Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Những chốn nghỉ mát của vua Bảo Đại


.

Những chốn nghỉ mát của vua Bảo Đại
Những chốn nghỉ mát của vua Bảo Đại
Ngoài những lâu đài, dinh thự nổi tiếng ở Cố đô Huế, Đà Lạt, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn còn có rất nhiều dinh thự là chốn ăn chơi xa hoa bậc nhất trải dài khắp Bắc - Trung - Nam, ít người biết đến.
 
 
 

 
Ngày nay, những dinh thự này vẫn tồn tại và mang vẻ đẹp sang trọng, cổ kính khiến nhiều du khách không thể bỏ qua khi đến tham viêng.
 
Biệt thự trên đỉnh đồi Vung Đồ Sơn (Hải Phòng) 

Biệt thự này nằm ở bãi tắm khu 2, thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Năm 1928, Toàn quyền Đông Dương cho xây dựng khu biệt thự này theo hình bát giác với kiến trúc kiểu Pháp, toàn bộ khuôn viên rộng 3.700m², diện tích biệt thự rộng gần 1.000m² tọa lạc trên đỉnh đồi Vung cao 36m so với mặt nước biển. Với một thiết kế đặc biệt và độ cao lý tưởng, toàn cảnh khu du lịch Đồ sơn như một bức tranh sơn thuỷ sống động hiện ra trước mắt.

 
Biệt thự Bảo Đại là một công trình kiến trúc độc đáo hòa cùng quan cảnh thiên nhiên tươi đẹp.Ảnhhaiphong.gov.
 
Một lần vua Bảo Đại được mời đến thăm nơi này, ông đã thực sự sửng sốt trước vẻ đẹp thiên nhiên   và kiến trúc độc đáo của khu biệt thự. Trước sự ngưỡng mộ của ông, toàn quyền Đông Dương đã tặng lại cho ông ngôi biệt thự này và từ đó nơi đây được dành làm nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại.
Sau này, mỗi lần đi kinh lý miền Bắc, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đã chọn nơi này để làm việc, tiếp khách và làm chỗ nghỉ mát cho cả gia đình. Đứng ở đây có thể nhìn toàn cảnh bán đảo Đồ Sơn và thả tầm mắt theo sóng biển mênh mông đến tận chân trời, hơn nữa, khí hậu ở đây ôn hòa, mát mẻ thích hợp để nghỉ ngơi và thư giãn.
Biệt thự Bảo Đại là một công trình kiến trúc độc đáo hòa cùng quan cảnh thiên nhiên tươi đẹp, núi non và biển cả tạo cho du khách cảm giác thoải mái, khó quên khi đến thăm nơi này.
Tháng 5/1955, nơi đây được giao cho Bộ Quốc phòng quản lý. Thời gian trôi đi, chiến tranh tàn phá, ngôi biệt thự xuống cấp. Ngày 28/3/1984, Bộ Quốc phòng bàn giao cho Công ty Du lịch Hải Phòng, nay là Công ty Cổ phần Khách sạn Du lịch Đồ Sơn quản lý.
Được phép của Nhà nước, Công ty đã phục hôi lại và sau hai năm, ngày 26/7/1999, biệt thự mở cửa đón khách viêng tham và nghỉ qua đêm. Biệt thự có phòng tiếp khách, phòng họp, phòng ngủ của vua, hoàng hậu, các hoàng tử và công chúa. Du khách đến đây viêng tham có thể mặc triều phục, thưởng thức các loại bánh Huế và mua đồ lưu niệm về biệt thự này.
 
Lầu Bảo Ðại ở Nha Trang 

Lầu tọa lạc trên đỉnh núi Chutt, xóm Cầu Ðá, Nha Trang, cách trung tâm thành phố 6km, nay là một di tích lịch sử văn hoá, một khách sạn nổi tiếng của thành phố Nha Trang.

 
Lầu Bảo Ðại gồm 5 toà biệt thự được xây dựng theo kiến trúc Pháp trong một khuôn viên rộng 12ha. Ảnhyeudulich.com.
 
Năm 1923, người Pháp đã xây một biệt thự trên núi Chutt để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học, xung phong tiền trạm chuẩn bị cho việc thiết lập một viện nghiên cứu biển vùng Đông nam Á. Theo thứ tự từ mỏm núi Chutt vào, 5 biệt thự ấy có tên là: Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ, Bàng. Biệt thự nào trồng cây nấy quanh vườn để dễ nhớ, dễ tìm. Sau khi khánh thành 5 biệt thự này, người Pháp tiến hành xây Viện Hải dương học (năm 1925), nay là Viện Nghiên cứu biển Nha Trang.
Chủ nhân đầu tiên của biệt thự Xương Rồng là tiến sĩ Krempt - người Ðức. Ông là vị giám đốc đầu tiên của Viện Hải dương học Nha Trang. Từ năm 1940 đến năm 1945, Hoàng đế Bảo Ðại và Hoàng hậu Nam Phương thường đến nghỉ tại biệt thự Xương Rồng, lấy việc câu cá làm thú tiêu khiển, thế là biệt thự này có tên Lầu Bảo Ðại từ ấy.
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Gia đình Tổng thống Ngô Ðình Diệm là chủ nhân mới của 2 biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ. Bà Trần Lệ Xuân - phu nhân cố vấn Ngô Ðình Nhu đã đặt cho biệt thự Xương Rồng tên mới là Nghinh Phong và Bông Sứ là Vọng Nguyệt. Năm 1975,  lầu Bảo Ðại đã mở cửa đón và phục vụ khách ăn, nghỉ, viêng tham.
Lầu Bảo Ðại gồm 5 toà biệt thự được xây dựng theo kiến trúc Pháp trong một khuôn viên rộng 12ha, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ xanh tốt quanh năm bốn mùa lộng gió. Kiến trúc và quan cảnh hài hoà chính là nét độc đáo, tạo cho du khách cảm giác thật thoải mái...
Lầu Bảo Ðại có 48 phòng khách được trang bị tiện nghi sang trọng, đạt tiêu chuẩn quốc tế 3 sao, ngoài ra còn có hai phòng vua và hoàng hậu ở hai lầu Nghinh Phong và Vọng Nguyệt. Quầy tiếp tân nằm ngay ở khu trung tâm, cách đó không xa có các quầy nhiếp ảnh, hàng lưu niệm, bưu điện...
Lầu Bảo Ðại có hai nhà hàng lớn: nhà hàng Bảo Ðại 1 nằm trên sân thượng gần biệt thự Bông Sứ, trang trí bên trong khá sang trọng, có quầy bar phục vụ rượu, bia và các loại giải khát. Nhà hàng Bảo Ðại 2 ở dưới chân núi Chutt, trên một bãi cát trắng rợp bóng dừa xanh, nơi đó có sân tennis, sân bóng chuyền và noi du lịch biển - cho thuê ca-nô, tàu du lịch đi thăm các hải đảo. Nhà hàng Bảo Ðại 2 phục vụ các món ăn hải sản tươi sống, tổ chức đêm sinh hoạt đốt lửa trại, câu cá đêm.
 
Bạch Dinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu 

Bạch Dinh nằm sừng sững trên triền Núi Lớn, từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại… và cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp làm nơi giam lỏng vua Thành Thái từ ngày 12/9/1907 đến năm 1916. 

 
Bạch Dinh được xây dựng ở độ cao hơn 27m so với mực nước biển trên triền Núi Lớn.Ảnhonline.fr.

Theo sử sách ghi lại, Bạch Dinh được người Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1916 để làm nơi nghỉ mát cho Paul Doumer, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương thời đó. Bạch Dinh có tên gọi theo tiếng Pháp là Villa Blanche, theo tên cô con gái yêu của viên toàn quyền này. Nghĩa tiếng Việt của  “Villa Blanche” lại trùng với màu sắc bên ngoài của nó nên dân địa phương quen gọi là “Bạch Dinh” - biệt thự trắng.
Bạch Dinh được xây dựng ở độ cao hơn 27m so với mực nước biển trên triền Núi Lớn, với 3 tầng (hầm, trệt và lầu), cao 19m. Khi xây dựng Bạch Dinh, người Pháp đã vận dụng  thuật phong thuỷ cho nó hướng mặt ra biển, lưng tựa vào núi, bao quanh bởi màu xanh của rừng cây giá tỵ (cây báng súng) và những màu sắc lung linh của rừng sứ ngũ sắc. Kiến trúc của Bạch Dinh mang phong cách châu Âu cuối thế kỷ 19.  Từ đây có thể nhìn bao quát cảnh Bãi Trước vòng từ Núi Nhỏ đến Núi Lớn. Mặt ngoài Bạch Dinh được trang trí những nét hoa văn cổ xưa cùng với những hình vẽ và những bức tượng thể hiện chân dung của các vị thánh, thần thời Hy Lạp cổ đại.
Đến Bạch Dinh, ấn tượng để lại trong du khách là màu xanh và không khí trong lành, mát dịu cùng vẻ cổ kính của toà nhà cũng như khung cảnh xung quanh. Rừng giá tỵ và sứ bao quanh tôn thêm vẻ đẹp của Bạch Dinh. Toàn bộ khuôn viên của Bạch Dinh rộng chừng 6 ha, trong đó có đến một nửa là rừng giá tỵ, nửa kia trồng hoa sứ. Hai loại cây này tạo nên cảnh thanh bình và nên thơ của Bạch Dinh bên bờ biển quanh năm sóng vỗ. Do nằm ở địa điểm khá thuận lợi nên khách du lịch có thể ngắm nhìn Bạch Dinh ở nhiều vị trí khác nhau tại Bãi Trước. Trải qua lịch sử gần 100 năm, chứng kiến bao thay đổi của thời cuộc nhưng Bạch Dinh vẫn giữ được vẻ quyến rũ, sang trọng và uy nghiêm của nó. Bạch Dinh đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 4/8/1992.
 
Biệt thự Bảo Đại ở Dăk Lăk 

Biệt thự Bảo Đại (người dân địa phương xưa kia còn gọi là Dinh Bảo Đại) nằm trong quần thể di tích danh thắng Hồ Lăk tọa lạc trên ngọn đồi cao 200m so với mặt nước hồ Lăk, 600m so với mặt nước biển. Đây là nơi vua Bảo Đại cho xây dựng vào năm 1949 để làm nơi dừng chân khi lên Buôn Ma Thuột nghỉ mát, ngắm cảnh và săn bắn.

 
Tòa nhà được xây dựng năm 1940. 
Ảnh:banme.vn.

Tòa nhà được xây dựng lại như hiện tại vào năm 1940 với kiến trúc rất đẹp mang đậm truyền thống của người dân tộc Ê Đê bản xu với mái ngói, sàn gỗ. Xung quanh có cả một rừng cây cổ thụ bao bọc, rất đa dạng về chủng loại; đáng chú ý nhất là có 2 cây long não trồng đối xứng ở 2 bên đường vào có dáng rất đẹp và hiếm thấy, đây có thể là một trong những cây long não to nhất ở Việt Nam. Trong đó còn có những cây sứ, loại cây được Bảo Đại đã mang từ Hà Nội vào trồng thử nghiệm để sánh với bóng cây Kơnia huyền thoại trên Tây Nguyên.
 
Hiện biệt thự Bảo Đại được thiết kế 6 phòng ngủ  hướng ra mặt hồ Lăk, đặc biệt Phòng Vua lộng lẫy và sang trọng để đáp ứng cho những du khách trong và ngoài nước. Biệt thự Bảo Đại còn có 2 nhà hàng  với các món ăn Âu - Á và đặc sản địa phương nổi tiếng hồ Lăk như cơm lam (cơm được nấu trong ống tre), gà nướng muối ớt sả, chả cá thát lát chiên, heo đồng bào quay, cá bống trứng hồ Lăk kho, canh cà đắng… 
Tác giả bài viết: Unknown
Nguồn tin: Diễn Đàn Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét