Dũ Tuấn
(Dân Việt) Từ cuối tháng 5, nhông bắt đầu xuất hiện nhiều tại những đồi cát ở Quảng Nam. Mỗi ký nhông rừng có giá bán từ vài chục cho đến vài trăm ngàn đồng, đây là món nhậu ưa chuộng của nhiều hàng quán đất Quảng.
Dụng cụ của những thợ săn nhông rất đơn giản, chiếc cuốc được vác trên vai, tay cầm một lồng đựng vài nhánh dương liễu để xăm đường đi của nhông, phòng trừ khi hang bị lấp ngách.
Anh Lĩnh (20 tuổi) cho biết: “Cứ đến mùa hè, thanh niên trong làng kéo nhau đi đào nhông. Nhông mùa này nhiều lắm, nếu bắt được nhiều thì mình đem đi bán, còn ít thì về làm thức ăn, mồi nhậu”.
Theo anh Lĩnh, nhông sống trong môi trường đất cát nên việc tìm kiếm hang của chúng tại các đồi cát tại Quảng Nam rất dễ dàng. “Nhông đi ăn buổi sáng, đến chiều thì nó vào hang để ẩn nấp cho đến sáng sớm hôm sau mới đi kiếm ăn lại. Nắm bắt được chu kỳ này, nên thợ săn chỉ đi săn từ buổi chiều cho đến tối” - anh Lĩnh chia sẻ.
Khi phát hiện hang nhông, người thợ săn bắt đầu cuốc những nhát đầu tiên để tìm ngách đi của chúng. Sau khi thấy ngách, họ sẽ đưa nhánh dương liễu luồn theo ngách để khỏi bị mất dấu. Đào đến đâu thì luồn cây đến đó, cho đến tận nơi ẩn nấp của nhông, rồi thò tay vào hang để bắt.
Song song với việc đào, nhiều thợ săn còn chọn việc làm bẫy để săn nhông rừng. Chiếc bẫy đơn giản là 1 ống nhựa tròn, ngắn vừa để con nhông chui lọt và được cắm chắc chắn tại hang nhông. Chốt tre được gắn vào ống nhựa bởi sợi dây cước mỏng.
“Mình sẽ đặt bẫy tại các hang nhông vào buổi tối. Sáng, nhông sẽ ra khỏi hang để kiếm ăn, lúc con nhông chạy ra sẽ thúc chốt tre, sợi dây cước sẽ buộc chặt con nhông lại trong ống nhựa. Khoảng gần trưa mình đi lấy bẫy nhông là vừa” – anh Nhân (một thợ săn nhông) phân tích.
Bắt nhông bằng bẫy thì dễ dàng, ít tốn thời gian hơn thế nhưng rủi ro bị người khác lấy trộm cả nhông lẫn bẫy là rất cao. Vậy nên, thợ săn chỉ chuẩn bị vài ba cái bẫy để bẫy những hang nhông khó đào.
Để săn nhông buổi tối, nhiều thợ săn nhông phải chuẩn bị cho mình 1 cái đèn pin để thắp sáng. Vì buổi tối, trời mát nên nhiều người tận dụng lợi thế này để không bị mất sức khi đào.
Tuy nhiên, nhiều hố đào hang nhông nằm chênh vênh giữa đồi rừng không được san lấp, hàng ngày có hàng trăm con nhông phải nạp mạng… từ những thợ săn nhông vô ý thức. Đó là thực trạng đáng buồn tại nhiều đồi rừng tỉnh Quảng Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét