Chìm trong không gian của đá, làng đá Thạch Khuyên, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) mang vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình nơi biên giới xứ Lạng. Có lẽ ít có nơi nào trên dải đất hình chữ S lại có một “làng đá” độc đáo, hoang sơ, đẹp và yên bình lạ lùng đến thế.
Clip: Làng đá Thạch Khuyên yên bình nơi biên giới xứ Lạng.
Cách thành phố Lạng Sơn chừng 40km, làng đá Thạch Khuyên ẩn mình nơi biên giới yên bình đến lạ thường. Con đường để vào làng đá gập ghềnh, vòng vèo đi qua nhiều quả đồi, bản làng. Vất vả, mỏi mệt là thế... nhưng khi đứng giữa những ngõ đá quanh co, những ngôi nhà trình tường cổ kính rêu phong khiến chúng tôi lập tức quên đi nỗi vất vả bởi vẻ đẹp nguyên sơ và yên bình nơi đây.
Thứ đập vào mắt chúng tôi là đá... rất nhiều những tảng đó lớn bé xếp chồng lên nhau rất công phu. Đá xếp hàng rào, đá quây vườn rau, đá lát đường, có những tảng đá dài non ba mét, có tảng rộng cả mét vuông.
Cái độc đáo ở đây là đá mồ côi nằm chồng lên nhau thành hàng thành lối quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng. Nhiều viên đá cũ mốc thếch, rêu phủ xếp cao như thành, trên đó là những bụi xương rồng càng làm cho làng đá bí ẩn, nguyên sơ.
Không ai nhớ chính xác làng đá có từ bao giờ, ngay đến các cụ cao niên nhất làng cũng chỉ biết lớn lên đã thấy đá như thế rồi. Đá xếp hàng rào, quây vườn rau, đá lát đường, có những tảng đá dài 3m, có tảng rộng cả mét vuông. Cái độc ở đây là đá mồ côi liền khối, chứ nếu là đá vôi, đá mắc ma... chắc nhiều người nghĩ đang lạc vào cao nguyên đá.
Đá ở đây không đổ gập nghềnh mà nó được xếp có trật tự, có hàng có lối giống như những con trăn khổng lồ men theo từng góc đường, quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng.
Các cụ xưa kia đã nhặt đá xếp nền làm nhà trình tường, xếp đá thành ngõ đi, đá kè bờ ao, bờ ruộng. Nhưng quan trọng nhất là những tảng đá được xếp thành thành lũy tựa như một cái khuyên tròn để bảo vệ làng tránh sự cướp bóc của thổ phỉ.
Làng đá dưới cảm nhận của chúng tôi nó vừa thâm u bí ẩn, vừa giống như một thú chơi tao nhã của nhà sưu tầm, vừa giống một công trình quân sự... Những tảng đá vô tri vô giác như sống cùng người dân Thạch Khuyên, chứng kiến bao điều xảy ra nơi đây, chứng kiến cuộc sống lao động của con người nơi biên giới này.
Giống như trên cao nguyên đá, đá xếp thành chồng bao lấy những gì cần bảo vệ thì ở đây cũng vậy, chỉ khác là đá mồ côi có tảng đá diện tích cả mét vuông, có hòn tròn như một cái chum đại, có tảng lại dài như một quả bí đao khổng lồ.
Theo cốt tích lịch sử thì trước đây, ở làng Thạch Khuyên nhà nào cũng có nhiều trâu bò, lợn gà. Vì vậy, bọn thổ phỉ từ bên kia biên giới thường xuyên tràn sang cướp bóc của cải. Để phòng thủ, người dân cùng nhau dùng đá xếp thành hàng rào bảo vệ bao quanh ngôi làng.
Người dân địa phương cho biết cha ông thời trước dựng hàng rào đá để chống giặc cướp đến phá làng. Nhiều nơi trên hàng rào đá còn dấu tích lỗ châu mai...
Trong làng vẫn còn nhiều mái nhà trình tường, một lối kiến trúc tiêu biểu cho nhà ở truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Đây là những ngôi nhà làm bằng tường đất dày, kiên cố, lợp ngói âm dương, cao một hoặc 2 tầng. Phía trong nhà có bố trí hệ thống chốt và then cửa chắc chắn; tầng áp mái có trổ các lỗ châu mai để phòng thủ.
Đá lát rải làm đường, đá làm tường rào, đá kè bờ ao, đá chèn bờ ruộng. Đá ôm nhà, ôm người, ôm cây, ôm cỏ ở nơi đây...
Xung quanh nhà và cạnh các lối đi đều được kê tường rào đá chắc chắn tạo cảnh quan đẹp, độc đáo. Không ít bờ đá đã không còn vết tích do sự vận động của lịch sử. Thế nhưng những hàng rào đá, bờ kè đá còn lại cũng đủ để người ta ngỡ ngàng.
Mặc cho rêu phủ, đá mòn, bờ tường đất dần bạc màu... làng đá vẫn tồn tại âm thầm như vậy cho đến ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét