Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

Chuyện ly kỳ về võ sĩ đấu vật Hải Phòng dùng giáo giết hổ dữ khổng lồ ăn thịt 72 người

VTC News) - Ít ai biết rằng, ngay tại Hải Phòng, cũng có một "Võ Tòng đả hổ" với sức khỏe phi thường, đã hạ thủ con hổ dữ ăn thịt tới 72 người.



Đây đó vẫn nghe những câu chuyện xưa về “Võ Tòng đả hổ” ở nước ta, nhưng chuyện đó thường diễn ra ở vùng núi non hiểm trở, nơi rừng rú hoang rậm. Nhưng ít ai biết rằng, ngay ở Hải Phòng, cũng có một “Võ Tòng đả hổ” với câu chuyện hết sức ly kỳ. Đặc biệt, chuyện võ sĩ đấu vật giết con hổ cực kỳ độc ác, đã đi vào lịch sử Đảng bộ địa phương.

 Đô vật đất Cảng có sức mạnh phi thường
Những ngày lang thang ở vùng đất Thủy Nguyên (Hải Phòng), tôi được anh Mạc Văn Trọng dẫn đi khắp hang cùng ngõ hẻm của mấy xã Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Liên Khê, và quả thực hết sức kinh ngạc về bề dày văn hóa.
Vùng đất này thực sự là cái nôi của nền văn hóa, xuyên suốt từ thời cổ đại đến nay, với những dấu tích, di chỉ hết sức đậm đặc, đặc biệt. Những quả núi, ngọn đồi ẩn giấu cả ngàn ngôi mộ cổ có tuổi 2.000 năm. Những địa danh như Lưu Kỳ (cất giữ cờ) và Lưu Kiếm (cất giữ kiếm), Đấu Đong (thung lũng đếm quân) từ thời nhà Trần lập căn cứ chống quân Nguyên Mông vẫn còn dấu ấn đến giờ.

Chuyen ly ky ve vo si dau vat Hai Phong dung giao giet ho du khong lo an thit 72 nguoi hinh anh 1
 Vùng đất Liên Khê vốn núi non rậm rạp, giờ bị tàn phá sạch sẽ.

Anh Mạc Văn Trọng là con cháu họ Mạc, hậu duệ của vua Mạc Đăng Dung dẫn tôi đi xem ngôi mộ mà họ Mạc ở huyện Thủy Nguyên nhận là mộ vua, xem Thành Dền do nhà Mạc dựng lên từ mấy trăm năm trước ở hẻm núi xã Liên Khê. Nơi đây, xưa kia rừng rú rậm rạp, hoang thú nhiều vô kể, chẳng ai dám vào.
2.000 năm trước, nơi đây cửa sông, từ biển vào thuận tiện, người xưa định cư sầm uất, đào núi đặt mộ, rồi sau đó bỏ hoang cả ngàn năm. Những khu rừng lim khổng lồ mọc lên rậm rạp kéo dài sang bên kia sông Đá Bạc thuộc đất Uông Bí, liền với dãy Yên Tử hoang rậm.
Đứng ở nơi từng là Thành Đền, anh Mạc Văn Trọng chỉ tay hình vòng cung các dải núi đầy di chỉ, rồi bảo phía xa xa mờ ảo là núi Đá Cùa, có hang Mộc, nơi cụ ông Cù Văn Bễ đánh chết hổ. Nghe chuyện người đánh chết hổ ở vùng đất đồng bằng, thi thoảng có dải núi nhô lên, quả thực lạ, tôi thấy khó tin.
Nhà anh Cù Huy La ở mặt quốc lộ 10, đầu xã Liên Khê. Trong nhà anh vô số cổ vật, toàn thấy bát đĩa chai lọ. Theo lời anh, các món đồ anh sưu tầm chủ yếu là gốm sứ thời Mạc mà dân đào cổ vật lấy được ở trong vùng, nhất là xã Liên Khê, được anh mua lại trưng bày để tưởng nhớ tổ tông.

Chuyen ly ky ve vo si dau vat Hai Phong dung giao giet ho du khong lo an thit 72 nguoi hinh anh 2
 Anh Cù Huy La là cháu nội của "Võ Tòng diệt hổ" Cù Huy Bễ.

Mặc dù họ Cù, nhưng thực tế, dòng dõi anh là họ Mạc cải thành. Đời cha ông đến giờ, các cụ vẫn bắt con cháu ghi nhớ họ thật của mình. Trong các buổi dâng hương, lễ bái, trước tổ tiên thành kính, anh vẫn xưng mình họ Mạc để không quên dòng họ. Ngôi mộ mà họ Mạc ở Thủy Nguyên nhận là mộ vua Mạc Đăng Dung, ngày rằm ngày lễ, anh vẫn cùng mọi người vào thắp hương khấn vái.
Tôi hỏi chuyện về cụ Cù Văn Bễ đánh hổ, mặc dù dân làng ai cũng kể, ai cũng biết, nhưng nghe có vẻ hoang đường, anh Cù Huy La khẳng định là thật. Người giết hổ là ông nội anh. Nói rồi, anh mở chiếc tủ, lấy ra cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương. Anh lần giở phần nói về con người vùng đất Thủy Nguyên anh dũng, kiên cường, thì có tới 3 trang nói về cụ ông Cù Văn Bễ (1884-1962), là người có sức khỏe phi thường, từng một mình giết hổ.
Sách Đảng bộ địa phương viết về cụ như sau: “Nhà nghèo, phải sang vay thóc nhà cụ Bá Lãng ở Dưỡng Động. Hôm gánh thóc trả nợ, cụ gánh một chuyến hai bồ thóc, đổ ra đong được 16 thúng. Cụ Bá Lãng ngạc nhiên, thấy chàng trai có sức khỏe phi thường, liền thưởng cho 4 thúng.
Cụ bà gặt lúa từ sáng đến chiều, cụ ra đồng lượm bó xong quẩy một chuyến nhẹ nhõm. Cụ Bễ là đô vật nổi tiếng đất Thủy Nguyên. Năm nào cụ cũng giành giải nhất môn đấu vật trong các lễ hội. Trong các cuộc thi kéo co, một mình cụ kéo đổ cả chục người”.
Lại có đoạn sách kể rằng, hồi cụ giết hổ, được chánh sứ Quảng Yên thưởng tiền. Bọn cướp nghe tin cụ có nhiều tiền, liền kéo mấy chục tên đi thuyền ngược bờ sông Đá Bạc tìm đến nhà cụ tính ăn chặn số tiền đó. Toán cướp này mang theo gươm đao giáo mác, gậy gỗ hùng hùng hổ hổ rất đáng sợ.

Chuyen ly ky ve vo si dau vat Hai Phong dung giao giet ho du khong lo an thit 72 nguoi hinh anh 3
Cụ Cù Huy Bễ. 

Cụ Bễ nhìn toán cướp ra mặt khinh thường. Cụ nhổ cây gậy dài dùng làm cột trụ đống rơm, lùa bọn cướp chạy tơi tả. Nhiều tên liều mình phi qua cả hàng rào để thoát thân. Cụ dùng một tay, luồn qua lỗ cối đá thủng ở góc sân, ném chặn đầu chúng. Một số tên chạy không kịp, sợ hãi quá, phải quỳ lạy khóc lóc xin cụ tha mạng.
Anh Cù Huy La dáng người vâm váp, cao to, vai rộng, có lẽ cũng là được thừa hưởng gien quý của ông nội. Anh La dẫn tôi lên tầng trên cùng của ngôi nhà, nơi có một gian thờ riêng. Gian thờ trang trọng, với cặp ngà voi hai bên. Bát hương nghi ngút khói. Trên ban thờ, là cụ ông có chòm râu trắng, mái tóc trắng như cước, khuôn mặt cương nghị. Anh Cù Huy La bảo, đó chính là ông nội anh, cụ Cù Văn Bễ, con cháu họ Mạc Đăng Dung cải thành.
Ông Cù Huy La người gốc làng Trúc Động, thuộc xã Lưu Kiếm bây giờ. Xưa kia, tổng Trúc Động thuộc tỉnh Quảng Yên, là vùng đất rộng lớn, bao gồm vài xã, toàn núi cao rừng rậm. Những cây gỗ lim khổng lồ mọc tràn từ núi xuống đồng bằng. Trong rừng rất nhiều thú dữ, không ai dám bước chân vào.
Ở khu rừng này, những năm đầu thế kỷ 20, có một con hổ khổng lồ, ăn thịt rất nhiều người. Hổ là loài hay ăn những thứ quen thuộc. Có con thích ăn trâu bò, thì nó quen mùi, chỉ ăn trâu bò. Có con thích vị thịt lợn rừng, thì săn lợn rừng, bắt trộm lợn nhà ăn. Có con lại thích bắt chó để ăn.
Hổ vốn ít khi ăn thịt người, nhưng nếu nó đã ăn thịt người một lần, thì thịt người sẽ là sở thích của nó và nó chỉ tìm cách bắt người ăn thịt. Con hổ có bộ lông màu xám, to như con bò, thân dài tới 4m là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Trúc Động.
Hạ thủ cọp dữ
Sách sử Đảng bộ địa phương viết rằng, riêng làng Trúc Động (thuộc tổng Trúc Động, hiện thuộc Thủy Nguyên, Hải Phòng) có 5 người bị con hổ khổng lồ này ăn thịt, khiến người dân ngùn ngụt căm thù. Khắp các làng quê, các tổng đà, dọc từ vùng Hải Dương, xuống Hải Phòng, Quảng Ninh, không làng nào không có người bị nó ăn thịt.
Có một thống kê thời đó, tổng số 72 người bị con hổ này ăn thịt. Cứ vài hôm, nó lại xuất hiện ở một làng nào đó, cách xa cả ngày đường. Nó di chuyển liên tục, mỗi ngày đi vài chục cây số, nên không ai đoán biết nó trú ngụ ở địa phương nào.
Các chánh tổng, lý trưởng, quan Pháp ở dọc dãy Yên Tử và Chí Linh kêu gọi anh hùng hào kiệt ra tay giết con hổ. Thợ săn giỏi nhiều nơi được huy động về để giết con hổ dữ này. Thậm chí, lính Pháp cũng được huy động vào rừng càn quét, nhưng vẫn không diệt được con hổ.
Người dân khi đó kể rằng, lính Pháp đều sợ con hổ ác, nên dù vác súng đi tìm nó, nhưng thực ra chẳng ai dám đi sâu vào rừng.

Do vat Hai Phong quan thao mot ngay trong hang ha thu cop khong lo tra thu cho cha hinh anh 1
 Anh Cù Huy La lập ban thờ lớn thờ ông nội Cù Văn Bễ - "Võ Tòng diệt hổ" đất Hải Phòng.

Đêm trăng tròn năm 1920, cụ Cù Đăng Khê, khi đó gần 60 tuổi, là bố đẻ cụ Cù Văn Bễ vào trong khu đầm ngập nước đánh cá. Khu đầm giáp với rừng lim rậm rạp, thuộc xã Liên Khê bây giờ, có rất nhiều cá, nhưng chẳng ai dám vào, vì sợ hổ.
Đánh cá đến tầm nửa đêm, trăng lên vằng vặc giữa trời, thì cụ vác lưới về về nhà ngủ. Nhưng, cụ không biết rằng, con hổ tinh ranh đã đi theo cụ về tận ngôi nhà tranh ở ven làng.
Sáng ra, cả nhà tá hỏa vì không thấy cụ Khê đâu cả. Nhìn vết máu khô cạnh hàng rào, cùng dấu chân hổ to như bát tô, cả nhà khóc rống lên, bởi biết rằng hổ đã vào tận nhà quắp cụ Khê đi mất từ đêm.
Đi theo dấu máu và vết chân hổ, đến bìa rừng, thì mọi người nhận ra xác cụ Khê qua bộ quần áo rách tơi tả, bê bết máu. Con hổ đã ăn hết khuôn mặt, lột mảng ra mặt ra. Bộ lòng của cụ Khê cũng bị nó ăn hết.
Con trai cụ, là Cù Văn Bễ nhìn thấy bộ dạng cha, khóc rống lên, đôi mắt ngầu đỏ ngùn ngụt căm thù. Thanh niên trai tráng giáo mác, gậy gộc tới cả trăm người kéo vào, hú hét vang dậy cả cánh rừng.
Nhìn dấu chân con hổ còn mới nguyên, biết nó chưa thể đi xa. Bên kia là dòng sông Tam Bạc rộng mênh mông, dấu chân nó lại hướng về cánh rừng giáp làng Trúc Động, thuộc tổng Trúc Động, nên chắc chắn sẽ còn ẩn náu ở những dải núi quanh làng.

Do vat Hai Phong quan thao mot ngay trong hang ha thu cop khong lo tra thu cho cha hinh anh 2
 Quả núi có hang động - nơi con hổ trốn và bị cụ Bễ tiêu diệt.

Ngoài ra, loài hổ, khi đã săn được con mồi, nó sẽ quẩn quanh ở khu vực đó, ăn đến khi nào hết mồi thì mới bỏ đi. Con mồi càng bốc mùi hôi thối, thì càng ngon miệng với nó.
Với quyết tâm đối mặt con hổ dữ, ông Cù Văn Bễ đã kêu gọi thanh niên trai tráng dàn hàng tiến vào rừng sâu, chặn lối thoát thân, để truy tìm nó.  
Bỗng nhiên, tiếng hổ gầm phát ra từ phía quả núi Đá Cùa, còn gọi là núi Bầu Chùa, khiến ai nấy vỡ mật, định chạy tán loạn. Đô vật Cù Văn Bễ xé toang manh áo, lộ bộ ngực căng phồng, đứng trước trai làng, khảng khái sẽ một mình giết chết con hổ, khiến mọi người an tâm. Ông kêu gọi thanh niên trong tổng cùng đoàn kết, khép vòng vây, để dồn con hổ vào góc núi, và ông sẽ đối mặt với nó để báo thù cho cha.
Vòng vây đã khép lại quanh quả núi Đá Cùa giữa cánh đồng. Dấu chân hổ có khắp nơi, nhưng con hổ to như con bò thì lại mất tích. Sau một hồi lần lục, thì phát hiện dưới chân núi có một miệng hang. Miệng hang chỉ cao hơn đầu người một chút, nhưng lòng hang thì rộng mênh mông, sâu hun hút.
Chắc chắn con hổ đã chui vào trong hang, chứ không thể bốc hơi được. Nhưng, chẳng ai dám vào, bởi ai cũng biết rằng, nếu con hổ ở trong hang, mà chui vào đó, chẳng khác gì chui vào mõm nó.
Tất nhiên, người chui vào hang đối mặt với con hổ không ai khác, là đô vật Cù Văn Bễ. Cụ Bễ vừa chui vào trong hang, khua khua bó đuốc, thì tiếng hổ gầm vang ra, rung động cả vách núi, khiến cả trăm trai làng hồn xiêu phách lạc, ai nấy mặt cắt không còn giọt máu.

Do vat Hai Phong quan thao mot ngay trong hang ha thu cop khong lo tra thu cho cha hinh anh 3
Cụ Cù Văn Bễ - người diệt hổ dữ bằng giáo sắt. 

Cụ Bễ đem cả chục bó đuốc cắm vào trong hang, khiến khung cảnh tối om của hang trở nên sáng rõ. Con hổ phủ phục giữa hang, đôi mắt vằn đỏ nhìn cụ. Mọi người bao vây ở cửa hang, cứ một loáng lại thấy cụ Bễ chui ra với chiếc đòn sóc gẫy đôi, giáo mác cong vẹo.
Hồi đó, rừng lim, rừng táu nhiều, người dân trong vùng đẽo lõi gỗ lim, gỗ táu với hai đầu nhọn hoắt dùng để gánh lúa và gánh củi. Loại gỗ này cứng như thép, nặng trịch, thế nhưng, con hổ chỉ vả một nhát là gẫy đôi. Những chiếc giáo bịt sắt nhọn hoắt, đâm vào con hổ chỉ làm nó xây xước nhẹ và một cú vả của nó là gẫy đòn, cong lưỡi.
Trận đánh hổ kéo dài suốt từ sáng đến chiều, khi trời xâm xẩm tối, mới kết thúc. Cụ Cù Văn Bễ khi đó đã thấm mệt, người ngợm đầy vết hổ cào, máu me bê bết, quần áo rách tả tơi. Thế nhưng, lòng căm thù con hổ ngút trời, cụ vẫn tiếp tục xách giáo vào giao chiến.
Ráng hết sức bình sinh, cùng với sức mạnh cơ thể, cụ phóng thẳng giáo sắt, trúng mắt hổ, xuyên ngập lưỡi giáo vào đầu hổ. Con hổ gầm lên một tiếng, rồi đổ vật chết thẳng cẳng.
Cụ Bễ chui ra khỏi hang, nói rằng đã giết hổ, nhưng vẫn không ai dám vào hang, vì sợ cụ lừa. Cụ phải dùng thừng buộc đầu hổ, ròng dây ra tận miệng hang, tất cả cùng hò dô kéo xác hổ ra miệng hang, mọi người tận mắt, mới tin là con hổ đã chết. Con hổ to đến nỗi, phải 6 thanh niên khỏe, xiên vào 3 dòn sóc mới khênh nổi nó.

Do vat Hai Phong quan thao mot ngay trong hang ha thu cop khong lo tra thu cho cha hinh anh 4
Liên Khê xưa là vùng đất rừng rậm nhiều cọp beo. 

Con hổ khổng lồ được khênh về đầu làng, và nó bị hành quyết theo kiểu treo cổ trên cây đa. Hàng vạn người dân khắp tỉnh Quảng Yên và Hải Dương khi đó kéo về xem con hổ bị hành quyết.
Chánh sứ tỉnh Quảng Yên đã về tận nơi xem xét, cho lính đem xác hổ đi, tặng thưởng cho ông Cù Văn Bễ 6 đồng bạc Đông Dương, đủ tiền mua mẫu ruộng.
“Sau khi giết con hổ, thì tổng Trúc Động thu giữ cái giáo mà ông nội tôi giết hổ để trưng bày ở đình. Sau giải phóng, gia đình chúng tôi xin lại cây giáo để cất giữ ở nhà. Thế nhưng, hơn chục năm trước, ông anh họ xây lại nhà, không rõ vứt đâu mất, khiến ai cũng tiếc nuối” – anh Cù Huy La chia sẻ.
Con hổ bị giết, những đêm sau đó, khắp làng Trúc Động thi thoảng lại vang lên tiếng khóc ai oán lúc đêm khuya. Tiếng khóc nhiều nhất ở quanh ngôi nhà của ông Cù Văn Bễ.
Mẹ ông Bễ, là bà Đinh Thị Niệu đi xem bói, thầy bói bảo, đó là tiếng khóc của 72 vong hồn của 72 người bị con hổ ăn thịt. Bà Niệu cùng dân làng góp tiền, dựng đàn cúng, với 72 mâm lễ, cúng suốt một ngày, để các vong hồn siêu thoát. Từ bấy, không ai nghe thấy tiếng khóc ai oán lúc đêm khuya nữa.
PHẠM DƯƠNG NGỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét