Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Bên kia đèo Le...

Từ ngã ba Hương An (Quế Sơn, Quảng Nam), theo hướng tây, qua thị trấn Đông Phú đã gặp đèo Le. Một chút rượu quê nhấm thịt gà tre trên đỉnh đèo cao, quán chật, đổ dốc là làng…


Bên kia đèo Le, những cái tên Đại Bình (hay Đại Bường), Trung Phước, Hòn Kẽm Đá Dừng, Dùi, Chiêng, Tí, Sé… bao giờ cũng gợi chút phiêu bồng trong khách lãng du.
 
Từ nơi đỉnh đèo cao, quán chật với suối nước mát, uống rượu quê, nhấm nháp “gà tre”, nồng say hương trung du, đổ dốc đèo Le đi hơn mười cây số nữa là đến chợ Trung Phước. Nơi đây đã từng là đầu mối thông thương xuôi ngược khách thương hồ trong câu hò quen thuộc người Quảng: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”.
 
Tiếng nói cười bên bến đò ngập nắng ngày mùa sai cây trái làng bên sông theo chân người gồng gánh trên vai cả hương làng cũ. Chuối, cam, dâu, chôm chôm, trụ lông… theo nụ cười thôn nữ qua đò ngang về chợ, theo đò dọc về xuôi. Chợ đông khi đò cập bến, ồn ã ngay trên bến sông. Nơi ấy, có những người cả đời chỉ bán một thứ trầu cau bên hiên chợ đời, làm vui…
 
Đến chợ Trung Phước, không xuống đò qua làng Đại Bình thì coi như đi chưa hết... chợ. Đặc sản của làng Đại Bình đã gắn liền với “sự đặc trưng” của chợ Trung Phước xưa nay. Dải đất hình chữ C nằm riêng biệt bên kia dòng Thu Bồn, chân thò ra biền bãi, đầu gối lên núi, cả dãy tre xanh ôm gọn lấy làng Đại Bình.
 
Làng chạy dọc theo bờ cát trắng trải dài từ đầu truông Nông Sơn đến Thổ Làng, Bàn Cúng. Những con đường làng uốn mình theo xóm làng giữa những vườn trái cây đầy bóng mát. Tách nhịp hẳn với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp của chợ Trung Phước, nơi đây như một ốc đảo thanh bình im ắng.
 
Với nhiều loại trái cây như: cam sành, quýt, trụ lông, lòn bon, sầu riêng, măng cụt…, chắc hẳn khi thưởng thức du khách sẽ không bao giờ quên hương vị ngọt ngào riêng có nơi này. Những ngôi nhà cổ được dựng bằng gỗ, theo kiến trúc nhà vườn thấp thoáng giữa vườn cây rợp mát, càng gợi lên sự bình yên của nếp nhà, của nếp sống hồn hậu, tự nhiên.
 
Người dân tự bao đời vẫn giữ được nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, mía đường thủ công có tiếng. Chưa kể đến bên này sông, làng Trung Phước với nghề làm trầm hương mỹ nghệ với bàn tay tài hoa của người thợ, tạo nên những dáng trầm tuyệt mỹ…
 
Từ làng Đại Bình, câu ca quen thuộc “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!” ngân dài trên sông Thu Bồn khi đưa du khách ngược lên danh thắng nổi tiếng này. Lên đến đây, điểm thắt lại lần cuối cùng của thượng nguồn Thu Bồn, nhìn con nước tạm biệt núi rừng độc hành miên man chảy về xuôi, hẳn du khách chạnh lòng những nỗi niềm sau hành trình ngược sông thưởng lãm đôi bờ.
 
Nếu là buổi hoàng hôn, du khách sẽ hiểu thêm về cái tên Hòn Kẽm Đá Dừng, bởi lẽ dưới ánh hoàng hôn tim tím, từ những vách núi dựng đứng chẻ ra kia sậm một màu của “kẽm”, cảnh sắc bàng bạc một không gian huyền ảo, vắng lặng trong ánh chiều tà.
 
Có lẽ lên chơi Hòn Kẽm Đá Dừng, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng không gian hùng vĩ nơi thượng nguồn dòng Thu Bồn, mà còn để trải nghiệm một cách chân thực hơn về sự thích nghi kỳ lạ của con người nơi này với thiên nhiên…
 
Không chỉ chừng ấy, Nông Sơn còn ở những điểm dừng chân lý tưởng nữa như suối nước nóng Tây Viên, Khe Nghiêng, Đá Bàn, Đá Mài... Tất cả đang chờ đón bước chân du khách. Một ngày nắng, chọn một chuyến đi qua đèo Le, hay theo đò dọc về Trung Phước, ngược nguồn, tại sao không?
Theo THẢO NGUYÊN (Quảng Nam Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét