Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Chùa Bồ Đề

Chùa Bồ Đề tọa lạc tại ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, cách thành phố Vĩnh Long chừng 30 km về phía Tây, cách thành phố Cần Thơ 2 km về phía Đông Nam.
Theo các bậc kỳ lão, chùa Bồ Đề xây dựng từ giữa thế kỷ XIX. Nơi đây là điểm tu hành của nhiều tín đồ sùng đạo, nhiều vị cao tăng đạo cao, đức trọng. Với thời gian tồn tại lâu dài cùng sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh vừa qua, chùa Bồ Đề không còn nguyên vẹn với những đường nét cổ kính xưa kia, nhưng trong ký ức của bao người, nơi đây vẫn là điểm son tươi thắm của tình yêu quê hương đất nước, sự hài hợp tuyệt vời giữa đạo pháp và dân tộc, thể hiện xuyên suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc.


Ngay từ đầu thập niên 30, trong ấp Mỹ Hưng xuất hiện một người đàn ông lạ mặt phong cách lịch duyệt, nói năng mực thước, thường mặc áo dài xuyến, đầu đội khăn đóng. Ông lưu lại trong chùa Bồ Đề, hốt thuốc nam trị bệnh cứu dân lành. Người thầy thuốc nhanh chóng nổi tiếng với tài trị bệnh rất giỏi, lại thông thiên văn, địa lý. Mọi người bị lôi cuốn bởi tài hùng biện, kiến thức uyên bác của ông thầy thuốc. Thanh niên trai tráng thường xuyên tập hợp tại chùa để được nghe thầy Ba - bà con thân mật gọi ông thầy thuốc nam – nói chuyện. Những chuyện từ làm ăn, sinh sống, vui chơi giảI trí hàng ngày đến những chuyện xa, chuyện gần đông - tây - kim cổ. Dần dần, nhiều thanh niên vốn mù chữ, thiếu thông tin đã hiểu biết ít nhiều về thế sự. Họ hiểu vì sao có kẻ giàu, người nghèo, có bất công xã hội… Tâm hồn thanh niên được người thầy khơi gợI tình yêu quê hương đất nước, gieo mầm tư tưởng tiến bộ.
Người thầy thuốc ở chùa Bồ Đề một năm. Ông ra đi một thời gian ngắn. Sau khi trở lại chùa, ông xuống tóc quy y và mang pháp danh Nhựt Quang.
Thầy Nhựt Quang giỏi giáo lý nhà Phật, thông thiên bác cổ nên bà con tín đồ xa gần hết sức trọng vọng. Nhiều người tự nguyện tìm đến xin học tập, kết thân với thầy. Trong số này có ông Bùi Văn Hoành, bà Bùi Thị Trường, bà Chiêm Thị Ngó (tức bà Phan Thị Đạm). Thầy say sưa nói về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội, phong trào đấu tranh của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới, quyền sống của phụ nữ, sự bất bình đẳng xã hội mà phụ nữ đang gánh chịu nặng nề… Luồng tư tưởng mới truyền sang những thanh niên đang khao khát, hoài vọng về tiền đồ quốc gia, dân tộc. Thầy Nhựt Quang phổ biến cho thanh niên các loại sách báo tiến bộ đương thời như Phụ nữ Tân Văn, Một chữ trinh, Trai Nam Việt - gái Lạc Hồng… có tác dụng lớn trong việc trang bị kiến thức cho thanh niên.
Sự thật, thầy Nhựt Quang là nhà cách mạng Nguyễn Văn Nhẫn đang bí mật hoạt động, gầy dựng phong trào. Ông tìm về chùa Bồ Đề để tạo dựng cơ sở cách mạng, xây dựng tổ chức Đảng. Năm 1934, thầy Nhựt Quang vận động quần chúng xã Mỹ Hoà thành lập các hội Ái hữu, phổ biến các tài liệu cách mạng cho thanh niên tiến bộ. Năm 1936, Chi bộ đầu tiên của xã Mỹ Hoà được thành lập tại chùa Bồ Đề. Đây là kết quả qua dày công vận động, rèn luyện thử thách của nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Văn Nhẫn.
Sau khi chính thức thành lập, Chi bộ Mỹ Hoà hoạt động tại xã nhà, đồng thời một bộ phận bí mật hoạt động ở thành phố Cần Thơ. Hai bộ phận thường xuyên hỗ trợ lẫn nhau. Chi bộ Đảng vận động nhân dân tham gia các đoàn thể, hội nhóm; phát động nhân dân yêu cầu nhà cầm quyền giảm sưu, giảm thuế. Năm 1936, đồng chí Đặng Công Lý tổ chức đưa đồng chí Bảy Cùi (tức Phan Văn Bảy (1910 - 1942) - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ) sang Mỹ Hòa tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cách mạng có đông đảo nhân dân tham dự. Chi bộ Đảng Mỹ Hòa thường tổ chức họp tại chùa Bồ Đề. Để che mắt địch, khi họp đều có bộ bài cào để giữa bàn, mỗi đảng viên bày trước mặt một ít tiền lẻ.
Năm 1939 - 1940, nhiều đảng viên chi bộ Mỹ Hòa bị lộ, bọn mật thám Pháp, tề ngụy theo dõi, bắt bớ. Các đồng chí Huỳnh Văn Chiêm, Lê Văn Vị, Từ Hiền Đại bị đày ra Côn Đảo; các đồng chí Nguyễn Văn Dân, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Đông, Bùi Văn Bảy, Chiêm Thị Ngó bị giam ở Chí Hòa, Bà Rá. Sau đó, đồng chí Đông hy sinh ở Côn Đảo, đồng chí Lưu Nhân Sâm bị xử bắn ở Hóc Môn.
Cách mạng tháng Tám thành công, các đồng chí bị lưu đày trở về quê nhà hoạt động, tiếp tục lui tới chùa Bồ Đề hội họp. Khi Pháp quay lại Việt Nam, ủng hộ tuần lễ đồng - vàng của Chính phủ chùa Bồ Đề hiến đại hồng chung làm vũ khí đánh giặc.
Năm 1955 - 1956, Ngô Đình Diệm lập tỉnh Tam Cần, lấy thị trấn Trà Ôn làm tỉnh lỵ, lập ra huyện Bình Minh. Lúc ấy, tỉnh ủy Tam Cần chọn Mỹ Hòa, Đông Thành (Bình Minh), Ngãi Tứ, Song Phú (Tam Bình) làm khu căn cứ. Tỉnh ủy Tam Cần thường chọn chùa Bồ Đề làm điểm hội họp. Các đồng chí Nguyễn Thành Khẩn (Mười Thơ), Lê Thới Tợi, Chín Hà nhiều lần về chùa Bồ Đề nghỉ ngơi, hoạt động. Cơ sở cách mạng nhiệt thành. Đặc biệt, các ni sư giúp đỡ cách mạng tận tâm, tận lực.
Trong các năm 1957 - 1959, Liên Tỉnh ủy miền Tây từ căn cứ U Minh chuyển về đóng ven hai bờ sông Hậu, xã Mỹ Hòa trở thành xã căn cứ của Liên Tỉnh uỷ. Mỹ Hòa nhiều lần đón tiếp các đồng chí Phạm Thái Bường, Sáu Dân, Sáu Đàng, Mười Thơ về hội họp, chỉ đạo phong trào. Đồng chí Nguyễn Văn Hạnh (tức Tám Lương) – Trưởng Ban cơ yếu Khu Tây Nam Bộ kiêm nhiệm trạm đầu mối liên lạc của Văn phòng Liên Tỉnh ủy miền Tây – hoạt động ở Mỹ Hòa trong thời gian khá dài. Trong quá trình hoạt động, đồng chí liên hệ với ni cô Trần Thị Tám là trụ trì của chùa Bồ Đề. Ni cô Trần Thị Tám canh gác, bảo vệ các cuộc họp chu đáo, an toàn. Cho đến khi Tỉnh ủy Tam Cần giải tán, nơi đây không xảy ra sự việc đáng tiếc.
Sau Mậu Thân 1968, ông Võ Thành Bảy ở Cần Thơ về chùa Bồ Đề bàn bạc với các sư sãi, tín đồ đưa ông Chín Tòng, pháp danh Thích Trí Quảng về làm trụ trì chùa. Các ông bà như bác sĩ Thuấn, Võ Văn Bảy, Hai Trăm tổ chức rước ông Nguyễn Văn Tòng từ chùa Long Thới, Kế Sách, Cần Thơ về chùa Bồ Đề. Nhằm che mắt địch, Tôn giáo vận Cần Thơ tổ chức lễ rước tượng Phật long trọng. Từ thời điểm ấy, chùa Bồ Đề trở thành cơ quan của Tôn giáo vận thành phố Cần Thơ. Thầy Thích Trí Quảng xây bệ tượng bằng xi-măng, bên trong để bọng, làm hầm bí mật, phòng khi cấp thiết (hầm bí mật nay vẫn còn). Thầy Thích Trí Quảng hoạt động liên tục tại chùa, đến năm 1975 mới về lại thành phố Cần Thơ.
Chùa Bồ Đề được UBND tỉnh ra quyết định số 970/QĐ-UBT ngày 17/4/2003 công nhận là Di tích cấp tỉnh.
Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét