Đào Thọ - Hữu Vi
(Dân Việt) Võng gai là vật dụng quen thuộc ở những xóm người Thổ ở huyện Tân Kỳ. Hàng ngày, những phụ nữ lớn tuổi ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ vẫn duy trì công việc trồng cây gai, tước sợi, đan võng
.
Những vườn tr
ồng cây gai cạnh nhà là hình ảnh khá quen thuộc khi về những xóm người Thổ ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ. Nơi đây bà con vẫn trồng gai để tước vỏ đan võng.
Ở xóm Long Thọ, khá nhiều phụ nữ vẫn làm công việc có từ nhiều thế hệ nay vào lúc nông nhàn. Võng gai dù không còn phổ biến trên thị trường nhưng vẫn được người dân bản địa ưa thích.
Bà Nguyễn Thị Mú 60 tuổi cho biết, bà đã làm công việc đan võng gai từ thuở bé. Cây gai sau khi trồng nửa năm là có thể chặt về tước vỏ và phơi khô để đan võng.
Tước vỏ cây gai khá đơn giản nên các thành viên trong gia đình có thể hỗ trợ nhau để công việc được nhanh chóng hơn.
"Trời nắng to thì chỉ cần phơi một ngày là có thể đem đan được rồi đấy" - bà Nguyễn Thị Mú cho biết thêm.
Tước sợi gai không khó nhưng khi bện sợi và đan võng thì không phải ai cũng làm được. Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo này dường như chỉ dành cho những phụ nữ giàu kinh nghiệm.
Nếu chỉ chuyên đan võng thì một người cũng phải mất khoảng 1 tuần để hoàn thành chiếc võng. Còn nếu chỉ tranh thủ lúc rỗi việc đồng áng thì thời gian đôi khi kéo dài cả tháng trời.
Mỗi chiếc võng gai có mức giá khá đắt, nhưng độ bền của nó có thể lên đến hàng chục năm.
Một bạn trẻ đang học nghề cùng bà nội chia sẻ, bản thân thấy công việc khá thú vị nhưng chẳng biết sau này có thể duy trì không, bởi mối bận tâm lớn nhất của bản thân hiện nay là tìm một công việc sau khi rời ghế nhà trường. Đan võng với những người trẻ chỉ là một nghề phụ.
Trong khi đó, ở những xóm người Thổ ở xã Giai Xuân, nhiều em bé vẫn đang trải qua những ngày ấu thơ của mình trên chiếc võng gai truyền thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét