Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

10 điều thú vị và bất ngờ về Vua Lê Hiển Tông

Mặc dù không có nhiều công tích nhưng cuộc đời làm vua của Hoàng đế Lê Hiển Tông cũng có khá nhiều điều thú vị.

Lê Hiển Tông tên thật là Lê Duy Diêu, theo mô tả của sử sách, ông là người mắt phượng, râu rồng. Khi còn làm Thái tử, ông đã phải chịu hoàn cảnh nguy hiểm, nếm trải nhiều gian khổ. Lên ngôi báu, Ông trị vì gặp lúc nước nhà nhiều loạn lạc, nhưng về sau xã hội trở lại yên ổn, dân an cư lạc nghiệp, người bấy giờ cũng ca ngợi là đời thái bình.
Mặc dù không có nhiều công tích nhưng cuộc đời làm vua của Hoàng đế Lê Hiển Tông cũng có khá nhiều điều thú vị.
1. Lê Hiển Tông là vị vua được lên ngôi một cách may mắn nhất. Khi còn là hoàng tử, vì có người chú là Lê Duy Mật nổi binh đánh lại họ Trịnh nhằm khôi phục quyền lực cho vua Lê, do đó ông bị Trịnh Giang nghi ngờ đem giam ở nhà viên quan nội thị Hồng quận công.
 Triều đình vua Lê thời Lê – Trịnh. Ảnh mang tính minh họa cho bài viết. Nguồn Internet.
Năm Canh Thân (1740), Trịnh Doanh lên ngôi chúa mới chuyển hoàng tử đến giam ở nhà cậu mình là Vũ Tất Thận. Đêm trước đó, Vũ Tất Thận “mơ thấy thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình” (Hoàng Lê nhất thống chí). Sáng hôm sau thấy quân lính giải hoàng tử đến nhà, ông ta rất kinh ngạc cho là ứng vào giấc mộng của mình bèn kể lại với chúa. Trịnh Doanh thấy vậy cho là người có phúc lớn bèn đón hoàng tử về tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng.
2. Lê Hiển Tông sinh tháng 4 năm Đinh Dậu (1717), mất tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), thọ 69 tuổi. Ông là vị vua thọ nhất triều Hậu Lê.
3. Lê Hiển Tông là một trong những vị vua ở ngôi lâu nhất và là người làm vua lâu nhất triều Hậu Lê. Ông lên ngôi tháng 5 năm Canh Thân (1740) và mất năm Bính Ngọ (1786), làm vua 46 năm.
4. Lê Hiển Tông là vị vua cho đúc và phát hành nhiều loại tiền nhất. Trong thời gian ở ngôi ông đã cho đúc 16 loại tiền khác nhau mang niên hiệu của mình, đó là: 1. Cảnh Hưng Thông Bảo, 2. Cảnh Hưng Trung Bảo, 3. Cảnh Hưng Chí Bảo, 4. Cảnh Hưng Vĩnh Bảo, 5. Cảnh Hưng Thái Bảo, 6. Cảnh Hưng Cự Bảo, 7. Cảnh Hưng Trọng Bảo, 8. Cảnh Hưng Tuyền Bảo, 9. Cảnh Hưng Thuận Bảo, 10. Cảnh Hưng Chính Bảo, 11. Cảnh Hưng Nội Bảo, 12. Cảnh Hưng Dụng Bảo, 13. Cảnh Hưng Lai Bảo, 14. Cảnh Hưng Thận Bảo, 15. Cảnh Hưng Ðại Bảo, 16. Cảnh Hưng Ðại Tiền.
Bìa sách Hoàng Lê nhất thống chí, tài liệu cho biết nhiều điều về vua Lê Hiển Tông. Nguồn Internet. 
5. Lê Hiển Tông là vị vua có nhiều con rể làm vua nhất. Ông có nhiều con gái, trong đó công chúa Ngọc Hân được gả cho Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung 1788 - 1792), công chúa út là Ngọc Bình gả cho Quang Toản (tức vua Cảnh Thịnh 1793 - 1802).
Năm Nhâm Tuất (1802) sau khi đánh bại Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long (1802 - 1819). Khi chiếm được Phú Xuân, rung động trước sắc đẹp của Ngọc Bình, ông đã lấy bà làm phi. Như vậy vua Lê Hiển Tông có tới ba người con rể làm vua. Và trong số 3 người con rể ấy thú vị là có hai người là cha con: Nguyễn Huệ và Nguyễn Quang Toản!
6. Lê Hiển Tông là vị vua có niên hiệu được sử dụng lâu nhất, trong 46 năm làm vua ông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Hưng. Đây là niên hiệu được sử dụng lâu nhất và điều đặc biệt nó còn được dùng cả một thời gian dài sau khi vua đã mất.
Vào thời đó, các "tập đoàn" phong kiến tranh giành lẫn nhau. Tại vùng kiểm soát của lực lượng chúa Nguyễn niên hiệu Cảnh Hưng vẫn được sử dụng trong các văn bản quản lý, chỉ đến khi Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn thì niên hiệu này mới không được dùng nữa. Sách Hoàng Lê nhất thống chí cho biết: Tháng 5, mùa hè năm ấy (tức năm 1802) chúa Nguyễn hạ chiếu đổi niên hiệu Cảnh Hưng, tức là từ năm Bính Ngọ (1786) trở về sau chúa Nguyễn vẫn dùng niên hiệu cũ của nhà Lê. Năm Nhâm Tuất (1802) này, lúc đầu vẫn gọi là năm Cảnh Hưng, đến bây giờ mới đổi ra niên hiệu mới. Như vậy niên hiệu Cảnh Hưng được sử dụng tổng cộng trong 62 năm.
7. Ngoài các khoa thi Nho học, triều Hậu Lê còn mở khoa thi võ học với hai cấp Sơ cử và Bác cử. Bên cạnh hình thức tuyển chọn nhân tài võ thuật đó, thời Lê Hiển Tông còn bổ sung thêm một hình thức là đề cử được quy định lần đầu tiên vào năm Qúy Hợi (1743). Theo đó những năm không có khoa thi võ thì các quan võ từ cấp tam phẩm trở lên đều phải đề cử một người có tài, trí, mưu mô, khỏe mạnh, giỏi võ và quả cảm. Năm Canh Tý (1780) đời Lê Hiển Tông, lần đầu tiên việc thi võ được quy định chặt chẽ, kỹ càng hơn trước. Phép thi được chia làm 4 kỳ: kỳ 1 thi giương cung, múa đao; kỳ 2 thi bắn cung, bắn súng; kỳ 3 thi phi ngựa bắn cung, đấu siêu đao, lăn khiêng, múa gươm, đâm giáo…; kỳ 4 thi văn sách.
Điều đặc biệt là bắt đầu từ đây lệ thi còn chú ý đến xét duyệt khí sắc, đó là tướng mạo, tiếng nói, sức chịu đựng sao cho thể hiện được sự hùng dũng, can trường.
8. Lê Hiển Tông là một trong số ít các vị vua giỏi âm nhạc, ngoài ra ông còn có rất nhiều tài khác. Sách Hoàng Lê nhất thống chí viết: Nhà vua giỏi về các kỹ nghệ lặt vặt. Bao nhiêu cung điệu, nhạc phủ, nhà vua đều chế ra bài mới, âm thanh cực kỳ du dương, trong sáng.
9. Năm Canh Ngọ (1750) đời Lê Hiển Tông, lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử Nho học ở nước ta, các sĩ tử phải nộp lệ phí thi mới được tham dự thi Hương, khoản đó gọi là tiền thông kinh.
Lê Hiển Tông là vị vua cho mở nhiều khoa thi nhất trong lịch sử; thời gian ở ngôi ông đã cho mở 16 khoa thi, lấy đỗ 131 Tiến sĩ. Lê Hiển Tông là vị vua lấy bảng Tam khôi ít nhất. Suốt 42 năm, từ khoa thi đầu tiên của triều đại ông tổ chức năm Quý Hợi (1743) cho đến khoa thi cuối cùng tổ chức năm Ất Tỵ (1785) chỉ lấy đỗ một Bảng nhãn là Lê Quý Đôn và hai Thám hoa là Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh; không lấy ai đỗ Trạng nguyên.
Ông cũng là vị vua mở khoa thi lấy đỗ ít người nhất, đó là khoa thi năm Tân Sửu (1781), chỉ lấy hai người đỗ Tiến sĩ là Nguyễn Cầu và Nguyễn Tân.
10. Năm Đinh Dậu (1777) vua Lê Hiển Tông cho ban hành bộ Quốc triều điều luật; bộ luật này được xây dựng trên nội dung cơ bản của bộ Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) nhưng có bổ sung, sửa chữa cho phù hợp với tình hình mới. Quốc triều điều luật là thành tựu lập pháp nổi bật nhất của thời Lê Trung Hưng (1533-1788) và cũng là bộ luật lớn nhất của thế kỷ XVIII.
Lê Hiển Tông cũng là vị vua cho ban hành bộ luật tố tụng đầu tiên của nước ta. Trước đó các điều khoản tố tụng chưa được phân định riêng mà vẫn nằm chung trong nội dung của các bộ luật. Đến năm Đinh Dậu (1777) bộ Quốc triều khám tụng điều lệ được ban hành, nội dung là những điều lệ về kiện tụng, quy định thẩm quyền các cấp xét xử, thời hạn xét xử, trình tự bắt người, điều tra, khám xét…
Theo Út Tẻo/Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét