Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Huyền thoại về gốc sanh gần nghìn năm tuổi ở Hòa Bình


Nhiều người đến ngày sắp sinh nở thường đến dưới gốc cây dựng lều rồi thuê bà đỡ đẻ túc trực để đẻ ngay dưới gốc cây vì nơi đây có linh khí của trời đất, lại được che chở của “thần cây” nên đứa bé sinh ra ắt sẽ được sự bình an về sau này.


“Cụ cây” nghìn năm tuổi
Trải qua đoạn đường ngoằn nghèo đi xuyên cánh đồng lúa đang mùa trổ bông xanh mướt mát của bà con dân tộc Mường, chúng tôi dễ dàng tìm được đến làng Suối Cốc, xã Hợp Hòa, Lương Sơn, Hòa Bình.
Ngay khi bước vào đầu làng, đập vào mắt chúng tôi là một cây cổ thụ khổng lồ trải rộng trên diện tích gần 100 mét vuông với những tán cây rậm rạp và bộ rễ vươn ra như những cánh tay uốn lượn rồi cắm sâu xuống lòng đất.
Cây đại thụ ở thôn Suối Cốc
Ngay cả lối đi vào làng cũng nằm gọn lỏn giữa hai thân trụ của gốc sanh, tạo ra một chiếc cổng làng hết sức độc đáo. Trên mỗi nhánh cây là những u, cục mốc thếch và những thân dây leo rậm rịt, chất chồng lên nhau. Những rễ nhỏ mọc ra từ thân cây tựa như những tấm màn mỏng manh đung đưa trước gió. Mỗi nhành cây mỗi vẻ nhưng chúng liên kết liền nhau như để hứng hết phong ba bão táp.
Thân cây tạo ra một chiếc cổng dẫn vào làng Suối Cốc
Theo những người dân, đây chính là cây sanh tồn tại hơn 800 năm , một “kiệt tác” hiếm hoi của thiên nhiên được lưu giữ cho đến tận ngày nay.
Đứng dưới vòm tán cây của cây sanh, đảo mắt nhìn chỉ thấy những trụ dễ người lớn ôm không hết hướng lên trời xanh kết tụ thành thân lớn. Thêm nữa là một cảm giác sảng khoái như đang lạc vào một rừng cây rậm rạp, mát mẻ như trong phòng có điều hòa nhiệt độ bất kể dù thời tiết có đang oi bức đến cỡ nào.
Những dễ cây buông xuống thành nhiều thân to lớn
Mới nhìn, rất khó để biết đâu là thân chính của “cụ cây” bởi những thân rễ to mấy người ôm cắm xuống đất dễ làm người ta lầm tưởng nơi đây là một cánh rừng toàncây sanh. Ông Đinh Văn Bình, Trưởng thôn Suối Cốc kể rằng, cây sanh này chỉ có một thân chính, những thân cổ thụ hiện tại xưa kia là những rễ buông xuống tạo nên những thân cây đại thụ khác. Cây này trước đây có đến 174 thân lớn nhưng vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nhiều người dân trong làng đã cưa chặt nhiều thân trụ để làm củi đốt lò gạch; và rồi trào lưu chơi cây sanh cổ thụ lan rộng, người dân đã chặt trộm thân lớn để làm cây thế.
Chỉ cần 2 nhánh của cây sanh đã tạo nên một cái cầu vững chắc, xe máy có thể đi được. Nhiều người còn cưa nhỏ các nhánh của cây sanh này về ươm cây cảnh. Nhiều gia đình làm giàu nhờ bán si. Nhiều người định ra chặt cây bán tiếp nhưng các cụ cao niên trong làng đã kịp thời ngăn lại.
Huyền thoại về “cổ lão thần mộc
Sự kỳ vĩ của cây sanh nằm giữa đồng ở thôn Suối Cốc khiến nhiều người liên tưởng đến biết bao chuyện kỳ bí, chỉ nhìn những tán cây vươn cao thẳng lên bầu trời, bao phủ cả một vùng cũng đủ người ta cảm thấy kinh ngạc.
Và quả thật trong quãng thời gian tồn tại gần 1000 năm tuổi của mình, “cụ cây” cũng gắn với rất nhiều huyền thoại mà cho đến nay người dân sinh sống ở Suối Cốc vẫn truyền tai nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Con người nhỏ bé khi đứng dưới "thần cây"
Cụ Bính (88 tuổi), người ở thôn Suối Cốc bảo rằng, trước đây, vào thời kỳ phong kiến Hậu Lê, có vị quan tình cờ đi vi hành qua xứ này, phát hiện ra cây lớn khi ấy vẫn còn nguyên 174 thân lớn. Ngạc nhiên trước cây đại thụ mọc giữa cánh đồng hoang vu quan đã cho thầy địa lý xem xét thế đất nơi đây thì phát hiện ra nơi đây có “long mạch” tích tụ linh khí trời đất, khiến tâm hồn con người thanh thản, yên bình, an vui, mọi vật sinh sôi, phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.
Cây cổ thụ mọc đúng tại đây nên đã hấp thụ linh khí trong thiên nhiên mà trở nên kỳ vĩ. Vị quan đã lập đàn tế trời ngay dưới gốc cây và  phong chức “Cổ Lão Thần Mộc” cho cây Sanh, ý muốn ví cây như một vị thần canh giữ vùng, cây còn người còn, cây mất người mất.
"Hòn đá tiên" còn sót lại dưới gốc "cổ lão thần mộc"
Cũng theo ông Bính, từ sau khi được “xưng thần” rất nhiều bà con đã coi cây Sanhlà chốn linh thiêng, nhiều người đến thắp hương khấn vái để mong mọi sự được tốt đẹp. Có một giai thoại còn truyền lại, nhiều người đến ngày sắp sinh nở thường đến dưới gốc cây dựng lều rồi thuê bà đỡ đẻ túc trực để đẻ ngay dưới gốc cây vì nơi đây có linh khí của trời đất, lại được che chở của “thần cây” nên đứa bé sinh ra ắt sẽ được sự bình an về sau này.
Cụ Bính còn bảo rằng, ngay dưới thân cây sanh giờ vẫn còn sót lại “hòn đá tiên” mà theo những câu chuyện ông cha truyền lại, đã có thời, buổi tối người dân Suối Cốc đi qua cây sanh thường thấy có ông lão râu tóc bạc trắng ngồi trên hòn đá với dáng vẻ ung dung, tự tại.
Một điều kỳ lạ, vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, máy bay giặc ngoại xâm đánh bom cày xới tan hoang cả núi rừng. Ấy vậy mà, cây sanh khổng lồ mọc hiên ngang giữa cánh đồng lại không bị ảnh hưởng chút nào của bom đạn. Mỗi khi nghe thấy tiếng máy bay rền rĩ trên bầu trời, gốc của “cổ lão lâm mộc” lại trở thành chốn yên bình để người dân chạy tới lánh nạn. Biết bao thế hệ dân làng Suối Cốc đã ra đời và tồn tại nhờ sự che chở của “thần cây” nghìn năm tuổi.
Chính vì sự huyền bí của cây Sanh, nhiều nhà điện ảnh đã chọn nơi đây làm bối cảnh ghi những thước phim về làng quê trong bộ phim “Ma làng”. Những cảnh quay dưới gốc cây sanh đã đưa người xem trở về với làng quê thanh bình của một thời đã qua. Giờ đây, không ít người dân ở Hòa Bình gọi cây sanh đại thụ ở Suối Cốc là “cây sanh ma làng”.
Hiện tại, cây sanh ở Suối Cốc đã được công nhận là di sản thiên nhiên khiến người dân nơi càng coi cây như một báu vật trời ban cần phải bảo vệ và lưu giữ cẩn thận.
KINH VÂN
Theo Infonet.v
n

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét