Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Cốm - Nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Bình Thuận

Thứ tư, 22 Tháng 4 2009 18:51
Ảnh Đối với nhiều người Phan Thiết, không khí Tết không thể thiếu cái ấm nồng khi gia đình quây quần bên nồi bánh chưng vừa chia sẻ vui buồn của một năm vừa thưởng thức hương thơm của nếp đang chín. Và càng không thể thiếu khung cảnh nhộn nhịp của tất cả thành viên trong gia đình cùng… đóng cốm. Người trộn nổ, người chèn nổ vào hộc cốm, người đóng cốm… xen lẫn với những câu chuyện về công việc của cả năm, về cái Tết sắp đến, về dự định cho năm mới.
Cuộc sống ngày càng phát triển, con người bận rộn nhiều hơn với công việc, nên dù Tết vẫn có cốm nhưng đã mất dần cái ấm áp của khung cảnh mọi người cùng đóng cốm. Người Phan Thiết chấp nhận mua cốm đóng sẵn, hay đặt những người còn làm cốm. Có thể nói hiện nay ở Phan Thiết, trong các khu dân cư vẫn có vài hộ gia đình còn duy trì việc làm cốm Tết, vừa có cốm chưng lên bàn thờ ông bà, vừa giúp bà con lối xóm giữ nếp chưng cốm Tết. Như gia đình ông Phạm Văn Tài, ngụ khu phố 7, phường Đức Nghĩa gần 15 năm nay, mỗi năm đều dành ra tháng cuối cùng để đóng cốm theo đặt hàng của bà con. Ông Tài vui vẻ cho biết: "Làm gì thì làm, tất cả con cháu đều phải bỏ công việc hàng ngày để tập trung làm cốm. Nhưng gia đình tôi làm cốm không phải để bán mà để giúp bà con xóm làng có hộc cốm đón Tết, giữ gìn cái nếp xưa của tổ tiên để lại vào những ngày giáp Tết". Không riêng hộ ông Tài, tất cả 7 hộ làm cốm Tết ở khu phố 7, Đức Nghĩa cũng đều chung mục đích: giữ nếp xưa cho gia đình và bà con lối xóm! Cũng theo lời ông Tài, nhờ những hộ gia đình còn duy trì nghề làm cốm như nhà ông mà cái nếp phải có cốm Tết của người Phan Thiết còn theo chân người Phan Thiết đi khắp nơi cả trong và ngoài nước. Trong số 7 hộ làm cốm ở khu phố 7, Đức Nghĩa có hộ anh Hùng hàng năm đều làm cốm với hương vị rất riêng của phố biển như cốm chỉ thêm gừng, hộc cốm lớn… để gửi sang cho một số Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài đón Tết cổ truyền. Nét văn hóa Tết: Cốm Tết từ lâu được người Phan Thiết xem như là nét văn hóa Tết. Phong tục ngày Tết phải có cốm trên bàn thờ tổ tiên đã có hàng trăm năm nay ở Phan Thiết. Cốm Tết mang hình dáng khối lập phương trông như chiếc gối xếp lá sách mà các cụ xưa thường dùng kê tay hoặc nằm đọc sách. Cốm Tết phải được bọc bằng giấy ngũ sắc (5 màu), hai đầu được dán hoa giấy rất đẹp. Nhất là khi cốm được chưng lên bàn thờ tổ tiên cần phải được sắp xếp sao cho đẹp mắt và trang trọng. Ông Tài cho biết thêm, dù giàu hay nghèo và có thể thiếu thứ này thứ nọ nhưng người Phan Thiết buộc phải có hộc cốm Tết để dâng lên tổ tiên vào những ngày đầu năm mới. Bởi cốm Tết Phan Thiết không chỉ đơn giản là… món ăn Tết mà là một nét văn hóa Tết của người dân phố biển. Trong đó riêng ý nghĩa của hộc cốm nổ đủ nói lên điều đó. Nguyên liệu chính của cốm là nổ. Bên cạnh đó, ngoài vị ngọt của đường, cốm Tết phải có thêm gừng với vị cay nồng đặc trưng không thể thiếu trong nếp ẩm thực… của người phương Nam. Hơn nữa với riêng người Phan Thiết, gừng còn tượng trưng cho sự khỏe mạnh (là một vị thuốc quý); sự thủy chung (muối mặn - gừng cay!), sức sống (gừng là loại cây dễ trồng)… Còn dáng hình vuông của hộc cốm? Theo quy luật trời đất, sự vuông vức thể hiện cho sự vững chãi, trường tồn. Cốm còn được bọc giấy ngũ sắc, dán hoa giấy nhiều màu… thể hiện rất rõ tính cách, tâm hồn đầy nét phóng khoáng, yêu đời, khéo léo và hồn hậu của con người xứ biển! Và tất cả những điều này đã luôn là những mong ước và hy vọng của người Phan Thiết hướng về tổ tiên vào những ngày Tết cổ truyền để mong muốn một năm mới như ý! Tết phải có cốm nổ! Đó là nét văn hóa Tết truyền thống của mọi người dân Phan Thiết. Và dù hôm nay, cốm nổ Tết có "biến tấu" theo kiểu nào, hương vị nào đi chăng nữa thì hộc cốm ngày Tết dâng lên tổ tiên vẫn phải được làm từ loại nếp ngon nhất, vẫn phải là vị ngọt thanh của loại đường dịu ngọt nhất, vẫn phải có vị cay nồng của gừng, và vẫn phải vuông vức với giấy nhiều màu và hoa ở hai đầu hộc cốm!
BinhThuan Today

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét