Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Chuyện lạ lùng về các vị vua tuổi Mùi trong sử Việt

(Kiến Thức) - Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam chứng kiến không ít những câu chuyện lạ lùng, ly kỳ về các vị vua tuổi Mùi. 

Chuyện bạo phát cướp ngôi của Lê Nghi Dân và kết cục bi thảm
Vì không có miếu hiệu nên sử chép nguyên họ tên thật của vị vua này là Lê Nghi Dân, đây là hoàng đế thứ 4 của nhà Hậu Lê. Theo sử sách, Lê Nghi Dân sinh tháng 10 năm Kỷ Mùi (1439) là con trưởng của vua Lê Thái Tông, thân mẫu là Hoàng phi Dương Thị Bí.
Chỉ khoảng 4 tháng tuổi, Lê Nghi Dân đã được lập làm Thái tử bởi tháng 2 năm sau, tức năm Canh Thân (1440) Lê Thái Tông đã ban sắc lệnh quan trọng này. Tuy nhiên đến tháng 5 năm Tân Dậu (1441), Lê Nghi Dân mất ngôi vị Thái tử vì lỗi của mẹ, sách Đại Việt sử ký toàn thư, cho biết như sau: “Giáng Dương Thị Bí làm đàn bà thường. Trước đây Dương Thị Bí sinh con là Nghi Dân, vua lập làm Thái tử. Dương Thị Bí cậy mình, càng tỏ vẻ kiêu căng. Vua vẫn nín chịu dung thứ, giáng xuống làm Chiêu nghi, muốn cho đổi lỗi nhưng Dương Thị Bí càng để lòng tức giận, không kiêng nể gì cả. Vua cho là Dương Thị Bí dụng tâm như thế thì con đẻ ra chưa chắc đã là người khá, mới giáng xuống làm đàn bà thường dân, và xuống chiếu cho thiên hạ biết là ngôi Thái tử chưa định”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết Lê Nghi Dân vì mẹ mắc lỗi mà bị mất ngôi Thái tử vào tháng 11 chứ không phải là tháng 5, Ngay sau đó con trai của Quý phi Nguyễn Thị Anh được lập làm Thái tử: “Giáng truất thái tử Nghi Dân xuống làm Lạng Sơn vương, đổi lập Bang Cơ làm thái tử”.
Vì ấm ức mất ngôi vị ấy, khi trưởng thành Lê Nghi Dân càng nung nấu quyết tâm đoạt lại nên đã âm thầm tạo dựng lực lượng vây cánh, chờ cơ hội sẽ ra tay.
Sau khi Lê Thái Tông đột ngột qua đời, tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442) Thái tử Lê Bang Cơ được tôn lên ngôi kế vị (tức Lê Nhân Tông), làm vua đến tháng 10 năm Kỷ Mão (1459) thì bị người anh cả là Lê Nghi Dân sát hại. Đêm ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459), Lê Nghi Dân cùng viên chỉ huy sứ Lê Đắc Ninh cùng các thủ hạ tin cậy là Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng và hơn 100 quân ban đêm bắc thang chia làm ba đường vào cung cấm giết chết Lê Nhân Tông ở tẩm điện để cướp ngôi, năm đó Lê Nhân Tông mới gần 17 tuổi. Mẹ vua là Tuyên Từ hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh cũng bị giết chết.
Sách Trung Hưng ký thì cho biết lực lượng của Lê Nghi Dân đông tới hơn 300 người: “Bọn tặc thần Phạm Đồn, Phạm Ban, Trần Lăng, Ngô Trang và phường chó lợn hơn 300 người, đêm bắc thang lên tường vào trộm, như vào chỗ không người. Vua và Hoàng thái hậu đều bị giết, đáng thương thay!”.
Sau sự việc ấy, Lê Nghi Dân tự lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Hưng và ban chiếu đại xá, trong đó có đoạn tố rằng bà Thái hậu cùng một số quan lại bàn mưu lập Lê Bang Cơ lên ngôi, cướp đoạt ngôi vua đáng lẽ phải thuộc về con trưởng là mình. Trong bài chiếu còn nói rằng Lê Bang Cơ không phải là con đẻ của Lê Thái Tông vì thế lòng người lìa tan, không phục…
Bạo phát cướp được ngai vàng nhưng Lê Nghi Dân chỉ ở ngôi được 8 tháng thì bị lật đổ, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Cướp ngôi vua được 8 tháng, Nghi Dân tin nuông bọn gian tà, giết hại đại thần, thay đổi hết phép tắc của tiên tổ. Người trong nước ai cũng oán giận”. Ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) bất bình trước những việc làm của Lê Nghi Dân, một số triều thần do Nguyễn Xí, Đinh Liệt khởi xướng đã đem quân vào cung bắt giết đồ đảng thân cận của vua, giáng Lê Nghi Dân xuống tước Lệ Đức hầu, sau đó bắt phải tự thắt cổ chết, thọ 21 tuổi.
Những chuyện khó tin của vua Lê Thần Tông
Lê Thần Tông tên thật là Lê Duy Kỳ, vua là con trưởng của Lê Kính Tông, thân mẫu là Đoan Từ hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái thứ của chúa Bình An Vương Trịnh Tùng). Ông lên ngôi tháng 6 năm Kỷ Mùi (1619), trở thành vị hoàng đế thứ 17 của nhà Hậu Lê. Ít ai hay rằng vị vua này lên ngôi sau khi cha mình bị ông ngoại giết hại.
Thời Lê Thần Tông ở ngôi, quyền bính đều nằm trong tay chúa Trịnh, tuy nhiên vị hoàng đế này có rất nhiều điều thú vị khác thường, ông có đến hai lần lên ngôi báu, lần đầu ở ngôi đến tháng 10 năm Qúy Mùi (1643) thì truyền ngôi cho con là Lê Chân Tông rồi lên làm Thái thượng hoàng; trở thành vị Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Hậu Lê. Tháng 10 năm Kỉ Sửu (1649) sau khi con là Lê Chân Tông mất, chúa Trịnh và quần thần lại rước Thái thượng hoàng lên ngôi lần thứ hai, ông làm vua đến 9 năm Nhâm Dần (1662); tính tổng cộng hai lần làm vua, Lê Thần Tông ở ngôi được 37 năm.
Cũng trong thời gian làm vua, ông đặt tất cả 7 niên hiệu, chỉ kém vua Lý Nhân Tông, vị vua đặt nhiều niên hiệu nhất trong số các đế vương nước ta 1 niên hiệu mà thôi. Cùng với Trần Minh Tông, Lê Thần Tông là vị vua có nhiều con làm vua nhất, cả hai đều có 4 người con thay nhau làm vua, trong đó con của Lê Thần Tông là: Lê Chân Tông (Duy Hựu), Lê Huyền Tông (Duy Vũ), Lê Gia Tông (Duy Cối) và Lê Hy Tông (Duy Hiệp).
Ngoài 4 người con trai nói trên Lê Thần Tông còn có 6 người con gái, nhà vua còn có thêm 3 người con nuôi nữa, đặc biệt nhất trong đó có 1 người Hà Lan tên là Các Hắc Sinh (tức Charles Hartsink).
Đánh giá về Lê Thần Tông, sách Đại Việt sử ký toàn thư có lời bình rằng: “Vua sống mũi cao, mặt rồng, thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi. Song chốn cung vi không có chế độ, mê hoặc Phật giáo, đó là chỗ kém”.
Chuyen la lung ve cac vi vua tuoi Mui trong su Viet
 Tượng vua Lê Thần Tông ở chùa Mật (Thanh Hóa).
Việc sử sách chê Lê Thần Tông “chốn cung vi không có chế độ” vừa là để nhắc tới chuyện lập Hoàng hậu một cách miễn cưỡng, cũng đồng thời ám chỉ về việc ông lấy những người vợ ngoại quốc mà trong con mắt đương thời, họ thuộc sắc tộc không cao quý. Về Hoàng hậu của Lê Thần Tông, đây là người mà vua bị ép buộc phải lấy vào tháng 5 năm Canh Ngọ (1630), bấy giờ chúa Trịnh Tráng ép vua lấy con gái của mình là Trịnh Thị Ngọc Trúc khi vua mới 23 tuổi còn bà Ngọc Trúc đã ở tuổi 36. Tuổi tác chênh lệch đã đành nhưng điều trái khoáy là xét theo thứ bậc trong hoàng tộc đây lại là bác dâu của vua vì người chồng trước của bà là Cường quận công Lê Trụ lại là bác họ của Lê Thần Tông. Trong hậu cung của vua ngoài các phi tần người Việt còn có 5 người vợ thuộc một dân tộc khác nhau, đó là: Xiêm (Thái Lan ngày nay), Mường, Hán (Hoa), Lào và Hà Lan.
Với điểm đặc biệt này, Lê Thần Tông trở thành vị vua có nhiều vợ thuộc nhiều dân tộc nhất, và ông còn được coi là người đầu tiên ở nước ta lấy vợ phương Tây, bà vợ này là người Hà Lan (có tài liệu nói bà là người Hà Lan lai Triều Tiên tên là Orona). Tượng của bà hiện nay đặt ở đền nhà Lê thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa.
Kết cục bi thảm của “mệ Mến” Nguyễn Hiệp Hòa
Vị hoàng đế thứ 6 của nhà Nguyễn có niên hiệu là Hiệp Hòa, ông tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, còn có tên khác là Nguyễn Phúc Thăng; tên thuở nhỏ là “mệ Mến”.
Vua Hiệp Hòa sinh ngày 24 tháng 9 năm Đinh Mùi (01/01/1847), là con thứ 29 và cũng là con út của Nguyễn Hiến Tổ (Thiệu Trị); thân mẫu là Đoan Tần Trương Thị Thuận (có sách chép là Trương Thị Thận). Nhà vua là em của Nguyễn Dực Tông (Tự Đức).
Chuyen la lung ve cac vi vua tuoi Mui trong su Viet-Hinh-2
Chân dung vua Hiệp Hòa. 
Sau khi phế truất vua Dục Đức, ngày 29 tháng 6 năm Qúy Mùi (30/7/1883), Nguyễn Phúc Hồng Dật được các đại thần do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đứng đầu đưa lên ngôi đặt niên hiệu là Hiệp Hòa. Tuy nhiên làm vua mới chừng 4 tháng thì Hiệp Hòa gặp họa sát thân, bấy giờ vì có ý muốn giảm bớt thế lực của mấy quan phụ chính đại thần nên ông đã thay đổi vị trí trong triều của họ, mặt khác bấy giờ sau khi đánh chiếm cửa biển Thuận An, quân Pháp gửi tối hậu thư buộc triều đình nhà Nguyễn phải ký hòa ước chấp nhận Nam Kỳ là thuộc địa, Trung Kỳ và Bắc Kỳ là đất bảo hộ của Pháp.
Thấy khó chống lại, vua Hiệp Hòa sai một phái bộ do đại thần là Trần Đình Túc làm Chánh sứ cùng đại diện Chính phủ Pháp là Harmand ký hòa ước Qúy Mùi (còn gọi là hòa ước Harmand) chấp thuận yêu sách của Pháp. Việc làm tự ý đó không những làm cho uy tín vua trong triều đình cũng như với dân chúng bị tổn hại nghiêm trọng mà còn khiến phe chủ chiến trong triều do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đứng đầu bất bình. Hai người đã họp các đại thần đến họp, kể tội vua rồi vào cung tâu lên Hoàng thái hậu Từ Dũ. Sách Việt sử tân biên có đoạn viết: “Triều thần nhóm họp bất thường hạch tội vua Hiệp Hòa. Nhà vua bị buộc ba tội: Thâm lạm công nhu, Không chịu nghe lời khuyến cáo của các quan phụ chính, Tư thông với đại diện của Pháp. Vua Hiệp Hòa không cãi được, triều đình buộc ông phải thoái vị...Sau khi ký tên và đóng dấu son vào tờ tuyên ngôn, vua Hiệp Hòa không được nói một lời nào nữa. Trong khi ông trở về Nội cung thì bản án tử hình ông đã được quyết định”.
Được sự chấp thuận của Hoàng Thái hậu Từ Dũ đồng ý phế truất ngôi vua của Hiệp Hòa, Tôn Thất Thuyết lệnh cho quân lính vào cung bắt vua. Hiệp Hòa buộc phải viết chiếu thoái vị và xin về ở phủ cũ của mình nhưng không được mà bị đưa vào giam ở Dục Đức Đường, tại đây vào chiều ngày 30 tháng 10 năm Quý Mùi (29/11/1883), ông bị ép uống thuốc độc mà chết, thọ 36 tuổi. Thi hài Hiệp Hòa được chôn cất sơ sài ở làng Dương Xuân Hạ, huyện Hương Thủy, ngoại thành kinh đô Huế (sau này mới được sửa sang, xây lại lăng mộ quy mô hơn).
Vua Hàm Nghi và chuyện hai lần làm lễ đăng quang
Nguyễn Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, còn có tên khác là Nguyễn Phúc Minh, sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi (03/8/1871). Vua là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng, thân mẫu Nguyễn là bà Phan Thị Nhàn. Vua Hàm Nghi là em ruột của hai vua Nguyễn Giản Tông (Kiến Phúc), Nguyễn Cảnh Tông (Đồng Khánh).
Khi vua Nguyễn Giản Tông bị mất đột ngột vào ngày 10 tháng 6 năm Giáp Thân (31/7/1884), các phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường quyết định chọn Ưng Lịch đưa lên ngôi, đặt niên hiệu là Hàm Nghi.
Lễ đăng quang của vua Hàm Nghi diễn ra vào ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân (02.8.1884), triều đình Huế không thông báo sự kiện này cho phía Pháp như theo thỏa luận trong Hòa ước Giáp Thân (06.6.1884), do đó đại diện Pháp là Khâm sứ Trung kỳ Rheinart không thừa nhận vua mới. Để gây sức ép buộc triều đình Huế phải tổ chức lễ đăng quang lại với sự có mặt của đại diện Pháp, ngày 26 tháng 6 (16.8.1884) Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp lúc đó là tướng Millot đã sai đại tá Guerrier đem 600 lính và 2 cỗ pháo đến uy hiếp và hạn sau 12 tiếng đồng hồ phải tổ chức lại lễ đăng quang. Dù nhượng bộ nhưng phải đến 9 giờ sáng ngày 28 tháng 6 năm Giáp Thân (18.8.1884) triều đình Huế mới tổ chức lại lễ lên ngôi cho Ưng Lịch với sự hiện diện của Pháp đọc diễn văn công nhận Ưng Lịch là hoàng đế của nước Đại Nam.
Chuyen la lung ve cac vi vua tuoi Mui trong su Viet-Hinh-3
Tranh vẽ chân dung vua Hàm Nghi.
Vì mối quan hệ không được thuận từ đầu, hơn nữa do Pháp ngày càng can thiệp vào công việc triều đình, biết không thể nhượng bộ hơn được nữa, đêm 22 rạng 23 tháng 5 năm Ất Dậu (23/6/1885) người đứng đầu phe chủ chiến là Tôn Thất Thuyết cho quân nổ súng tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và toà Khâm sứ. Do chênh lệch lực lượng nên sự cuộc tấn công thất bại, ông cùng các quan tướng trung thành phò vua Hàm Nghi xuất bôn để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp. Viết về ông, người Pháp cũng phải thú nhận rằng: “Tên của ông ta đã trở thành ngọn cờ của nền độc lập quốc gia... Từ Bắc chí Nam, đâu đâu dân chúng cũng nổi lên theo lời gọi của ông vua xuất hạnh” (Ch. Gosselin. L' Empire de l' Annam. Paris, Perrin et Cie, p. 239, 237).
Ngày 26 tháng 9 năm Mậu Tý (30/10/1888), vua bị tên phản thần là Trương Quang Ngọc bắt nộp cho Pháp. Sau đó Pháp đưa vua đi an trí tại Thuận An một thời gian ngắn, rồi đày sang Algérie, một thuộc địa của chúng ở Bắc Phi vào ngày 12 tháng 2 năm Kỷ Sửu (13/01/1889). Ông ở đây cho đến khi mất vào ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (4/01/1943), thọ 72 tuổi (có tài liệu nói vua mất do căn bệnh ung thư dạ dày). Thi hài được an táng trong khuôn viên biệt thự Gia Long ở Alger (nay là thủ đô của Algérie), về sau người thân của Hàm Nghi cải táng thi hài đưa sang Pháp chôn cất tại Sarlat (Sarlat-la-Canéda), thuộc vùng Aquitaine. Đến năm 2008, di cốt của vị hoàng đế yêu nước một lần nữa được cải táng, đưa về Việt Nam chôn cất tại Huế.
Lê Thái Dũng

Những cái nhất của các vua tuổi Mùi trong sử Việt

(Kiến Thức) - Trong lịch sử các triều đại Việt Nam, có một số vị vua tuổi Mùi, và điều lạ là hầu như tất cả họ đều có những điểm khá đặc biệt.

Theo quan niệm dân gian, người tuổi Mùi là những người khoáng đạt, mạnh mẽ, không thích sự bó buộc nhưng lại đa sầu, đa cảm và có nhược điểm là do dự, chần chừ…
Trong lịch sử các triều đại Việt Nam, có một số vị vua tuổi Mùi, và điều lạ là hầu như tất cả họ đều có những điểm khá đặc biệt.
Cái nhất của Hùng Hoa Vương, vua đầu của đời thứ 4
Theo huyền sử có 18 đời vua Hùng, nhưng một số tài liệu cổ sử và thần tích, ngọc phả cho biết không phải là 18 đời vua mà là 18 ngành vua, chữ “đời” phải hiểu là chữ “thế” trong Hán tự có nghĩa là không phải một đời người mà là “một dòng gồm nhiều đời”. Các bản Ngọc phả Hùng Vương, các sách như Tân đính Lĩnh Nam chích quái đều viết là 18 ngành vua Hùng. Như vậy là còn con số 18 đời Hùng Vương là nói tới 18 vua đầu của mỗi ngành, mỗi ngành gồm nhiều đời vua mang chung vương hiệu, khi hết một nhành mới đặt vương hiệu mới.
Trong bản Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua Hùng, theo đó vua đầu tiên ngành thứ tư có hiệu là Hùng Hoa Vương, vua tên húy là Bửu Lang, sinh giờ Mão, ngày mồng 6 tháng Giêng năm Tân Mùi; “Hùng Hoa Vương có 24 cung phi, sinh được 49 hoàng tử, 20 công chúa, hoàng tôn miêu duệ gồm 59 chi, cộng 1.591 cháu chắt. Bấy giờ vua cai trị thiên hạ, bách tính thần dân không phải nộp thuế, không cần phải động binh, chỉ lấy việc nông tang làm gốc, bốn phương giàu có, thiên hạ hùng cường”.
Nhung cai nhat cua cac vua tuoi Mui trong su Viet
Tranh minh họa. Nguồn: Vanhoaviet.
Bản Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời thánh vương triều Hùng, soạn vào tháng 3 năm Nhâm Thìn (1472) đời Lê Thánh Tông cũng có đoạn ca tụng về Hùng Hoa Vương như sau: “[Vua] nối thừa chính thống, ghi nhớ tiền công, lấy giáo hóa để khuyến khích tác phong kẻ sĩ, lấy nhân nghĩa để đào luyện phong tục của dân. Tu tạo miếu điện, xét phong thăng trật bách thần, giáo hóa khắp dưới gầm trời không đâu thiếu người tài giỏi. Trong bầu gió xuân hóa khí, từng ngày đều thấy vui vẻ. Cảnh tượng thái bình, tỏ rõ ở đời, thực so với đời trước cũng đạt đến sự thịnh trị vậy”.
Các triều đại sau này đã suy tôn đế hiệu cho Hùng Hoa Vương là Hùng Hoa Vương Bảo tôn Minh vương Hoàng đế. Xét theo các ngành vua Hùng được ghi chép trong các bản Ngọc phả thì ngành thứ 4 của Hùng Hoa Vương là ngành có nhiều đời vua nhất, tổng cộng có 8 đời vua nối nhau trị vì trong khoảng 300 năm.
Lý Nam Đế và những cái mở đầu
Lý Nam Đế tên thật là Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn, lại có tên khác là Lý Phần, ông xuất thân trong một gia đình thế gia, “đời đời là hào hữu”. Theo dã sử, vua sinh vào giờ Thìn, ngày 12 tháng 9 năm Qúy Mùi (17/10/503), là thứ trong gia đình, cha là Lý Toản, tù trưởng bộ lạc, mẹ là Lê Thị Oánh, người Ái Châu (nay là Thanh Hóa).
Tháng 3 năm Nhâm Tuất (10/4/542) cuộc khởi nghĩa do Lý Bí phát động đã bùng nổ và nhanh chóng lan rộng và giành thắng lợi hoàn toàn. Ngay sau khi giành độc lập cho đất nước, Lý Bí đã cho quân đánh bại liên tiếp 2 cuộc tấn công xâm lược ở phía Bắc của quân Lương vào tháng 12 năm Nhâm Tuất (542) và cuộc xâm lấn của quân Lâm Ấp ở phía Nam vào tháng 4 năm Qúy Hợi (543).
Khi tình hình đất nước đã ổn định, đến tháng giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí mới chính thức làm lễ lên ngôi xưng là Nam Việt Đế, trở thành vị hoàng đế đầu tiên của nước, đặt niên hiệu là Thiên Đức (có sách chép là Đại Đức), đây cũng là niên hiệu đầu tiên trong lịch sử nước ta. Trong thời gian làm vua, Lý Bí đã thực hiện nhiều hoạt động mở đầu, như là vua đầu tiên dựng cung điện để làm nơi thiết triều, nghị bàn việc nước vào năm Giáp Tý (544) đặt tên là cung Vạn Thọ. Là vị vua đầu tiên phân chia quan chức theo hai ban văn, võ; cho đúc và lưu hành đồng tiền đầu tiên của nước ta mang niên hiệu của vua và được gọi là Thiên Đức thông bảo…
Bấy giờ, sau một thời gian dài chuẩn bị lực lượng, nhà Lương sai tướng Trần Bá Tiên đem đại quân sang đánh báo thù nhằm tái lập ách đô hộ của chún ở nước ta. Sau trận kịch chiến tại hồ Điển Triệt (một hồ lớn nay ở xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) vào cuối năm Bính Dần (546), Lý Nam Đế thua trận phải rút về động Khuất Lão (nay thuộc làng Đào Xá, huyện Tam Nông, Phú Thọ) rồi ủy thác việc chống giặc cho tướng quân Triệu Quang Phục. Gần hai năm sau, vua nhiễm mạo chướng, mất vào ngày 9 tháng 3 năm Mậu Thìn (02/04/548), thọ 45 tuổi, để lại sự nghiệp còn dang dở.
Quân tướng thương tiếc đã làm lễ an táng vua tại động Khuất Lão; tương truyền khi an táng xong thì trời đất bỗng nổi gió, tối tăm, mây đen kéo tới rồi mưa như trút nước liên tục trong 3 ngày 3 đêm. Sau khi mưa dứt, phần mộ của Lý Nam Đế, mối đã xông thành một gò đống cao.
Nhung cai nhat cua cac vua tuoi Mui trong su Viet-Hinh-2
 Tranh thờ Lý Nam Đế tại miếu Hai Thôn (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình).
Đánh giá về ông, sử sách ca ngợi Lý Nam Đế là người “tính rất thông minh, đủ tài văn võ, phía Bắc đánh đuổi Tiêu Tư, phía Nam dẹp được Lâm Ấp, dựng quốc hiệu, chính ngôi tôn, đặt trăm quan, định niên hiệu, có đại lược về quy hoạch của đế vương” (Việt giám thông khảo tổng luận). Sách Đại Việt sử ký tiền biên cũng bình rằng: “Vua chán ghét loạn lạc, thời nội thuộc dấy nghĩa binh đánh đuổi Tiêu Tư, phá tan Lâm Ấp, dựng nước đổi niên hiệu, đúng là bậc hào kiệt một thời”.
Tưởng nhớ và ghi công Lý Nam Đế, người anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự chủ cho đất nước, ở nhiều nơi nhân dân đã lập đền thờ phụng ông, hương khói không dứt. Chỉ tính riêng ở miền Bắc đã có hơn 200 đền miếu thờ Lý Nam Đế và các tướng của ông, thể sự tri ân, ngưỡng vọng sâu sắc:
Quốc hiệu Vạn Xuân, tích tại Long Biên, danh tại sử
Chí an thiên hạ, sinh vi Nam Đế, tử vi thần.
Nghĩa là:
Tên nước Vạn Xuân, dấu tích tại Long Biên, danh tiếng trong lịch sử
Dẹp yên thiên hạ, sống làm Đế nước Nam, thác được tôn làm thần.
Lê Trung Tông, vị hoàng đế ở ngôi ngắn nhất
Trong lịch sử nước ta, có hai người ở ngôi ngắn nhất là Lê Trung Tông, vị hoàng đế thứ 2 của nhà Tiền Lê và Dục Đức, vị vua thứ 5 của vương triều Nguyễn.
Về Lê Trung Tông, ông tên thật là Lê Long Việt, còn có tên khác là Lê Huyên, con trai thứ ba của Lê Đại Hành. Theo sử sách, Lê Trung Tông sinh năm Quý Mùi (983) tại kinh đô Hoa Lư, thân mẫu không rõ tên, sử chỉ gọi bà là Diệu Nữ, con gái một viên quan giữ chức Chi Hậu nội nhân tên là Diệu; sách Đại Việt sử lược chép bà là “sơ hầu di nữ” (con gái người hầu gái người Di) nên có thuyết nói bà là người phụ nữ gốc Chiêm Thành.
Không những ở ngôi trong thời gian ngắn nhất mà chuyện lên ngôi của Lê Trung Tông ngay từ đầu đã gặp trở ngại, không lâu sau ông lại có hậu vận bi thương. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Sau khi Đại Hành Hoàng Đế băng hà, vua (Trung Tông) cùng hai vương Đông Thành, Trung Quốc và em cùng mẹ là Khai Minh vương tranh nhau lên ngôi, giằng co 8 tháng, trong nước không có chủ. Mùa đông, tháng 10, Đông Thành Vương (Long Ngân) thua chạy vào đất Cử Long. Vua đuổi bắt, lại chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi thì bị người châu Thạch Hà giết ở cửa biển Cơ La. Khi ấy, người nước cũng quy phụ Ngự Bắc Vương ở trại Phù Lan. Vua lên ngôi được 3 ngày thì bị Long Đĩnh giết”.
Như vậy là vào tháng 10 năm Ất Tị (1005), sau 8 tháng tranh giành quyền lực với các anh em, Lê Long Việt lên ngôi được 3 ngày thì bị giết chết, thọ 23 tuổi. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Vua Long Việt lên ngôi được 3 ngày; Long Đĩnh sai kẻ trộm trèo tường vào trong cung, giết chết, rồi cướp ngôi”.
Vì ở ngôi trong thời gian rất ngắn nên Lê Trung Tông hầu như chưa kịp làm một việc gì trong cương vị một hoàng đế, thậm chí cả niên hiệu của mình cũng chưa kịp đặt. Sử gọi ông theo thụy hiệu là Trung Tông hoàng đế.
Đánh giá, bình luận về Lê Trung Tông, các sách Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử ký tiền biên viết rằng: “Vua không biết phòng giữ cẩn mật đến nỗi bị nạn, có tính nhân hậu mà không biết làm vua, đáng tiếc thay!”. Trong Việt giám thông khảo tổng luận, một sử thần triều Hậu Lê là Lê Tung viết: “Trung Tông vâng di chiếu của Lê Đại Hành, vào nối ngôi vua, tha tội cướp ngôi giết vua cho em cùng mẹ, mà chính lệnh quá phần nhu nhược”.
Điều thú vị là mặc dù trên thực tế ở ngôi có 3 ngày nhưng theo cách tính của sử gia phong kiến lại cho rằng: “Lê Trung Tông lên ngôi được 3 ngày thì bị giết, nhưng các vương tranh nhau làm vua đến 8 tháng, những tháng ấy ở vào trong năm Trung Tông nối ngôi, cho nên chép Trung Tông là vua, để định tội của Ngọa Triều cướp ngôi giết anh, mà tính kể là Trung Tông nối ngôi được 1 năm” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trần Hiến Tông, vua đầu tiên chưa kịp lên ngôi Thái thượng hoàng
Trần Hiến Tông là hoàng đế thứ 6 của nhà Trần, ông tên thật là Trần Vượng, sinh ngày 17 tháng 5 năm Kỉ Mùi (1319). Vua là con thứ của Trần Minh Tông, thân mẫu là Minh Từ hoàng phi họ Lê (không rõ tên), bà là người ở đất Đại Lại, Ái châu (Thanh Hóa ngày nay).
Năm Kỷ Tị (1329), ngày mồng 7 tháng 2 Trần Minh Tông xuống chiếu phong hoàng tử Trần Vượng làm Hoàng Thái tử, đến ngày 15 cùng tháng đó thì nhường ngôi cho. Thái tử lên ngôi (tức Trần Hiến Tông) được quần thần dâng tôn hiệu là Thể nguyên ngự cực duệ thánh chí hiếu hoàng đế.
Nhung cai nhat cua cac vua tuoi Mui trong su Viet-Hinh-3
 Trần Hiến Tông (1329 – 1341). 
Trong thời gian 12 năm ở ngôi báu, Trần Hiến Tông chỉ đặt một niên hiệu là Khai Hựu (1329 - 1341). Sử chép rằng, mùa hạ ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị (1341) Trần Hiến Tông băng hà, thọ 22 tuổi. Thi hài được quàn tạm ở cung Kiến Xương, đến ngày 16 tháng 8 năm Giáp Thân (1344) được đưa về táng tại An Lăng ở phủ Kiến Xương (nay thuộc Kiến Xương, Thái Bình), về sau được dời về An Sinh (nay thuộc Đông Triều, Quảng Ninh) gọi là lăng Ngải Sơn. Như vậy gần 4 năm sau ngày mất, thi hài vua mới được an táng. Trong sách Đại Việt sử ký tục biên có lời bàn rằng: “Thiên tử băng 7 tháng mới mai táng; xưa kia Chu Hoàn Vương 7 năm mới mai táng là vì nhà Chu có loạn Tử Nghi, Hắc Kiến đấy!. Hiến Tông đến khi ấy mới mai táng, là để được 4 năm rồi, chưa nghe nói vì cớ gì. Có lẽ thượng hoàng còn, nên phải theo mệnh lệnh của Thượng hoàng đấy chăng?”.
Theo lệ nhà Trần, các vua ở ngôi một thời gian nhất định rồi chọn lấy người có tài đức mà nhường ngôi, còn mình lên làm Thái thượng hoàng để kèm cặp, bồi dưỡng cho vua mới. Tuy nhiên vì mất sớm nên Trần Hiến Tông là vị vua đầu tiên của triều Trần chưa kịp nhường ngôi cho con để lên làm thượng hoàng, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua tư chất tinh anh sáng suốt, vận nước thái bình, nhưng ở ngôi không lâu, chưa thấy thi thố việc gì, đáng tiếc thay!”.
Trong Đại Việt sử ký tiền biên có lời bình rằng: “Vua tuy có thiên tư tốt, nhưng vì tuổi trẻ nối ngôi, chính sự trong nước đều ở Thượng hoàng, hầu như vua chưa làm đến chính sự. Đúng như câu nói: “Cha còn sống con không được chuyên quyền”. Còn biết bàn vào đâu được…Nếu như trời cho nhà vua thêm tuổi, để đợi đến khi tự mình nắm quyền thì sự thi thố, sắp đặt ắt có điều khả quan. Tiếc là hưởng nước không được lâu”.
Lê Thái Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét