Lễ cúng rằm tháng 7 của gia đình bà Đỗ Thị Duyên gồm một mâm cỗ mặn, một mâm cỗ chay và rất nhiều quần áo giấy, vàng mã.
Hàng năm, cứ vào ngày cuối tuần sát rằm tháng 7, gia đình ông Nguyễn Thanh Bình và bà Đỗ Thị Duyên ở Giáp Nhất (Thanh Xuân, Hà Nội) lại chuẩn bị 2 mâm cúng cho lễ Vu lan và lễ Xá tội vong nhân.
Theo quan niệm Phật giáo, lễ Vu lan là để cầu siêu cho cha mẹ được siêu thoát, thể hiện lòng thành kính lên đức Phật, chư vị thần linh, báo hiếu gia tiên; còn lễ Xá tội vong nhân là để cúng cho những vong hồn không nơi nương tựa, không người thờ cúng. Từ sáng sớm, những người lớn trong gia đình bà Duyên đi chợ chuẩn bị đồ lễ, sau đó mọi người cùng làm cỗ.
"Đây là đại lễ báo hiếu ông bà, cha mẹ, tổ tiên, tập tục đáng quý của người Việt, thể hiện truyền thống đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây nên các mâm cỗ phải được chuẩn bị tươm tất từ bàn tay của các thành viên trong gia đình", bà Duyên chia sẻ.
Mâm cỗ mặn cúng gia tiên sẽ được thực hiện trước. Trong ảnh, ông Bình đưa mâm cỗ lên phòng thờ của gia đình.
Cúng gia tiên thường là mâm cỗ mặn, kèm theo tiền vàng và cả vật dụng dành cho người cõi âm như quần áo, giày dép, xe cộ, điện thoại... Trên ban thờ cao nhất của gia đình, những bộ quần áo (vàng mã) được bày biện ngay ngắn, mỗi bộ quần áo đều được viết tên để tránh nhầm lẫn.
Khi làm lễ cúng xong, một khóa kinh Vu Lan sẽ được đọc lên để hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu thoát và cũng là một cách giúp hiểu hơn về ngày lễ này.
Trái với mâm cúng Phật và gia tiên, mâm cúng chúng sinh được cúng ngoài cửa chính ngôi nhà, lễ vật gồm có: muối gạo, cháo trắng nấu loãng, hoa quả, quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, bánh, kẹo, tiền vàng, nước, hương, nến... và còn có thể cài thêm cả chút tiền lẻ.
Để cho các "vong hồn" không quấy nhiễu đời sống và có thể siêu thoát, hết tuần hương, gạo, muối sẽ được vãi tứ phương. Những phẩm vật khác có thể dùng hay cho người khác.
Ngọc Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét