Năm 1816, nhận thức rõ tầm quan trọng của vùng đất Châu Đốc đối với biên cương phía nam, vua Gia Long đã chỉ đạo quy hoạch và đắp bảo Châu Đốc, sử dụng nơi đây làm nơi đóng trú của quân đội.
Ngôi thành bằng đất
Bảo Châu Đốc trở thành một dạng thành trì sơ khai. Tháng 4.1817, bảo Châu Đốc làm xong, vua Gia Long sai trấn thành Gia Định điều động 100 lính cơ ở bốn trấn, 200 lính đồn Uy Viễn, chọn người giỏi cai quản để đóng giữ đất ấy. Và vua Gia Long đã từng nói với bầy tôi rằng: “Châu Đốc, Hà Tiên bờ cõi không kém Bắc Thành”.
Sử liệu ghi chép rất rõ, bảo Châu Đốc được đắp bằng đất, ở chỗ thấp, nước ngấm vào bảo nên bị vỡ, xây đắp bảo chưa có sự tham gia của các thành phần vật liệu xây dựng khác như đá, đá ong, hợp chất hay gạch thẻ như thường thấy sử dụng trong các thành trì ở kinh đô Huế, thành Gia Định và một số thành trì ở các tỉnh thành dinh trấn khác ở cùng thời điểm.
Tháng 6.1826, Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn là Thoại Ngọc Hầu tự xuất của nhà ra xây dựng Hành cung và kho tàng ở đồn, làm xong mới báo. Thành thần Gia Định đem việc tâu lên. Vua tha cho tội làm tự tiện, lại cấp cho 1.000 quan tiền. Quy mô, hình dáng, kích thước và vị trí cụ thể của các công trình này không được ghi chép, cho nên chúng ta khó hình dung. Tuy nhiên, một điều chắc chắn qua sử liệu là các công trình này được xây dựng trong bảo - đồn Châu Đốc.
Chứa nghìn bộ binh, voi ngựa
Tháng 10.1832, vua Minh Mạng bắt đầu sai chia hạt, đặt quan từ Quảng Nam trở vào Nam và chỉ đạo quan Tổng đốc An Giang chọn chỗ đất nào có thể làm thành trì, bởi “Tỉnh An Giang là đất xung yếu, tất phải xây dựng thành trì để cho sự phòng thủ biên cương được hùng tráng. Còn đồn Châu Đốc, thế đất hẻo lánh chật hẹp, chưa được tiện lợi” (Quốc sử quán triều Nguyễn). Địa điểm lựa chọn là ở thôn Long Sơn (nay thuộc xã Long Sơn, H.Tân Châu, tỉnh An Giang).
Chưa kịp thực hiện việc xây dựng thành An Giang mới thì tại Gia Định xảy ra cuộc biến loạn của Lê Văn Khôi vào năm 1833. Sau khi lần lượt chiếm thành Gia Định (Phiên An) và một số thành tỉnh khác, tháng 6.1833 tỉnh An Giang thất thủ bởi quân của Lê Văn Khôi và bị chiếm giữ Châu Đốc. Tháng 8 cùng năm, Án sát tỉnh An Giang là Bùi Văn Lý đã lấy lại được hai tỉnh An Giang và Hà Tiên.
Tuy nhiên, không bao lâu sau, nước Xiêm trước lời cầu viện của Lê Văn Khôi đã đem quân chia làm hai đường xâm phạm đồn Châu Đốc. An Giang lại thất thủ vào tháng 12.1833. Tháng giêng năm 1834, quân An Giang đã lấy lại được đồn Châu Đốc. Tại thời điểm này, chưa kể lực lượng thủy quân của giặc Xiêm đã rút lui, tại đồn Châu Đốc giặc Xiêm vẫn còn hơn 10.000 bộ binh và voi ngựa ở lại để chống quân ta. Ghi chép này cho thấy quy mô và cấu trúc của đồn Châu Đốc là rất lớn, có thể chứa hàng vạn quân đồn trú cùng voi ngựa, vũ khí, kho tàng...
Sau này, vua Minh Mạng nhận thấy không cần thiết phải xây dựng thành mới tỉnh An Giang tại Long Sơn, mặc dù vị thế đẹp. Bởi triều đình đã xây dựng thành Trấn Tây bên Campuchia. Vì thế, khi thành Châu Đốc đã thành cơ sở vững chắc, đầy đủ rồi thì không cần thiết phải hao nhân lực vật lực cho việc xây dựng thành mới Long Sơn.
Căn cứ vào bản đồ vệ tinh hiện nay, với kích thước và thông số giới hạn bởi ba mặt khá chính xác so với vị trí thành xưa qua các nguồn sử liệu (giới hạn phía sau là kênh Vĩnh Tế, bên tả là sông Hậu Giang, bên hữu là đường Thủ Khoa Nghĩa (quốc lộ 91C hiện nay) và cạnh cuối cùng được xác định với chiều dài từ sông Vĩnh Tế qua đến đường Đống Đa (TP.Châu Đốc hiện nay) là khoảng 933 m, có thể phác dựng đồn thành Châu Đốc trước năm 1834 có các giới hạn so với hiện nay nằm dọc theo bờ sông Hậu Giang, cửa trước thành nhìn về hướng đông nam, tương ứng với giới hạn bởi các con đường Đống Đa, Thủ Khoa Nghĩa (quốc lộ 91C), Louis Pasteur, Trần Hưng Đạo hiện nay.Bản đồ của người Pháp vẽ thành Châu Đốc vào năm 1871 mà tôi sưu tầm được cho thấy, vị trí thành Châu Đốc vào năm 1871 có bình đồ vuông, mỗi cạnh 400 m, tổng diện tích thành lên đến 160.000 m2. So với hàng loạt hệ thống thành trì khác ở VN thời Nguyễn thì đây là một thành trì tương đối lớn, xứng đáng với vị trí của Châu Đốc trong suốt tiến trình lịch sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét