Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Danh tướng nổi tiếng với câu nói 'không thèm làm vương đất Bắc'

tim-hieu-danh-tuong-noi-tieng-voi-cau-noi-khong-them-lam-vuong-dat-bac
Trần Bình Trọng sinh năm 1259 ở xã Bảo Thái, nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông nguyên họ Lê, dòng dõi vua Lê Đại Hành. Chính sử không ghi chép cha mẹ ông là ai, chỉ một số tài liệu viết rằng phụ thân ông là danh tướng Lê Tần dưới triều vua Trần Thái Tông. Hai cha con ông làm quan, lập nhiều công lớn cho nhà Trần nên được vua ban cho quốc tính họ Trần.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ nhất (1257-1258), tướng Lê Tần lập được nhiều chiến công, cứu Trần Thái Tông trong một trận đánh khốc liệt nên được vua đổi tên là Lê Phụ Trần. Sau khi đánh đuổi quân Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi, Trần Thái Tông không chỉ phong tước cho Lê Tần mà còn gả vợ cũ của mình là Chiêu Thánh cho ông.
Theo sách Những danh tướng chống ngoại xâm thời Trần (NXB Giáo dục Việt Nam), Trần Bình Trọng là con của Lê Phụ Trần và Chiêu Thánh công chúa. Tuy nhiên, điều này chỉ là phỏng đoán của dã sử. Sử sách chỉ ghi Trần Bình Trọng vốn họ Lê, dòng dõi vua Lê Đại Hành.

Được cha cho học hành từ nhỏ lại sáng dạ, đến năm 16-17 tuổi, Trần Bình Trọng tỏ ra dũng cảm, mưu lược và võ nghệ tài giỏi hơn người, thường giành được phần thắng trong các cuộc thi. Vua Trần Thánh Tông rất hài lòng nên đã tác thành cho ông và công chúa Thụy Bảo, con của vua Trần Thái Tông, em của Trần Nhật Duật.
Thụy Bảo công chúa từng là vợ của Uy Văn vương Trần Toại. Hai người rất mực yêu thương nhau, nhưng không may sau một cơn bạo bệnh, Trần Toại qua đời. Thụy Bảo khi đó mới ngoài đôi mươi.
Như vậy, Trần Bình Trọng là con rể của vua Trần Thái Tông

Đầu năm 1285, 500 nghìn quân Nguyên - Mông do tướng Thoát Hoan chỉ huy kéo sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Thấy thế giặc mạnh, Trần Quốc Tuấn quyết định cho lui quân về giữ Vạn Kiếp (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Trước sức tấn công ồ ạt của quân Nguyên - Mông, quân Đại Việt lại rút về Thăng Long rồi tính kế rút về Thiên Trường (nay thuộc Nam Định).
Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông giao nhiệm vụ giữ vùng Đà Mạc - Thiên Mạc (nay là vùng giáp ranh giữa Hưng Yên và Hải Dương), ngăn chặn quân Nguyên - Mông, đảm bảo cho vua, triều đình, tôn thất và đại quân rút lui an toàn theo đường sông Hồng về hướng phủ Thiên Trường.
Trần Bình Trọng chỉ huy cuộc đánh chặn quân giặc tại bãi Đà Mạc. Ông đã chỉ huy binh sĩ tả xung hữu đột, không ngại hy sinh, chiến đấu rất ngoan cường để kéo dài thời gian nhằm cầm chân quân Nguyên - Mông càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, với sự chênh lệch quá lớn về lực lượng, sau nhiều đợt tấn công, quân Nguyên - Mông phá được đội hình quân nhà Trần, Trần Bình Trọng bị sa vào tay giặc.
Theo sách Những danh tướng chống ngoại xâm thời Trần, bắt được viên tướng trẻ của Đại Việt, giặc thấy rõ tài năng, chí khí nên lập kế mua chuộc. Chúng thiết đãi Trần Bình Trọng rất hậu hĩnh, cho ăn ở chu đáo, đối xử mềm mỏng, nhưng Trần Bình Trọng "nhất quyết tuyệt thực, không thèm trò chuyện, không hé nửa lời". Cuối cùng, chúng dùng danh lợi, chức tước để hòng cám dỗ ông.
Khi nghe tên tướng giặc hỏi có muốn làm vương ở nước chúng, hưởng phú quý giàu sang, Trần Bình Trọng giận sôi người, không thể nín lặng được nữa, ông đã quát to vào mặt tên tướng giặc "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc".
Giặc biết không có cách nào chiêu dụ được Trần Bình Trọng nên ra lệnh giết ông để trừ hậu họa vào ngày 26/2/1285. Khi đó, ông mới 26 tuổi.
Được tin Trần Bình Trọng mất, vua và triều đình vô cùng thương tiếc dũng tướng hết lòng vì dân vì nước. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép vua Trần Nhân Tông "được tin này, vật vã khóc thương".
Nhà vua đã truy phong tước vương (là tước thứ nhất, chỉ phong cho người trong hoàng tộc) cho ông, tặng ông hai chữ "Trung Nghĩa" và cho lập miếu thờ ngay trên vùng đất ông đã chiến đấu và hy sinh.
dung-tran-binh-trong-noi-cau-do-khi-tuong-giac-du-nhan-tuoc-vuong
Trần Bình Trọng trong trại giặc. Ảnh minh họa
Ý chí của Trần Bình Trọng được nhiều tác giả đưa vào thơ ca. Hoàng giáp Đặng Minh Khiêm sáng tác mấy câu thơ vào thế kỷ XVI về Trần Bình Trọng, tạm dịch như sau: "Thề cam lòng làm quỷ nước Nam/ Quyết ngoảnh mặt không thèm vương Bắc/ Bãi Đà Mạc tỏ chí hiên ngang/ Dòng dõi vua muôn đời vững chắc".
Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái ca ngợi ông trong Đại Nam quốc sử diễn ca: "Trần Bình Trọng là tôi trung/ Thà làm Nam quỷ, chẳng lòng Bắc vương".
Phan Kế Bính cũng có bài Khen Trần Bình Trọng với nội dung: "Gỏi thay Trần Bình Trọng/ Dòng dõi Lê Đại Hành/ Đánh giặc dư tài mạnh/ Thờ vua một tiết trung/ Bắc vương sống mà nhục/ Nam quỷ thác cũng vinh/ Cứng cỏi lòng trung nghĩa/ Ngàn thu tỏ đại danh".
Tấm gương hy sinh của Trần Bình Trọng đã góp phần cổ vũ quân dân Đại Việt chiến đấu ngoan cường, khiến cuộc xâm lược lần thứ hai của giặc Nguyên - Mông thất bại.
Tưởng nhớ danh tướng trẻ, nhân dân lập đền Trần Bình Trọng tại xã Mạn Trù, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nhiều thành phố lớn lấy tên ông đặt tên cho các con đường.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét