Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Chọn thịt lợn không chất tạo nạc bằng mắt thường

Nếu sử dụng phải thịt lợn chứa chất tạo nạc có thể gây tim đập nhanh, chóng mặt, nhức đầu, thậm chí có thể gây chết người nếu nồng độ clenbuterol cao.

Trong dịp tết, thịt lợn là loại thực phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình và đây cũng là loại thực phẩm bán chạy nhất trên thị trường những ngày cận tết. Nắm bắt tâm lý đó, không ít gia đình chăn nuôi đã “phù phép” bằng những chất hóa học làm cho lợn lớn nhanh, nhiều nạc.
Theo các chuyên gia, việc dùng các loại chất tăng trọng, thuốc kích thích tạo nạc cho lợn nhanh phát triển sẽ gây hệ lụy rất lớn cho sức khỏe người sử dụng. Như việc người dân dùng thuốc Clenbuterol để tạo nạc cho lợn là điều hết sức nguy hiểm.
Thịt lợn chứa chất tạo nạc rất nguy hiểm với người sử dụng.
Thịt lợn chứa chất tạo nạc rất nguy hiểm với người sử dụng.
Theo Ths. Lê Hồng Dũng - Viện Dinh dưỡng QG, Clenbuterol thực chất là một loại thuốc thú y chủ yếu được sử dụng để điều trị co thắt phế quản ở ngựa. Nó thuộc về nhóm các chất tổng hợp được gọi là beta-agonist (β-agonist). Vì các chất β-agonist có thể làm tăng tỷ lệ cơ bắp nên chúng được sử dụng như một chất kích thích tăng trưởng để tăng phần nạc của vật nuôi, do đó thường được gọi là tác nhân tạo nạc.
Ths. Lê Hồng Dũng cho biết, việc sử dụng clenbuterol trong chăn nuôi có thể dẫn đến nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe người dùng. Do clenbuterol khá bền với nhiệt độ, chỉ bị phân hủy ở nhiệt độ trên 172 độ C, vì vậy khi nấu thông thường khó có thể loại bỏ hết độc tính của clenbuterol.
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), trong các thử nghiệm trên động vật ăn cỏ thì khi vào cơ thể, lượng clenbuterol tập trung cao nhất ở gan và thận. Dư lượng của clenbuterol tồn tại trong võng mạc mắt và trong tóc có thể lâu tới vài tháng. Những người ăn thịt có chứa tồn dư clenbuterol có thể gặp các triệu chứng bao gồm nhịp tim nhanh, chóng mặt, nhức đầu, run, căng thẳng và thậm chí có thể gây chết người nếu có nồng độ clenbuterol cao.
Để tránh mua phải thịt lợn có chứa chất tạo nạc clenbuterol, người tiêu dùng cần hết sức lưu ý, đối với lợn nuôi bằng hóa chất tạo nạc thì da sẽ mỏng hẳn, khi lợn còn sống da có độ căng bất thường, có cảm giác như bị ứ nước bên trong.
Khi chọn thịt cần tránh loại có lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm). Khi thái thịt, nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được thì có khả năng là loại bị sử dụng chất tạo nạc.
Mua thịt ngoài thị trường cần chú ý đến màu sắc và độ kết dính của thịt lợn.
Mua thịt ngoài thị trường cần chú ý đến màu sắc và độ kết dính
Khi mua thịt cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc. Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.
Bên cạnh các loại thịt lợn có thể được nuôi bằng chất tạo nạc, thịt lợn trên thị trường hiện nay vẫn có nhiều loại được tạo bằng các giống lợn cao nạc hoặc giống siêu nạc và có giá trị dinh dưỡng cao. Mặc dù thường rất khó để phân biệt đâu là thịt lợn từ giống siêu nạc với thịt lợn được nuôi bằng chất tạo nạc.
Tuy nhiên, khi mua người tiêu dùng quan sát để chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.
Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch cần phải không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.
Lê Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét