Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Bí ẩn dòng suối nóng nhất Việt Nam


Hàng trăm năm qua, nước ở suối lúc nào cũng ở trạng thái sôi sùng sục. Bí ẩn về con suối kỳ lạ này còn gắn liền với một truyền thuyết tình yêu nam nữ, được người dân nơi đây truyền tụng qua nhiều thế hệ.
Truyền thuyết về suối nước nóng Bình Châu
Vùng nước nóng kỳ diệu này nằm cách TP.HCM 150 km về phía Đông Bắc, thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Chạy dọc theo quốc lộ 55, chúng tôi tìm về vùng đất địa linh miền Đông Nam Bộ để tìm về khu suối nước nóng Bình Châu nổi tiếng này. Trước mắt chúng tôi là một hồ nước nóng khổng lồ, có nhiệt độ từ 40 độ C - 82 độ C, phun trào bất tận trên 70 điểm, bất kể ngày đêm. Đây được xem là suối nước nóng đặc biệt nhất cả nước.
Dòng suối luôn nóng và bốc hơi nghi ngút
Đến khu suối nước nóng, chúng tôi cảm nhận được làn hơi nước ấm áp mỏng tang như những làn sương khói bao phủ khắp người. Khung cảnh càng trở nên huyền ảo hơn vào mỗi buổi chiều. Cách đó không xa có một khu gọi là Giếng trời luộc trứng. Nơi đây có rất nhiều giếng nước nóng lộ thiên được thiết kế theo nhiều hình dạng khác nhau dành cho khách đến tham quan có thể luộc trứng ở trong những giếng nước luôn sôi này.
Theo nhiều người dân địa phương kể lại, nguồn gốc của suối nước nóng Bình Châu gắn liền với một truyền thuyết kể về mối tình bi thương của cặp vợ chồng trẻ, vì một chút nông nổi mà phải chịu kiếp cô đơn. Chuyện kể rằng, xưa có đôi vợ chồng trẻ sống thật hạnh phúc bên nhau trên mảnh đất La Gi (Bình Thuận), khi ấy nơi đây vẫn vắng dấu chân người. Họ sống trong một cái động có tên là động Bà Sang, ngày ngày người chồng đi săn, người vợ ở nhà bên bếp lửa, chờ chồng mang thức ăn về. Một hôm người chồng nghe có tiếng con chim lạ hót. Chàng nghĩ ngợi, bàng hoàng vì trước giờ chưa bao giờ nghe được tiếng chim hót lạ đến như vậy, nghĩ rằng nơi ấy có nhiều chim chóc, thú rừng. Thế rồi chàng xách ná, đeo tên đi theo tiếng chim về hướng núi xa. Đến một vùng đất lạ, chim chóc, thú rừng chẳng thấy đâu nhưng ở quanh chàng hiện ra khung cảnh của ngàn hoa và những hình bóng mỹ nữ diễm kiều. Khung cảnh tuyệt đẹp khiến chàng quên cả lối về, quên cả người vợ đang ngóng đợi chàng ở nhà.
Ở nhà, người vợ nóng lòng bên chảo nước réo sôi, lửa lại sắp tàn, mòn mỏi ngóng chờ chồng mang thịt thú rừng về. Ngày tiếp ngày, nàng vẫn kiên trì giữ hồng bếp lửa để chảo nước luôn sôi. Rồi một đêm, nàng được thần báo mộng rằng chàng đã phụ bạc nàng, đã quay lưng với tình yêu nồng ấm ngày nào. Phẫn uất, nàng hất đổ chảo nước đang sôi như một lời thề đoạn tuyệt. Chảo nước sôi ấy đổ ra, tạo thành suối nước nóng ngày nay. Truyền thuyết về suối nước nóng này cứ thế được truyền tụng trong dân gian từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Cổng vào khu suối nước nóng Bình Châu
Đi tìm lời giải cho suối nước luôn sôi
Ban quản lý khu suối nước nóng Bình Châu cho biết vùng có nước nóng hoạt động rộng khoảng hơn 1km2, gồm có nhiều hồ lớn, nhỏ tạo thành các dòng chảy với lưu lượng nhỏ. Vùng hồ rộng nhất là khoảng 100m2 với độ sâu hơn 1 mét. Đây là điểm nóng nhất, nước lúc nào cũng sủi tăm, bốc hơi tạo thành một nồi xông hơi thiên nhiên khổng lồ. Nhiệt độ tầng mặt nước khoảng 64 độ C, đáy nước là 84 độ C.
Theo nhiều tài liệu lịch sử, vào năm 1928, một bác sĩ người Pháp tên là Sallet trong một chuyến khảo sát vùng Đông Nam Bộ, đã phát hiện ra khu suối khoáng này với 70 điểm phun nước lộ thiên hình thành hệ thống suối, các hồ lớn nhỏ luôn tỏa nhiệt độ bốc hơi từ 37 độ C đến 82 độ C theo từng khu vực và đã giới thiệu dòng suối này trên bản tin Nghiên cứu Đông Dương. Bảy năm sau, nhà địa chất Saurin cũng công bố kết quả phân tích đầu tiên khẳng định trong nước suối này có sulfure hydro. Năm 1957, tạp chí Việt Nam địa chất khảo lục đăng bài viết về nước suối Bình Châu của H.Fontaine với nhiều khảo nghiệm công phu và nhiều đề án khai thác.
Đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh ác liệt nên sau khi nước nhà thống nhất, tái lập nền hòa bình, mãi đến năm 1984, đoàn địa chất 801, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên Xô mới kết luận suối Bình Châu có nhiều thành phần và đặc tính hóa lý gần giống với các loại nước suối nổi tiếng trên thế giới. Đến những năm đầu của thế kỷ 21 này, khu suối nóng Bình Châu đã được đầu tư xây dựng trên 33ha. Bắt đầu từ đây, khu suối khoáng nóng Bình Châu được nhiều người biết đến và giới thiệu rộng khắp thế giới. Tổ chức Du lịch thế giới cũng đưa suối nước nóng Bình Châu vào danh mục 65 điểm của 47 quốc gia phát triển du lịch sinh thái bền vững trên toàn cầu
Không gian mờ ảo do làn hơi nóng bốc lên từ lòng suối
Nguồn gốc xuất lộ của suối nước khoáng nóng, bùn khoáng nóng tại khu vực đầu nguồn căn cứ theo tài liệu nghiên cứu khoa học của đoàn 801, nó có một nguồn cung cấp nước ở độ cao từ 20 đến 30 mét trở lên (như hồ trên núi Mây Tàu, núi Hồng Nhung tích tụ nước mưa). Nước từ đó vận động theo các vết nứt, xâm nhập vào lòng đất với độ sâu ít nhất từ 3.000 mét đến 5.000 mét. Trên đường vận động đó, nó được đốt nóng và trao đổi hóa học với thành phần vật chất của các lớp đá vây quanh như: Lớp chứa nước trong trầm tích biển đầm lầy (hologen, gio-pleixtoxen), nước trong khe nứt của đá macma rồi nhờ áp suất cao tại đây, chúng được đẩy lên mặt đất qua đới vỡ vụn tại giao điểm của 3 hệ thống đứt gãy kiến tạo theo hướng: Tây Bắc  Đông Nam, Tây Nam  Đông Bắc.
Nước khoáng, bùn khoáng nóng trào lên qua vô số điểm, tùy theo thành phần vật chất và mức độ cản trở trên đường đi mà chúng xuất lộ với nhiệt độ cao, thấp khác nhau, có xu hướng hòa nhập với nhau tạo thành từng nhóm, cụm rồi hòa chung thành dòng vận động về phía Nam theo hướng dốc tự nhiên của địa hình. Trên đường vận động chúng được bổ sung nước nhạt từ hai bên cánh thung lũng nhưng không đáng kể.
Nước xuất lộ kiểu dạng mạch mang theo nhiều bọt khí có mùi lưu huỳnh, những chỗ có nhiều mạch lộ chính nước trào lên mạnh và tạo thành các vũng nước sâu từ 0, 5 đến 1 mét gọi là Bàu nước nóng. Có nhiều điểm nước xuất lộ lên dạng hình phễu có đường kính tới 1 mét và rất nhiều điểm lộ nhỏ phân bố rải rác, nước lên yếu hoặc không lên khỏi mặt đất. Bề mặt xuất lộ trên một dải rộng 80 mét vuông, dài 15 mét theo hướng Bắc  - Nam.
Khuôn viên khu du lịch suối nóng Bình Châu
Ở khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu, ngoài nguồn nước khoáng nóng, bùn khoáng nóng, khu suối nóng Bình Châu còn có giá trị sinh thái xanh vì có rừng nguyên sinh và vùng biển còn nguyên sơ. Do nằm ven biển nên có chế độ nhiệt đới gió mùa mang tính chuyển tiếp giữa lục địa và duyên hải: Nóng ẩm và hai mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình hàng năm là 25,8 độ C, cao nhất là 38 độ C vào tháng 4. Nhiệt độ thấp nhất là 15 độ C vào tháng 12, độ ẩm trung bình hàng năm là 85,2%. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.396mm. Rừng nguyên sinh có khoảng 43km sông, suối lớn nhỏ thường xuyên có nước quanh năm, nhưng chiều dài đều ngắn dưới 10km như: Sông Hỏa, suối Cát, suối Nhỏ. Ngoài ra còn có một số bưng bàu và hồ nước quanh năm: Bàu Nhám, bàu Bàng, hồ Tràm, hồ Linh, hồ Cốc, hồ Núi Le... Rừng Xuyên Mộc - Bình Châu có hệ sinh thái thuộc loài rừng bán nhiệt đới khô. Cây họ dầu chiếm ưu thế mọc xen kẽ với cây họ sim mà loài tràm là chủ yếu.
Tại khu vực này có 6 hệ sinh thái thành phần: Hệ sinh thái rừng hơi ẩm nhiệt đới, nửa rụng lá trên đất đỏ bazan. Hệ sinh thái rừng hơi khô ẩm nhiệt đới nửa rụng lá trên đất xám bạc màu có độ đốc thấp. Hệ sinh thái rừng kín nửa rụng lá nhiệt đới vùng đất cát khô dốc thoải. Hệ sinh thái rừng kín nửa rụng lá cây họ dầu trên nền đất cát tương đối ẩm. Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển.    
Được biết, tại Việt Nam cũng có một số điểm có nước khoáng như nước khoáng nóng Bình Châu như suối nước nóng Kim Bôi (Hòa Bình), suối khoáng nóng Bang (Quảng Bình), suối nước nóng Kênh Gà (Ninh Bình) nhưng đặc biệt ở Bình Châu còn có lượng bùn khoáng nóng trầm tích và hệ sinh thái của rừng và biển còn hoang sơ, phong phú và đa dạng.
Theo yume.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét