Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Vì sao Tiền Giang nhiều hoàng hậu nhất trời Nam?

Tất nhiên là thiếu nữ Tiền Giang phải đẹp (điều kiện cần để trở thành hoàng hậu), nhưng còn yếu tố nào nữa? Và vì sao thiếu nữ ở đây lại làm mê hồn các vì vua?
Tính từ khi vùng đất Nam bộ trở thành lãnh thổ của nước ta, không có tỉnh thành nào trên cả nước có nhiều “hoàng hậu” như tỉnh Tiền Giang. Trước ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, cả hai “đệ nhất phu nhân” ở hai miền đất nước đều sinh ra ở Tiền Giang.
Vì sao một vùng đất mới khai phá bên bờ sông Tiền lại có nhiều “hoàng hậu” nhất nước? Tất nhiên là thiếu nữ Tiền Giang phải đẹp (điều kiện cần để trở thành hoàng hậu), nhưng còn yếu tố nào nữa? Và vì sao thiếu nữ ở đây lại làm mê hồn các vì vua?
Bà hoàng sống gần trọn triều Nguyễn
Trong lịch sử thế giới, không có bà hoàng nào đứng vững, có quyền chi phối quốc gia, sống qua hơn 5 đời vua. Thế nhưng, ở nước Việt Nam lại có một bà hoàng hậu (sau đó là thái hậu) sống qua 8 đời vua. Không chỉ sống, bà còn chi phối công việc, tư cách, đạo đức của các vị vua là con, cháu, chắt của mình. Đó là bà Từ Dũ. Cha bà là ông Phạm Đăng Hưng, thi đỗ Tam trường trong kỳ thi kinh dưới thời vua Gia Long, được triều đình cử làm quan ở nhiều nơi, sau về kinh thành Huế. Tên đúng của bà là Thái hậu Từ Dụ, sau này bị đọc lệch thành Từ Dũ.
Bà tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ (tức ngày 20 tháng 6 năm 1810) tại giồng Sơn Quy (Gò Rùa), làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (sau thuộc tỉnh Gò Công, nay thuộc Tiền Giang). Cô bé Phạm Thị Hằng dù sống ở vùng quê nghèo Gò Công nhưng vẫn được học hành đàng hoàng. Cô nổi tiếng hiếu hạnh, làu thông kinh sử, rất mực hiền thục.
Ngay từ thuở nhỏ, bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận, ham đọc sách. Năm 14 tuổi, bà rời Gò Công, theo cha ra kinh thành Huế. Cũng trong năm đó, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu Trần Thị Đang - vợ kế của vua Gia Long - tuyển triệu vào hầu hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Miên Tông, con vua Minh Mạng, và là cháu trai của bà. Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng, năm sau lại sinh cô công chúa thứ hai. Năm Kỷ Sửu (1829), bà sinh người con thứ ba là trai, đặt tên là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, người về sau trở thành vua Tự Đức.
Năm 1841, Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, bà trở thành cung tần, được phong làm Giai phi, rồi Nhất giai phi. Năm 1847, vua Thiệu Trị mất, con bà là Hồng Nhậm được chọn nối nghiệp, trở thành vua Tự Đức. Lên ngôi vua, Tự Đức nhiều lần ngỏ ý định tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định chối từ. Mãi đến năm 1849, nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo (sách vàng và ấn vàng) và tôn hiệu là Hoàng Thái hậu. Năm 1883, vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Bà mất năm 1902, thọ 92 tuổi.
Bà Từ Dũ được người đời ngưỡng mộ như là bà hoàng tài đức vẹn toàn, yêu nước thương dân, sống giản dị, khiêm tốn. Những đức tính của bà đã ảnh hưởng rất lớn đến tư cách của vua Tự Đức. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép: “Đức Từ Dụ thuộc sử sách đã nhiều mà biết việc đời cũng rộng. Khi Đức Từ Dụ ban câu chi hay, thì ngài biên ngay vào một quyển giấy gọi là Từ Huấn Lục.
Một hôm rảnh việc nước, ngài ngự bắn tại rừng Thuận Trực, gặp phải khi nước lụt. Còn hai ngày nữa thì có kỵ đức Hiến Tổ, mà ngài chưa ngự về. Đức Từ Dụ nóng ruột, sai quan đại thần là Nguyễn Tri Phương đi rước. Nguyễn Tri Phương đi được nửa đường, vừa gặp thuyền ngự đương chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được. Gần tối, thuyền ngự mới tới bến. Khi ấy trời đang mưa, mà ngài vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dụ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả. Ngài lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi ngài nằm xuống xin chịu đòn.
Cách một hồi lâu, Đức Từ Dụ xoay mặt ra, lấy tay hất cái roi mà ban rằng: “Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kỵ”. Ngài lạy tạ lui về, nội đêm đó, ngài phê thưởng cho các quan quân đi hầu ngự...”.
Lo lắng đến cuộc sống nhân dân, bà thường hỏi vua Tự Đức về việc đắt thất và dạy bảo những điều thiết thực về chính trị. Năm 1874, khi hay tin Pháp xâm chiếm toàn cõi Nam Kỳ và buộc triều đình Huế ký hòa ước nhượng địa, bà bỏ cả ăn uống, mặt ủ mày chau theo vận nước khuynh nguy...
Ở Huế, bà nổi tiếng là một bà thái hậu rất thương dân. Hằng năm, đến lễ mừng thăng cấp, mừng thọ của bà, bà đều tìm cách thoái thác hoặc trì hoãn, thực chất là sợ khổ dân... Tính tình Hoàng Thái hậu Từ Dũ đoan chính, nhàn nhã, cử chỉ khiêm cung lễ độ, ở trong cung ai cũng cảm mến và quý trọng đức độ. Trong cuộc sống hằng ngày, bà rất tiết kiệm tiêu dùng và nghiêm khắc đối với sự lãng phí, xa hoa. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt.
Bà nói: “Từ xưa đến nay, quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm, vị nào cũng giàu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu? Nên phải quyết trừ”. Bà khuyên triều thần “một sợi tơ, một hột gạo cũng đều là máu mỡ của dân, cho nên lãng phí đã không ích gì, mà lại đáng tiếc lắm vậy, chi bằng cất vào kho để dùng vào việc nước”. Bà phê phán gắt gao kẻ dựa vào quyền thế gia tộc của bà để cầu vinh, hoặc che chở kẻ phạm pháp.
Bà cũng bảo vua Tự Đức rằng: “Người trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc; chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết”. Song song đó, bà rất trân trọng các quan trung thần, muốn có nhiều người như Võ Trọng Bình thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn và Nguyễn Tri Phương công trung cần cán, không từ việc mệt nhọc.
Bà nói: “Nếu được nhiều người như vậy, đặt ra mỗi tỉnh một người thì việc nước, việc dân được bổ ích rất nhiều, mà vua cũng khỏi lo nhọc ngày đêm, ngặt vì còn có những tham quan bóc lột của dân không chán, mà lại không biết hối cải. Những của bất nghĩa không được tồn tại, được vài đời đã khánh tận, sau con cháu cùng khổ, thiên hạ chê cười, chi bằng làm điều nhân nghĩa, lưu truyền phước trạch lâu dài...”.
Hiện, ở Huế còn lưu truyền bài vè dài 700 câu ca ngợi công đức của bà. Các sử gia triều Nguyễn không tiếc lời ca ngợi bà. Vua Tự Đức đã viết hẳn cuốn sách Từ Huấn Lục ghi lại những lời mẹ dạy. Bệnh viện phụ sản lớn nhất nước hiện nay (Bệnh viện Từ Dũ - TP.HCM) cũng mang tên bà.
Bà hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn
Đúng 110 năm sau ngày bà Từ Dũ nhập cung hầu vua, vào ngày 20.3.1934, một cô gái Gò Công khác tên Nguyễn Hữu Thị Lan cũng nhập cung cận kề bệ Rồng. Khác với tất cả 12 hoàng hậu triều Nguyễn trước đó chỉ được phong hoàng hậu sau khi qua đời, bà hoàng cuối cùng của triều đại được vua ban cho ân sủng đặc biệt.
Một ngày sau lễ cưới, vua Bảo Đại phong tước vị “Nam Phương Hoàng hậu” cho Nguyễn Hữu Thị Lan lúc bà mới hơn 19 tuổi. Với vẻ đẹp đằm thắm, tính tình hiền lành của thiếu nữ vùng Gò Công, tố chất thông minh của cô tú tài “Tây học” (bà học tại Trường Couvent Des Oiseaux – trường nữ danh tiếng ở Paris) cùng vẻ đài các của con gái một điền chủ giàu có bậc nhất Nam kỳ, bà đã làm cho vị vua nổi tiếng phong lưu ngây ngất ngay từ lần gặp đầu tiên. Bà từng ba năm liền đoạt giải Hoa hậu Đông Dương.
Bà sinh ngày 4 tháng 12 năm 1914 tại Gò Công, Tiền Giang, xuất thân trong một gia đình công giáo (nên còn có tên là Marie Thérèse) giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ. Bà là con ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính, cháu ngoại ông Lê Phát Đạt (huyện Sĩ) ở Nam Kỳ - một trong bốn người giàu nhất nước Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 20.
Nguyễn Hữu Hào đi du học ở Pháp về, rồi mở đồn điền trà và cà phê ở cao nguyên Trung phần. Các điền chủ khác thường ít chữ nên chỉ loay hoay với ruộng đất, vườn tược, sống nhờ bổng lộc từ đó mà ra. Nhưng ông bà Nguyễn Hữu Hào có vốn Tây học, có đầu óc nên mới nghĩ đến khai thác đồn điền. Gia đình Nguyễn Hữu Hào chỉ có hai người con gái, Nguyễn Hữu Thị Lan là thứ hai, chị là Agnès Nguyễn Hữu Hào lấy chồng Pháp.
Năm 12 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan được gia đình cho sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux - một trường nữ danh tiếng ở Paris. Tháng 9 năm 1932, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Thị Lan về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Vua Bảo Đại hồi loan cũng đi cùng chuyến tàu đó nhưng hai người không gặp nhau.
Nam Phương hoàng hậu.
Về Việt Nam được gần một năm, khi vua Bảo Đại lên nghỉ mát tại Đà Lạt, trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace tại Đà Lạt do Toàn quyền Đông Dương chiêu đãi, Nguyễn Hữu Thị Lan và Bảo Đại đã gặp nhau.
Về cuộc tình duyên đó, Bảo Đại có viết trong cuốn Con rồng Việt Nam: “Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỉ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng”.
Hoàng hậu Nam Phương cũng nhắc lại: “Hôm đó, ông Darle, Đốc Lí thành phố Đà Lạt gởi giấy mời cậu Lê Phát An tôi và tôi đến dự dạ tiệc ở Hôtel Palace. Tôi không muốn đi nhưng cậu An tôi năn nỉ và hứa với tôi là chỉ đến tham dự một chút và vái chào nhà vua xong là về nên tôi phải đi một cách miễn cưỡng và tôi cũng chỉ trang điểm sơ sài và chỉ mặc cái áo dài bằng lụa đen mua bên Pháp thôi.
Chúng tôi đến trễ nên buổi tiệc đã bắt đầu từ lâu. Cậu tôi kéo ghế định ngồi ngoài hiên thì ông Darle trông thấy, ông ta chạy đến chào chúng tôi rồi nắm tay cậu tôi kéo chúng tôi vô nhà. Vừa đi ông vừa nói: “Ông và cô phải đến bái yết Hoàng thượng mới được”. Khi cánh cửa phòng khách vừa mở, tôi thấy vua Bảo Đại ngồi trên chiếc ghế bành chính giữa nhà.
Ông Darle bước tới bên cạnh Vua rồi nghiêng mình cúi chào và kính cẩn nói: “Tâu Hoàng thượng, đây là ông Lê Phát An và người cháu gái, cô Marie Thérèse”. Nhờ các nữ tu ở trường Couvent des Oiseaux từng chỉ dạy nên tôi biết phải làm gì để tỏ lòng tôn kính đối với bậc quân vương, vì vậy tôi đã không ngần ngại đến trước mặt Hoàng đế, quỳ một gối và cúi đầu sát nền nhà cho đến khi thấy bàn tay cậu tôi kéo tôi dậy, tôi mới đứng lên. Vua gật đầu chào tôi đúng lúc tiếng nhạc vừa nổi lên theo nhịp điệu Tango, Ngài ngỏ lời mời và dìu tôi ra sàn nhảy rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện.
Về sau, khi đã trở thành vợ chồng, Ngài mới cho tôi biết hôm đó Ngài rất chú ý cách phục sức đơn sơ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi được nhà vua lưu ý một phần do trong suốt buổi dạ tiệc, chỉ có tôi là người đàn bà Việt Nam duy nhất nói tiếng Pháp và theo hành lễ đúng cung cách lễ nghi Âu Tây đối với Ngài”. Và khi Bảo Đại hỏi cưới thì gia đình Nguyễn Hữu Thị Lan ra điều kiện: Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu Chánh cung ngay trong ngày cưới.
Hôn lễ được tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934 ở Huế. Khi đó Bảo Đại đúng 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi. Ngay ngày hôm sau, lễ tấn phong Hoàng hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Dưỡng Tâm. Nhà vua phong Hoàng hậu tước vị Nam Phương Hoàng hậu. Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới là một biệt lệ đối với các vợ vua triều Nguyễn. Vì 12 đời vua Nguyễn trước, các bà vợ vua chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu.
Hoàng hậu Nam Phương cùng Bảo Đại có tất cả 5 người con, 2 trai, 3 gái. Khi đó, công việc hàng ngày của hoàng hậu Nam Phương là dạy dỗ các hoàng tử, công chúa. Thỉnh thoảng, bà phải cùng các quan ở Bộ Lễ bàn thảo các lễ tiệc trong cung đình, lo việc cúng giỗ các Tiên đế và đi vấn an sức khỏe các bà Tiên cung và Hoàng thái hậu Từ Cung, tức mẹ vua Bảo Đại. Hoàng hậu Nam Phương còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Hàng năm, bà đều tham dự các buổi phát giải thưởng cho các học sinh giỏi. Bà chính là người đề nghị đem môn nữ công gia chánh vào học đường.
Có lẽ lịch sử đã tạo ra bà để có người làm Hoàng hậu cho Vua Bảo Đại. Và chỉ có bà, với đức tính thông minh và bản lĩnh, đã tác động tích cực đến vua trong những thời khắc hệ trọng của đất nước. Tháng 8/1945, bà đã khuyên giải, nài nỉ vua thoái vị để tránh cảnh máu đổ. Bà đã khuyến khích ông Phạm Khắc Hòe (Ngự tiền Văn phòng Đổng lý của Vua) liên lạc với Cách mạng. Đạo dụ cuối cùng của vua Bảo Đại là Chiếu “Thoái vị” với câu nổi tiếng “Làm người dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ” là do ông Phạm Khắc Hòe bàn bạc với bà mà biên soạn.
Ngày 17/9/1945, TP.Huế phát động “Tuần lễ vàng”. Bà là người đầu tiên đến bên bàn lễ trải khăn đỏ, tháo tất cả nữ trang trên mình ủng hộ Chính phủ. Theo gương bà, nhiều người giàu ở Huế đã tham gia “Tuần lễ vàng”, giúp cho số vàng quyên góp được ở Huế khá cao – 925 lạng.
Khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, bà đã gửi thông điệp đến bạn bè khắp thế giới: “Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay, máu của người dân Việt Nam lại tiếp tục chảy… Tôi thiết tha yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh”. Bà mất năm 1963 tại Pháp vì bệnh tim.
Bà “đệ nhất phu nhân” giản dị nhất
Từ cổ chí kim, khi nói đến “hoàng hậu”, đến “đệ nhất phu nhân”, bao giờ người đời cũng nghĩ đến quyền cao chức trọng, giàu sang nhung lụa, ăn sung mặc sướng, kẻ hầu người hạ… Chỉ ở nước Nam, trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, mới có một “đệ nhất phu nhân” giản dị nhất. Đó là cô giáo Đoàn Thị Giàu ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang - phu nhân của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Từ ngày bà lấy chồng cho đến năm 1954, trong suốt hơn 30 năm, thời gian bà gần bên chồng chỉ có thể tính bằng số ngày.
Vì công việc cách mạng, lại bị thực dân Pháp truy lùng, nhà cách mạng Tôn Đức Thắng liên tục thay đổi địa bàn hoạt động, năm thì mười họa mới gặp vợ con một lần. Rồi ông bị thực dân Pháp bắt giam đày đi khổ sai ngoài Côn Đảo suốt 16 năm, cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công mới trở về đất liền. Bà ở nhà vừa đối phó sự khống chế, o ép của giặc, vừa một mình tần tảo nuôi 3 đứa con (2 gái, 1 trai), có lúc trôi dạt tận Nam Vang bán hàng rong kiếm sống... Đứa con trai của bà bị bệnh chết trong cảnh nghèo trong giai đoạn đó.
Ngôi nhà nơi cô giáo Đoàn Thị Giàu (vợ Chủ tịch Tôn Đức Thắng) sinh ra.
Năm 1945, nhà cách mạng Tôn Đức Thắng ra tù, chỉ ghé Tiền Giang thăm vợ con đúng một ngày sau 16 năm ly biệt, rồi vội vã lên đường công tác. Đầu năm 1946, Bác Tôn lên đường ra Hà Nội nhận nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ cùng với 2 con, không kịp chia tay vợ.
Ở lại quê nhà, bà vào chiến khu tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp với biết bao gian khổ, hiểm nguy. Ngày con gái lấy chồng ở chiến khu Việt Bắc, bà không có bên cạnh. Năm 1954, bà tập kết ra Bắc, từ đó bà mới thực sự ở bên chồng con, lúc tuổi đã già. Là vợ của Chủ tịch nước, nhưng bà vẫn sống cuộc sống bình dị như nhiều người dân Hà Nội trong điều kiện khó khăn bởi chiến tranh. Món quà Bác Tôn mang về từ Liên Xô bà yêu thích nhất là chiếc cối xay tiêu bằng gỗ, giá 7 rúp.
Với chiếc cối ấy, bà có thể hàng ngày làm món cá kho tiêu Bác Tôn ưa thích mà không sợ “đâm tiêu văng ra ngoài”. Bà còn là người chịu thiệt thòi lớn khi không kịp trở về quê hương trong ngày vui đại thắng bởi bà mất năm 1974.
Vì sao Tiền Giang có nhiều “hoàng hậu”?
Cùng lúc với ở một nửa phía Bắc của đất nước có một người phụ nữ Tiền Giang làm vợ Chủ tịch nước, ở miền Nam cũng có “đệ nhất phu nhân” là con gái bên sông Tiền. Đó là bà Nguyễn Thị Mai Anh - phu nhân Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Bà sinh ra ở Mỹ Tho, lập gia đình với Nguyễn Văn Thiệu năm 1951. Bà là người phụ nữ xinh đẹp và có học. Bà là người đứng ra xây Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất - TP.HCM). Bà hiện đang sống ẩn dật ở Boston – Hoa Kỳ.
Cảnh thành phố Mỹ Tho.
Vì sao tỉnh Tiền Giang lại được lịch sử “ưu ái” khi có nhiều “hoàng hậu” sinh ra ở đây? Ta hãy nghe người trong cuộc là vua Bảo Đại nói vì sao ông cưới vợ người Tiền Giang: “Các vị Tiên đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia, Đức Thế Tổ Cao Hoàng đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam”.
Như vậy là việc các vị vua triều Nguyễn chọn con gái miền Nam để tiến cung và làm hoàng hậu là có chủ đích chứ không phải ngẫu nhiên. Mà một khi chọn con gái miền Nam thì Tiền Giang có lợi thế hơn cả, vì những lý do sau:

1. Tiền Giang là vùng đất được khai phá sớm nhất Nam bộ. Các lưu dân miền Trung đã theo dòng sông Tiền đặt chân lên khai phá vùng đất màu mỡ này từ rất sớm. Đô thị Mỹ Tho hình thành đã 331 năm, trước Sài Gòn những 18 năm. Rồi những người “Minh Hương” (phản Thanh, phục Minh) chạy nạn ra khỏi Trung Hoa, được chúa Nguyễn cho về định cư ở vùng Mỹ Tho, góp phần làm cho vùng đất này thêm phát triển. Nhờ đó mà nơi đây sớm xuất hiện giới điền chủ giàu có, nhiều người cho con học cao, ra làm quan, gắn bó với triều đình nhà Nguyễn. Vì vậy mà khi cần tìm gái đẹp để “tiến cung”, con gái Tiền Giang có nhiều cơ hội hơn những nơi khác.

2. Sông Tiền nước ngọt quanh năm, đất đai hai bên sông rất màu mỡ, cây lành trái ngọt, vì vậy mà con gái Tiền Giang “da trắng tóc dài”, nổi tiếng xinh đẹp. Với những gia đình khá giả, con gái của họ càng có điều kiện để khoe “sắc nước hương trời”. Các vị vua nhà Nguyễn thường mê sắc đẹp, nên họ bị con gái Tiền Giang “hớp hồn” cũng là lẽ thường.

3. Khi Pháp xâm lược Việt Nam, Mỹ Tho trở thành “thủ phủ” của miền Tây Nam bộ khi tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho được xây dựng. Các hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế ở đây đều nhộn nhịp. Nhiều nhân sĩ, nhà hoạt động cách mạng đã dừng chân ở Tiền Giang như Phan Chu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc, Tôn Đức Thắng... Điều đó đã làm cho Tiền Giang thành nơi nuôi dưỡng, bảo bọc, gắn bó với các nhà cách mạng. Trong xã hội Sài Gòn trước năm 1975, người Tiền Giang thành công ở Sài Gòn rất nhiều, từ đó, nhiều cô gái gốc Tiền Giang đã không khó để tiếp cận và bước lên thành “mệnh phụ phu nhân”.
Theo Phunutoday
"Miền gái đẹp" trời Nam sản sinh đệ nhất phu nhân nổi tiếng

Nam Phương hoàng hậu, bà Từ Dũ, vợ của Chủ tịch Tôn Đức Thắng... đều xuất thân từ Tiền Giang - người dân luôn tự hào vì có những người đẹp nổi tiếng.

Cách TP HCM khoảng 70 km, tỉnh Tiền Giang được sông Tiền thơ mộng (một trong 2 nhánh của sông Mekong) lượn quanh bồi đắp giúp nền kinh tế của địa phương có lịch sử lâu đời này thuộc tầm phát triển của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thêm điều tự hào nữa của người dân nơi này khi mảnh đất của họ là quê hương của những người đẹp, mà sau đó thành hoàng hậu như Nam Phương, Từ Dũ hoặc đệ nhất phu nhân như bà Đoàn Thị Giàu, Nguyễn Mai Anh.
 "mien gai dep" troi nam san sinh de nhat phu nhan noi tieng hinh anh 1
Hoàng hậu Nam Phương khi lên ngôi năm 1934. Ảnh: Tư liệu
Hoàng hậu đầu tiên của mảnh đất Tiền Giang là bà Từ Dũ, tên thật là Phạm Thị Hằng. Bà sinh năm 1810 tại thị xã Gò Công ngày nay và là con gái đầu của quốc công Phạm Đăng Hưng. Từ thuở nhỏ bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận, ham học.
Năm 14 tuổi, bà được cha đưa ra Huế hầu con trai Minh Mạng - sau này là vua Thiệu Trị. Một năm sau, bà sinh con gái đầu lòng. Đến năm 1829, bà sinh được con trai, sau này thành vua Tự Đức. Hai mươi năm sau bà được con trai tôn làm Hoàng Thái hậu.
Năm 1883, vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu. Bà mất năm 1902, hưởng thọ 92 tuổi, trải qua 8 đời vua triều Nguyễn. Bà được ngợi ca là bà hoàng tài đức vẹn toàn, yêu nước thương dân, sống giản dị, khiêm tốn.
Vua Tự Đức còn viết hẳn cuốn sách "Từ Huấn Lục" ghi lại những lời mẹ dạy. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt, đồng thời cũng là người rất trân trọng các bậc trung thần. Hiện, TP HCM có Bệnh viện phụ sản mang tên bà nằm ở quận 1.
Hoàng hậu thứ 2 của đất Tiền Giang và cũng là hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam Nam Phương hoàng hậu. Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan (tên thánh Marie Thérèse), sinh năm 1914 tại Gò Công ngày nay. Bà là con của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt - tức Huyện Sỹ, người giàu có nhất miền Nam xưa.
Năm 12 tuổi, bà được gia đình gửi sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, trường nữ danh tiếng ở Paris thời bấy giờ. Trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Hữu Thị Lan đã là cô gái có sắp đẹp “chim sa, cá lặn” ở Nam Kỳ.
Nhiều tài liệu chép lại rằng, ở bà toát lên vẻ đẹp truyền thống vừa hiện đại nên nhiều lần được vinh danh tại các cuộc thi sắc đẹp. Đặc biệt, bà 3 lần giành giải Hoa hậu Đông Dương, cuộc thi sắc đẹp số một ở Việt Nam thời đó.
 "mien gai dep" troi nam san sinh de nhat phu nhan noi tieng hinh anh 2
Tượng bà Từ Dũ ở bệnh viện Từ Dũ TP HCM.
Sự kiện đánh dấu bước ngoặc làm thay đổi cuộc đời người phụ nữ đẹp nhất Nam Kỳ là cuộc gặp vua Bảo Đại. Vị hoàng đế của Việt Nam thời ấy đã si mê bà ngay cái nhìn đầu tiên, hôn lễ được tổ chức năm 1934 ở Huế. Khi đó, vua Bảo Đại 21 tuổi, còn bà Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi.
Ngoài 2 hoàng hậu triều Nguyễn, Tiền Giang cũng là nơi sinh thành của 2 đệ nhất phu nhân nhưng ở hai bên chiến tuyến. Một người là vợ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, người còn lại là vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam cộng hòa.
Phu nhân Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là bà Đoàn Thị Giàu, sinh tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành. Bà vốn là một cô giáo, sống giản dị. Do hoạt động cách mạng, ông Tôn Đức Thắng phải di chuyển, đổi chỗ ở thường xuyên nên không thể gặp vợ con. Sau đó ông Thắng bị bắt giam ngoài Côn Đảo, một tay bà Giàu nuôi 3 đứa con, có khi phải lang bạt đến Campuchia kiếm sống.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông Tôn Đức Thắng ra tù, chỉ kịp ghé Tiền Giang thăm vợ con đúng một ngày sau 16 năm chia ly rồi vội vã lên đường ra Hà Nội nhận nhiệm vụ để lại bà lại miền Nam.
Năm 1954, bà tập kết ra Bắc, mới thực sự ở bên chồng. Là vợ của Chủ tịch nước nhưng bà sống cuộc sống bình dị như bao người dân Hà Nội bởi điều kiện chiến tranh đầy khó khăn. Bà mất năm 1974, không kịp trở về quê hương trong ngày vui đại thắng.
Bên dòng sông Tiền hiền hòa thời chiến tranh còn có một đệ nhất phu nhân đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu - bà Nguyễn Thị Mai Anh. Bà có được vẻ đẹp hồn hậu cũng bởi ảnh hưởng từ nếp sống của những người sống bên sông Tiền.
Một người từng phục vụ trong Dinh Độc Lập dưới thời ông Thiệu nhận xét rằng, bà lúc nào cũng giữ nếp sống bình dị của người phụ nữ phúc hậu, bao dung của sông nước vùng ĐBSCL.
"Với tôi, bà Thiệu là hình ảnh một người mẹ, một người vợ hiền đảm đang hơn là một Đệ nhất Phu nhân sống trong tột đỉnh giàu sang. Ở bà luôn luôn tỏa ra sự trong sáng và vui tươi, không câu nệ cách ứng xử của nhân viên thuộc cấp. Mỗi lần gặp mặt, bà luôn lên tiếng hỏi thăm sức khỏe chúng tôi trước, không kịp để chúng tôi chào bà", người này viết.
"Người trong cuộc" vua Bảo Đại lý giải rằng các vị vua trước thường cưới vợ người miền Nam nên ông cũng hướng về đó. "Trước kia, vua Gia Long được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam".
Một số chuyên gia lý giải, mảnh đất Tiền Giang được khai phá sớm nhất Nam Bộ, trước cả Sài Gòn những 18 năm. Vùng đất này xuất thân nhiều quan lại, địa chủ và những người này thường đưa con gái vào cung hầu vua nên con gái Tiền Giang có nhiều cơ hội làm hoàng hậu hơn.
Yếu tố địa lý cũng một phần làm nên tên tuổi của của con gái Tiền Giang. Vùng đất này được sông Tiền bao bọc, đất đai màu mỡ, cây lành trái ngọt, nên con gái nổi tiếng xinh đẹp. Các vị vua nhà Nguyễn thường mê sắc đẹp, nên bị con gái vùng này thu hút.
Thành phố Mỹ Tho ngày trước phát triển vượt bậc, là trung tâm kinh tế, văn hóa nên nhiều nhà hoạt động cách mạng dừng chân ở đây. Mảnh đất này nuôi nấng, bảo bọc họ nên nhiều nhà cách mạng phải lòng các cô gái Tiền Giang. 
Theo Sơn Hòa (VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét