôi mình. Giờ làm được tới đâu hay tới nấy. Đủ tiền chợ búa thôi, chứ cũng không dư giả nhiều”, bà Bảy bộc bạch.
Nồi nước cốt dừa thơm nức mũi. Lúc nào trong nồi cũng có vài cái lá dứa cho nước cốt dừa càng dậy thêm mùi thơm
|
Mỗi ngày, bà dậy từ 1 giờ 30 phút sáng để nấu cháo và chuẩn bị món ăn kèm. Mọi thứ đều do bà tự chuẩn bị. Chia sẻ cách nấu cháo, bà nói: “Nấu đậu mềm trước rồi cho gạo đã rửa sạch vô. Nấu sao thì mình có tính toán hết rồi, tùy lượng đậu thế nào mà mình cho lượng gạo tương ứng”. Ngoài cháo, bà còn chuẩn bị các món đồ chua như dưa củ cải, dưa mắm và dưa cải chay. Đồ chua ăn kèm vừa kích thích vị giác vừa giúp món cháo không bị ngán.
Bà Bảy nấu cháo đậu không hoặc nêm rất ít gia vị nên lúc nào cũng có chén muối vừng, mè để cháo thêm đậm đà
|
Điểm đặc biệt trong tô cháo đậu của bà Bảy chính là nước cốt dừa. Bà dùng bột năng và bột gạo để nước cốt dừa đặc sệt. “Mình vắt không thì nước nó lỏng lẻo, không chan lên cháo được. Cháo đậu phải có nước cốt dừa như vậy mới thơm, ngon”, bà Bảy cho biết.
Bên cạnh đó, bà Bảy còn có kinh nghiệm trong việc tính toán lượng nước cốt dừa. Ông Hồ Ngọc Hải (62 tuổi, con trai bà Bảy) cho biết: “Bà hay món nước dừa lắm! Bà lường được nay bao nhiêu ký gạo thì làm bao nhiêu nước cốt. Thừa nước cốt dừa thì mình cho người ta được, chứ thừa cháo không thì bán được cho ai”.
Khách tới ăn chẳng câu nệ chỗ ngồi, bàn ghế sang trọng. Cứ ngồi quanh nồi cháo đậu mà thưởng thức món ăn bình dân, giản dị
|
Chị Trần Thị Mai Loan (52 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) hào hứng chia sẻ: “Rất là ngon! Món này chỉ có những người xưa như bà mới bán như vầy thôi. Hồi nhỏ tôi hay ăn như thế này lắm, tối hôm qua con gái mở clip coi nên nay mới đi kiếm bà đó”. Hai vợ chồng chị đã dậy từ sớm, chạy xe qua với mong muốn được thưởng thức món ăn này.
Gần 8 giờ là cháo cạn nồi. Bà Bảy dọn dẹp đồ đạc để ông Hải đem về. Lưng đã còng, tai mắt đã yếu nhưng vì cuộc sống bà vẫn phải vất vả mưu sinh
|
Bà Dung (70 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) là vị khách không... may. Bà vừa tới nơi thì cháo đã hết, đành ngậm ngùi tiếc rẻ lần sau quay lại
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét