Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Nhớ chả cá rựa

Với người Bình Thuận, chả cá rựa không có gì lạ! Đó là khi bạn đang còn sống ở quê, ở Phan Thiết, nhưng chỉ cần bạn đi đâu xa và ai đó nhắc đến cá rựa, mời bạn một miếng chả cá rựa thì nỗi nhớ mang mang măng măng lại về.

Đó là lúc bạn nhớ mùi nồng nồng của biển vào sớm mai, mùi tanh của hải sản khi bước vào một chợ cá nào đó, cũng như nhớ con cá rựa hình dáng dài như cá hố, nhưng sắc da không trắng mà xanh, (chẳng hiểu vì da cá màu xanh ánh bạc giống màu xanh thép đúng lửa, và hình dáng cá giống chiếc rựa của người miền trung -  miền Bắc gọi là dao quắm- mà  cha ông ta gọi là cá rựa?).
Cá rựa xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa  hè và mùa thu. Cá rựa to, lắm xương, không thích hợp với nhà có con  nhỏ nhưng thịt cá thì là nguyên liệu làm chả tuyệt vời. 
 Chị Hiền và hàng bánh canh cá rựa tại chợ La Gi

Ở vùng La Gi những ngày tôi mới lớn,  nhiều người  làm chả cá rựa, nhưng ngon nhất là hàng bánh canh kiêm chả cá của bà Hai Phan Thiết. Nhà bà Hai khá đông lao động  nên công việc làm chả cá trở nên thuận lợi. Sáng sáng, cô Lan, con bà đi chợ tìm mua những con  cá rựa to, tươi nhất đem về cho mẹ làm chả.
 
Bà Hai sẽ dùng dao bén to bản, lóc da và thịt cá ra khỏi xương. Xương sau đó được nấu nhiều giờ lấy vị ngọt cho nồi bánh canh. Phần thịt và da  được bà dùng thìa nhôm bào ra từng miếng mỏng, cho đến khi còn trơ da.
Tiếp đến, bỏ thịt của cá vào cối giã cho tơi nhuyển. Trong quá trình giã,  bà cho vào cối những loại gia vị thơm như: tỏi, tiêu đen, một ít bột ngọt, một ít đường… Thịt cá sau nhiều giờ giã, thành một loại nguyên liệu hỗn hợp nhuyển đặc như chưa bao giờ nhuyễn đặc hơn!
Khi đã đúng “độ” cần thiết, bà Hai lấy thịt cá ra khỏi cối, đặt lên chiếc mâm  nhôm (có tráng qua một lớp dầu ăn), và cứ  thế nặn thành hình  mặt trăng, hình vuông… cho vừa nồi  hấp. Cá được hấp cách thủy, tránh cho nước trào lên, làm ướt và không đẹp màu chả.
Ngày trước nhiều nhà chưa có tủ lạnh, người ta đặt lên bề mặt chả một miếng vải mỏng, thoáng, tránh ruồi nhặng, và cứ thế  giữ chả trong nhiều ngày không hư.
Những ngày vì  lý do nào đó không mua đủ lượng cá rựa cần thiết, bà Hai thường mua thêm cá thu ảo, tuyệt nhiên dùng cá mối làm chả như  một số người đã làm. Theo bà, chả làm bằng cá mối không có độ dai cần thiết, cũng như có mùi tanh và không để được lâu.
 Chả cá rựa
Hơn ba mươi năm bán bánh canh và chả cá rựa, bà Hai Phan Thiết  trở nên nổi tiếng tại La Gi. Người ta mua chả của bà mang đi Sài Gòn, về Đà Nẵng, tự hào tặng cho người thân. Các con  bà Hai  sau này không nối nghiệp mẹ, nhường  bí quyết, ngón nghề cho chị Hiền, một phụ nữ đẹp người, đẹp nết  trước đó cũng bán chả cá rựa trong chợ.
Những ngày này, nhiều người gốc Bình Thuận, khi đi xa làm ăn đã làm chả cá rựa kiếm sống tại nơi ở mới, cũng như giới thiệu với người bốn phương đặc sản quê hương mình, tiếc rằng vì không có cá rựa nên chả của họ không ngon.
Tại TPHCM, chúng tôi tìm thấy vài nơi giới thiệu chả cá rựa Phan Thiết, với yêu cầu phải “order”  trước một vài ngày. Một đêm mùa thu, bên căn gác nhỏ, trông ra  con đường  nhỏ, bạn cùng ai đó ngồi trò chuyện quên ăn…Bất chợt có tiếng rao “Bánh canh cá rựa… đây”… bạn sẽ thấy muốn gọi vào  bằng được. Những tô bánh canh cá rựa có một chút cay cay trên đầu lưỡi… mùi thơm  của hành phi xông lên tận mũi, bạn vừa ăn vừa  trộm nghĩ: “Ơ hay! quê mình có món chả cá, món bánh canh ngon nhất trần đời…! ”
Theo Nguyễn Văn Khỏe (Bình Thuận Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét