Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

Thành cổ Nam bộ: Dấu tích thành Gia Định


Trung tâm hành chính Gia Định có từ những năm 1623 với các đồn thu thuế đầu tiên của chính quyền chúa Nguyễn đặt tại khu vực Cầu Kho, Q.1, TP.HCM hiện nay.
Bản đồ gốc thành Gia Định vẽ ngày 4.12.1815 bởi 
Chánh giám thành sứ Trần Văn Học trình lên vua Gia Long 
  /// Ảnh: tư liệu của tác giả
Bản đồ gốc thành Gia Định vẽ ngày 4.12.1815 bởi Chánh giám thành sứ Trần Văn Học trình lên vua Gia Long
Ảnh: tư liệu của tác giả
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Gia Định, phủ lỵ được đặt tại thôn Tân Khai (nay thuộc vị trí khu vực đường Hàm Nghi, Nguyễn Trung Trực).
Năm 1775, trước sự tấn công của chúa Trịnh và phong trào Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã phải rời bỏ Phú Xuân và chọn Gia Định làm nơi định đô, biến nơi đây thành trung tâm quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa cho đến trước khi hoàn thành nhiệm vụ đại định thiên hạ (1802).

Cấu trúc và quy mô thành Gia Định

Sự kiện Nguyễn Ánh cho xây dựng thành Gia Định (còn gọi là thành Bát Quái, thành Quy, thành Phiên An) được chính sử triều Nguyễn ghi chép như sau: Ngày Kỷ Sửu, tháng 3 năm 1790, đắp thành đất Gia Định. Vua thấy thành cũ ở thôn Tân Khai chật hẹp, bàn mở rộng thêm. Dụ rằng: “Vương công giữ nước, tất phải đặt nơi hiểm yếu trước. Nay đất Gia Định mới thu phục, cần sửa thành trì cho bền vững để chỗ dựa được vững mạnh”.


Nguyễn Ánh huy động hơn 3 vạn dân phu và chủ yếu sử dụng đá ong Biên Hòa để xây thành, hẹn trong 10 ngày đắp xong. Thành đắp theo kiểu thành Vauban phương Tây (do Oliver de Puymanel, một kỹ sư công binh người Pháp được Nguyễn Ánh giao thiết kế và chỉ huy xây dựng), mở tám cửa, ở giữa là cung điện, bên tả dựng nhà Thái Miếu, phía sau miếu là kho tàng, bên hữu đặt cục chế tạo, chung quanh là nhà tranh cho quân túc vệ ở. Giữa dựng kỳ đài ba tầng, trên làm tòa vọng đẩu bát giác, ban ngày kéo cờ, ban đêm thì kéo đèn làm hiệu lệnh cho các quân. Thành đắp xong, gọi tên là Kinh thành Gia Định.
Năm 1800, Gia Long đổi tên Kinh thành Gia Định thành trấn Gia Định. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có các ghi chép rất chi tiết về quy hoạch, cấu trúc, hệ thống các công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng của thành Gia Định cũng như hoạt động thị dân trong thành vào năm 1816.
Các nguồn tư liệu bản đồ cho thấy, để bảo vệ thành Gia Định, phía trước còn có hai đồn binh lực lớn án ngữ cửa sông Sài Gòn gọi là đồn Cá Trê (Giác Ngư) nằm bên trái trong khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay và đồn Thảo Câu nằm bên phải khu vực Cảng Sài Gòn hiện nay. Cả hai dấu tích này đều đã bị phá hủy bởi hoạt động xây dựng thời hiện đại mà không có bất kỳ một cuộc khảo sát nào.
Thành cổ Nam bộ: Dấu tích thành Gia Định - ảnh 2
Vị trí thành Gia Định năm 1790 trên bản đồ vệ tinh TP.HCM ngày nay

Cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi và công cuộc triệt phá Thành Gia Định

Sau khi Tả quân Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt qua đời, người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi đã tiến hành cuộc bạo loạn từ năm 1833. Nhiều lúc triều đình Minh Mạng tưởng như bất lực, có nguy cơ phải chia đôi san hà khi không thể dẹp loạn bởi Lê Văn Khôi đã chiếm giữ thành Gia Định kiên cố và hầu hết các tỉnh thành Nam bộ, gây ra nhiều hệ lụy: trong nước hao mòn binh lực, kinh tế bị phá hủy…; ngoài biên cương giặc Xiêm xâm lấn, phên giậu Cao Miên cũng bội phản. Mãi đến giữa năm 1835, cuộc bạo loạn mới bị dập tắt.
Tháng 7 năm 1835, sau khi dẹp xong loạn Lê Văn Khôi, Minh Mạng ra lệnh triệt phá thành Phiên An. Vua bảo Bộ Công rằng: “Thành Phiên An trước, kiểu mẫu hơi quá cao rộng. Đó thực là bởi Lê Văn Duyệt tiếm lạm, vượt bậc, để đến gây thành tai vạ về sau. Nay nghịch tặc đã yên, đáng nên sửa lại. Ngặt vì mới lấy lại được, quân sĩ vừa được vui mừng nghỉ vai, chưa nên vội dùng đến sức họ. Vậy sai dụ quan tỉnh Gia Định liệu thuê dân chúng trong hạt, trước hãy san phẳng những chỗ núi đất, lũy đất ở ngoài thành; còn thân thành và trong thành không sửa chữa vội, luống phí nhân công”. Sau đó, quan tỉnh xin thuê 3.000 dân trong hạt, và dân 2 tỉnh Vĩnh Long, Định Tường mỗi tỉnh 1.000 người, dỡ gạch, đá, san hào, lũy. Vua y cho (Đại Nam thực lục).
Thành cổ Nam bộ: Dấu tích thành Gia Định - ảnh 3
Tường thành đá ong của Thành Gia Định năm 1790 phát hiện tại khu vực góc đường Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi ngày nay

Dấu tích thành Quy

Căn cứ vào bản vẽ của Giám thành sứ Trần Văn Học, cùng một số dấu tích hiện tồn, năm 1936, nhà khảo cổ học nổi danh người Pháp là Louis Malleret đã có nghiên cứu mô tả đầu tiên về cấu trúc “Tòa thành của Gia Long”: “Thành xây trên một diện tích hình tứ giác với các đường cạnh là 1.000 m x 1.200 m, phía tây bắc giáp đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu); phía đông nam vượt qua đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn); phía tây nam vượt qua phố Max Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), ở quảng trường Phủ Toàn quyền hiện nay, phía bắc - đông bắc giáp đại lộ Luso (nay là đường Tôn Đức Thắng kéo dài qua đường Đinh Tiên Hoàng).
Theo ông, thành Gia Định có cấu tạo tường thành bốn phía, các cửa thành, các pháo đài góc và pháo đài giữa cùng với các con hào vây quanh để phòng thủ.
Năm 1877, khi đào móng xây Vương cung Thánh đường, người ta đã thu nhặt được gạch đá, gỗ, tiền kẽm, súng đạn... Năm 1926, khi đào móng xây Catinat, đã phát hiện nhiều đá ong “Biên Hòa” ở góc đường Đồng Khởi - Lý Tự Trọng (ngày nay). Năm 1936, phát hiện nhiều di vật của phế thành ở phạm vi Bệnh viện Đồn Đất (nay là Bệnh viện Nhi đồng 2) và góc đường Lý Tự Trọng - Chu Mạnh Trinh (ngày nay).

Cuộc chiến ở thành Phụng

Sau khi dẹp loạn Lê Văn Khôi năm 1835, cho rằng thành Bát Quái (thành Gia Định) to lớn có thể là nơi cát cứ của quan lại người Nam bộ, vua Minh Mạng đã cho phá bỏ thành này và xây dựng một thành nhỏ hơn ở kế đó.
Bản vẽ phối cảnh thành Phụng và khu trung tâm Gia Định của đại úy hải quân Pháp Favre vào năm 1881 /// ẢNH TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ
Bản vẽ phối cảnh thành Phụng và khu trung tâm Gia Định của đại úy hải quân Pháp Favre vào năm 1881
ẢNH TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ
Thành nhỏ hơn này còn gọi là thành Phụng. Sự kiện này được Đại Nam thực lụcghi chép như sau:
“Tháng 10 năm 1836, xây đắp lại tỉnh thành Gia Định (ở thôn Hòa Mỹ, huyện Bình Dương). Trước đây, nghịch tặc đã yên, bộ Công bàn, cho rằng thành cũ cao rộng quá, nghĩ nên giảm bớt đi cho hợp với thể chế. Sai giám thành hội với tỉnh thần cùng xem địa thế rồi chuẩn cho dời đặt ở góc đông bắc thành cũ (địa thế nơi này vuông và ngay ngắn, tả hữu hơi bằng phẳng, phía trước thấp, phía sau cao. Tiền giang sâu rộng, nước chảy uốn quanh ôm lấy). Trước vì việc lấp hào còn bận rộn nên hoãn lại; đến bây giờ mới sắc sai bộ đưa kiểu mẫu đã ấn định, điều động quân và dân 4 tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, 10.000 người, khởi công xây đắp… lại sai Tổng đốc Long Tường là Đoàn Văn Phú hiệp cùng với Tổng đốc Định Biên là Nguyễn Văn Trọng trông nom công việc, khởi công nhằm thượng tuần tháng 11 (1836)… Vua dụ rằng: “Phen này xây đắp, việc là sửa sang chốn biên cương. Phải động dụng đến sức người cũng là sự bất đắc dĩ…”.

Được 2 tháng, thành xây xong”.
Thành Phụng hình vuông, có kích thước khoảng 600 x 600 m. Năm 1859, Pháp tấn công Gia Định và chiếm được thành. Các vị quan trấn giữ thành là Án sát Lê Tứ, Hộ đốc Vũ Duy Ninh tự vẫn.
Sau khi chiếm được thành, quân Pháp đốt cháy kho tàng, phá hủy một số công trình của thành Phụng. Sau đó, quân Pháp dùng thành Phụng làm bàn đạp tiến đánh chiếm đồn Kỳ Hòa, rồi tiến đánh chiếm các nơi lân cận… dẫn đến Hòa ước năm Nhâm Tuất 1862, theo đó triều đình Tự Đức nhượng ba tỉnh miền Đông và sau đó là ba tỉnh miền Tây cho Pháp. Điều này cho thấy vị trí quan trọng của thành Gia Định trong việc phòng thủ.

Bài học lịch sử

Thành Phụng bị xóa sổ vào thời gian nào hiện chưa rõ, có tài liệu cho rằng vào năm 1861 sau khi người Pháp xâm chiếm Sài Gòn. Tuy nhiên, căn cứ vào bản vẽ phối cảnh của đại úy hải quân Pháp Favre vào năm 1881, thành Phụng vẫn còn tồn tại và đây là bức phối cảnh sinh động, thể hiện đầy đủ các công trình kiến trúc ở khu trung tâm và là nguồn tư liệu duy nhất hiện nay để chúng ta hình dung được hình ảnh của ngôi thành này. Căn cứ vào bản đồ và không ảnh của người Pháp, hiện chúng ta cũng chỉ xác định nó nằm trong phạm vi giới hạn của các đường: Nguyễn Du (nối dài xuống khu Văn phòng Chính phủ - Vụ công tác phía nam), Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) ngày nay.
Thành cổ Nam Bộ: Cuộc chiến ở thành Phụng1
Bản vẽ thành Phụng trước khi người Pháp chiếm và triệt phá thành
Theo dõi diễn biến lịch sử, có thể thấy chính sách của vua Minh Mạng có phần hơi cực đoan đối với vùng đất Nam bộ. Những ảnh hưởng cực kỳ lớn lao của các quan đại thần có nguồn gốc xuất thân từ Nam bộ đã khiến Minh Mạng cho rằng nếu muốn tập trung quyền lực cần phải giảm sự ảnh hưởng của những thế lực này và không duy trì thành Gia Định quá lớn. Giận dữ vì đã phải mất gần 3 năm trời dẹp loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng và quần thần đã cáo buộc các đại thần Nam bộ “tiếm lạm”, “vượt quyền”… trong việc xây dựng thành Gia Định bề thế, kiên cố với âm mưu làm nơi cát cứ. Thực tế lịch sử với các ghi chép, cả những quy định mang tính điển lệ về quy thức xây dựng thành, ta thấy quy mô thành Gia Định thế nào vốn không phải theo ý muốn chủ quan của các quan Tổng trấn và đại thần các dinh trấn vùng đất Nam bộ, mà nơi đây vốn được xây dựng với mục đích là thành trì quan trọng, góp phần quyết định để chở che và là hậu vương vững chắc giúp cho họ Nguyễn lấy lại được giang sơn.
Khi thu nhỏ còn bằng 1/3 so với thành Gia Định trước đây, thành Phụng đã gần như hết vai trò lịch sử với tư cách là một thành lũy quân sự. Không tốn nhiều súng đạn, thành Phụng đã nhanh chóng bị người Pháp đánh phá và chiếm giữ chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Đây là một điều đau lòng đối với lịch sử dân tộc; cũng từ thất bại này, sau đó là trận đại chiến Đồn Kỳ Hòa thất bại, toàn cõi Nam bộ đã trở thành thuộc địa của Pháp. Nguyên nhân quan trọng bên cạnh sự thất bại mang tính tất yếu của lịch sử về sự suy tàn của chế độ phong kiến trước âm mưu của thực dân đế quốc, thì việc triệt hạ hệ thống thành trì, kìm kẹp vùng đất Nam bộ từ thời vua Minh Mạng trở đi cũng là một trong những nguyên nhân mang tính quyết định cho sự sụp đổ của triều Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét