Từ trên ngọn hải đăng đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, du khách thỏa sức phóng tầm mắt chiêm ngưỡng một trong những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trạm hải đăng Cồn Cỏ tọa lạc trên đồi 36 (huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị), chiều cao toàn bộ 78,2m tính đến mực nước số “0” hải đồ. Trạm hải đăng Cồn Cỏ được xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm 2006 đầu năm 2007, trực thuộc Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Bắc Trung Bộ - Bộ GTVT Việt Nam.
Hải đăng Cồn Cỏ có hình trụ với chiều cao 24,2m tính đến móng công trình, chiều rộng trung bình 4,5m, được sơn màu vàng nổi bật. Những ngày trời quang, sau khi lên tàu cao tốc ở Cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) chỉ một lúc là đảo tiền tiêu Cồn Cỏ nhấp nhô nơi đầu sóng. Trạm đèn biển (hải đăng) Cồn Cỏ tọa lạc trên đồi 36 đảo Cồn Cỏ, là điểm cao nhất trên hòn đảo tiền tiêu này.
Hải đăng Cồn Cỏ được ví là “mắt ngọc” giữa trùng khơi, có tác dụng báo vị trí đảo Cồn Cỏ, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Trị định hướng và xác định vị trí…Từ bến tàu trong âu thuyền đảo Cồn Cỏ, du khách di chuyển vài trăm mét sẽ đến Cột cờ Tổ quốc đảo Cồn Cỏ, sau đó rẽ trái vào con đường dẫn lên đồi 63 chưa đầy cây số là đến Trạm đèn biển Cồn Cỏ.
Đặc tính ánh sáng ban đêm của đèn biển Cồn Cỏ là ánh sáng trắng, chớp nhóm 3 chu kỳ 15 giây; phạm vi chiếu sáng 360°; chiều cao tâm sáng 76,0m tính đến mực nước số “0” hải đồ; tầm hiệu lực ánh sáng 22,1 hải lý với hệ số truyền quang của khí quyển T = 0,74.
Những người làm việc ở Trạm đèn biển Cồn Cỏ đều sống xa gia đình, người gần nhất ở Nghệ An, Hà Tĩnh, còn lại ở các tỉnh xa hơn như Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định. Tuy nhiên, với ý thức trách nhiệm cao, tình yêu nghề, tình yêu quê hương biển đảo, họ cần mẫn làm việc, trồng rau xanh cải thiện đời sống để thắp sáng đèn biển - ánh sáng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn hàng hải.
Trạm đèn biển Cồn Cỏ đã và đang trở thành một trong những địa chỉ tham quan không thể thiếu của du khách khi đặt chân đến huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Leo lên 100 bậc cầu thang “uốn lượn” theo hình xoắn ốc lên ngọn tháp hải đăng này, du khách thỏa sức phóng tầm mắt chiêm ngưỡng khu rừng nguyên sinh và toàn cảnh biển đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, một trong những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngắm “bão táp,phong ba” cùng muôn hoa khoe sắc trên đảo tiền tiêu Cồn Cỏ
Cùng với những sắc hoa Phong ba, Bão táp...đặc trưng vùng hải đảo, nhiều loài hoa trên đảo tiền tiêu Cồn Cỏ (Quảng Trị) đang khoe sắc tuyệt đẹp.
Đảo Cồn Cỏ cách đất liền gần nhất là Mũi Lay (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) 27km và cách thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) 35km. Đảo có diện tích 230 ha, với hệ sinh thái rừng và biển đẹp, phong phú và đa dạng.
Rừng cây trên đảo được ví như là lá phối xanh với tổng diện tích che phủ hơn 70%, điểm cao nhất so với mặt nước biển là 63,4m. Vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ được đánh giá là một trong những vùng có mức độ đa dạng sinh học cao của Việt Nam với sự có mặt của nhiều hệ sinh thái biển điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô, đặc biệt là loài san hô màu đỏ cực kỳ quý hiếm…
Ngoài những khu rừng nhiệt đới rậm rạp, là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật, những cây dược liệu quý hiếm như sâm cau rừng, giảo cổ lam… Các loài hoa đặc trưng của Cồn Cỏ như: Bàng vuông, Bão táp, Phong ba và nhiều loài hoa đang chớm nở, bung nở hoa khoe sắc tuyệt đẹp đón chào du khách đến đảo.
Trời quang, tàu ra khỏi cửa biển Cửa Việt chỉ một lúc đã thấy “đảo ngọc” Cồn Cỏ phía xa xa trên đầu sóng. Với tàu Cồn Cỏ Tourist vừa được đóng mới hiện đại, hành khách lên tàu từ cầu cảng Cửa Việt chỉ mất khoảng chưa đầy một giờ đồng hồ đã được đặt chân lên bến tàu trong âu tàu huyện đảo Cồn Cỏ.
Là đảo được kiến tạo bởi núi lửa giữa biển khơi, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất, tài nguyên, nguồn lợi sinh vật biển; sinh thái cảnh quan như là một bảo tàng tự nhiên với các thềm đá bazan kỳ vĩ, bãi tắm nhỏ được tạo bởi vụn san hô, sò điệp, nước biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định. Bên cạnh đó, Cồn Cỏ có một hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng của đảo núi lửa; rừng trên thềm san hô và mảnh vụn sò ốc quý hiếm ở Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảo Cồn Cỏ 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 3 lần Bác Hồ gửi thư khen ngợi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét